Trở về trang Mục Lục

Bản PDF để in

Loạt truyện "Dạo Vào Đời"
của Nguyễn Ngọc Hoa

20. Giáng Ngọc

Đầu mùa hè 1969, tôi vừa học xong lớp đệ tam niên và sắp bước vào năm cuối chương trình kỹ sư Điện. Cũng như những nam sinh viên khác thuộc các đại học ở Sài gòn, tôi trình diện ở Trung tâm Huấn luyện Quang Trung (“Quang Trung”) ở Hóc Môn để theo học chương trình Huấn luyện Quân sự Học đường (“HLQSHĐ”) và tập làm lính bốn tuần lễ. Hoàn tất khóa huấn luyện này là điều kiện bắt buộc để được hoãn dịch vì lý do học vấn trong niên khóa tới.

Thực ra, chương trình HLQSHĐ đã bắt đầu từ năm trước. Ngay sau biến cố Tết Mậu Thân (1968), các trường đại học tạm đóng cửa, và nam sinh viên nô nức tham gia các lớp huấn luyện tại trường mình do sinh viên sĩ quan Trường Bộ Binh ở Thủ Đức về giảng dạy. Trong bộ đồng phục ka-ki vàng có cầu vai và mũ ca-lô (tiếng Pháp “calot,” mũ chào mào) đội nghiêng một bên, chúng tôi hăng hái học hỏi các bài học quân sự căn bản, nhưng chú trọng vào môn cơ bản thao diễn và đi diễn hành – vừa đi đều bước vừa hát hùng ca theo nhịp quân hành,

Đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn
Đoàn hùng binh trong sương lướt gió reo vang
Đi đi đi, lời thề nguyền, tung gươm thiêng, thi gan trai
Đời hùng cường quyết chiến đấu đoàn quân ra đi.
(Văn Giảng – “Lục Quân Việt Nam”)

Ở Quang Trung, huấn luyện viên và sĩ quan và hạ sĩ quan cán bộ tương đối dễ dãi với bọn lính học trò, bỏ qua những lỗi lầm nhỏ, và ít khi trách phạt. Ban đêm chúng tôi không phải ngủ dưới giao thông hào phòng thủ và ban ngày không phải chà láng. “Chà láng” là truyền thống đặc thù của quân trường này: những lúc rảnh rỗi, khóa sinh phải ra giao thông hào, dùng cà-mèn bằng thép không rỉ để chà đất cho thật láng. Tiếng Pháp “gamelle,” cà-mèn hay cặp lồng, là đồ dùng bằng kim loại có nắp đậy và quai xách để đựng thức ăn mang đi. Hơn nữa, chúng tôi được đi phép cuối tuần; những khóa sinh thực thụ không được xuất trại mà chỉ được tiếp thân nhân vào ngày Chủ Nhật trong khu tiếp tân ngoài trời mang tên Vườn Tao Ngộ.

Mỗi lần đi phép về, các bạn tôi bới theo nhiều thức ăn như mắm thái, mắm lóc, thịt chà bông, và phó-mát “La vache quit rit” (“Con bò cười”) để khỏi ăn cá mối nhà bàn. “Cá mối” Quang Trung là tên gọi các loại cá rẻ tiền như cá đù, cá chỉ, hay cá trích, xương nhiều hơn thịt, và chiên lên có mùi ươn và tanh. Tôi quen ăn cơm phạn xá rẻ tiền và dở ở Đại học xá nên thản nhiên ngốn ngấu cơm nhà bàn màu vàng vàng vì có vitamin cùng với cá mối chiên và canh cải lềnh bềnh vài cục mỡ heo.

Sau tuần lễ đầu tiên chìm đắm trong thế giới đàn ông khô khan và thô bạo, năm giờ chiều thứ Bảy, tôi háo hức cầm tờ giấy phép xuất trại hăm bốn tiếng đồng hồ. Nhưng niềm vui tắt biến khi chuyến xe lam chở tôi về tới Đại học xá. Xe lam là loại xe thùng nhỏ có ba bánh dùng làm phương tiện chuyên chở công cộng của giới bình dân. Tôi để nguyên bộ trây-di (tiếng Pháp “treillis,” quần áo trận) và mang bộ mặt sạm nắng ngơ ngáo và mái tóc cụt ngủn lủi thủi ra Ngã Sáu Chợ Lớn ăn tối và uống cà-phê một mình. Tôi thèm được trò chuyện hay tiếp cận với một người khác phái, nhưng không có ai. Ngày Chủ Nhật dài đằng đẵng, tôi chờ đến giờ trở lại Quang Trung.

Lần đi phép thứ hai, xe lam chạy qua Gò Vấp, một thiếu nữ nhỏ người, xinh xắn, và tóc ngắn trong bộ âu phục gọn gàng may đúng mốt đón xe bước lên. Tôi nhận ra thiếu nữ và do dự không biết có nên nhận người quen hay không. Nàng thấy tôi và reo lên,

“Ai như anh Ba-Hoa? Anh chớ còn ai vào đây nữa! Anh vô lính hồi nào?”

“Không, anh còn là sinh viên, chỉ đi tập quân sự,” tôi nói lúng búng.

“Làm em hết hồn! Ngó anh dan nắng đen thủi đen thui tội nghiệp quá chừng,” nàng đưa tay vuốt má tôi.

“Lâu rồi mới gặp lại em. Sao em ở Sài gòn?” tôi giữ tay nàng lại.

“Chuyện dài lắm, anh về nhà má Năm em nói cho nghe,” nàng gọi lớn ra phía trước, “Chú tài ơi cho chúng tôi xuống đây.”

Người thiếu nữ là Giáng Ngọc (không chắc là tên thực của nàng), một kiều nữ bán phấn buôn hương khoảng hăm mốt, hăm hai tuổi tôi quen ở Tuy Hòa trong những lần được chú Thiền đưa đi tìm hoa ở một biệt thự sang trọng và kín đáo trên đường Nguyễn Huệ. Chú có liên hệ tình tình ái với bà chủ, người mà Giáng Ngọc và các cô gái khác gọi là “má Năm,” và dắt tôi theo để thím Thiền khỏi nghi ngờ. Tôi không biết tên bà chủ và tiện miệng gọi là “thím Năm.” Lần nào tôi cũng chọn “đi” với Giáng Ngọc vì, không như các cô kia, nàng nói năng dịu dàng và ăn mặc kín đáo, không hở hang phô bày lộ liễu.

Vì vậy, chúng tôi trở thành “thân” nhau. Trong lúc chú Thiền và thím Năm vui thú trong phòng ngủ của thím, Giáng Ngọc dành thì giờ tâm sự riêng với tôi; các cô khác không bao giờ phí thì giờ chuyện vãn với khách như thế. Nàng quê ở Rạch giá, học trung học ở trường Nguyễn Trung Trực, mất cả gia đình vì chiến tranh loạn lạc, lưu lạc lên Sài gòn, và được thím Năm thu dụng, nhận làm con nuôi, và đưa ra Tuy Hòa làm ăn. Tôi nghe kể mà không mấy tin; chú Thiền nói,

“Mấy con nớ, con cũng có chuyện hay ho lâm ly bi đát như rứa hết!”

Giáng Ngọc đưa tôi về nhà thím Năm, một căn nhà khá lớn có nhiều cô gái ngồi chờ được gọi “đi khách” ở một căn nhà khác đâu gần đó. Gặp tôi, thím Năm mừng rỡ và, khi biết tôi không phải về nhà, nhất định giữ lại ăn cơm tối. Thím kể lể,

“Sau vụ Tết Mậu Thân, công việc làm ăn ế ẩm, thím không đủ sở hụi để nuôi sáu bảy ‘đứa con’ nên phải về Sài gòn sinh sống. Về đây mà thương nhớ chú Thiền con đứt ruột đứt gan!”

Giáng Ngọc lấy bia “33” cho tôi uống rồi lăng xăng xuống bếp nấu cơm đãi tôi. Cơm nước xong, nàng ghé tai tôi nói nhỏ,

“Cám ơn Trời Phật cho em gặp lại anh. Hôm nay em nghỉ làm nên ‘sạch mình’; tối cho anh hết, chịu không?”

Tối hôm đó tôi ngủ lại với nàng. Sáng hôm sau, nàng nằng nặc đòi theo tôi về Đại học xá; hai đứa dẫn nhau đi ăn, đi xi-nê, và đi lang thang khắp vùng Chợ Lớn cho đến khi tôi trở lại quân trường.

Thứ Bảy kế tiếp là đợt đi phép cuối cùng trước khi mãn khóa. Vừa ra khỏi cổng trại tôi đã thấy Giáng Ngọc đứng chờ ở bến xe lam. Trông nàng hơi lạ, tôi hỏi nhỏ,

“Sao em hôm nay đẹp quá vậy?”

“Em đội tóc giả, kẻ đậm mí mắt, đánh má hồng, và dùng màu son môi khác để không ai nhận ra và đi đón anh như trong bài ‘24 Giờ Phép.’ Em hát thử anh nghe,

Từ xa tôi về phép hai mươi bốn giờ
Tìm người thương trong người thương
Chân nghe quen từng viên sỏi đường nhà
Chiều nghiêng nghiêng nắng đổ
Và người yêu đứng chờ ngoài đầu ngõ bao giờ.”
(Trúc Phương)

“Hay hết sảy! Giờ thì anh cho em tất cả em ơi, ta đưa ta đến đỉnh tuyệt vời, và hoàn toàn theo lệnh em.”

Nàng cười sung sướng. Về Đại học xá cho tôi thay đồ xi-vin (thường phục), chúng tôi vào Chợ Lớn lấy phòng trong một khách sạn nhỏ trên đường Tống Duy Tân. Con đường nhỏ này, trước là hẻm Phước Kiến, có rất đông người Hoa sinh sống nên không ai để ý đến chúng tôi. Lúc ghi tên thuê khách sạn, chúng tôi xuất trình căn cước và khai là “vợ chồng.” Tên căn cước của nàng đúng là Giáng Ngọc, và tôi thoáng thấy tấm thẻ học sinh cũ trong bóp tay của nàng. Như lần trước, chúng tôi sống với nhau như đôi uyên ương, vui đùa như trẻ thơ, và tận hưởng giây phút hiện tại, không thắc mắc về tương lai – “ngày mai” hay “lần tới.”

* * *

Mối liên hệ giữa tôi và Giáng Ngọc cứ thế mà tiếp tục. Thường thì nàng đến Đại học xá tìm tôi, và chúng tôi đưa nhau “về nhà mình” trong khu xóm người Hoa, quên hết chuyện đời bên ngoài, và vui hưởng trọn vẹn một ngày bên nhau. Đôi khi tôi dẫn vài thằng bạn Đại học xá “đi thăm” thím Năm và luôn luôn được tiếp đãi niềm nỡ, mời ăn tối, và giữ ở lại đêm với Giáng Ngọc.

Đầu tháng Chạp ta, Giáng Ngọc ngưng đến Đại học xá. Tôi bù đầu học thi cuối lục cá nguyệt và bận rộn với các sinh hoạt sinh viên ở trường nên không trông nàng. Ngày hăm bốn Tết, một chú bé khoảng mười ba, mười bốn tuổi đến Đại học xá giao cho tôi một phong bì màu vàng dán kín, không đề tên người gửi hay người nhận. Tôi hỏi ai gửi thì cậu bé nói không biết và nhanh chân ra về. Trong phong bì có cuốn sổ trương mục tiết kiệm Tín Nghĩa Ngân hàng mang tên tôi và lá thư viết trên giấy vở học trò, nét chữ đẹp và nắn nót, và không ký tên.

Anh yêu thương,

Cho em gọi anh như vậy này vì anh là người yêu duy nhất trong đời. Anh đã đối xử với em như một thiếu nữ bình thường, mặc dù em là gái giang hồ trong chỗ dơ bẩn.

Anh tha lỗi cho em. Tuy chưa khi nào nói dối với anh, em đã giấu chuyện quan trọng nhất: em là đặc công và làm nghề bán dâm theo chỉ thị. Gặp anh ở Tuy Hòa, em tưởng đào được mỏ vàng tin tức, nhưng thấy anh khờ và thiệt thà quá, em không nỡ. Em yêu anh từ hồi đó!

Vì lỗi lầm đã qua, bây giờ em sắp phải trả bằng mạng sống của mình, nhưng không làm hại ai khác.

Đọc xong thư, anh phải đốt bỏ liền để khỏi liên hệ phiền phức. Em nói với má Năm em về quê sinh sống. Thằng nhỏ đưa thư cũng không biết gì cả.

T.B. Em chỉ còn có một người thân là “ông chồng” gặp lại trên chuyến xe lam để để lại số tiền dành dụm.

Tôi nghẹn ngào nhớ lại bản tin trên báo và đài truyền hình hai hôm trước: Một cặp thanh niên nam nữ mang chất nổ trên người, đèo nhau trên xe gắn máy, và liều mình tấn công trụ sở Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) ở góc đường Lê văn Duyệt và Sương Nguyệt Ánh. Tuy nhiên, bom phát nổ trước khi chúng vào tới trạm gác ở cổng ra vào, gây thiệt hại không đáng kể, và hai tên khủng bố bị chết tan xác.

Kết số trong cuốn sổ tiết kiệm thật lớn, đủ cho tôi tiêu dùng ba, bốn năm. Nhưng tôi thà có lại Giáng Ngọc bằng xương bằng thịt còn hơn làm chủ món tiền này. Tôi thẫn thờ thầm gọi tên nàng và buột miệng thành tiếng, “Em ra đi rồi thật sao?”

Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 5 tháng Tư, 2017

Trở về đầu trang