Trở về trang Mục Lục

Bản PDF để in

Truyện cuối cùng trong loạt truyện "Dạo Vào Đời"
của Nguyễn Ngọc Hoa

24. Một Tiếng Rủ, Trăm Mạng Sống

Năm đệ tứ niên, tôi làm trưởng ban báo chí trong ban Đại diện Sinh viên trường Cao đẳng Điện học (“BĐD”) thằng Trung giữ chức vụ Chủ tịch và thằng Lộc là Phó Chủ tịch Ngoại vụ. Thằng Lộc là một sáng lập viên của phong trào Du ca Việt nam, hay sinh hoạt cộng đồng, và giao thiệp rộng rãi nên thành thạo trong việc liên lạc với báo chí, văn nghệ sĩ, và chính quyền. Theo truyền thống hàng năm, song song với đặc san xuân, BĐD tổ chức dạ vũ tất niên có ban nhạc sống và ca sĩ chuyên nghiệp, vừa bán vé gây quỹ vừa để cho các bạn đồng môn giải trí vui chơi. Năm nay, thằng Trung cho rằng dạ vũ trưởng giả không phản ảnh ý thích của phần lớn các bạn trong hoàn cảnh đất nước hiện tại. Thay vào đó, tôi và thằng Lộc tình nguyện tổ chức một buổi văn nghệ miễn phí vào đêm hăm ba tháng Chạp đưa ông Táo về trời, tôi đặt tên là “Hội Tàn Đông.”

Tôi được sự trợ giúp đắc lực của hai sinh viên đệ nhị niên: Thằng Dật có chiều cao khiêm nhường, vẽ giỏi, và chuyên làm họa sĩ vẽ chữ nên bị gọi là “ông đồ lùn”; thằng Bình làm thơ hay, tính tình lanh lợi, và ăn nói hoạt bát nên bị làm “nhà phát hành” mang báo đi bán ở các trường nữ trung học. Hoàn thành cuốn đặc san, tôi đi tìm thằng Dật bàn chuyện vẽ bích chương và trang hoàng sân khấu, nhưng chỉ gặp thằng Bình. Nâng niu cuốn báo, thằng Bình cười khoái trá,

“Chà, Ba Hoa cho đăng cả hai bài thơ của em; em cứ tưởng anh chỉ cho mỗi tác giả một bài thôi.”

“Cả hai đều hay, không biết chọn bài nào nên anh cho ‘đi’ hết cho tiện việc sổ sách.”

“Anh muốn tìm thằng Dật?” thằng Bình hỏi.

“Ờ, nó hẹn với anh bữa nay mà dông đi đâu mất?”

“Anh lỡ tàu rồi! Hồi nãy anh Lộc bị xe hư và hỏi tụi em đứa nào muốn chở ảnh đi mời ‘nữ hoàng chân đất’ hát. Đứa nào cũng khoái tháp tùng, nhưng thằng Dật nhanh tay lẹ miệng kéo tay anh Lộc đi trước.”

Người thằng Lộc mời hát là cô bạn ca sĩ Chung Linh một thời đi chân đất hát nhạc Trịnh Công Sơn ở sân trường Văn khoa; bây giờ cô đã nổi tiếng và hát phòng trà hàng đêm, mỗi nơi hát ba bài với giá thù lao cao nhất Sài gòn. Thấy tôi không vui, thằng Bình rủ,

“Hay là anh xuống Gia Long bán báo với tụi em?”

“Mấy chú đi đi. Thấy bộ mặt hãm tài của anh, ai thèm mua báo?” tôi từ chối.

“Hay anh hà tiện, sợ làm đầu tàu chi tiền uống cà phê cho tụi em?”

“Được rồi, anh đi! Nhưng nói trước, anh chỉ chầu rìa và không làm gì cả,” tôi xiêu lòng.

Tôi theo thằng Bình và hai đứa khác đến trường nữ trung học Gia Long mà trong lòng cảm thấy nôn nao lạ thường. Chúng tôi vào văn phòng xin phép tới các lớp đệ nhị và đệ nhất (lớp 11 và 12) để bán báo và mời tham dự đêm văn nghệ. Tôi bỡ ngỡ đứng xớ rớ ngoài hành lang trong khi bọn thằng Bình vào trong lớp học trổ tài ăn nói, thuyết phục các cô nữ sinh áo trắng mua báo. Đến lớp cuối cùng, đột nhiên có một động lực nào đó xô đẩy tôi nối gót bọn thằng Bình bước vào trong và chợt thấy gương mặt duyên dáng, đôi mắt đen láy, và mái tóc xõa ngang vai quen thuộc của Bội Hằng ở dãy bàn cuối. Đúng là nàng, không thể lầm được!

Sáu năm trước, Bội Hằng là cô bạn hàng xóm sát vách lớn hơn tôi một tuổi ở ngoài Huế. Chúng tôi lớn lên kề bên nhau, giúp nhau học hành, chăm sóc nhau, và gần gũi gắn bó; tình cảm đâm chồi nẩy nở tự nhiên khiến hai đứa cảm thấy duyên phần đã dành sẵn cho mình từ kiếp nào. Nhưng rồi, khi nàng và người chị lên Nam Đông, một “đơn vị hành chánh” thuộc tỉnh Thừa Thiên, thăm cha là bác Luân làm Đại diện Hành chánh ở đó, bọn Việt Cộng ra tay tấn công, sát hại cha nàng, và bắt cóc chị em nàng đưa đi mất tích.

Lặng lẽ ra khỏi lớp Bội Hằng và ngổn ngang với bao nhiêu điều thắc mắc, tôi đứng trước cổng chùa Xá Lợi trên đường Bà Huyện Thanh Quan đối diện với cổng học sinh ra vào, đợi nàng ra hỏi chuyện. Chờ đến một giờ chiều, học sinh các lớp sáng ra về hết, và học sinh các lớp chiều lục tục vào trường mà không thấy bóng dáng của nàng.

Tối hôm ấy, tôi tới nhà cậu Há, em chú bác của mẹ. Ngày ở Huế, tôi là đứa cháu ưng ý nhất, nhưng cũng làm cậu bận tâm nhất vì hay gây chuyện rắc rối lôi thôi ở trường. Vài năm trước cậu và gia đình dọn nhà vào Sài gòn, hiện nay cậu giữ một chức vụ quan trọng trong bộ Thông tin và Chiêu hồi. Cậu lắng nghe tôi kể,

Mi có chắc chắn hắn là con Bội Hằng con của chị Luân?”

“Con nhớ hồi nớ, khi gặp chuyện bối rối, hắn có thói quen đưa tay vuốt tóc rồi rờ lên tai. Hồi sáng hắn làm như rứa tới hai lần.”

Tau tin hắn là đặc công Việt Cộng nằm vùng trong hàng ngũ thanh niên, sinh viên, và học sinh. Tụi hắn có nguyên một đơn vị lớn gọi là ‘Thành đoàn,’ tên tắt của ‘đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam,’ chuyên giật dây, phá rối, và khủng bố trong ‘nội thành’ Sài Gòn - Gia Định. Chuyện ni phải có anh Cẩn nhúng tay vô mới xong,” cậu lo lắng ra mặt; bác Cẩn, bạn của cậu và cha, là sĩ quan cấp tướng giữ một chức vụ quan trọng nhất của bộ Nội vụ.

* * *

Hội Tàn Đông được sinh viên trường Điện và thân nhân bạn bè tham dự đông đảo. Thằng Lộc điều khiển chương trình và khéo léo phối hợp giọng ca liêu trai của Chung Linh với những bản nhạc nhân bản hoặc hát cộng đồng của các nhạc sĩ du ca và những màn trình diễn khả ái và điêu luyện của ban văn nghệ trường nữ trung học Trương Vương. Sau cùng, thằng Trung lên sân khấu, nồng nhiệt cám ơn các nghệ sĩ, tặng mỗi người một chiếc huy hiệu sinh viên Cao đẳng Điện học làm kỷ niệm, và trao cho Chung Linh bó hoa hồng lớn do lớp đệ tam niên đóng góp.

Tôi cùng anh em dọn dẹp ghế ngồi và sân khấu; chưa xong thì thằng Bình tới vỗ vai,

“Anh Ba Hoa đào hoa thật! Có cô nàng Gia Long đẹp như mơ nhờ đưa cho anh bức thư tình.”

“Anh không quen ai ở Gia Long, Bình không nhầm người chứ?”

“Tên anh rành rành đây, nhầm sao được,” nó giao thư cho tôi.

“Cô ấy ở đâu?”

“Cô ta đến khi chương trình sắp chấm dứt, đưa thư, và đi ngay.”

Tôi vào văn phòng BĐD mở thư ra đọc, tờ giấy học trò chỉ có vỏn vẹn hàng chữ
Từ Quyên TX Tam Đa. 5 giờ chiều mai.

Không có tên người viết, nhưng làm sao tôi quên được nét chữ nắn nót mềm mại của Bội Hằng. Nơi hẹn là quán nhạc Từ Quyên trên lầu ba thương xá Tam Đa, thường gọi bằng tên Pháp “Crystal Palace.” Chiều thứ Bảy, người đi mua sắm tết nhộn nhịp, và các sạp hàng trên lề đường đông nghẹt khách. Tôi vào bên trong, đứng trước quán nhạc, và làm bộ lựa băng casette bày bán. Bỗng có tiếng con gái kề tai tôi nói nhỏ,

Ba Hoa lên gặp mình ở nhà hàng Quốc tế.”

Thường gọi bằng tên Pháp “International,” nhà hàng ca nhạc này nằm ở tầng trên cùng của thương xá. Bội Hằng chờ ở chiếc bàn cuối phòng ăn; nàng thì thầm vào đề ngay,

“Mấy năm qua, mình nhớ nhà và nhớ Ba Hoa lắm, nhưng hoàn cảnh không cho phép mình liên lạc với bất cứ ai. Ngẫu nhiên mà gặp Ba Hoa như được cứu tinh ông Trời gởi tới.”

“Làm chi cho Bội Hằng tui cũng không ngại.”

“Mình dở sống dở chết và bị ép buộc làm những điều vô cùng ác đức mà đành nhắm mắt tuân theo để bảo toàn tính mạng cho mình và gia đình.”

Răng Bội Hằng không ra đầu thú? Chính phủ có chương trình chiêu hồi khoan hồng và dung thứ.”

Bội Hằng cười gượng,

“Mình biết quá nhiều chuyện của họ; chỉ cần một chút nghi ngờ, họ sẽ giết mình để bịt miệng. Mình cần phe bên ni bảo vệ khi ra quy phục cũng như về sau để không bị họ theo dõi và trả thù. Cậu Há của Ba Hoa phụ trách phần việc chiêu hồi nớ, Ba Hoa liên lạc với cậu cho mình.”

“Khi cậu đồng ý, tui phải làm chi?”

Ba Hoa treo trước văn phòng ban Đại diện Sinh viên tấm biển ‘Mua báo mau kẻo hết!’ và mình sẽ thông báo thêm.”

Xem ra, Bội Hằng đã nghiên cứu và chuẩn bị kế hoạch tháo cũi sổ lồng. Nàng đứng dậy,

Ba Hoa ngồi đây ăn cơm tối; mình đi trước đây.”

Lúc ấy tôi mới để ý tới hai người, một nam một nữ, trạc tuổi ba mươi ngồi cách tôi một bàn. Họ gọi thức uống, rù rì nói chuyện, và vội vàng trả tiền rồi theo sau Bội Hằng.

Cậu Há chấp thuận lời yêu cầu, Bội Hằng đưa thư hứa nộp mình ở công viên Trần Quý Cáp năm giờ chiều ngày hăm chín Tết với điều kiện tôi phải có mặt ở đó. Tôi đến đúng hẹn và khi vừa trông thấy Bội Hằng dưới giàn hoa cao ở cuối công viên thì nghe súng nổ liên hồi. Hai người gặp ở nhà hàng Quốc tế không biết từ đâu nhào ra kéo tôi chạy dọc theo đường Trần Quý Cáp tới công trường Chiến sĩ lố nhố nhân viên công lực đứng quanh ba chiếc xe tuần cảnh. Vị sĩ quan chỉ huy bước lại bắt tay tôi,

“Sứ mạng của chú thành công, và ‘mục tiêu’ đến nơi an toàn. Chúng tôi cần chú đi xa ít bữa, chờ mọi việc lắng dịu rồi về,” ông mỉm cười đưa cho tôi cái phong bì đựng vé máy bay và món tiền lộ phí.

Sáng mồng một Tết, tôi bay lên Đà Lạt ăn Tết với thằng Lộc. Trở về Sài gòn ngày mồng mười, tôi đi học lại được một tuần khi cậu Há cho người đến gọi. Cậu cho biết,

“Nhờ con nớ ra hồi chánh và cung cấp tin tức, ta tóm trọn ổ mạng lưới đặc công Việt Cộng. Cơ quan an ninh chận đứng kế hoạch phá hoại và khủng bố đại quy mô của tụi hắn. Nếu không, Sài gòn đã biến thành biển lửa và hàng trăm người thiệt mạng trong mấy ngày Tết.”

“Vì răng có đụng độ khi Bội Hằng ra quy thuận?” tôi lo cho sự an toàn của nàng.

“Kế hoạch thoát thân của hắn bại lộ vào phút chót, bọn tê rượt theo cố giết cho bằng được. May thay, bên mình can thiệp kịp thời và giải cứu hắn.”

“Chừ hắn ở chỗ ?”

Tau kêu mi tới cũng chỉ vì câu hỏi nớ! Anh Cẩn ra lệnh, để được hưởng quy chế hồi chánh viên và khỏi bị truy cứu những tội ác trong quá khứ, hắn phải cam kết không tìm cách gặp hay liên lạc với mi. Sau thời gian thẩm vấn, hắn đã được phóng thích – hoàn toàn tự do – với căn cước và đời sống mới. Không còn Bội Hằng Bội Hiếc chi trên đời nữa!”

* * *

Tôi toại lòng với chung cục được an bài. Ra nhà sách Xuân Thu trên đường Tự Do, tôi tìm mua bộ Électrotechnique: à l'usage des ingénieurs (Điện thuật: dùng trong ngành kỹ sư) do André Fouillé biên soạn, bộ sách Điện thuật chính của trường Quốc gia Kỹ sư Công Nghệ bên Pháp. Cuốn I của bộ sách được thầy Yên sử dụng làm tài liệu giảng dạy môn Điện thuật Tổng quát lớp đệ nhị niên. Tôi đem tặng thằng Bình kèm theo tấm thiệp xuân ghi,
Cám ơn Bình đã rủ anh đi bán báo ở trường Gia Long.

Nó không thể ngờ lời rủ tình cờ ấy đã cứu sống hàng trăm đồng bào vô tội và giải thoát người bạn ngày xưa của tôi khỏi ách nô lệ của bọn quỷ đỏ. Tết Canh Tuất (1970) là một mùa xuân có ý nghĩa và đáng nhớ nhất đời tôi.

Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 7 tháng Sáu, 2017

Trở về đầu trang