![]() |
Loạt truyện "Dạo Vào Đời"
của Nguyễn Ngọc Hoa
21. Thằng “Đồng Khô Cỏ Cháy”
Trong bốn tuần lễ Huấn luyện Quân sự Học đường ở quân trường, tôi và thằng Diễn luôn luôn gần gũi nhau. Ban đêm tôi ngủ tầng trên, nó nằm tầng dưới chiếc giường tầng bằng sắt sơn hắc ín. Ban ngày chúng tôi ở cạnh nhau khi tập họp đại đội, đi ra bãi tập, ngồi học ở ngoài bãi, v.v. Nó hay nhường nhịn bạn bè, cười hiền hòa khi bị trêu chọc, và bị gọi là thằng “Đồng Khô Cỏ Cháy.” Một phần vì nó quê ở Phan Rang, nơi có nhiệt độ cao, mưa ít, và không khí khô, và một phần do hình dạng bên ngoài – dáng người nhỏ thó, tóc quăn, và da mặt sạm đen.
Trút bỏ bộ trây-di (tiếng Pháp “treillis,” quần áo trận) được một tuần, lớp đệ tam niên chúng tôi được phân phối đi thực tập hè một tháng trong các xí nghiệp kỹ nghệ; phúc trình tập sự chấm điểm như một môn học chính thức. Tôi và thằng Diễn chọn tập sự ở nhà máy Kiên Lương gần Hà Tiên của Nhà máy Xi măng Hà Tiên. Hai thằng sẽ ở nơi đèo heo hút gió ấy trọn tháng; công ty có máy bay riêng hàng ngày chở nhân viên lên về và liên lạc với văn phòng trung ương ở đường Võ Di Nguy Sài gòn và nhà máy Thủ Đức trên xa lộ Sài gòn - Biên Hòa.
Trước ngày tôi lên đường, cô cháu họ Nhật Lệ và ý trung nhân là thằng Khanh đến tìm tôi. Nàng hớt hơ hớt hải,
“Xuýt nữa là hụt gặp ôông! Ôông đi tập quân sự không cho ai biết, giờ sắp đi tập sự cũng thủ khẩu như bình, giữ nhẹm không nói ra.”
“Em không ở Nha Trang lo cho ông nội, vào đây làm chi?” tôi làm bộ trách; ông nội nàng là anh Đá, anh họ của tôi.
“Mụ cố biết cả mùa hè ôông không đi dạy và không có tiền nên mụ lo lắm, biểu em vào coi ôông có bị cô nào hớp hồn bắt đi không,” nàng cười khúc khích; “mụ cố” (bà cố) là mẹ.
“Em ở lại đâu và khi nào về Nha Trang?” tôi nói lảng.
“Em ở nhà con Thu Sương trước học Nữ Trung học Nha Trang với em và đợi ôông đi tập sự xong mới về lại. Mụ cố dặn đãi ôông ăn ngon một bữa.”
“Vậy thì chiều nay gặp nhau ở Thanh Bạch; giờ tôi có hẹn với bạn lên văn phòng Xi-măng Hà Tiên làm giấy tờ,” tôi vội vàng nhận lời.
Lâu nay tôi sống chật vật và thèm ăn món thịt bít-tết (beefsteak) Chateaubriand làm kiểu Pháp ngon mềm đúng điệu ăn với xà-lách Đà Lạt nổi tiếng của nhà hàng Thanh Bạch trên đại lộ Lê Lợi. Tôi đến đó với thằng Diễn; Nhật Lệ, thằng Khanh, và Thu Sương – một thiếu nữ nhỏ người, xinh xắn, tóc ngắn, và nước da trắng ngần – ngồi đợi ở chiếc bàn dưới mái che nhô ra ngoài lề đường. Nhờ sự hoạt bát và tài khéo chọc cười của thằng Khanh, cả bọn ăn uống tự nhiên và vui cười thoải mái. Thu Sương cảm nhận ra bên trong gương mặt khô khan và khắc khổ của thằng Diễn là một tâm hồn bén nhạy, lãng mạn, và đáng yêu, hai người chuyện trò thân thiết như đã quen biết từ lâu. Khi chia tay, Nhật Lệ dặn tôi,
“Ôông nhớ viết thư về cho em để mụ cố yên tâm.”
Nhà máy Kiên Lương được xây thành hai khu nằm hai bên con kinh An Bình - Ba Hòn: khu nhà máy nằm sát chân núi Còm và khu cư xá ở ngay quận lỵ. Khu cư xá với đường sá thẳng tắp và rộng rãi gồm dãy biệt thự dành cho kỹ sư và viên chức hành chánh sân trước trồng cỏ xanh mướt, các dãy nhà dài làm nhà ở cho công nhân, trường học, sân thể thao, và Chợ Tròn (nhà lồng hình tròn) và các dãy phố quanh chợ.
Tôi và thằng Diễn ở trong một biệt thự trống, chỉ một phòng ngủ trên lầu có đồ đạc và trong đó vỏn vẹn có chiếc giường và cái bàn viết nên hai thằng ngủ chung giường như lúc ở quân trường. Tôi biết thêm nó ở bên Thị Nghè với gia đình người anh làm trung sĩ đồng lương không đủ chi dùng; nó kiếm tiền phụ giúp anh chị bằng cách viết truyện ngắn và làm thơ gửi đăng trên Văn Uyển, tuần báo đứng đắn và nghiêm chỉnh bậc nhất, và Tuổi Hồng, tuần báo ưa chuộng của nữ sinh “tuổi ô mai.” Tôi không ngờ nó giỏi như thế,
“Tướng tá mày cù lần thế kia mà viết truyện hay hết sảy!”
Tôi thấy rõ tính hay nhường nhịn của thằng Diễn khi ăn trưa tại nhà ăn, người ta thường nấu canh mướp đắng (tức là khổ qua) dồn thịt. Bữa đầu tiên tôi hỏi,
“Mày biết ăn mướp đắng không?”
“Ngon chớ! Sao lại không?”
“Ngày tao còn nhỏ, có lần ‘bà già’ xào mướp đắng cho cho ‘ông già,’ tao lén bốc lủm một miếng, gặp nhằm trái mướp đắng nghét, ói ra mật xanh mật vàng, và từ đó cạch đến giờ.”
“Vậy thì mày ăn nhân thịt, để canh và mướp đắng cho tao,” nó không ngần ngừ giành phần thua thiệt.
Ban ngày chúng tôi làm việc trong nhà máy, và ban đêm và Chủ Nhật quanh quẩn trong khu cư xá. Buổi tối, hai thằng dẫn nhau đi vòng vòng, vừa đi vừa nói chuyện đến tối mịt. Hai bên đường trồng khá nhiều liễu rủ (tiếng Pháp “saule pleureur,” cây liễu khóc) lá xanh dài rủ quét mặt đất, tôi tức cảnh đặt tên là “khấp huyết liễu.” “Khấp huyết” chữ Hán là khóc ra máu, hay khóc rất thảm thiết.
Cái tên bi cảm ấy gây cảm hứng cho thằng Diễn viết nên truyện cổ tích về một nàng công chúa xứ Thủy Chân Lạp bao gồm vùng Kiên Lương ngày nay.
Công chúa đem lòng yêu một anh thứ dân tài hoa mà nghèo khó nên cuộc tình không được vua cha chấp thuận. Nhà vua bèn vời chàng ta vào triều, hứa ban vàng bạc châu báu nếu chịu đi xa bỏ mộng lấy công chúa. Chàng một mực chối từ. Nhà vua nổi giận lưu đày ra một hòn đảo xa thật xa ngoài biển. Công chúa ngồi trên bờ nhìn ra biển, thương nhớ người yêu, đau đớn khóc than đến khi hai hàng lệ trở thành hai dòng máu, và qua đời. Sau đó tại chỗ nàng lìa đời mọc lên loại cây khấp huyết liễu.
Truyện gửi cho Tuổi Hồng được một tuần thì thằng Diễn nhận được thư tòa soạn khen chuyện hay và lạ, nhưng kết thúc buồn thảm quá e không hợp với độc giả nên đề nghị sửa đổi đoạn cuối. Nó buồn bực vì hết ý và hỏi ý kiến tôi; tôi bàn góp,
“Dễ òm! Áp dụng một nguyên tắc toán học đơn giản là phép thử chẵn lẻ, tiếng Anh gọi là ‘parity check,’ là giải quyết ngon ơ.”
“Mày nói thử tao nghe . . .”
“Nguyên tắc ấy nói nôm na là nếu không chẵn thì phải là lẻ, và ngược lại. Mà mày để tên tao làm đồng tác giả chứ?” tôi nói nửa đùa nửa thực.
“Dĩ nhiên mình sẽ ký tên chung.”
“Nhưng tao không lấy đồng nào trong món tiền nhuận bút của mày,” tôi không muốn cướp công của thằng bạn nghèo.
“Cũng được thôi,” nó thở dài chấp nhận.
Tôi đề nghị, thay vì lưu đày chàng thứ dân,
Nhà vua nghĩ ra một kế; ngài nén giận phán,
“Thôi được, trẫm cho ngươi cơ hội cuối cùng là để thần linh chứng nghiệm. Trong chiếc túi bít kín này trẫm sẽ cho vào một hạt đậu đen và một hạt đậu trắng. Ngày mai trẫm lâm triều, trước mặt bá quan văn võ ngươi sẽ thò tay vào túi và chọn cầu âu (phó mặc may rủi) một hạt đậu. Nếu là đậu trắng, ngươi được phép kết hôn với công chúa và làm phò mã hưởng vinh hoa phú quý. Ngược lại, nếu là đậu đen, trẫm kêu đao phủ thủ xử trảm.”
Nhưng nhà vua lại chơi trò “ma giáo”: cho hai hạt đậu đen vào túi. Công chúa biết được điều này và báo cho người yêu biết. Chàng không thể từ chối cuộc thử thách hay công bố âm mưu của nhà vua; cả hai đều là tội khi quân, càng dễ bị chém đầu hơn. Tuy nhiên, nhờ học khoa toán số với một thầy đồ dạy học trong ngôi làng ngày nay là Hà Tiên, chàng tìm ra cách ứng phó như sau.
Dù biết cả hai hạt đậu là đậu đen, khi lấy ra một hạt, chàng hô lên rằng mình chọn được hạt đậu trắng và cho hạt đậu ấy vào miệng nuốt đi thật lẹ để không ai kịp thấy. Sau đó, xin vua mở túi cho triều thần trông thấy hạt đậu đen còn lại để chứng tỏ sự “may mắn” thần linh xếp đặt cho mình.
Thằng Diễn thích quá, nhờ tôi đặt tựa cho truyện mới – “Hắc Bạch Nan Phân,” đen trắng hay xấu tốt khó phân biệt. Năm đệ tứ niên, tôi được bầu làm trưởng ban báo chí trong Ban Đại diện Sinh viên trường Cao đẳng Điện học với nhiệm vụ thu góp bài vở, chọn bài, đem in, và phát hành đặc san xuân vào cuối năm âm lịch. Nó giao cho tôi bản thảo truyện ngắn đó với tên tác giả Nguyễn Diên Hòa, tên của hai thằng ghép lại. Tôi thắc mắc,
“Không phải mày đã gửi truyện này đăng báo rồi à?”
“Tao không gửi cho Tuổi Hồng, mặc dù tòa soạn thúc giục nhiều lần,” nó cười buồn.
“Sao vậy?” tôi la lên; mấy trăm đồng tiền nhuận bút đâu có ít ỏi gì.
“Ký tên chung nghĩa là hưởng tác quyền đồng đều. Mày không nhận nhuận bút thì tao cũng không có quyền nhận; tốt nhất là không gửi đi,” nó trả lời nhỏ nhẹ.
* * *
Tháng Tám năm ấy, chúng tôi tốt nghiệp. Nhà máy Xi-măng Hà Tiên gửi công văn đến trường xin tuyển dụng hai kỹ sư điện làm việc ở Kiên Lương. Tôi quyết định đi học cao học ở Đại học Khoa học và làm nghề dạy học; thằng Diễn và một thằng bạn khác nộp đơn và được thu dụng. Khi thời hạn hoãn dịch vì lý do học vấn chấm dứt, nó trình diện nhập ngũ. Thông thường giáo chức và kỹ sư bị gọi nhập ngũ được biệt phái về phục vụ nhiệm sở cũ sau thời gian thụ huấn quân sự, nhưng đến lượt thằng Diễn, nó bị giữ lại làm sĩ quan truyền tin.
Sau Tháng Tư Đen 1975, thằng Diễn đi tù “cải tạo” gần ba năm, nhưng chưa đủ ba năm để sau này hội đủ điều kiện sang Hoa kỳ định cư theo diện HO (đọc là "hát ô," thường được hiểu là “Humanitarian Operation,” Chiến dịch Nhân đạo). Từ nhà tù nhỏ ra nhà tù lớn là Sài gòn, sau nhiều tháng lang thang, nó được bạn bè giới thiệu vào Hội Trí thức Yêu Nước của thành phố với nhiệm vụ làm lồng đèn cho trẻ con chơi trong dịp Tết, lễ Trung Thu, v.v. nên bị gọi là “Diễn Lồng Đèn.”
Lông bông thêm vài năm, thằng Diễn được Công ty Nhà máy Xi măng Hà Tiên 1 (tên mới của nhà máy Thủ Đức) nhận vào làm việc dưới quyền cán bộ từ ngoài Bắc vào. Bọn lưu manh này câu kết với nhau, tham nhũng, ăn cắp, bán “bông” xi-măng, và khi nội vụ đổ bể trút hết tội lỗi lên đầu thằng “sĩ quan Ngụy” phản động. Ra tòa nó bị kêu án mười năm tù.
Năm 2005, tôi có việc về Sài gòn và gặp lại thằng Diễn. Nó mới ra tù, nhưng thản nhiên, bao dung, và không một chút hận đời. Trông Thu Sương – vợ nó – âu yếm nhìn chồng, tôi nhớ lại buổi tối mùa hè ở nhà hàng Thanh Bạch. Hai người yêu nhau từ phút đầu gặp gỡ, yêu thương và nâng đỡ lẫn nhau, và cùng nhau chịu đựng những nghịch cảnh của cuộc đời. Thu Sương mỉm cười,
“Ngày đó tôi và con Nhật Lệ cãi nhau, đứa nào cũng giành ‘phe ta’ là tác giả truyện cổ tích đó. Trong thư viết từ Kiên Lương, hai anh đều kể chuyện ‘đậu trắng đậu đen’ mà không nói người viết là ai. Mới đó mà đã hơn băm lăm năm!”
Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 12 tháng Tư, 2017