![]() |
Tập truyện "Đất Khách Quê Mình" Lời trần tình của tác giả: Tập truyện ngắn này không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Nhân vật xưng "tôi" được dùng như nhân chứng thuật lại chuyện xưa; nhân vật này không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự, và mơ ước thầm kín của bạn bè cùng thời. Mọi nhân vật khác đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào. Xin đừng liên kết nhân vật trong truyện với bất cứ ai ở ngoài đời. Mỗi truyện ngắn là một tác phẩm riêng lẻ đặt liên hoàn với các truyện khác theo thứ tự thời gian, nhưng toàn thể sáu cuốn Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa "I-Thời Thơ Ấu", "II-Tuổi Học Trò", "III-Tuổi Trường Thành", "IV-Dạo Vào Đời", "V-Bước Đổi Đời", và "VI-Đời Phiệu Ngụ" phổ biến và ấn hành từ năm 2013 đến nay không hẳn là một bộ trường thiên tiểu thuyết. Chúng tôi viết để kể lại cho bạn bè nghe những câu chuyện của một quãng đời xa xưa và trau giồi Việt ngữ sau những năm dài sống xa quê hương. Nhớ chuyện xưa đến đâu viết đến đó chứ không hề sắp đặt trước bố cục, nội dung, hay nhân vật, và cũng không hề dự định nói lên điều gì cao siêu như những tác giả lớn làm văn chương thực sự. * * * 06. Người Thiếu Phụ Luân Lạc Sau gần ba tuần ở Bismarck, tôi là kẻ cuối cùng trong gia đình còn vô công rồi nghề, suốt ngày thẫn thờ đi ra rồi lại đi vào như con kiến trong bài đồng dao, Con kiến mày leo cành đa, Tôi thấp thỏm ngóng trông Công ty Tiện ích Montana-Dakota (MDU) gọi phỏng vấn. Lúc mới đến, tôi được anh bạn Charlie mới quen mời dự buổi họp hàng tháng của chi hội Bismarck của IEEE (Hội Kỹ sư Điện và Điện tử thế giới) và gặp ông Wally Kresber (Wally là tên tắt của Wallace) phó tổng giám đốc công ty. Ông là sếp lớn của Charlie và đã phỏng vấn tôi qua điện thoại lúc tôi ở trong trại Trại Pendleton. Ông là chi hội trưởng chủ tọa buổi họp, xấp xỉ năm mươi, người cao lớn mạnh mẽ, và ăn nói bặt thiệp. Hôm ấy, diễn giả thuyết trình đề tài kỹ thuật trong chương trình bận việc vào giờ chót không đến được, Charlie đề nghị tôi lên “nói vài lời” về nền giáo dục và kỹ thuật tại Việt nam. Tôi trình bày sơ lược quá trình học hành và nhiệm vụ của mình rồi từ đó khai triển thành bài nói chuyện không sửa soạn trước. Trong phần hỏi đáp, cử tọa thích thú tìm hiểu luận án tiến sĩ kỹ sư của tôi, một dự án nghiên cứu phương pháp truyền sóng ti-vi của đài Truyền hình Việt nam từ Sài gòn lên Đơn Dương, một thị trấn nằm dưới thung lũng sâu và ở phía đông nam Đà Lạt. Họ rất ngạc nhiên khi biết tôi là đồng tác giả hai bài khảo cứu khoa học đăng trong tạp chí kỹ thuật xuất bản định kỳ của hội gọi là IEEE Transactions, điều mà chưa kỹ sư Bismarck nào làm được. (Ba mươi bảy năm sau, khi tôi về hưu sau thời gian làm việc cho MDU, tôi vẫn là nhân viên duy nhất trong lịch sử 90 năm của công ty đã viết khảo cứu đăng trong tạp chí có uy tín khắp thế giới này.) Trước khi ra về, ông Wally bắt tay tôi, “Tôi rất mong muốn có được anh trong ban tham mưu kỹ thuật của công ty. Chúng tôi hiện có vấn đề nội bộ chưa giải quyết xong và sẽ mời anh viếng thăm trong thời gian gần nhất.” Nhân buổi chiều đi bộ xuống phố ngang qua trụ sở trung ương của MDU cách nhà tôi ba khu phố, tôi thấy “vấn đề nội bộ” ông Wally nói hai tuần trước. Trên vỉa hè rộng, chừng một chục người đàn ông và đàn bà chậm rãi và im lặng xếp hàng một đi thành vòng từ đầu này của trụ sở sang đầu khác. Họ mang trước ngực hay cầm đưa lên cao tấm bích chương ghi “Chi bộ IBEW số Xyz Đình công”; IBEW là Nghiệp đoàn Công nhân Ngành Điện Quốc tế. Lúc đó nhằm giờ tan sở, tôi thấy Charlie bước ra cười nói vui vẻ với bạn đồng nghiệp. Tôi hỏi Charlie, “Sao người ta đình công mà anh làm việc như thường?” “Chỉ công nhân tổ chức thành nghiệp đoàn mới bãi công. Các kỹ sư và nhân viên không có quyền điều đình tập thể và được xếp vào bậc chỉ huy lãnh lương tháng hay năm như tôi vẫn làm việc mà không cross the picket line (băng qua hàng rào người biểu tình), tức là vi phạm lệnh bãi công. Ở Việt nam không có bãi công hay sao?” Charlie trả lời. “Tôi chỉ lấy làm lạ khi thấy ở đây người ta đình công ôn hòa và có trật tự. Nếu chỉ có nghiệp đoàn đình công, tại sao ông Wally chần chờ chưa chịu phỏng vấn nhận tôi làm?” tôi thắc mắc. “Anh Ba Hoa ơi, trong lúc công nhân cấp dưới bãi công, nhân viên bậc chỉ huy phải đứng ra gánh thêm công việc để dịch vụ cho khách hàng không bị ảnh hưởng. Ai nấy đều bận rộn lên quá đầu, lấy đâu ra thì giờ để chỉ đường đi nước bước cho anh trước khi anh quen việc bắt tay làm dự án?” * * * Hôm nay chiều thứ Bảy một công việc vặt bất ngờ đến với tôi. Ông hàng xóm Francis Carson thuê thằng Trọng em út hàng tuần cắt cỏ sân trước và sân sau và dọn dẹp rác rưới và cành lá quanh nhà, nhưng thằng bé ham chơi bỏ đi đá banh với bạn. Không muốn em mình bị mang tiếng thiếu trách nhiệm, tôi mặc bộ áo quần tơi tả nhất và mang giày ba-ta sang làm giùm nó. Ông hơi ngạc nhiên, nhưng không nói gì, và đi theo tôi chỉ dẫn cách sử dụng máy cắt cỏ và một số dụng cụ khác tôi chưa dùng bao giờ. Nhờ đó, tôi và ông trò chuyện với nhau cả buổi chiều. Ông năm nay 55 tuổi, có chân trong ban trị sự nhà thờ Ba ngôi Lutheran, và đang làm giám đốc cửa hàng bách hóa J. C. Penney, công ty bán lẻ lớn ngang hàng với Sears. Khi cất máy cắt cỏ và dụng cụ làm vườn vào trong cái ga-ra ba ngăn lớn bằng căn nhà ở, tôi thấy chiếc xe Volkswagen Beetle do Đức chế tạo đậu trong ngăn trái cùng. Đó là loại xe bình dân thông dụng khắp thế giới, Sài gòn cũng có dăm ba chiếc. “Beetle” tiếng Anh là con bọ cánh cứng, nhưng tôi xem mặt mà bắt hình dong gọi là xe con cóc vì hình thù nó giống cậu ông Trời hơn. Tôi biết ngôi biệt thự lớn chỉ có hai vợ chồng ông Francis ở nên hơi ngạc nhiên, “Chiếc Beetle của ai mà cháu thấy còn mới tinh khôi?” “Vợ chồng tôi đặt mua định tặng cho con gái nhân ngày nó tốt nghiệp trung học, nhưng nó không còn ở nhà,” ông buồn dàu dàu. “Cô ấy ở đâu, sao bác không tìm về?” “Không biết nó ở đâu, và dù có tìm thấy nó cũng không về. Nhà tôi buồn phiền mà sinh ra đau yếu mấy năm nay là vì vậy,” được dịp tâm sự, ông thuật lại chuyện cô con gái cưng bỏ nhà ra đi. Patricia, gọi tắt là Patty, là con một được cha mẹ nuông chiều rất mực và muốn gì được nấy. Cô là học sinh trung bình, ở trường ít có bạn, và ở nhà không mấy khi mở lòng nói chuyện với cha mẹ. Ngày vừa tròn 18 tuổi, trước khi tốt nghiệp trung học, cô ra ngân hàng rút sạch tiền trong quỹ để dành cho cô đi học đại học rồi biến mất, để lại bức thư buộc tội cha mẹ “không xứng đáng được hưởng gia sản kếch xù hiện tại.” Thuê người dò tìm, ông bà mới biết Patty gia nhập nhóm khủng bố bí mật gọi là Quân Giải phóng Cộng sinh (SLA); nhóm này tự nhận mình là du kích quân thành thị có sứ mạng san bằng giai cấp, lật đổ chế độ tư bản Hoa kỳ, và thay thế bằng xã hội chủ nghĩa theo kiểu Marx-Lenin. SLA ăn cướp nhà băng, giết người, và phạm nhiều tội bạo hành khác. Ông Francis chỉ chiếc xe, “Patty chưa bao giờ thấy chiếc Beetle, nó sẽ nằm đó đợi con gái tôi trở về. Bao lâu cũng đợi, miễn là chúng tôi còn sống đến ngày đó.” “Bác thương con và bền lòng tin yêu – thật đáng phục,” tôi cảm động thực tình. “Chúng tôi tin tưởng Chúa an bài mọi việc, mỗi việc người sắp xếp đều có lý do, và người luôn luôn sáng suốt. À, có một việc tôi muốn hỏi anh, bà phụ tá giám đốc của tôi có cô con dâu người Việt, anh có phiền lòng nếu tôi cho bà ấy số điện thoại của anh không?” ông đổi sang đề tài khác. “Dạ không sao, cháu đang mong gặp người đồng hương đây,” tôi nức lòng đồng ý. Tối hôm đó, tôi vừa ăn cơm xong thì chuông điện thoại reo. Nhấc ống nghe chưa kịp nói “Hello” tôi đã nghe tiếng đàn bà nói giọng Huế oang oang ở bên kia, “Anh Ba Hoa đó hả? Em tên là Manh, nghe tin có người Việt mình tới em mừng húm kêu anh liền đây.” “Cô sang lâu chưa?” tôi cũng mừng. “Dạ em qua đây bốn năm rồi mà chưa gặp người Việt mô hết. Chừ anh chị rảnh cho em tới thăm hí?” cô hỏi giục giã. “Giờ thì tiện. Cô có ngòi viết đó không, lấy giấy ghi địa chỉ của tụi tôi nghen.” “Anh nói địa chỉ với bà gia em đây, bà sẽ chở em tới.” “Bà gia” là bà nhạc, tức là mẹ chồng hay mẹ vợ. Manh trạc hai mươi ba, hai mươi bốn tuổi, người đẫy đà, mặt tròn và thô, và tóc cắt ngắn. Vừa bước vào cửa, nàng há hốc mồm chỉ tay vào mặt tôi, “Tưởng ai xa lạ chớ té ra là anh Ba Hoa hồi nớ hay tới chơi với chị Bé em.” “Bé nào, sao tôi không nhớ đã gặp cô bao giờ?” tôi sửng sốt. “Dạ ‘Bé’ là tên ở nhà của chị Ngọc Thanh, chị là con út của ông bà tướng Hữu mà đôi lần anh và bác sĩ Long tới nhà ăn cơm. Anh không biết em vì em là người ở, em đứng sau bếp lâu lâu kiếm chuyện chạy lên ngó chùng (dòm lén) khách để sau đó chọc quê chị Bé,” Manh cười to. Hồi đó, Ngọc Thanh là cô trình dược viên tuổi Canh Dần (1950) trẻ đẹp giỏi tiếng Pháp, ăn nói duyên dáng, và quen khắng khít với chú Long em họ của mẹ, nhưng chuyện hai người không thành. Tôi giới thiệu nàng với thằng Hiệu bạn học cùng lớp kỹ sư, nhưng rồi cũng không thành, và nàng lập gia đình với một kiến trúc sư theo đuổi nàng đã lâu. Tôi thắc mắc, “Sao tôi không thấy cô trong đám cưới Ngọc Thanh?” “Khi đó em không còn ở cho ông bà tướng mà ra ngoài Vũng Tàu bán ba (bar) cho lính Mỹ. Không biết trời xui đất khiến làm răng mà em gặp thằng Gary, hắn ve (tán) em bằng tiếng Mỹ em không hiểu nửa chữ. Hắn nhờ người thông dịch hỏi lấy em, em ừ chịu ưng, và năm 1971 theo hắn về đây.” Manh ngồi bệt dưới thảm phòng khách trước chiếc ghế xa-lông; nàng khoe sự hiểu biết về người Mỹ, “Lúc nớ em có mang thằng con đầu. Bà gia em là mạ thằng Gary thương em vô số anh ơi. Bà hết hồn khi thấy em ngồi chò hỏ, vì Mỹ không biết ngồi như rứa. Ngồi thử bị bổ (té) ngửa chổng cẳng, bà cười bể bụng luôn.” “Chò hỏ” hay chồm hổm là cách ngồi mông không sát đất, hai chân co lại trước ngực. “Vậy hả?” tôi chưa hề biết điều đó. “Khi em vô nhà thương đẻ thằng nhỏ mới thấy lạ cách chi. Vừa đẻ con xong là mấy con y tá lôi dậy đi tắm và bắt đi lui đi tới ngoài hành lang. Không như ở làng quê em, liền bà nằm chỗ phải nằm xếp ve một chỗ cả tháng trời, mỗi ngày hai bận nằm lửa, tức là hong người bằng bếp than để dưới giường cữ có vạc tre cho cứng cáp. Mỹ làm chi cũng khác người mình.” “Anh Gary làm gì? Anh chị còn cháu nào nữa không?” Quỳnh Châu hỏi thăm. Mặt Manh trầm xuống, nụ cười trên môi biến mất, “Lúc mới về Mỹ hắn mần (làm) thợ máy trong xưởng sửa xe của ông chú. Khi em có mang con nhỏ thứ hai, hắn bỗng trở chứng. Tối ngày than chán đời, khóc lóc đau khổ vì đã trải qua chiến tranh ác nghiệt. Hắn rượu chè say be bét không thèm đi mần và bỏ luống con cái nhà cửa. Em tức mình chưởi cho một mách, hắn lên cồ lộng mộc (sừng sộ hung hăng) đập (đánh) em. Em đập không lại ôm hai đứa con chạy tới nhà bà già cầu cứu, hắn rượt theo rồi bị bà già kêu cảnh sát tống cổ vô tù.” “Ông già chồng chị đâu mà không thấy nói?” Quỳnh Châu ngắt lời. “Bà già để (ly dị) lâu rồi, ông đi mô em không biết. Bà nói tại ông già mà thằng Gary chừ mới nửa khùng nửa điên như rứa. Hồi hắn đi học, ban ngày ông đi mần, tối về nốc rượu say mèm, và không ngó ngàng chi tới thằng con một. Học xong trung học, hắn bất mãn với cha, không thèm đi học tiếp, và tình nguyện đi lính rồi qua Việt nam.” Manh thở dài và tiếp tục nói về người chồng bất thường, “Ở tù ra, hắn bỏ nhà ra đi sống cù bơ cù bất làm người không cửa không nhà mô đó dưới miền Nam. Dù chi đi nữa, hắn là chồng và người thân độc nhất của em trên đời ni. Cầu Trời cho hắn hết bịnh và hồi tâm trở về đây. Em chờ hắn cho tới khi chết em mới hết chờ.” “Chị không còn bà con thân thích nào khác hay sao?” Quỳnh Châu ái ngại. “Hồi em ở cho nhà chị Bé, ba mạ em ở làng quê ngoài Huế. Chừ không biết ba mạ ở mô hay sống chết ra răng.” “Nếu có địa chỉ cũ của ba má chị và tìm cách hỏi tìm, thế nào cũng dò ra tin tức chị ơi,” Quỳnh Châu khuyên Manh. “Anh chị đừng cười, em không biết đọc hay biết viết nên có biết thơ từ hay địa chỉ chi mô. Em lấy thằng Gary mà hai năm sau em mới biết tên họ hắn. Đi mô em cũng phải kêu bà già chở vì không thi được bằng lái xe,” người thiếu phụ luân lạc cười ngượng ngập, nụ cười an phận của nàng khiến tôi xót xa. Người Việt mình hay nói Trời chẳng phụ ai. Tôi tin nếu người ở nhà một lòng thương yêu, sẵn lòng tha thứ, và kiên trì chờ đợi, kẻ ra đi rồi đây sẽ trở về với người thân. Nhất định như thế. Nguyễn Ngọc Hoa |