![]() |
Tập truyện "Đất Khách Quê Mình" Lời trần tình của tác giả: Tập truyện ngắn này không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Nhân vật xưng "tôi" được dùng như nhân chứng thuật lại chuyện xưa; nhân vật này không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự, và mơ ước thầm kín của bạn bè cùng thời. Mọi nhân vật khác đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào. Xin đừng liên kết nhân vật trong truyện với bất cứ ai ở ngoài đời. Mỗi truyện ngắn là một tác phẩm riêng lẻ đặt liên hoàn với các truyện khác theo thứ tự thời gian, nhưng toàn thể sáu cuốn Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa "I-Thời Thơ Ấu", "II-Tuổi Học Trò", "III-Tuổi Trường Thành", "IV-Dạo Vào Đời", "V-Bước Đổi Đời", và "VI-Đời Phiệu Ngụ" phổ biến và ấn hành từ năm 2013 đến nay không hẳn là một bộ trường thiên tiểu thuyết. Chúng tôi viết để kể lại cho bạn bè nghe những câu chuyện của một quãng đời xa xưa và trau giồi Việt ngữ sau những năm dài sống xa quê hương. Nhớ chuyện xưa đến đâu viết đến đó chứ không hề sắp đặt trước bố cục, nội dung, hay nhân vật, và cũng không hề dự định nói lên điều gì cao siêu như những tác giả lớn làm văn chương thực sự. * * * 02. Đi Đâu Mà Vội Mà Vàng Bismarck được các người Mỹ gốc Âu châu thành lập bên bờ đông (tả ngạn) sông Missouri năm 1872 và dùng làm thủ phủ của North Dakota khi tiểu bang được lập ra và nhận vào Liên bang Hoa kỳ năm 1889. Trong tất cả 50 tiểu bang, North Dakota là tiểu bang độc nhất có thủ phủ mang tên một chính trị gia ngoại quốc – Otto von Bismarck (1815 – 1898) của Đức. Ông chủ trương và điều khiển cuộc thống nhất nước Đức vào năm 1871 và làm thủ tướng đầu tiên của quốc gia mới. Ban đầu, thành phố có tên Edwinton đặt theo tên vị kỹ sư trưởng Edwin Ferry Johnson của Công ty Hỏa xa Northern Pacific; công ty đưa nhân công tới đặt đường xe lửa, lập thị trấn mới, và kêu gọi dân nơi khác đến sinh sống. Một năm sau ngày thành lập, thành phố được đổi tên thành Bismarck; công ty hy vọng mời được Otto von Bismarck sang thăm để lôi cuốn dân nhập cư người Đức đến lập nghiệp và thu hút vốn đầu tư của Đức vào hệ thống hỏa xa của công ty. Lời mời không được ông thủ tướng đáp ứng, và không dưng tên một nhân vật không dính dáng tới lịch sử Hoa kỳ lại gắn liền với North Dakota. Hơn 100 năm sau, cuối tháng Tám năm 1975, gia đình tôi theo gót người xưa đến định cư ở Bismarck. Chúng tôi ở đây đã gần hai tuần, các em Bình, Lâm, và Trọng đã trở lại trường, và tôi chuẩn bị cuộc phỏng vấn xin việc lần thứ hai. Lần này với công ty Dale J. Sessions & Cộng sự chuyên trang bị âm thanh, ánh sáng, và các thiết bị khác cho những cơ sở kỹ nghệ và thương mại như xưởng máy, hội trường, rạp hát, và nhà thờ. Tôi đề nghị với ông bảo trợ Gardner, “Cháu có thể đi phỏng vấn một mình nếu bác kiếm cho cháu chiếc xe đạp cũ làm phương tiện di chuyển.” “Tôi có mấy chiếc xe đạp trong nhà xe không dùng; để tôi mang lại,” ông trả lời sốt sắng. Giắt bản đồ thành phố sau túi quần, tôi vừa huýt sáo vừa đạp xe chạy trên con đường thẳng tắp dưới vòm lá xanh tạo thành bởi cành lá hai hàng cây bên đường giao nhau. Tôi lạc quan tin tưởng việc làm đang chờ tôi trước mặt. Với kinh nghiệm và kiến thức học hỏi khi thiết lập phòng Thí nghiệm Vật lý và phòng Máy Điện ở Đại học Minh Đức, hai phòng thí nghiệm hoàn toàn made in Vietnam đầu tiên và duy nhất của đất nước, tôi biết mình dư sức điều khiển các công tác thiết trí xem ra không có gì khó khăn hay phức tạp của công ty này. Hai mươi phút sau, tôi đến ngôi biệt thự nằm trên ngọn đồi thoai thoải, thở hổn hển đạp xe vào sân, và ngạc nhiên thấy một người đàn ông khoảng năm mươi tuổi mặc bộ áo quần ca-ki thợ thuyền cười tươi đứng chờ, “Tôi là Dale, chủ công ty này. Mình sang nhà tôi uống cà-phê đã!” Tôi nhận ra công ty mang tên họ ông Sessions. Một phần của ngôi biệt thự dùng làm trụ sở công ty và phần nhỏ hơn dùng làm nhà ông. Ông đưa tôi vào nhà bếp và pha cà-phê mời tôi uống. Ngồi đối diện với tôi, ông lấy gói thuốc lá trong túi ra mời, tự châm cho mình một điếu, và phà khói ra trước mặt, “Công ty của tôi nhỏ, chỉ có chừng 20 nhân viên. Khoảng mười nhân viên bên văn phòng lo kế toán sổ sách, liên lạc với khách hàng, ký giao kèo, và lập đồ án cho các công trình phải thực hiện. Số còn lại là ba toán thợ có nhiệm vụ lắp ráp thiết bị tại cơ sở khách hàng, mỗi toán do một đốc công đứng đầu.” Xem ra công ty của ông Sessions nhỏ hơn Công ty Martinet của tôi ở Sài gòn. Năm năm trước, ngày mới tốt nghiệp kỹ sư, tôi được tiến cử làm cố vấn kỹ thuật cho o Tín là chủ Công ty Martinet và được o thương mến và tin cậy. Cuối năm ngoái, trước khi đi Pháp chữa bệnh ung thư, o bổ nhiệm tôi làm Quyền Chủ tịch Tổng Giám đốc (đồng thời là sở hữu chủ). Sau khi o mất, chức vụ của tôi trở thành vĩnh viễn. Như đọc được ý nghĩ của tôi, ông Sessions gật gù, “Khi đọc bản tóm lược (bối cảnh học hành và làm việc), ngoài khả năng kỹ thuật vượt trội của anh, tôi đặc biệt chú ý sự việc anh làm chủ một công ty tư nhân ở Việt nam.” “Thực ra cháu thừa kế công ty đó chứ chẳng có công trạng gì trong việc thành lập hay mở mang công ty. Công việc hàng ngày do Tổng Giám đốc Điều hành của cháu đảm nhiệm, cháu chỉ phụ trách mặt kế hoạch và chính sách dài hạn.” “Công ty đó bây giờ ra sao?” “Một ngày trước khi đi di tản ra khỏi nước, cháu kịp thời giải tán công ty và phân chia tài sản đồng đều cho nhân viên.” Ông Sessions rít một hơi thuốc lá và ngẩng đầu nhìn lên trần nhà cười lớn, “Thật đáng phục! Anh chính là người tôi muốn tìm.” “Cháu chỉ làm điều phải làm mà thôi. Bác muốn thuê cháu làm gì? Cháu không đủ tư cách làm đốc công đâu,” tôi nói đùa. “Chức vụ dành cho anh tệ hơn nhiều,” ông đùa lại rồi đổi giọng nghiêm trang, “Tôi dự định tám đến mười năm nữa về hưu. Trong thời gian đó, anh giúp tôi điều hành, phát triển, và khuếch trương để trị giá của công ty lên cao. Khi về hưu, tôi bán công ty lại cho anh.” “Làm sao chắc chắn bác bán lại cho cháu mà không bán cho người khác?” “Chẳng có gì khó, hợp đồng làm việc sẽ quy định nếu lúc đó còn phục vụ cho công ty anh sẽ có ‘quyền từ chối đầu tiên.’ Chỉ khi nào anh từ chối không mua tôi mới được quyền bán cho người khác.” Ông Sessions lấy xe hơi đưa tôi đi quan sát “công trường,” nơi một toán thợ đang thiết trí hệ thống ánh sáng cho xưởng máy dụng cụ của công ty ráp máy cày và cung cấp các dịch vụ liên hệ như bán đồ phụ tùng và sửa chữa máy cày; North Dakota là một tiểu bang đứng hàng đầu về nông nghiệp của Hoa kỳ. Máy dụng cụ là những loại máy dùng để tiện, khoan, mài giũa, và cắt xén kim loại hay các vật liệu cứng khác để chế tạo vật dụng hay đồ phụ tùng cho máy móc khác. Anh đốc công trạc ba mươi tuổi nhanh nhẹn tới chào tôi và trình bày công tác đang làm, “Xưởng có 90 cỗ máy dựng thành ba hàng dài như ông thấy. Điều canh tân đáng kể của dự án là theo yêu cầu của khách hàng, công ty dùng đèn huỳnh quang thay vì đèn tim đốt cổ điển. Đèn huỳnh quang tuy mắt tiền hơn đèn tim đốt, nhưng sáng hơn và tiết kiệm điện nhiều hơn nên về lâu về dài khách hàng vẫn có lợi.” Đèn tim đốt là loại đèn chiếu sáng khi tim đèn bị đốt nóng, tim đèn là bộ phận chính phát ra ánh sáng xuyên qua bóng thủy tinh. Đèn huỳnh quang là loại đèn dùng sự phóng điện để kích thích hơi thủy ngân trong chất khí argon hay neon để phát ra ánh sáng. Tôi đi quanh xem xét lối chạy dây điện và gắn đèn của thợ, khen đôi ba câu lấy lệ, và hỏi anh đốc công, “Anh có giữ họa đồ điện thiết kế ở đây không?” “Dạ có, để tôi lấy ông xem,” anh ta sốt sắng lấy họa đồ trải rộng ra. “Có điều gì không ổn?” ông Sessions hỏi lớn khi thấy tôi vừa xem vừa lắc đầu. “Dạ, cháu nghĩ là công trình này vi phạm một lỗi lầm kỹ thuật trầm trọng.” Trước bốn con mắt nghi hoặc của hai người, tôi đằng hắng dọn giọng rồi chỉ lên bản vẽ, “Theo kế hoạch, tất cả đèn ở mỗi hàng máy đều lấy điện từ một pha.” “Pha” tiếng Anh là “phase” dùng để chỉ điện lấy ra giữa một trong ba dây “nóng” và dây “đất” chung của hệ thống điện tam tướng (ba pha) mà công ty điện lực cung cấp cho khách hàng kỹ nghệ. “Đúng vậy. Số đèn trên các pha bằng nhau nên hệ thống điện cân bằng một cách hoàn hảo,” anh đốc công tự hào. “Vấn đề ở đây bắt nguồn từ đặc tính cố hữu của dòng điện xoay chiều. Điện dùng ở Bắc Mỹ có tần số 60 hertz, nghĩa là trong một giây dòng điện tắt hẳn, lên cao nhất, và tắt lại tất cả 60 lần. Nếu dùng đèn tim đốt, dù dòng điện tắt, tim còn cháy đỏ và tiếp tục phát ra ánh sáng đến khi dòng điện trở lại. Ngược lại, khi dùng đèn huỳnh quang, dòng điện tắt thì sự phóng điện trong chất khí cũng ngưng và đèn tắt ngúm 120 lần một giây.” “Đèn chớp tắt nhanh như thế thì làm sao mắt thường thấy được mà phải quan tâm?” Anh đốc công bực dọc gạt ngang, nhưng tôi tiếp tục, “Nếu dùng trong nhà thờ, rạp hát, hay công sở thì không sao, nhưng đây là cơ xưởng gồm toàn máy quay vận tốc cao. Về mặt quang học, một hiện tượng gọi là hoạt nghiệm sẽ xảy ra: Nếu vận tốc của máy gần bằng hay bằng một bội số của tần số chớp tắt, mắt ta sẽ thấy trục quay dường như di chuyển rất chậm hay ngừng hẳn lại. Sự nhận lầm này có thể đưa tới tai nạn đáng tiếc cho người điều khiển máy,” tôi giải thích. “Vậy anh nghĩ chúng tôi phải làm sao?” ông Sessions nóng lòng hỏi. “Không cần phải thay đèn huỳnh quang bằng đèn tim đốt trở lại theo họa đồ nguyên thủy; đó là giải pháp mắt tiền vì công ty bác đã mua và gắn các bộ đèn huỳnh quang vào vị trí thích hợp. Giải pháp ít tốn kém hơn nhiều là thay đổi cách cung cấp điện, tức là lối mắc dây: Trên mỗi cỗ máy có ba ngọn đèn huỳnh quang, ta chỉ việc mắc mỗi ngọn vào một pha khác nhau là xong.” Ông Sessions và anh đốc công cùng thắc mắc, “Làm sao cách mắc dây ấy giải quyết vấn đề?” “Trong hệ thống điện tam tướng, mỗi pha cách pha kế tiếp một phần ba (1/3) chu kỳ, tức là tắt và sáng trước pha kế tiếp 1/180 giây. Khi một pha tắt thì hai pha kia vẫn sáng và giữ ánh sáng tỏa ra liên tục. Không còn hiệu ứng hoạt nghiệm!” “Cám ơn anh đã giúp chúng ta tránh được một vụ nhức đầu lớn lao. Khi nói ‘chúng ta,’ tôi muốn nói cả anh và tôi,” ông Sessions vỗ vai tôi. Trở về trụ sở, ông Sessions đưa tôi vào văn phòng riêng và đưa đề nghị sửa soạn từ trước, “Công ty sẽ nhận anh với chức vụ Phụ tá Tổng Giám đốc, tức là phụ tá cho tôi. Hợp đồng làm việc có hiệu lực ba năm, mỗi ba năm sẽ tái tục, và ghi điều khoản ‘quyền từ chối đầu tiên’ như tôi nói với anh. Công ty nhỏ ngân sách eo hẹp nên chỉ trả lương anh 750 đô la ($750) một tháng trong năm đầu tiên. Tôi cũng báo trước là anh và tôi là giám đốc sở hữu chủ nên sẽ làm việc không giới hạn vào một ngày tám tiếng hay một tuần năm ngày như nhân viên khác, và chúng ta chỉ lấy nghỉ hè khi công việc thực sự ngơi ngớt,” và ông nói gần như nài nỉ, “Ba Hoa, số lương đó thấp hơn mức lương kỹ sư trên thị trường, nhưng tôi nghĩ triển vọng làm chủ công ty bù đắp thích đáng cho sự thiệt thòi trong giai đoạn đầu.” So với lương giờ một đồng bảy mươi lăm xu ($1.75) của thằng Sang ngoài trạm xăng, $750 một tháng là một số tiền đáng kể. Nhưng rõ ràng ông Sessions muốn sử dụng tài năng của tôi và bắt làm việc bất kể giờ giấc mà không đền bù xứng đáng, trả lương tôi kém hơn kỹ sư người Mỹ trung bình. Phải chăng tại tôi là dân tỵ nạn chân ướt chân ráo tới xứ sở này? Lòng tự ái và tính bướng bỉnh chợt bừng dậy, tôi cau mày đứng lên và cố lấy giọng lễ phép nhất, “Cám ơn bác đã tiếp đãi và cho cháu cơ hội thăm viếng công ty. Nhưng hoàn cảnh gia đình hiện tại không cho phép cháu chấp nhận đề nghị của bác.” Tôi đạp xe về nhà trong nắng chiều cuối hè vàng nhạt và cảm thấy bằng lòng với chính mình. Tuy tôi không kiếm được việc làm như mong mỏi, tài nghệ của tôi được công nhận; không còn nghi ngờ gì nữa. Hoa kỳ là xứ sở của cơ hội và sẽ có thiếu gì việc làm tốt đẹp hơn, và tôi không cần Đi đâu mà vội mà vàng, Chín năm sau, một công ty có phạm vi hoạt động khắp vùng Bắc Mỹ mua lại Dale J. Sessions & Cộng sự với giá trên 15 triệu đô la. Bỏ lỡ thời cơ làm chủ một công ty đáng giá, tôi lạch ạch làm kỹ sư kế hoạch cho công ty tiện ích và tự an ủy số mình chỉ đi làm công ba cọc ba đồng chắc như gạo bỏ hũ mà thôi. Nguyễn Ngọc Hoa |