Trở về trang Mục Lục

Bản PDF để in

Loạt truyện "Dạo Vào Đời"
của Nguyễn Ngọc Hoa

23. Có Chăng Số Mệnh?

Đầu niên khóa 1968-69, Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật (“Trung tâm”) khánh thành Cư xá Sinh viên Kỹ thuật (“Cư xá”) tọa lạc trên khoảnh đất sau lưng trường Quốc gia Kỹ sư Công nghệ. Nhờ đó, cuộc sống đi học xa nhà của nhiều người bạn tôi, trong đó có thằng Lộc, thằng Đắc, và thằng An, được cải thiện rất nhiều. Ba thằng ở cùng phòng, thằng Lộc và thằng Đắc là bạn cùng lớp thân nhất của tôi, và thằng An học bên công chánh. Bốn đứa tôi thường ngồi ở quán cà-phê Nhân trên đường Lý Thái Tổ và bình luận nhân vật trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, bộ truyện cuối cùng Lộc Đỉnh Ký còn đăng hàng ngày trên báo Hồng Kông. Mỗi ngày, đón báo Hồng Kông sang sớm, các báo Sài gòn vội vàng mang đến nhà dịch giả Hàn Giang Nhạn nhờ dịch gấp để kịp lên khuôn vào ấn bản phát hành trong ngày.

Thằng Đắc quê ở Phan Thiết, người nhỏ bé và nhanh nhẹn, và đôi mắt tròn tinh anh sau cặp kính cận dày ươn ướt như sắp khóc. Óc khôi hài bén nhạy, nó thích nói đùa, và đôi môi mỏng luôn luôn mang nụ cười, nhưng niềm vui tắt nhanh. Nó say mê nhân vật chính trong Lộc Đỉnh Ký,

“Vi Tiểu Bảo đắm mình trong thế giới gian trá của kỹ viện và hoàng cung, khôn lanh và quỷ quyệt. Nhưng gian mà không ác, giảo hoạt mà có nghĩa khí, tham lam mà không tiếc của, và làm ơn mà không mong báo đáp. Chỉ có Kim Dung mới dựng nổi một nhân vật tuyệt vời như vậy!”

Thay vì tranh biện như thường lệ, thằng Lộc lái sang chuyện khác,

“Vi Tiểu Bảo trong truyện có bảy cô vợ xinh đẹp, mày có một mình Thúy Phương mà dấu biến đi, không cho anh em gặp mặt. Vậy là sao?”

“Phương vẫn học Văn khoa và vẫn ở trong Lưu xá Thanh Quan trên đường Hền Vương đó, tao có quyền hành gì mà dấu?” thằng Đắc cười cười.

“Trước đây hai anh chị hay dung dăng dung dẻ dắt nhau đi chơi, sao đột nhiên chàng rút lui không kèn không trống khiến nàng ôm nỗi buồn nhớ nhung?” thằng An thắc mắc.

“Phương là đàn em ở trường Phan Bội Châu Phan Thiết, trong thời gian mới vào Sài gòn cần tao giúp đỡ, bây giờ đã có thằng Giải bạn tao học bên Nông Lâm Súc theo đuổi và say mê,” thằng Đắc giải thích, nhưng không thuyết phục được ai.

“Mày còn siêu hơn Dương Lễ trong chuyện Lưu Bình - Dương Lễ một bậc. Người xưa gửi người thiếp yêu đi nuôi bạn ăn học, ngày nay mày nhường cả người yêu cho bạn,” thằng Lộc không chịu buông tha.

Khi đến Cư xá tìm bạn, người đầu tiên tôi thường gặp là thằng Chức học công chánh, có lẽ là người sinh viên nghèo nhất Trung tâm. Nó quê ở Trại Hầm Đà Lạt, không đi dạy kèm tư gia, không có phương tiện di chuyển, và thường ăn chuối trừ cơm. Dong dỏng cao, tứ thời mặc chiếc quần nhà binh màu ô-liu và chiếc áo sơ mi ca-rô cũ kỹ bỏ ngoài quần, và suốt ngày ngồi chầu rìa ở cái quán nước sơ sài dưới tàn cây sau giảng đường Công nghệ do gia đình ông cai trường đứng bán. Nó chuyên nghiên cứu tử vi đẩu số, nghe nói rất giỏi, và sốt sắng tiên đoán tương lai cho bạn bè.

Đôi khi tôi đãi thằng Chức một ly cà-phê đá, nhưng nhất định không cho nó xem chỉ tay hay lấy số tử vi. Tôi càng tránh né, nó càng nài nỉ,

Ba Hoa cho Chức biết ngày giờ sinh đi. Nhìn Ba Hoa, Chức thấy có nhiều tướng quý, nhưng phải lấy số tử vi mới luận bàn chính xác.”

“Tôi không biết ngày giờ sinh thực của mình. Vả lại, bói toán là một việc làm vô bổ,” tôi gạt ngang.

“Sao như thế được? Chức học hỏi và tập luyện khoa tử vi nhiều năm nay và chưa bao giờ đoán sai.”

“Theo lý luận toán học, tin vào lời đoán tương lai nghĩa là chấp nhận cái ‘định đề’: mọi việc xảy ra trên đời đều do số mệnh, tức là tiền định. Phải không?”

Trước đôi mắt ngạc nhiên của thằng Chức, tôi lý luận,

“Nếu giả sử Chức đoán đúng, chẳng hạn như tháng sau tôi ngủm củ lèo theo ông bà, biết trước cũng không thay đổi được số mệnh.”

“Đúng vậy, nhưng ý Ba Hoa là sao?”

“Thay vì tận hưởng cuộc đời và sống trọn vẹn những giây phút ngày tháng còn lại như bây giờ, tôi sẽ phí thì giờ rầu rĩ lo âu về cái chết của mình. Có ích lợi gì?”

“Nhưng biết thì vẫn hơn,” nó chống chế.

“Hơn ở chỗ nào? Ngược lại, nếu Chức đoán sai, tôi lại đau khổ buồn rầu một cách vô lối và có khi mất trí mà hành động điên rồ. Trong cả hai trường hợp – đúng hay sai – không nhờ ‘thầy’ đoán tương lai vẫn sung sướng và thoải mái hơn.”

* * *

Lên đệ tứ niên, năm học cuối cùng, thằng Lộc được bầu làm Phó Chủ tịch Ngoại vụ ban Đại diện Sinh viên trường Cao đẳng Điện học, và tôi làm trưởng ban báo chí với nhiệm vụ ấn hành đặc san xuân vào cuối năm âm lịch. Do ý kiến của tôi, thằng Lộc, và thằng Đắc, lễ nhập môn đầu tiên của trường cho sinh viên hai lớp đệ nhất niên kỹ sư điện và điện tử được tổ chức lồng vào buổi lễ ra mắt ban Đại diện; năm nay trường vừa nhận sinh viên vào khóa kỹ sư điện tử đầu tiên. Tiết mục đáng nhớ nhất là sau khi tuyên thệ sẽ hoàn thành sứ mạng “mang ánh sáng, năng lượng, tiện nghi, và hạnh phúc đến mọi nhà” và một số mục tiêu khác, các sinh viên mới được lệnh sờ vào một nguồn điện có điện thế thấp – bị điện giật nhẹ cho . . . biết mùi.

Ngày 26 tháng Chạp tây, tôi vừa được trả một món tiền lớn và xăm mình (lấy hết can đảm, đánh liều) mời các bạn ra quán thịt rừng Cổ Loa trên đường Phạm Ngũ Lão ăn mừng Giáng sinh, lần đầu tiên chúng tôi bước chân vào quán thịt rừng. Sau khi thưởng thức những món lạ miệng và có đủ lượng bia “33” vào người, thằng An cao hứng hát nghêu ngao,

Thành Cổ Loa, Đền Vạn Kiếp,
Bao tháng năm dấu chưa xóa nhòa
Tiếng núi non lưu luyến tấc lòng bao nghìn năm
Tiếng gió cồn như tiếng trống dồn buổi khuya vắng.
(Lê Thương – “Hòn Vọng Phu III”)

Thằng Đắc chưa uống đã say, nói lè nhè từ đầu đến cuối, và bắt ba thằng phải hứa về thăm Phan Thiết cùng với nó. Bốn đứa đã dự định sáng hôm sau đi Vũng Tàu chơi và ở lại đêm rồi Chủ Nhật về, nhưng trước khi chia tay về Đại học xá Minh Mạng, tôi đổi ý,

“Bài gửi cho đặc san nhiều quá, gần tới ngày hẹn nhà in mà tao chưa chọn bài và sắp xếp nội dung xong. Tụi mày đi chơi đi, tao ở nhà làm cho kịp.”

Suốt ngày thứ Bảy, tôi thấy tâm trí bất an và không sao tập trung tinh thần để làm việc. Vào giường khoảng nửa đêm, tôi vừa thiu thỉu ngủ thì nghe tiếng kể lể khóc than ngoài cửa. Giật mình ngồi dậy, tôi bật đèn sáng và bước ra xem. Mọi người ngủ yên giấc, sân Đại học xá vắng lặng, và trên mái không có bóng dáng lũ mèo hoang. Tôi vào giường và cố dỗ giấc ngủ trở lại, tiếng rên rỉ kỳ quặc trổi lên, và cứ như thế suốt đêm. Hết giờ giới nghiêm, vẻ mặt thê lương của thằng An đột nhiên xuất hiện,

“Thằng Đắc chết rồi . . .”

“Sao vậy?” tôi la thất thanh, không tin đôi tai mình.

“Trưa hôm qua, xe đò vừa qua khỏi Biên Hòa, ngon trớn chạy nhanh, rẽ phải ở Ngã Ba Vũng Tàu, và bất chợt thắng gấp để khỏi đụng chiếc xe gắn máy đằng trước. Chiếc xe đò lật, bốn bánh chổng lên trời. Trên xe không ai bị thương tích đáng kể, ngoại trừ thằng Đắc. Nó bị que sắt nhỏ như cây đinh trên thành ghế đâm vào tử huyệt sau gáy và ra đi không kịp kêu một tiếng.”

Thằng An cố nén đau lòng và mếu máo,

“Tao và thằng Lộc theo xe cứu cấp đưa thằng Đắc vào bệnh viên quân sự Hoa kỳ trong Căn cứ Long Bình, nhưng bác sĩ bó tay vì nó đã đi từ trước. Tụi tao đưa nó sang nhà xác Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, làm thủ tục giấy tờ, và về đến Cư xá thì đã quá giờ giới nghiêm; tao ngồi chờ sáng và đến cho mày hay.”

“Việc phải làm ngay là báo cho gia đình nó ngoài Phan Thiết. Mày ngồi xuống đây, viết nhanh cái thư cho ông bà già nó rồi mình ra bến xe đò Petrus Ký gửi theo chuyến xe sớm. Dặn ông bà vào đón nó về an táng, mọi chuyện ở Sài gòn sẽ do tụi mình lo liệu,” tôi vô giác định liệu như một cái máy.

Tôi và thằng Lộc gặp thầy Cần Giám đốc trường Điện xin phép quàn tại trường trong khi đợi gia đình thằng Đắc vào đưa về quê chôn cất. Mặc dù chưa có tiền lệ cho phép trường đại học làm việc này, thầy chấp thuận không một chút do dự và rưng rưng nước mắt,

“Gia đình trường Điện vừa mất đi một đứa con yêu quý. Các anh rán lo cho trọn tình trọn nghĩa với bạn bè, phần tôi tôi sẽ giúp hết sức mình.”

Chúng tôi tới văn phòng công ty tống táng Tô Bia trên đường Hai Bà Trưng để điều đình và sắp xếp: Công ty sẽ cất rạp tại trong sân trường ngay trước lớp đệ tứ niên, lo việc tẩn liệm, và đưa linh cữu về trường. Xong việc, tôi ra Chợ Cũ trên đường Võ Di Nguy Sài gòn dốc túi mua nhang đèn và giấy vàng bạc để đi thăm thằng Đắc trên Nghĩa trang Quân đội. Biết là chưa cần dùng, vì nó còn nằm trong nhà xác và tang lễ chưa bắt đầu, nhưng tôi vẫn cứ mua. Đã không có mặt trong lúc bạn ra đi và không góp phần giúp đỡ khi nó vừa nằm xuống, bây giờ tôi phải mang cho nó một cái gì đó – không thể đi tay không.

Sau một ngày sóng gió, dồn dập những sự tình xảy đến lần đầu tiên trong đời, người tôi mụ đi và không còn cảm giác. Đến khi trông thấy thằng bạn thân nằm trần truồng trong ngăn lạnh nhà xác, tôi mới bật lên khóc tức tưởi. Trước khi về, chúng tôi đốt vàng bạc và thắp nhang cắm trong khu mộ chiến sĩ cho kỳ hết; người ta tin mang những thứ này về nhà trở lại là không nên (không đúng phép tắc đối với ma quỷ hay thần thánh).

Trong ba ngày đám ở trường Điện, tôi chứng kiến và cảm thông mối tình đồng môn gắn bó của sinh viên khắp Trung tâm, tình bằng hữu thiết tha của bạn bè bên ngoài, và tình sư đệ thương yêu của giáo sư và nhân viên trường Điện dành cho thằng Đắc. Riêng Thúy Phương, mỗi ngày nàng đến sớm, ngồi trước quan tài khóc một mình, và chiều tối mới ra về.

* * *

Chúng tôi giữ lời hứa, theo thằng Đắc về thăm Phan Thiết với nó. Lần đầu tiên trở lại Cư xá sau biến cố đau thương, tôi gặp thằng Chức ngồi một mình ở quán nước; nó an ủi,

Ba Hoa à, ai cũng có số mệnh – giàu nghèo, cực sướng, sang hèn, mạng lớn hay nhỏ, và sống lâu hay chết sớm.”

“Làm sao không buồn khi thằng bạn thân đột ngột ra đi?”

“Biết và chấp nhận mệnh trời, đó là cái chìa khóa của cuộc sống. Chức đã chấm số tử vi cho thằng Đắc và tiên đoán nó chết bất đắc kỳ tử nội trong tháng này,” nó tự hào.

“Và Chức nói cho thằng Đắc biết?”

“Đúng thế,” nó vô tình trả lời.

Điều này giải thích thái độ của thằng Đắc trước khi mất – né tránh tình yêu của Thúy Phương và yêu cầu ba đứa bạn thân tiễn đưa về nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi bỗng thấy giận ông Trời và giận lây cả thằng Chức. Nếu đã an bài cho bạn tôi chết thình lình vì tai nạn, tại sao lại còn oái ăm khiến nó biết trước cái chết của mình?

Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 17 tháng Năm, 2017

Trở về đầu trang