![]() |
Tập truyện "Đất Khách Quê Mình" Lời trần tình của tác giả: Tập truyện ngắn này không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Nhân vật xưng "tôi" được dùng như nhân chứng thuật lại chuyện xưa; nhân vật này không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự, và mơ ước thầm kín của bạn bè cùng thời. Mọi nhân vật khác đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào. Xin đừng liên kết nhân vật trong truyện với bất cứ ai ở ngoài đời. Mỗi truyện ngắn là một tác phẩm riêng lẻ đặt liên hoàn với các truyện khác theo thứ tự thời gian, nhưng toàn thể sáu cuốn Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa "I-Thời Thơ Ấu", "II-Tuổi Học Trò", "III-Tuổi Trường Thành", "IV-Dạo Vào Đời", "V-Bước Đổi Đời", và "VI-Đời Phiệu Ngụ" phổ biến và ấn hành từ năm 2013 đến nay không hẳn là một bộ trường thiên tiểu thuyết. Chúng tôi viết để kể lại cho bạn bè nghe những câu chuyện của một quãng đời xa xưa và trau giồi Việt ngữ sau những năm dài sống xa quê hương. Nhớ chuyện xưa đến đâu viết đến đó chứ không hề sắp đặt trước bố cục, nội dung, hay nhân vật, và cũng không hề dự định nói lên điều gì cao siêu như những tác giả lớn làm văn chương thực sự. * * * 01. Sông Có Khúc, Người Có Lúc Trong ba ngày cuối tuần dài lễ Lao động, tôi và Quỳnh Châu lẩn vẩn quanh nhà dọn dẹp đồ đạc và làm quen với nếp sống mới. Tôi mong sớm gặp lại mẹ, cha mẹ đang ở trong trại Đồn Chaffee thuộc tiểu bang Arkansas, và nhà thờ Ba ngôi Lutheran chỉ tiến hành thủ tục bảo trợ sau khi tôi có việc làm bảo đảm cuộc sống kinh tế ổn định của gia đình. Ông bảo trợ Gardner đã lấy hẹn để tôi trực tiếp đến xin việc tại bốn công ty điện và điện tử đã phỏng vấn tôi qua điện thoại lúc tôi ở trong trại Trại Pendleton; ông khuyên tôi, “Việc làm đầu tiên thường quyết định hướng đi cho cuộc đời nghề nghiệp của một người chuyên nghiệp. Tuy lương bổng và quyền lợi nhân viên (như bảo hiểm sức khỏe và số ngày nghỉ phép) là yếu tố thiết yếu, nhưng quan trọng hơn là anh có yêu thích công việc đó hay không và có cơ hội thăng tiến về lâu về dài hay không. Do đó, anh nên suy nghĩ và lựa chọn kỹ càng.” “Cháu sẽ ghi nhớ điều bác dặn. Cháu mù tịt về vấn đề này nên trước khi quyết định nhận việc hay không, thế nào cháu cũng phải hỏi ý kiến bác.” Cho cuộc hẹn đầu tiên, tôi diện đôi giày mới mua và bộ áo quần xem được nhất và đi bộ đến trụ sở Công ty Phát thanh Meyers cách nhà năm khu phố. Công ty làm chủ một số đài truyền hình và truyền thanh ở North Dakota và có thể là sở làm lý tưởng cho một kỹ sư điện với kiến thức rộng rãi về điện tử và viễn thông như tôi. Các đài ở Bismarck mang danh hiệu KMYR: KMYR-TV (ti-vi), KMYR-FM (ra-đi-ô FM), và KMYR-AM (ra-đi-ô AM). Tôi ngần ngại bước vào một khu nhà ba tầng chiếm gần nửa khu phố có nhiều cửa ra vào ghi các danh hiệu KMYR khác nhau, hỏi quanh một hồi, và sau cùng tìm thấy quầy thư ký tiếp khách. Người thiếu phụ khoảng trên ba mươi tuổi nhã nhặn hỏi, “Tôi có thể giúp được gì cho ông?” “Tôi đến đây để phỏng vấn . . .” tôi ngập ngừng. “Ông có biết người muốn gặp là ai không?” “Ông giám đốc kỹ thuật tên Joe mà tôi không nhớ họ,” cái họ Mỹ dài ngoằng và khó đọc làm sao tôi nhớ nổi, tôi tự giới thiệu, “Tôi là người Việt tỵ nạn mới đến Bismarck.” “Cám ơn ông. Để tôi gọi người ra đón, ông đợi một lát.” Bà thư ký nhấc ống nói bấm số điện thoại. Không tới năm phút sau, một thiếu nữ trẻ xinh xắn từ trên lầu bước xuống chào tôi và cười thật tươi, “Chào mừng! Tôi là Loretta Phụ tá Sản xuất. Chúng tôi đang mong ông, mời theo tôi.” Tôi ríu ríu theo cô Loretta lên lầu hai và tới một căn phòng bài trí lịch sự, bộ xa-lông nhỏ giữa phòng đã có người. Cô mời tôi ngồi đợi ở cuối phòng rồi ra chỉ dẫn hai nhân viên kỹ thuật thu hình cuộc đối thoại của một ký giả trung niên trong bộ com-lê hợp thời trang và một bà giáo sư đại học to béo khoảng năm mươi tuổi ăn mặc xuề xòa. Thì ra tôi đã vào nhầm chỗ; đây là phòng thu và truyền hình trực tiếp của đài ti-vi. Bà giáo sư là một người phản chiến đã từng cực lực phản đối chính sách của Hoa kỳ tại Việt nam và đòi chấm dứt quân viện cho Việt nam Cộng hòa để chấm dứt chiến tranh. Bà nói giằn tiếng trả lời từng câu hỏi và hùng hồn kết luận, Các chính trị gia ở Hoa Thịnh Đốn đã khiến gần 60,000 nhân mạng Hoa kỳ hy sinh và tiêu phí cả ngàn tỉ đô la cho cuộc chiến ngu xuẩn. Nay họ lại mở rộng vòng tay đón tiếp những kẻ đã ăn bám vào quân đội Hoa kỳ trong thời chiến tranh. Những người này sẽ là gánh nặng cho xã hội chúng ta, hôm nay và nhiều, nhiều năm tới. Tôi nghe mà thấy sôi máu, con mẹ này ác độc quá chừng, mong được phỏng vấn kế tiếp, và phác họa trong đầu những điều nên nói. Ngờ đâu cô Loretta bước lại đưa tay mời tôi ngồi vào ghế phỏng vấn thực. Ông ký giả bắt đầu bằng một số câu hỏi dễ để hướng dẫn tôi thuật lại hoàn cảnh tỵ nạn của mình trước khi đưa ra đòn tối hậu, “Anh nghĩ thế nào về phát biểu của bà giáo sư?” Tôi quay người nhìn thẳng vào ống kính máy thu hình, Xin quý vị đừng vì chán ghét chiến tranh mà oán hận người tỵ nạn chúng tôi. Cộng sản Bắc Việt xé bỏ Hiệp định Paris 1973 và xâm lăng miền Nam, chúng tôi đã chiến đấu oanh liệt để bảo vệ tự do của mình, nhưng thua trận, tính mạng bị đe dọa, và đến đường cùng mới tới đây. Nhưng chúng tôi có khả năng và sẵn sàng góp sức xây dựng Hiệp chúng quốc Hoa kỳ. Bằng chứng là tôi đến đài truyền hình không phải để dự phần vào cuộc phỏng vấn này mà xin làm kỹ sư. Ông Joe (tên tắt của Joseph) trạc dưới bốn mươi, dáng người tầm thước và cục mịch, và giọng nói rổn rảng đứng đón tôi ở cửa phòng với nụ cười rạng rỡ. Tôi lắp vắp xin lỗi, “Tôi đến nhầm chỗ rồi tình cờ bị kéo vào cuộc phỏng vấn.” “Không đâu Ba Hoa, chính tôi mới phải xin lỗi anh. Cuộc phỏng vấn với bà giáo sư trong chương trình ‘Kiến thức Chính trị’ hàng tuần được dàn xếp từ hai tuần trước, và khi biết tôi sẽ gặp mặt anh, ban giám đốc bỗng có ý kiến đưa anh vào cuộc tranh luận để làm sáng tỏ đề tài đang gây tranh cãi. Tôi đành phải bằng lòng,” và ông biện bạch, “Nguồn sống của công ty phát thanh là tiền quảng cáo, và quảng cáo tùy thuộc vào số khán thính giả mà chương trình có thể thu hút. Trong ngành truyền thông này, nhất Tiếp thị (Marketing), nhì Lập Chương trình (Programming), thứ ba mới đến Kỹ thuật như anh và tôi. Họ mới là kẻ hô bắn (người cầm trịch đưa ra quyết định), chẳng phải là tụi mình đâu.” Điều này có nghĩa là ông Joe đứng dưới các vị giám đốc khác và không thể lên cao hơn. Nếu tôi làm dưới quyền ông, cơ hội thăng chức lâu lắm mới xảy ra – khi ông về hưu! Ông tỏ vẻ hài lòng, “Thực ra, chúng tôi đặt anh vào cuộc phỏng vấn cũng vì muốn thử thách khả năng lãnh đạo của anh. Đối với tôi thì trên phương diện này, anh đậu với cờ bay phất phới (thắng lợi rực rỡ).” “Phải chi tôi biết trước để chuẩn bị,” tôi chép miệng. “Tôi định gọi báo cho anh biết, nhưng không có số điện thoại.” “Công ty Northwestern Bell chưa mắc điện thoại cho tôi, có lẽ tại tôi chưa có việc làm,” tôi ngượng ngập thú nhận. Ông Joe đưa tôi đi quan sát các phần việc của Meyers và cho biết công ty còn có chi nhánh tương tự như KMYR ở ba thành phố North Dakota khác, mỗi chi nhánh mang danh hiệu riêng. (Ở Hoa kỳ, danh hiệu của các đài truyền thanh và truyền hình ở phía tây sông Mississippi đều bắt đầu bằng chữ “K,” và đài ở phía đông bắt đầu bằng “W.”) Công ty liên kết với Hệ thống Phát thanh NBC; cùng với hai hệ thống ABC và CBS, NBC là một trong ba hệ thống phát thanh độc chiếm thị trường Bắc Mỹ. NBC cung cấp tin tức, các tiết mục ở tầm quốc nội và quốc tế, và phim ảnh giải trí. Các đài địa phương chỉ lo thu thập tin tức và các tiết mục địa phương và lấy quảng cáo. Đứng giữa căn phòng chứa đầy dụng cụ điện tử tối tân, ông Joe hãnh diện, “Tất cả máy móc và phụ tùng thay thế chúng tôi mua dùng đều do NBC chỉ định. Toàn là dụng cụ mới nhất trên thị trường để NBC có thể tranh đua với hai hệ thống kia trên phương diện kỹ thuật.” “Như vậy ban Kỹ thuật của ông chỉ có nhiệm vụ bảo trì và sửa chữa?” tôi thất vọng nhưng không để lộ ra ngoài mặt. “Đúng thế. Chuyện làm không xuể, vì tôi còn có ba thành phố kia phải lo. Do đó mới cần thêm người – là anh.” Sau cuộc phỏng vấn suôn sẻ và đầy hứa hẹn, lòng tôi hoang mang lưỡng lự. Tôi rất cần việc làm, nhưng chức vụ không có cơ hội tiến thân và công việc bảo trì và sửa chữa không thích hợp với khả năng kỹ sư của tôi. Tôi sẽ quyết định thế nào nếu Công ty Meyers gửi đề nghị nhận làm? Thay vì về nhà, tôi tới trạm xăng Jimmy’s Mobil (Jimmy là tên người chủ, và Mobil là hãng dầu cung cấp xăng) chơi với thằng Sang, em tôi được nhận vào làm vài hôm sau khi tới Bismarck. Nó lấy đồng quarter (25 xu) bỏ vào máy bán nước ngọt tự động mua lon Coca-Cola cho tôi uống rồi chạy ra ngoài tiếp tục làm việc. Công việc tiếp viên trạm xăng tương đối giản dị: Khi một chiếc xe cặp vào một trong bốn cây xăng, nó ghé đầu vào cửa kính tài xế chờ lệnh. Thường khách hàng yêu cầu, “Đổ đầy xăng và kiểm soát nhớt.” Trong khi cho xăng bơm vào thùng xăng, nó chùi kính xe trước và sau, soát lại nhớt máy, và nếu khách nhờ, đo xem áp suất bánh xe có đủ không. Trong lúc làm việc, nó dẻo miệng tán chuyện với khách và buông thêm đôi ba lời ong bướm hẹn hò nếu khách là thiếu nữ trẻ đẹp. Về mục này em tôi giỏi số một. Trạm xăng có ga-ra (garage) có thể sửa chữa hầu hết những chuyện hư xe thường gặp như thay nhớt, vá lốp (do tiếng Pháp “envelope”là vỏ bánh xe; khác với xe ở Việt nam, bánh xe Mỹ chỉ có vỏ mà không có ruột), thay hay chùi bu-gi (do tiếng Pháp “bougie” là bộ phận đánh lửa để đốt xăng), thay hay sạc (charge) bình điện, v.v. Phòng máy rửa xe nằm cạnh ga-ra, máy cần có tiếp viên đứng đằng sau điều khiển. Chiếc xe cần trục đậu trong bãi đậu xe thì dùng để đi câu xe bị sa lầy hay kẹt tuyết, bị hỏng, hoặc gặp tai nạn. Luật tiểu bang cho phép thằng Sang lái xe cần trục trong lúc thi hành phận sự mà không cần có bằng lái, điều em tôi hài lòng nhất. Ngày Sài gòn, nó không hề có bằng lái nhưng tự phụ lái xe giỏi và chê tôi có bằng đàng hoàng mà lái dở ẹt. Sau hai tuần lễ thằng Sang thành thạo với hoạt động của trạm xăng. Nó rủng rỉnh đồng ra đồng vào: Ngoài tiền lương một đô la bảy mươi lăm xu ($1.75) một giờ và lương giờ phụ trội trả một lần rưỡi hay gấp đôi, nó thường được khách hàng cho puốc-boa (tiếng Pháp “pourboire”) hậu hỉ. Buổi chiều, khi xong việc, nó cùng với đôi ba thằng bạn sang ngồi trong ba (bar) bán rượu gần đó uống bia tán chuyện khề khà. Trên đường về nhà, nó ghé siêu thị mua một vỉ mề gà hay tim gà giá rẻ rề vì ít người mua rồi tạt qua tiệm rượu mua một xâu bia Budweiser sáu lon để ban đêm nhậu nhẹt với ông anh. Mấy đứa bạn đồng sự của nó là thanh niên trẻ mười chín, hai mươi tuổi, học xong trung học thì nghỉ học ít lâu, làm việc ở trạm xăng trong lúc “cố tìm ra mình muốn làm gì,” và rất tin tưởng và kính trọng em tôi. Buổi tối cuối tuần là dịp vui chơi của chàng cựu sĩ quan Pháo binh hào hoa. Ăn diện bảnh bao, thằng Sang lui tới các ba sang trọng phải trả tiền vào cửa và có giàn nhạc sống và sàn khiêu vũ. Gặp thiếu nữ trẻ đẹp, nó tỉnh bơ ôm hôn lia lạ; mấy thằng bạn luôn miệng giới thiệu, “He comes from Vietnam (Anh ấy là người Việt nam),” khiến các cô yên lòng cho đó là phong tục của người Việt. Nó kể lại, đôi khi gặp cô vừa ý, nó giả vờ ngây thơ, “Do you want to fool around with me tonight? (Đêm nay mình ‘fool around’ với nhau nhé?)” “Fool around” có hai nghĩa: Một là đi chơi lang bang vớ vẩn, và nghĩa kia là ăn nằm với nhau. Nếu cô kia xì-nẹc (do tiếng Pháp “s’énerver” là giận điên tiết) la lối, nó làm bộ ngơ ngác, “Tôi nói gì sai hay sao?” như thể không hiểu rành Anh ngữ. Nhưng nó cười lém lỉnh tiết lộ với tôi, “Đôi khi tui gặp may và trúng mối.” Một thằng bạn thắc mắc về làn da sạm nắng sau những năm dầu dãi trong quân ngũ của nó so với màu da của tôi, “Tại sao anh anh thì trắng, mà anh thì đen như cục than?” “Mày ngu như con lừa ấy. Bọn Mỹ chúng mày có Mỹ đen và Mỹ trắng, Việt nam tao cũng vậy. Tao là Việt đen, anh tao là Việt trắng, không thấy sao?” Thằng kia gật gù cho là có lý. Cuộc sống buông thả ham vui của thằng Sang kéo dài hơn hai năm, đến khi tôi thuyết phục nó trở lại đại học. Sau ba năm đèn sách, nó cưới một cô. . . Việt trắng 19 tuổi vừa tốt nghiệp trung học, lận lưng tấm bằng Cử nhân Kế toán, và dông tuốt xuống Texas làm công chức tiểu bang. Từ một dân chơi cầu ba cẳng, em tôi trở thành một người chồng và người cha chân chỉ hạt bột đến không ngờ. Thế mới biết sông có khúc, người có lúc! Nguyễn Ngọc Hoa |