![]() |
Tập truyện "Đất Khách Quê Mình" Lời trần tình của tác giả: Tập truyện ngắn này không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Nhân vật xưng "tôi" được dùng như nhân chứng thuật lại chuyện xưa; nhân vật này không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự, và mơ ước thầm kín của bạn bè cùng thời. Mọi nhân vật khác đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào. Xin đừng liên kết nhân vật trong truyện với bất cứ ai ở ngoài đời. Mỗi truyện ngắn là một tác phẩm riêng lẻ đặt liên hoàn với các truyện khác theo thứ tự thời gian, nhưng toàn thể sáu cuốn Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa "I-Thời Thơ Ấu", "II-Tuổi Học Trò", "III-Tuổi Trường Thành", "IV-Dạo Vào Đời", "V-Bước Đổi Đời", và "VI-Đời Phiệu Ngụ" phổ biến và ấn hành từ năm 2013 đến nay không hẳn là một bộ trường thiên tiểu thuyết. Chúng tôi viết để kể lại cho bạn bè nghe những câu chuyện của một quãng đời xa xưa và trau giồi Việt ngữ sau những năm dài sống xa quê hương. Nhớ chuyện xưa đến đâu viết đến đó chứ không hề sắp đặt trước bố cục, nội dung, hay nhân vật, và cũng không hề dự định nói lên điều gì cao siêu như những tác giả lớn làm văn chương thực sự. * * * 03. Mèo Lại Hoàn Mèo Hai tuần đầu tiên ở Bismarck đối với tôi là một thời gian dài. Tôi phải đương đầu với những đổi thay đột ngột, làm những việc chưa từng làm, học hỏi nhiều điều mới lạ trong cuộc sống mới, và bắt gặp vài cảm giác lạ chưa hề trải qua. Những ngày qua, mỗi khi bước qua cửa vào nhà, tôi thấy mình tự nhiên nghiêng đầu qua một bên và cúi thấp xuống. Ở lều vải nhà binh trong hơn ba tháng trôi giạt từ đảo Guam đến trại Trại Pendleton, mỗi lần vén tấm bạt cửa bước vào lều tôi đã nghiêng đầu như thế để khỏi chạm mặt vào chóp cửa lều. Tôi nói chuyện này với Quỳnh Châu, nàng cười ngả nghiêng, “Ôông dôông của em thành vật thí nghiệm Pavlov lâu rồi mà bây giờ mới hay.” “Pavlov là ai? Có phải là anh bồ cũ nào đó của em ở Stanford không?” tôi giả vờ không biết để trêu nàng. “Trong đời em chỉ có một ông bồ, không cũ cũng chẳng mới là chồng đây,” nàng bĩu môi gí tay vào ngực tôi và thách thức, “Anh mà không biết Pavlov là ai thì em sẽ chạy liền xuống bếp rót ly sữa ực một hơi cho anh coi.” Nàng ghét uống sữa tươi và xem đó là một cực hình, trong lúc tôi muốn nàng uống mỗi ngày một ly để “thằng Thìn đủ calcium lớn lên trong bụng mẹ.” “Ngày trước, sách Vạn vật đệ tứ (lớp 9) của anh có dạy thí nghiệm Pavlov về phản xạ có điều kiện: Mỗi lần cho con chó ăn, Pavlov rung chuông để kích thích dịch vị tiết ra trong dạ dày của chó. Về sau, ông không cho chó ăn nhưng rung chuông và vẫn thấy dịch vị tiết ra.” Ivan Petrovich Pavlov (1849 – 1936) là nhà sinh lý học người Nga nổi tiếng về công trình nghiên cứu điều kiện hóa cổ điển như thí nghiệm cho chó ăn và rung chuông. Năm 1904, ông đoạt giải Nobel về sinh lý học hay y khoa và là người Nga đầu tiên được giải thưởng này. Ở Tây phương, người ta dùng kết quả nghiên cứu của Pavlov trong tâm lý trị liệu, và ở các nước Cộng sản, chính quyền chuyên nhất áp dụng nó trong lãnh vực tuyên truyền, tẩy não, hay thẩm vấn nghi phạm và ép phải nhận tội. Quỳnh Châu giải thích trường hợp của tôi, “Điều kiện hóa cổ điển là liên kết một tác dụng kích thích có sẵn tự nhiên (tiếng chuông) với một tác dụng vô điều kiện (mùi vị thức ăn) để tạo ra phản xạ có điều kiện (dịch vị tiết ra). Việc anh bước vào cửa được liên kết với sự kiện cửa lều thấp hơn đầu người và tạo ra phản xạ nghiêng đầu thấp xuống.” “Thì ra cái thói tật ba láp của anh cũng có tên khoa học khoa hiếc đàng hoàng,” tôi bật cười; “ba láp” (do tiếng Pháp “palabre”) là tầm bậy tầm bạ, không có gì quan trọng. “Chồng em còn mắc phải một phản xạ khác không đẹp đẽ cho lắm. Ban đêm đang ngủ, khi nghe một tiếng động lớn, anh giật mình thức dậy, nhổm người nhảy ào ra khỏi giường như để tìm nơi trú ẩn, trong tình trạng nửa mê nửa tỉnh la lớn, ‘Đê em thằng Việt Cộng,’ và dớn dác nhìn quanh một hồi rồi nằm xuống giường ngủ lại,” nàng dùng chữ “đê em” (đ. m.) để chỉ tiếng chửi thề của tôi. “Anh nhiễm cái thói kỳ cục đó từ sau Tết Mậu Thân (1968) hàng đêm Việt Cộng pháo kích bừa bãi vào các khu đông dân cư, phá sập nhà cửa, và gây nhiều thương vong. Trời kêu ai nấy dạ, nhiều gia đình buổi tối cha mẹ vợ chồng con cái còn sum vầy, sáng ra người chết banh xác kẻ bị thương kêu la. Bọn Cộng ngưng pháo kích từ năm 1973 mà đến nay anh còn bị ám ảnh trong giấc ngủ, khổ đời vậy đó!” tôi ngượng nghịu giải thích. Ba thập niên sinh ra và lớn lên trong chiến tranh và bốn tháng sống bềnh bồng qua nửa vòng trái đất còn ghi hằn dấu vết trong tâm hồn tôi. Nhưng nay không phải lúc moi lại ký ức quá khứ mà phải tập trung tinh thần lo cho tương lai. Sau hai lần phỏng vấn, tôi chưa hy vọng kiếm được công việc mong muốn. Tôi còn có hẹn với hai hãng điện lực cùng đặt bản doanh ở Bismarck, nhưng có mục đích, cơ cấu tổ chức, và khách hàng phục vụ khác hẳn nhau. Một hãng là Công ty Tiện ích Montana-Dakota (MDU) thành lập năm 1924 hơn nửa thế kỷ trước và do các nhà đầu tư làm chủ dưới hình thức cổ đông, tức là người có cổ phần. MDU cung cấp điện và hơi đốt cho khách hàng trong phạm vi thị xã của nhiều thành phố ở North Dakota và ba tiểu bang chung quanh. Hãng kia là Hợp tác xã Điện lực Basin (“Basin”; “basin” tiếng Anh nghĩa là lưu vực) là cơ quan bất vụ lợi chuyên sản xuất điện, tải đi, và bán sỉ cho các hợp tác xã điện nông thôn (rural electric cooperative, hay REC) ở North Dakota và tám tiểu bang khác. Basin mới thành hình năm 1961 trước đây mười mấy năm. Mãi đến giữa thập niên 1930, trước khi Hoa kỳ phát triển chương trình điện hóa nông thôn, mười nhà ở thôn quê thì chín nhà không có điện, nông dân vắt sữa bò bằng tay dưới ánh sáng lù mù của đèn dầu hôi, và bà vợ nấu ăn bằng lò đốt củi và giặt áo quần bằng tấm ván giặt. Các công ty điện lực tư như MDU không cung cấp điện ra vùng quê xa tỉnh vì tốn kém nhiều và không có lợi. Năm 1937, các tiểu bang bắt đầu thành lập REC là những tổ chức do khách hàng dùng điện làm chủ, hoạt động trên nguyên tắc bất vụ lợi, và được chính phủ liên bang trợ giúp và cho vay tiền nhẹ lãi để xây dựng phương tiện phân phối điện. Ngày nay hầu hết mọi nhà ở thôn quê đều có điện. Khi biết tôi có hẹn với Basin, ông bảo trợ Gardner chỉ dẫn, “Trụ sở Basin cách nhà anh có năm, sáu khu phố, nhưng anh coi chừng đi nhầm văn phòng. Basin xây trụ sở chưa xong và hiện thuê mấy tầng lầu cao nhất trong tòa nhà Bảo hiểm Providence, các tầng dưới là hãng bảo hiểm.” Tôi được đưa lên lầu sáu và tới một văn phòng trước cửa gắn bảng tên “F. K. Durant.” Một người đàn ông trạc ba mươi lăm, ba mươi sáu tuổi đầu hói ngồi sau chiếc bàn giấy lớn. Ông nói tiếng Anh hơi lơ lớ chậm rãi và rõ ràng và chìa tay mời tôi ngồi ở chiếc ghế trước mặt, “Tôi là Frank Durant, Giám đốc sở Truyền Điện. Ông Giám đốc sở Sản xuất, người nói chuyện với anh qua điện thoại trước đây, hôm nay cần có mặt tại công trường xây cất nhà máy phát điện nên không thể gặp anh.” “Xin ông cho biết chức vụ công ty cần tuyển dụng trực thuộc sở nào, Truyền Điện hay Sản xuất?” tôi đánh bạo hỏi. “Công ty đang phát triển mạnh nên sở nào cũng cần người. Sở Truyền Điện cần nhân viên cấp bách hơn nên tôi được chỉ định tiếp anh.” Tôi thoáng thấy bằng kỹ sư của một đại học Pháp và bằng cao học (Master) của Học viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT) mang tên Pháp của ông giám đốc – François Kalle Durant – treo trên tường trái của văn phòng; MIT là đại học kỹ thuật Hoa kỳ nổi tiếng nhất thế giới. Ông chỉ lên tấm bản đồ hệ thống điện vùng Trung Tây Hoa kỳ bên tường phải, “Basin đang xây cất một đường dây điện rất cao thế từ trung tâm tiểu bang North Dakota đến đông nam tiểu bang South Dakota dài hơn 300 dặm Anh (chừng 500 km). Đường dây được thiết kế ở điện thế 500 kV (kilovolts, tức là 1,000 volt) nhưng ban đầu sẽ hoạt động ở 345 kV. Trong tương lai, khi nhu cầu tải điện lớn hơn, chúng tôi sẽ nâng cấp lên 500 kV mà không phải chi tiêu thêm phí tổn lớn.” “Ở trường kỹ sư, tôi học tường tận phương pháp tính toán sức tải điện và thiết kế các đường dây cao thế,” tôi vội vàng nêu lên cho ông biết. “Giai đoạn thiết kế và tính toán tất cả đã xong xuôi,” ông gạt ngang và tiếp tục trước khi tôi kịp nói thêm, “Công ty đã thuê một hãng cố vấn kỹ thuật đo đạc và vẽ trắc đồ cho suốt cả 300 dặm đường dây đi, đặt mua thép dùng làm trụ điện từ bên Ý, và giao việc xây cất cho nhà thầu đáng tin cậy và nổi tiếng nhất thế giới ở tỉnh Québec bên Gia Nã Đại. Phải cực kỳ thận trọng vì ở điện thế 500 kV một lỗi lầm nhỏ cũng có thể khiến đường dây cháy rụi. Chúng tôi cần tuyển một Kỹ sư Truyền Điện có ít nhất năm năm kinh nghiệm trong ngành điện lực để làm quản đốc dự án. Người này sẽ ra công trường, theo sát toán thợ nhà thầu từng bước để chắc chắn họ xây cất đúng thiết kế và tiêu chuẩn, và đồng thời giải quyết tại chỗ các vấn đề xảy đến bất ngờ.” Ông Durant láo liên nhìn tôi, “Ba Hoa, tôi hiểu anh biết nhiều về kỹ thuật điện hơn các ứng viên khác. Nhưng đó chỉ là kiến thức suông học được từ trường học và sách vở. Với chức vụ chúng tôi đang cần, anh thiếu hẳn kiến thức làm (know-how), người Pháp chúng tôi gọi là ‘savoir-faire,’ tức là kinh nghiệm thu thập khi anh bắt tay vào việc, tập dượt mỗi ngày mỗi thành thạo hơn, và đạt tới mức hoàn hảo mong muốn.” “Xin ông nói biết rõ hơn về ý định của ông,” tôi cố nén nỗi lo ngại. “Với ý nghĩ như vậy, thay vì nhận anh làm kỹ sư, tôi đề nghị anh nhận chức vụ Phụ tá Kỹ thuật cấp thấp hơn. Anh sẽ thi hành mọi nhiệm vụ cần thiết mà giám đốc và các kỹ sư giao phó, như thế tận dụng kiến thức rộng rãi của anh. Sau vài năm làm việc và chứng tỏ khả năng của mình, anh có quyền xin ứng tuyển lên bất cứ chức vụ nào trống trong công ty. Đây là cách đặt chân vào cửa của rất nhiều người cần việc làm lần đầu như anh.” “Ông quên loại kiến thức thứ ba, quan trọng hơn hai loại kia. Đó là kiến thức sống người Pháp các ông gọi là ‘savoir-être’ gồm những đặc tính liên quan đến nhân cách, phong cách, cách làm việc, sự thích thú trong công việc, quan hệ với cộng sự chung quanh, v.v. Loại kiến thức này là ưu điểm của tôi mà ông chưa xét tới. Phải tổng hợp cả ba loại kiến thức mới tạo nên khả năng toàn diện của một nhân viên phục vụ xí nghiệp.” Tôi nhớ lại bài học Quản trị Xí nghiệp ở trường kỹ sư và nhắc nhở để mong cứu vãn tình thế. Ông Durant không bằng lòng, “Tôi không bất đồng ý kiến với anh, nhưng tôi đánh giá và tuyển người theo điều kiện riêng của tôi.” “Nếu nói về quá trình học hành, tôi không thua kém gì ông, nếu không nói là trội hơn,” tôi chỉ tay lên các tấm bằng trên tường và mím môi, “Ông để cả buổi chiều nói chuyện với tôi mà không hỏi một câu về chuyện gì tôi có thể làm cho công ty. Tôi không hề có cơ hội chứng tỏ rằng với kiến thức kỹ thuật sâu rộng của một kỹ sư và óc quan sát sắc bén và trí phán đoán chính xác của một nhà khoa học, tôi có khả năng nhận diện bất cứ sơ suất nào trong dự án 500 kV để bảo đảm đường dây dựng nên hoàn hảo.” “Đừng quên anh là người Việt, tôi là người Pháp. Anh là ứng viên xin việc, tôi là giám đốc thuê người. Không thể so sánh táo với cam,” ông đổi sang giọng châm biếm. Tôi nổi sùng, thằng Tây này khinh người quá đáng. Ở xứ này không có nghề hay việc gì xấu hay đáng hổ thẹn, nhưng tôi không thể cho phép mình bị coi rẻ xem thường. Tôi đứng dậy nhún vai và nói bằng tiếng Pháp, “Anh François, anh đã phí phạm thì giờ của anh và tôi. Anh có thành kiến với người Việt chúng tôi và đã quyết định số phận tôi từ trước; tôi hiểu người Pháp các anh lắm.” Tôi để lại cảm giác bực bội ở văn phòng anh François và trên đường về nhằm giờ tan sở đáp lại lời chào hỏi thân thiện của những người đi làm ra. Về nhà, tôi hôn lên má Quỳnh Châu, “Anh ‘rớt’ rồi! Bị Basin chê là dân An nam tóc đen da vàng.” “Chồng ơi, đừng thất vọng mà hãy nhớ chuyện ‘Tái ông thất mã, an tri họa phúc’ (Ông lão ở biên giới mất ngựa, biết đâu là họa hay phúc),” nàng an ủy tôi. “Như trong chuyện ngụ ngôn ‘Mèo lại hoàn mèo,’ anh thất nghiệp lại hoàn thất nghiệp và có ‘được’ hay ‘mất’ gì đâu mà em lo,” tôi kể lại chuyện xin việc hồi chiều và kết luận, “Anh không muốn làm việc dưới quyền một anh Phú Lang Sa thứ thiệt.” “Đúng ra đó là một thiệt thòi lớn của Basin. Anh là người duy nhất mà em biết có thể thấy được những điều người khác không thấy. Đôi khi có những việc sờ sờ trước mắt mà không ai để ý, đến khi anh chỉ ra thì ồ lên, ‘Dễ quá, sao mình không nhận ra?’” Quỳnh Châu hiểu rõ tính gàn bướng của chồng nên không nói ra nửa lời trách móc. Nhưng tôi biết mình đã bỏ qua một cơ hội có công ăn việc làm. Tự hứa với lòng lần sau sẽ cư xử ra . . . người tỵ nạn. Nguyễn Ngọc Hoa |