Trở về trang Mục Lục

Bản PDF để in

Loạt truyện "Dạo Vào Đời"
của Nguyễn Ngọc Hoa

22. Thà Làm Đứa Con Bất Hiếu

Hàng năm mỗi kỳ thi Tú tài I và Tú tài II được tổ chức thành hai đợt vào khoảng đầu và cuối mùa nghỉ hè, gọi là khóa I và khóa II. Nếu thi rớt hay vì một lý do nào đó không thi khóa I, thí sinh có khoảng hai tháng để sửa soạn thi khóa II. Khi những cơn mưa chiều cuối mùa bắt đầu thưa dần, các nam sinh thi rớt khóa I lại trắng mắt lo âu và gắng gượng vật lộn với bài vở để thi khóa II, cơ hội cuối cùng đưa tới ngã rẽ cuộc đời mong muốn.

Nam sinh đệ nhị (lớp 11) thi Tú tài I được bảng vàng đề tên sẽ có quyền tiếp tục học lên đệ nhất (lớp 12), và sau này nếu bị động viên cũng đủ điều kiện học khóa sĩ quan trừ bị ở Trường Bộ Binh ở Thủ Đức. Nhược bằng thở dài ai oán thi không ăn ớt thế mà cay thì phải vào Trường Hạ sĩ quan ở Đồng Đế, Nha Trang,

Rớt tú tài anh đi trung sĩ,
Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con.
Bao giờ xong chuyện nước non,
Anh về anh có Mỹ con anh bồng.

Nam sinh đệ nhất vượt vũ môn qua Tú tài II sẽ thấy tương lai xán lạn hơn: Có thể tiếp tục con đường học vấn ở các đại học không thi tuyển (các kỳ thi tuyển đã tổ chức vào giữa mùa hè) như Đại học Khoa học, Luật khoa, Văn khoa, hay một số đại học tư. Hoặc giả muốn theo binh nghiệp, có thể vào Trường Võ bị Quốc gia ở Đà lạt với chương trình học bốn năm, tốt nghiệp thiếu úy hiện dịch có văn bằng tương đương với Cử nhân Khoa học. Ngược lại, trượt vỏ chuối là đồng nghĩa với nỗi đau đớn đắng cay,

Người từ trăm năm về ngang trường Luật
Ta hỏng tú tài, ta hụt tình yêu
Thi hỏng mất rồi, ta đợi ngày đi
Đau lòng ta muốn khóc.
(“Thà Như Giọt Mưa” - Pham Duy phổ nhạc)

“Đợi ngày đi” là chờ ngày trình diện nhập ngũ. Nhưng không ai có thể ngờ rằng kỳ thi Tú tài II cuối hè 1969 lại trở thành một biến cố lớn lao trong đời sinh viên của tôi. Khởi đầu là chuyến ghé thăm anh Hán, định vay mượn một ít tiền để sống qua ngày sau cả mùa hè không đi dạy, không có lợi tức, và còn lâu mới có tiền lương dạy học. Thấy tôi, anh mừng rỡ,

“Cậu đến thật đúng lúc, tôi định đi kiếm cậu đây.”

“Không lý anh biết em cần tiền và tìm em để tiếp tế?” tôi cười cười.

“Ăn tiêu như cậu thì khi nào mà chẳng cần tiền? Lần này có cú áp-phe lớn tôi muốn giới thiệu cho cậu,” anh nghiêm mặt trả lời; “áp-phe” do tiếng Pháp “affaire” là công việc làm ăn và thường ám chỉ cuộc giao dịch không ngay thẳng xảy ra ở hậu trường.

“Anh nhớ là chuyện gì rắc rối phiền toái là không có em,” tôi ngại ngùng báo trước.

“Vụ này sức mấy mà cậu từ chối nổi. Cứ đi gặp anh Bản với tôi rồi hẳn hay.”

Anh Hán đưa tôi đi gặp anh Bản, một giáo sư có uy tín nổi tiếng, ở quán Cây Còn trong khu xóm Trương Minh Giảng và rồi có việc cần đi, để tôi với anh Bản bàn chuyện với nhau. Anh Bản gọi bia “33” cho tôi và món chả nướng ăn khai vị trước khi vào đề,

“Tôi biết cậu đang túng tiền, và bọn tôi cần tài giải toán nhanh và chính xác của cậu. Ngoài cậu ra, không ai cáng đáng nổi.”

“Anh nói quá lời, nhưng . . .”

“Tôi cần nói ngay, vai trò của cậu trong dự án này hoàn toàn không có gì bất hợp pháp. Chỉ làm việc dưới một tiếng đồng hồ, bọn tôi trả cậu một trăm ngàn; ứng trước 10 phần trăm tức là mười ngàn,” anh nghiêm mặt.

“Em ngại thực tình, anh nói rõ hơn về công việc này được không?”

“Để bảo mật, tôi chỉ có thể nói sau khi cậu nhận lời và nhận tiền ứng trước. Nếu không, xem như anh em gặp nhau đánh chén cờ tây và nói dóc thôi.” “Cờ tây” nói lái là cầy tơ, tức là thịt chó.

Đề nghị của anh Bản chẳng khác gì tấm vé số kiến thiết quốc gia trúng lô độc đắc trên trời rơi xuống, không thể không nhận, huống gì tôi đang ở trong cơn cùng quẫn. Nội món tiền ứng trước cũng đủ cho tôi sống cả năm. Tôi nhận cái phong bì đựng tiền cất vào túi anh mới nói,

“Công việc chính của cậu là giải bài toán thi Tú tài II ban B trong khóa II sắp tới. Giải toán và viết ra thật đầy đủ, có thứ tự, và rõ ràng trên giấy thi – trong vòng bốn mươi phút.” Ban B là ban Khoa học Toán.

Tôi ngạc nhiên vô cùng vì biết rằng hệ thống thi cử rất nghiêm ngặt, khó có kẽ hở để gian lận hay thi thế. Đề thi được Nha Khảo thí thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục chọn lựa, niêm phong mật, gửi xuống các hội đồng khảo thí địa phương, và chỉ được mở niêm trước giờ thi. Trong mỗi hội đồng (đặt tại một trường trung học), phòng thi và chỗ ngồi của thí sinh được chỉ định bằng số báo danh xếp theo tên theo thứ tự ABC, và giấy thi và giấy nháp được cung cấp trong phòng thi. Phần trên tờ giấy thi, gọi là “phách,” là cái khung hình chữ nhật để ghi tên tuổi, ngày và nơi sinh, số báo danh, v.v. Sau khi mã số được ghi vào phách và phần bài làm bên dưới, phách được rọc đi và cất riêng để giám khảo chấm bài không biết tên tuổi người làm bài.

Ngoài ra, mỗi phòng thi có hai giám thị trông coi, và mỗi dãy phòng thi có một giám thị hành lang canh giữ. Bài thi của thí sinh phải có chữ ký của cả hai giám thị phòng thi để ngăn ngừa tráo bài. Sau khi bài chấm xong, phách được mang ra ráp lại theo đúng mã số, khi đó mới biết tên và điểm thi của thí sinh, rồi lập bảng điểm và tính trung bình để quyết định đậu hay rớt. Trên thang điểm 20 (tối đa), điểm dưới 10 thì hỏng và các thí sinh đậu (có điểm từ 10 trở lên) được xếp hạng như sau: Thứ = 10 - 11.99, Bình Thứ = 12 - 13.99, Bình = 14 - 15.99, Ưu = 16 - 17.99, và Tối Ưu = 18 -20.

Biết là tôi còn nghi ngại, anh Bản trấn an,

“Ngoài nhiệm vụ giao phó, cậu không cần lo lắng chuyện gì khác; mọi việc đã có bọn tôi lo liệu. Chỉ có tôi với cậu biết cuộc thương lượng tối nay, tuyệt đối cậu không được tiết lộ với ai khác. Trong dự án này, cậu mang biệt danh ‘Bạch Hạc,’ tôi là ‘Đại Bàng,’ và không ai dùng tên thực của mình. Trở lại việc chính là giải toán, thực ra bọn tôi chỉ trả cậu tám mươi ngàn.”

“Vậy là sao? Không lẽ anh tặng em phần thù lao còn lại để tiêu chơi?” tôi cười khì.

“Hai mươi ngàn để giữ cậu làm chân dự khuyết, phòng khi ‘Nhạn Trắng’ phụ trách giải bài Lý Hóa bị ốm hay bận việc không tham dự được. Trong trường hợp đó, cậu sẽ lãnh thêm tám chục ngàn thù lao của anh ấy.”

Trong mấy tuần lễ trước ngày thi, tôi mài miệt ôn lại chương trình Toán và Lý Hóa đệ nhất trong tất cả các sách giáo khoa bán trên thị trường. Kỳ thi kéo dài ba ngày. Sáng ngày thứ nhất thi môn chính, ban B là môn Toán. Sáng sớm, tôi đến “trung tâm hành quân” (“Trung tâm”) là một biệt thự nằm kín đáo trên đường Hồng Bàng gần hội đồng (trường) Chu văn An và gặp các anh giáo sư quen biết. Các anh nói chuyện vui vẻ và cởi mở, đề cập tới các thí sinh khách hàng bằng biệt danh “Con Gà” số 1, số 2, v.v., nhưng tuyệt nhiên không bàn thảo vai trò của mình hay của người khác. Như trong phim xi-nê hành động Âu Mỹ, sự việc xảy ra dồn dập và theo đúng răm rắp thời gian định sẵn.

8:30 – Kiểng đánh báo hiệu giờ thi bắt đầu. Giám thị phòng thi mở niêm phong và phát đề thi cho thí sinh.

8:45 – Nhờ vị giám thị hành lang, một bản đề thi lọt ra ngoài và được Hồng Hoàng giữ nhiệm vụ liên lạc và chuyên chở đợi ở cổng trường tiếp nhận.

8:55 – Đề thi về tới Trung tâm và giao cho Bạch Hạc là tôi. Tôi thận trọng dùng trọn bốn mươi phút để thi hành nhiệm vụ.

9:30 – Thí sinh đã ở trong phòng thi một tiếng đồng hồ. Nếu Con Gà số 1 chưa nộp bài đi ra thì một trong hai giám thị đến tận bàn nhắc khéo. Hồng Hoàng đợi sẵn lập tức chở Con Gà về Trung tâm.

9:35 – Bạch Hạc viết xong bài giải trên giấy thi, kiểm soát lần cuối, và giao cho Sáo Vàng có nhiệm vụ dắt dẫn Con Gà chép lại bài giải vào giấy thi.

9:40 – Sáo Vàng đứng kèm Con Gà để chắc chắn nó chép đúng từng chữ, từng dấu chấm, và từng dấu phết. Chép xong, Con Gà được cho về nhà ăn cơm trưa và chuẩn bị thi buổi chiều.

11:20 – Hồng Hoàng mang bài thi của Con Gà đến trước cổng trường chờ lúc hành động.

11:30 – Kiểng đánh báo hiệu hết giờ thi. Vài thí sinh đứng dậy nộp bài đi ra; nhiều người cố nán lại, viết thêm, và chưa chịu nộp; và giám thị lớn tiếng thúc giục, ra tay thu bài, và có khi giật bài bắt phải nộp. Trong lúc phòng thi nhôn nháo, Hồng Hoàng nhảy vào trong sân giao bài thi mới cho giám thị hành lang, và ông này vào phòng thi đổi lấy bài cũ nộp hồi sáng.

Bằng phương pháp này, Đại Bàng có thể cho Con Gà đậu đúng thứ hạng theo “đơn đặt hàng.” Phần lớn chỉ cần đậu Thứ hay Bình Thứ nên chỉ cần tráo bài một hay hai môn chính có hệ số cao là đủ; ban B có môn Toán hệ số 4 nghĩa là số điểm sẽ nhân 4 lần, và môn Lý Hóa hệ số 3 số điểm nhân lên 3 lần. Thí dụ, một thí sinh ban B được 20 điểm môn Sử Địa hệ số 1, mà môn Toán chỉ có 2 điểm thì tổng số điểm là 20 × 1 + 2 × 4 = 28, chia cho 5 hệ số thành trung bình 5.60 – rớt vì dưới 10. Ngược lại, nếu Sử Địa chỉ có 2 điểm mà Toán được 18 điểm thì tổng số điểm là 2 × 1 + 18 × 4 = 74, chia cho 5 thành trung bình 14.80 – đậu hạng Bình.

Hoàn tất công tác, tôi rời Trung tâm. Ra tới sân, tôi tự thưởng cho mình một điếu thuốc lá, hút phì phèo, và nhìn bầu trời ban mai trong xanh. Giữa lúc ấy, Con Gà số 1 được Hồng Hoàng chở về tới nơi. Nhìn biết người quen – thằng Hoàng con trai duy nhất của bác Cẩn – nhưng tôi vờ không thấy và lên xe gắn máy chạy đi.

Sáng ngày thứ hai thi môn Lý Hóa, Nhạn Trắng vì “lý do gia đình” không thể tham dự nên tôi thầu luôn phần giải bài Lý Hóa. Lần này tôi làm nhanh hơn và, trước khi các Con Gà về tới, dzọt lẹ ra khỏi Trung tâm, ra quán Cà-phê Nhân trên đường Lý Thái Tổ, và nhẩn nha đọc báo, uống cà phê, và ăn sáng cho đến trưa.

Bác Cẩn là bạn của cha thuở còn để chỏm ngoài Quảng Bình. Học cùng khóa Võ bị Liên quân Đà Lạt với cha, nhưng bác thăng chức nhanh hơn, lên cấp tướng, và thuyên chuyển về Sài gòn giữ một chức vụ quan trọng nhất của Bộ Nội vụ. Thằng Hoàng là niềm hãnh diện vô biên của bác, không bao giờ bác bỏ lỡ một dịp khoe tài năng của thằng con “thông minh, học giỏi, ngoan ngoãn, và hiếu đễ,” và cha hay lấy nó để làm gương cho hạng người “bất hiếu bất mục” như tôi.

Gần lễ Giáng sinh, tôi nghe tin thằng Hoàng đi Đức quốc du học tự túc với bằng Tú Tài II hạng Ưu; chắc hẳn Đại Bàng đã phải hoán đổi toàn bộ bài thi của nó. Tôi tự hỏi ai là người thực sự gánh chịu số tiền lớn kinh hoàng bác Cẩn đã chi cho cái bằng ấy. Và chi phí du học ngoại quốc của nó nữa? Nghĩ ra câu trả lời, tôi thà làm đứa con bất hiếu của cha còn hơn làm người con hiếu thảo của bác Cẩn.

Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 26 tháng Tư, 2017

Trở về đầu trang