Trở về trang Mục Lục

Bản PDF để in

Tập truyện "Đất Khách Quê Mình"

Lời trần tình của tác giả: Tập truyện ngắn này không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Nhân vật xưng "tôi" được dùng như nhân chứng thuật lại chuyện xưa; nhân vật này không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự, và mơ ước thầm kín của bạn bè cùng thời. Mọi nhân vật khác đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào. Xin đừng liên kết nhân vật trong truyện với bất cứ ai ở ngoài đời.

Mỗi truyện ngắn là một tác phẩm riêng lẻ đặt liên hoàn với các truyện khác theo thứ tự thời gian, nhưng toàn thể sáu cuốn Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa "I-Thời Thơ Ấu", "II-Tuổi Học Trò", "III-Tuổi Trường Thành", "IV-Dạo Vào Đời", "V-Bước Đổi Đời", và "VI-Đời Phiệu Ngụ" phổ biến và ấn hành từ năm 2013 đến nay không hẳn là một bộ trường thiên tiểu thuyết. Chúng tôi viết để kể lại cho bạn bè nghe những câu chuyện của một quãng đời xa xưa và trau giồi Việt ngữ sau những năm dài sống xa quê hương. Nhớ chuyện xưa đến đâu viết đến đó chứ không hề sắp đặt trước bố cục, nội dung, hay nhân vật, và cũng không hề dự định nói lên điều gì cao siêu như những tác giả lớn làm văn chương thực sự.

* * *

04. Bông Hoa Lài

Hôm nay tôi và Quỳnh Châu mới có dịp đi quanh thám hiểm thành phố. Chiều Chủ Nhật, đường phố vắng tanh. Chúng tôi đạp xe dưới vòm cây trên đường dốc thoai thoải, đi qua bảy, tám khu phố, và đến capitol của North Dakota; đó là khu nhà chính quyền trung ương tiểu bang làm việc. Nằm giữa thảo nguyên, tòa nhà chính hình hộp 21 tầng là “nhà chọc trời” cao nhất North Dakota; đứng trên sân thượng có thể thấy cảnh vật xa đến hàng chục dặm Anh. Bãi cỏ xanh mướt trước capitol rộng mênh mông với lối đi hai bên nằm dưới bóng cây.

Trên bãi cỏ, trẻ em đá banh và thả diều, thiếu niên lớn hơn thì ném frisbee (đĩa nhựa để ném bắt chơi) với nhau hay dạy chó nhảy bắt đĩa bằng mõm, và các cặp nam nữ nằm kề nhau chuyện trò thân mật. Bầu trời xanh không vẩn một đám mây, nắng chiều cuối hè vàng nhạt pha vào màu áo quần xanh đỏ, và tiếng cười đùa lẫn trong tiếng gió thầm thì. Cảnh thanh bình khiến tôi xúc động, tôi siết chặt tay Quỳnh Châu,

“Mai mốt anh sẽ dẫn ‘thằng Thìn’ mình lên đây thả diều và chạy chơi như mấy đứa nhỏ kia.”

“Dạ, nếu là ‘bé Long’ anh cũng dạy con thả diều nghen,” nàng thổn thức trên vai tôi; “bé Long” là tên nàng gọi con đầu lòng tương lai của chúng tôi thay cho “thằng Thìn” nếu là con gái.

Chúng tôi vừa về đến nhà thì một chiếc xe hơi màu đỏ chói chạy vào đậu trong driveway (lối xe đi từ ngoài đường vào sát nhà hay cửa ga-ra), và một cặp vợ chồng người Việt bước ra, hai đồng hương đầu tiên tôi gặp từ ngày đến đây. Ông chồng trạc tứ tuần dáng béo tốt cục mịch nói giọng Nam rổn rảng, “Ê đạp xe đi chơi dzui quá hén.” Bà vợ có khuôn mặt đầy đặn phúc hậu, dáng cao và sang, và trông trẻ hơn chồng yêu kiều bước lại nắm tay Quỳnh Châu,

“Mấy bữa rày chị tính tới thăm em mà lu bu gì đâu, chiều nay chở tụi nhỏ đi xi-nê về mới tới được.”

Quỳnh Châu gặp cặp vợ chồng này ở Đại học Cộng đồng Bismarck (BJC) hôm nàng đưa Bình đi ghi tên nhập học, họ đưa cậu con đầu lòng đi xin học. Nếu bà vợ duyên dáng và lịch sự bao nhiêu thì ông chồng kênh kiệu và trịch thượng bấy nhiêu. Không đợi mời, ông vào nhà thản nhiên ngồi phịch vào chiếc ghế xa-lông lớn giữa phòng khách, ngả ngửa lên lưng ghế, và tréo mảy đưa chân lên cao,

“Tao là Mai Tren. Tụi tao có mặt ở đây từ đầu tháng Bảy, nhưng tao không thích giao du với dân Việt nam ưa lộn xộn. Bả năn nỉ lắm tao mới tới đây.”

Ảnh tên là Trần văn Mỹ, hay Mỹ Trần mà ảnh thích đọc theo tiếng Anh không bỏ dấu. Đây là anh Ba Hoa, chồng cô Quỳnh Châu đó anh,” bà vợ hình như đã quen với hành động kỳ cục của chồng.

Quỳnh Châu xin phép xuống nhà bếp làm cơm chiều, bà vợ đi theo nàng. Tôi hỏi cho có chuyện, “Cậu con ‘ông’ năm nay mấy tuổi, học gì trên BJC?” nhập nhằng dùng đại danh từ “ông” có thể dùng gọi bậc trưởng thượng, hay nói với kẻ ngang hàng mà không muốn “mày tao.” Được nước, ông mừng rỡ nhổm dậy,

“Thằng con tao 18 tuổi, nó học bác sĩ chứ không như con em mày học y tá quèn đâu.” Bình học ngành điều dưỡng ở BJC.

“BJC là đại học cộng đồng, có phải là trường y khoa dạy bác sĩ đâu ‘ông’ ơi,” tôI nói móc.

“Con tao học tiền y khoa (pre-medical), sau này ra bác sĩ sai con em mày chạy có cờ cho coi,” ông khoái chí cười khà khà.

Ở đại học Mỹ, tiền y khoa là chương trình dự bị cho sinh viên vào học trường y khoa, không phải là một ngành chuyên khoa. Sinh viên thường theo chương trình cử nhân sinh học và lấy các môn học cần thiết để thi MCAT (Medical College Admission Test) trường y khoa đòi hỏi khi họ nộp đơn xin học. Các cuộc tuyển chọn rất gắt gao, và tỉ lệ nhận vào trường rất thấp. Dù biết con đường đi tới lời thề Hippocrates của cậu sinh viên chân ướt chân ráo bước vào ngưỡng cửa đại học dài đằng đẵng và lắm chông gai, tôi cố gắng nhũn nhặn,

“Bên nhà cậu ‘chuẩn bác sĩ’ học trường nào?”

“Nó học trường Tây – Jean Jacques Rousseau, vừa đậu Bắc đơ, và sửa soạn đi Tây học bác sĩ thì bỏ chạy,” ông nhăn nhó than thở như . . . thật; “Bắc đơ” (tiếng Pháp “Bac II”) là “Baccalauréat,” tức là bằng Tú tài toàn phần, và trường Jean Jacques Rousseau trên đường Hồng Thập Tự được chuyển giao cho bộ Quốc gia Giáo dục Việt nam Cộng hòa và trở thành Trung tâm Giáo dục Lê Quý Đôn từ năm 1967, tám năm nay.

“Sao lạ vậy, ‘ông’ có lộn không? Tú tài Pháp luôn luôn tổ chức khoảng giữa tháng Sáu, lúc gia đình ‘ông’ xếp hàng ăn cơm nhà bàn líu lo trong trại tỵ nạn, làm sao thi với cử?” tôi cười khì.

“À quên, nó học terminale (lớp 12 chương trình Pháp). Nó đậu Bac I (Tú tài I) năm ngoái,” ông gượng vớt vát.

Tôi thấy không cần nể nang cái ông cha căng chú kiết này,

“‘Ông’ phét lác vừa vừa thôi chứ, Tây nó cười cho thúi mũi. Tụi Tây bỏ hẳn vụ thi Tú tài I từ năm 1965, hồi thằng con ‘ông’ học chưa hết lớp ba, mẹ còn chưa cho phép ở truồng tắm mưa.”

“Mày là kỹ sư trường đua biết mẹ gì? Cả hai vợ chồng mày thất nghiệp dài người phải ăn bám bọn nhà thờ Tin lành; không như tao đây, tới nơi hôm trước, hôm sau đi làm liền. Tao làm giám đốc kế toán, tụi Mỹ phục lăn tôn làm sư tổ,” ông sừng sộ chỉ mặt tôi.

“Kỹ sư trường đua” là lối nói khinh miệt chỉ kỹ sư tốt nghiệp ở Việt nam như tôi vì trường kỹ sư nằm đối góc với trường đua ngựa Phú Thọ, trường đua đóng cửa từ thời Đệ nhất Cộng hòa. Không nói không rằng, tôi đứng dậy bước vào phòng đóng cửa nằm đến khi Quỳnh Châu gọi ra ăn cơm chiều.

Tối hôm đó, chúng tôi tiếp hai người khách khác: bà Jane trong họ đạo nhà thờ Ba ngôi Lutheran dạy BJC, và Brian trưởng ban của bà và là đồng môn cũ của Quỳnh Châu ở Đại học Stanford. Sau khi uống nửa tách trà, Brian mở lời,

“Cô Pearl, chúng tôi đã đến nước đường cùng, mong cô giúp cho.” “Pearl” (nghĩa là ngọc quý, tức là “Châu”) là tên bạn đồng học gọi Quỳnh Châu ở Stanford.

“Nếu làm được, tôi sẽ cố gắng hết sức,” nàng sốt sắng.

“BJC có chương trình dạy lớp đêm để tạo cơ hội cho người lớn ban ngày đi làm mà muốn đi học, hay cung ứng cho sinh viên trẻ vì lý do nào đó không thể đến lớp ban ngày. Tuần rồi, anh tâm lý gia làm việc cho bệnh viện Saint Paul phụ trách hai lớp Tâm lý học bất ngờ đổi việc dọn đi tiểu bang khác, chúng tôi bối rối vì không có giáo sư thay thế. Tôi biết cô thừa khả năng giảng dạy hai lớp nhập môn này,” Brian khẩn khoản nhìn nàng.

“Ở Sài gòn, tôi dạy lớp tương tự nên chắc không cần sửa soạn lâu. Nhưng để tôi nói chuyện riêng với chồng,” nàng ra hiệu cho tôi ra sau nhà bếp.

Tôi hãnh diện ôm lấy nàng,

“Cô vợ dễ thương tài quá là tài! Sao em không nhận lời cho rồi mà hỏi anh làm chi?”

Dzậy mới kêu là khôn vặt, em biết chồng thế nào cũng bằng lòng nên mới bày đặt hỏi ý kiến cho chồng dzui lòng chớ!”

Nàng chu mỏ nói đùa rồi nắm tay tôi kéo ra ngoài và gọi khách bằng tên nhạo thời đi học,

“’Brian Nông gia,’ tôi nhận lời. Anh hay chị Jane có sẵn sách và tài liệu giáo khoa cho tôi dùng chứ?”

“Dĩ nhiên. Xin nói ngay là chúng tôi mời cô dạy với tư cách giáo sư thỉnh giảng và trả thù lao theo số giờ dạy. Mỗi tuần cô dạy hai đêm, mỗi đêm ba tiếng đồng hồ. Thù lao lãnh vào cuối lục cá nguyệt không phải là số tiền đáng kể,” Brian lấy ra bản hợp đồng đã soạn sẵn.

Vài tuần sau, Quỳnh Châu nói chuyện với tôi về con ông Mai Tren,

“Cậu ta tên Trần văn Quí, nhưng ‘ông già’ không thích tên Việt nên gán cho cái tên Mỹ Quiet (yên tĩnh). Nó học lớp đêm của em; không biết vì ghi tên trễ lớp ban ngày hết chỗ, hay cố tình xin chuyển qua để mong lấy điểm cao.”

“Em thấy nó học hành thế nào?”

“So với đám sinh viên già đầu trong lớp rời xa sách vở đã lâu thì Quiet khá nhanh trí và chăm chỉ. Thằng nhỏ tương đối thông minh, nhưng có lẽ khó thành công.”

“Sao vậy?”

“Ở Sài gòn Quiet học chưa xong lớp 11 trường Nguyễn Bá Tòng trên đường Bùi Chu mà sang đây bị ông già chơi ngon đẩy đi ‘học bác sĩ.’ Vừa thiếu căn bản vừa kém Anh ngữ mà lại noi gương cha lúc nào cũng tự cho mình giỏi hơn sinh viên Mỹ, tinh thần hiếu học và tìm tòi vì vậy suy giảm nhiều.”

Ông bà có hai cậu con khác. Đứa út tên Đức, ông đổi ra Duke (quận công). Đứa giữa tên Phúc, cái tên mà hầu hết người Mỹ trước khi đọc đều buột miệng than, “Oh, my God (Ối Trời ơi)!” vì nghĩ rằng “Phuc” phát âm giống như một tiếng tục tĩu; cậu biến thành Fudge (kẹo mềm hay chuyện vớ vẩn tầm phào). Trong niên giám điện thoại, ông Mai Tren là người Nhật: Miyamoto Tran.

Ngày Sài gòn, khi còn quân đội Hoa kỳ, ông thầu giặt ủi quần áo lính Mỹ ở căn cứ Long Bình, và nhờ đó cô em họ phụ việc cho ông quen và lấy anh trung sĩ người Mỹ quê ở North Dakota. Năm 1973, vợ chồng cô em họ về Mỹ mở tiệm dry cleaning (giặt khô, dân Sài gòn quen gọi là tiệm “hấp tẩy nỉ xẹc”) làm ăn. Họ bảo trợ gia đình ông ra khỏi trại tỵ nạn và cho ông làm chân nhận áo quần dơ cần giặt ủi của khách hàng. Việc làm do chương trình huấn nghệ CETA (người Việt đọc là “xê-ta”), tức là Đạo luật Bao quát về Nhân dụng và Huấn nghệ năm 1973 của chính phủ liên bang, tài trợ. CETA cung cấp việc làm trong thời gian từ 12 đến 24 tháng cho người lợi tức kém hay thất nghiệp lâu ngày, do đó ông phất phơ làm việc cho em rể mà lãnh lương của . . . Tổng thống Ford.

Quỳnh Châu trở nên thân thiết với bà vợ – chị Mỹ. Như chị đối với em, chị chỉ bảo nàng từng li từng tí từ cách nấu ăn, đến nuôi con, may vá, và ngay cả hớt tóc cho tôi ở nhà. Năm đầu chị được CETA cho đi học nghề uốn tóc; trong tuần nghỉ một ngày, chị lại nhà tôi chơi và cùng Quỳnh Châu nấu đồ ăn trưa cho tôi và ông đi làm về ăn. Lúc này, ông cư xử khá hòa hoãn với tôi, nhưng vẫn phách lối hỗn xược và thích chửi mắng những người Việt khác. Hầu như ai cũng đòi đánh ông vỡ mặt đôi ba lần.

Sau một năm, tiệm dry cleaning cho ông nghỉ việc vì CETA ngưng trả tiền cho ông học nghề nhận quần áo. Ông chuyển qua làm cho xưởng dây chuyền lắp ráp của hãng ráp máy cày, làm ca đêm và do thói khoác lác ta đây hơn người, bị đùn cho công tác cầm cái búa nặng. Mỗi chiều trước khi đi làm, ông dùng một dải gạc (do tiếng Pháp “gaze” là vải thưa khử trùng dùng băng bó) dài, bó chặt cánh tay phải để khỏi bị sưng phồng lên sau tám tiếng đồng hồ vận dụng quá sức.

Mùa đông bốn năm sau, Quiet tốt nghiệp cử nhân sinh học và gửi đơn xin học đi khắp nơi, nhưng chỉ được Trường Y khoa Đại học California, Irvine ở nam California duy nhất mời tới phỏng vấn. Sau khi chuyến bay của hãng Hàng không Northwest chở Quiet rời Bismarck, phi trường chuyển tiếp là Denver bất thần đóng cửa vì bão tuyết, và Quiet kẹt ở phi trường. Ông lo lắng gọi điện thoại viễn liên tới quầy vé Northwest ở Denver và nhờ nhân viên gọi tìm (bằng loa ở chỗ đông),

“Gọi tìm Bác sĩ Quiet Tran, xin đến quầy vé Northwest để tiếp xúc với người nhà.”

Ông gọi suốt ngày mà không nói chuyện được với con, phi trường đông đầy mà “bác sĩ” tiếng Anh tiếng U yếu nghe không ra. Quiet được phỏng vấn, nhưng trường y khoa không nhận, đành bỏ mộng làm bác sĩ sang giàu cha cậu ước ao bấy nhiêu năm. Kiếm không ra việc làm, Quiet để thêm hai năm học cao học và sau khi tốt nghiệp vất vả lắm mới bắt được một chân cán sự phòng thí nghiệm trong nhà máy chế hóa nước của thành phố.

Ông Mai Tren và chị Mỹ rời khỏi Bismarck lúc nào không hay. Năm 1985, tôi tình cờ gặp chị trong một siêu thị Á đông ở nam California, chị cho biết hai người đã chia tay đường ai nấy đi. Tôi không dám nói với chị đã có lần tôi ví chị là bột lọc cho ngâu vọc trong cuộc hôn nhân,

Con vợ khôn lấy thằng chồng dại,
Như bông hoa lài cắm bãi cứt trâu.
(Ca dao)

Mừng cho “bột lọc” thoát khỏi tay “ngâu”! Làm sao chị làm bông hoa lài trong bấy nhiêu năm dài? Đàn bà Việt nam mình nhẫn nhục dễ sợ.

Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 20 tháng Năm, 2020

Trở về đầu trang