Trở về trang Mục lục

Bản PDF để in

Loạt truyện "Thời Thơ Ấu"
của Nguyễn Ngọc Hoa

23. Con Yến Áo Hồng

Cuối đường Lê Lợi từ phố ra biển, ngôi nhà mới khang trang của mẹ nằm ở góc đường và kế bên nhà bác Hoàng, thượng cấp của cha. Theo kiểu xưa, nhà mẹ xây thành hình chữ Công (工): nhà trên theo kiến trúc Tây phương gồm phòng khách, phòng ăn, và ba phòng ngủ; nhà cầu, nhà dọc ở giữa đi thông từ nhà trên xuống nhà dưới, là một hành lang rộng có mái ngói; và nhà dưới gồm ba gian và nhà bếp cùng với nền xi-măng trải dài ra đến giếng nước và bể cạn sau nhà. Anh em tôi, bốn thằng còn trai, ngủ ở nhà dưới; cha mẹ và em Bình ngủ ở nhà trên.

Chung quanh nhà trồng dừa xiêm, loại dừa cây nhỏ, trái nhỏ mà nước rất ngọt. Mẹ cho anh Quang toàn quyền dùng dải đất sát với hàng rào mặt đường làm vườn hoa. Anh thích trồng hoa mười giờ sặc sỡ thường nở vào khoảng chín, mười giờ sáng và hoa mồng gà màu lửa ngọn xòe ra thành hình cánh quạt trông như mồng gà trống.

Giúp anh Quang làm vườn, tôi nghiệm ra “công thức trồng cây”: số cây bằng số khoảng cách cộng thêm một; thí dụ, trên một đường thẳng có mười khoảng cách đều nhau, sẽ phải trồng mười một cây hoa. Tôi nói ra điều này, anh trề môi,

“Đồ dễ òm, chó cũng biết! Ra giếng lấy nước cho tau tưới bông.”

“Gàu múc nước to quá, tui thả xuống thì được mà kéo lên không nổi,” tôi thoái thác.

“Cái thằng nhác nhớm! Nước vô nửa gàu thì kéo lên, ai biểu đợi gàu đầy?”

Biết là khó tránh được công việc nặng nhọc này, nhưng tôi cãi bướng,

Răng biết được tới nửa gàu? Gàu hình tròn miệng rộng hơn đáy; anh biết làm răng tính thể tích của khối ́ không?” Sách Toán học lớp Nhất của Trần Tiếu thầy Trình tặng tôi ở ngoài làng ghi cách tìm thể tích của khối lập phương, khối chữ nhật, và hình trụ là hết.

“Suốt ngày chỉ tính với toán! Bông chết queo rồi răng mi còn đứng đó?”

Tui còn một chuyện, anh đừng đập tui mới nói.”

Ờ, hỏi đi...”

Răng anh không trồng bông cúc với bông thọ?” “Bông thọ” là hoa cúc vạn thọ rất thông dụng ở Huế, dùng để cúng hay chưng Tết.

“Có chớ, mắt mi đui hả?”

Ở bên bìa phải vườn hoa có một hàng cúc và bìa trái một hàng bông thọ – chỉ có vậy; tôi không nhịn được cười,

“Lèo tèo mấy cây bông cúc bông thọ như ri? So với một đống bông mười giờ chưa tới chiều đã héo queo và bông mồng gà đỏ tái xấu ỉn?”

Tau đập mi chết chừ; Thơm thích hai thứ bông ni...” anh bẽn lẽn tiết lộ.

“Anh ve chị Thơm con bác Hoàng khi mô rứa? Hí hí hí...” “Ve” là làm quen và tán tỉnh đàn bà con gái.

Lần đầu tiên tôi nghe anh kêu tên một người con gái cùng trang lứa mà không có tiếng “con” đằng trước và không có từ ngữ chê bai theo sau. Như “con” X “bộ xương cách trí” (ốm tong teo), “cháu mụ Líếc” (mập ú như mụ Liếc ở Huế, cơn ác mộng của các bác xích lô), “mai liên” (nói lái là “miên lai,” nước da đen đúa như người Miên), “rớt thùng đinh” (mặt rỗ), “mái tây hiên” (bộ răng hô chìa ra), “chấm phết” (có tật chân đi cà nhắc), v.v.

Bác Hoàng có hai người con, cả hai đều học nội trú trường dòng ngoài Huế: chị Thơm lớn hơn anh Quang hai tuổi và thằng Thụ bạn anh trước đây. Hai tuần trước chúng tôi gặp chị lần đầu trong buổi liên hoan Tết Trung Thu dành cho trẻ em trong đơn vị dưới quyền bác.

Ngoài mục phát quà bánh và ăn uống, buổi liên hoan có các cuộc thi vui như nhảy bao bố, ăn bánh in, v.v. Kẻ thi nhảy bao bố đứng nguyên người trong bao đan bằng sợi bố, tay giữ miệng bao ngang ngực, và nhảy thật nhanh về phía trước; ai tới đích đầu tiên sẽ thắng cuộc. Anh Quang đoạt giải nhất và lãnh giải thưởng là cây bút máy Oa-tẹc-măng (Waterman, đọc theo tiếng Pháp) do chị Thơm thay mặt bác Hoàng trao tặng. Da chị trắng xanh, dáng ẻo lả như người bệnh, nhưng đôi mắt trong sáng và nụ cười hiền hòa đã chinh phục con tim của anh ngay từ lúc ấy.

Biết mình vô tài bất tướng nên tôi lặng lẽ ngồi ăn bánh trung thu. Cha tới kéo tay,

“Thằng ‘thợ ăn,’ ra thi ăn bánh in.”

“Nhưng...” tôi lắp bắp.

A-lê-hấp, đứng vào bàn thi, không nói oong-đơ chi hết.” “Không nói oong-đơ” là lời ra lệnh cho người khác đừng nên nói gì cả; “oong-đơ” do tiếng Pháp “un-deux” (một-hai).

Thi ăn bánh in thì trong thời gian hạn định người ăn nhiều bánh nhất sẽ thắng cuộc. Tôi miễn cưỡng vì bánh in làm từ bột trộn với đường ép lại thành từng mẩu hình vuông có dấu chữ Phúc, Lộc, hay Thọ không ngon lành gì cả. Dưới sự cổ võ của anh em tôi, tôi ngốn yên lành chiếc bánh đầu tiên; qua chiếc thứ hai tôi bắt đầu mắc nghẹn, nuốt cục bột khô khan xuống một cách khó khăn. Tôi ăn nhanh chiếc thứ ba, cuống họng nghẹt lại, nước mắt nước mũi tuôn tràn; anh Quang đánh liều bước ra,

“Thôi không thi nữa. Mi chết nghẹn chừ.”

* * *

Chị Thơm không về Huế mà ở lại Qui Nhơn học trường công giáo tư thuộc nhà thờ chánh tòa như tôi và anh Quang. Trường có năm lớp – lớp Năm đến lớp Nhất (lớp 1 đển lớp 5 bây giờ). Tôi học lớp Nhì (lớp 4 bây giờ); anh Quang và chị Thơm cùng học lớp Nhất.

Lần đầu tiên vào lớp, tôi vô cùng ngạc nhiên gặp lại con Yến. Hơn ba năm trước, từ ngoài làng mẹ đưa ba anh em tôi (lúc ấy chưa có thằng Triết) vào Lăng Cô thăm cha, chủ nhà là mạ con Yến tiếp đãi chúng tôi như người thân trong gia đình. Tôi nhớ như in hình ảnh con bé xinh xắn trong chiếc áo tay phùng màu hồng, nhưng giả vờ không nhận ra. Hai đứa “người Huế” được cô giáo nói tiếng Huế lai giọng Bình Định xếp ngồi cạnh nhau.

Trạc tuổi mẹ, cô giáo giảng bài nhỏ nhẹ và từ tốn và thường mang đứa con trai trạc tuổi thằng Sáng vào lớp, cho ngồi ở bàn đầu; cô vừa dạy học vừa trông con. Giờ học đầu tiên trong ngày là Giáo lý, môn ưng ý nhất của cô, kéo dài đến giờ ra chơi. Cô nói theo Thánh kinh năm 2000 sẽ tận thế – còn những 44 năm nữa nên bọn học trò lớp Nhì không cần lo lắng. Giờ Toán, cô dạy những bài toán thật dễ; tôi hỏi cô cách tính thể tích hình khối giống như chiếc gàu múc nước, cô bảo “để cô coi lại” rồi cô quên.

Chị Thơm đi học bằng xe hơi nhà đưa rước tận cửa; về nhà chị ở luôn trong phòng, không ra ngoài. Anh em tôi đi bộ đến trường; buổi sáng anh Quang đi học sớm đứng đón chị ở cổng trường; chị chào bằng nụ cười thanh tú cố hữu và sánh vai anh bước vào lớp học. Tan trường, anh ôm sách vở tiễn chị ra xe, chị chia tay bằng một nụ cười nữa. Thế là anh mãn nguyện.

Con Yến hay mặc áo màu hồng và ưa hỏi chuyện lăng nhăng. Tôi thường ậm ừ cho qua chuyện, nhưng không bao giờ chê các món ăn vặt nó bới theo, nói mạ nó để dành cho tôi. Khi thì bánh đậu xanh ướt, khi thì bánh tráng chè kê, khi thì bánh rán kẹp bánh ít, v.v. Giờ ra chơi nó quấn quít bên tôi khiến tôi nhột nhạt tưởng chừng như mọi người đang nhìn mình chế giễu. Anh Quang tình cờ hỏi,

“Con Yến tốt với mi dữ quá hỉ?”

“Anh đừng cặp đôi, tui không chịu .” “Cặp đôi” là gán ghép ví là vợ chồng.

“Ai nói chi mô? Mi đừng có tật giật mình.”

“Anh chống mắt lên mà coi, tui không thèm ‘chơi’ với con gái !”

Hôm ấy, con Yến mặc áo dài màu hồng, khác với chiếc áo cụt thường ngày, và đôi má ửng hồng. Trông nó thật dễ thương nhưng thằng Bé nhà quê làm ra vẻ ta đây, lẩm bẩm một mình,

Làm đày cách mấy cũng chẳng đẹp đẽ chi!” “Làm đày” là trang điểm loè loẹt hay làm dáng.

Con Yến vui và nói nhiều hơn thường ngày, không để ý miếng kẹo đậu phụng tặng tôi vẫn còn y nguyên. Khi cô giáo kể xong chuyện Chúa làm phép lạ – sắp hết giờ Giáo lý, tôi cố tình đánh rơi ngòi bút ra sau ghế, loại băng ghế dài năm học sinh ngồi dính liền với bàn học. Giả vờ chui xuống tìm, tôi kéo nhẹ vạt áo dài sau của nó buộc vào cây xà ngang tròn đóng chắc vào giữa ba chân ghế.

Giờ ra chơi, con Yến vô tình đứng dậy; vạt áo rách toạc một đường ngang eo. Nó nhìn xuống, nhận ra cớ sự, và bật khóc. Tôi dợm chạy ra sân, nhưng tiếng khóc tức tưởi khiến tôi chùn chân. Cô giáo bước tới,

Răng em khóc? Có phải trò ni hoang (nghịch phá) làm áo rách?”

“Dạ con sơ ý không biết áo kẹt vô ghế mà rách, khóc vì sợ mạ la,” nó lấy vạt áo trước chùi nước mắt.

Tôi hối hận; uớc chi con Yến mách cô giáo để tôi bị phạt cho đáng tội. Nó cầm tay tôi, lần đầu tiên, gượng cười,

“Chiều ni mạ tới đón mình tới nhà thăm hai bác. Từ lúc gặp ở Lăng Cô tới chừ mạ nhắc bác gái hoài.”

Tau... tui...” tôi lắp bắp không ra tiếng.

“Chiều ni mạ đi một chắc (một mình) vì mình phải về nhà thay áo.”

Cả ngày hôm ấy tôi suy nghĩ tìm cách chuộc lỗi. Kiểng tan trường vừa đánh, tôi quay sang nắm tay con Yến. Không để nó kịp ngạc nhiên, tôi lấy bàn tay nó tát mạnh lên má mình một cái thật mạnh. Rồi chạy ù ra cửa.

Tôi gặp khuôn mặt rầu rĩ của anh Quang ở cổng trường. Không thấy xe nhà bác Hoàng đến đón chị Thơm như mọi ngày. Hai anh em lầm lủi về nhà; anh đi thẳng xuống nhà dưới, vào giường nằm úp mặt vào tường. Buổi tối cha hỏi,

“Thằng Quang mà không ăn cơm?”

Hắn buồn vì con Thơm bệnh trở nặng, e không qua khỏi. Thiệt tội thằng nhỏ!” giọng mẹ trầm xuống.

Không có chuyện gì qua được mắt mẹ! Chị Thơm đã khấn nguyện thành nữ tu Dòng Mến Thánh giá. Không may, sau cơn bạo bệnh năm ngoái bác sĩ cho biết chị mắc bệnh nan y, sống thêm một năm là cùng. Bác Hoàng đưa chị về Qui Nhơn tĩnh dưỡng, đi học cho đỡ buồn, và chờ ngày ra đi. Chiều nay chị gục ngã bất tỉnh trong lớp; thầy hiệu trưởng kêu xe cứu thương chở chị đi.

Đêm hôm đó tôi nằm mơ thấy mình mặc chiếc quần dài ưng ý nhất đi học một mình. Hết giờ Giáo lý, tôi cầm kéo cúi xuống cắt đứt ống quần ngang đầu gối rồi chỉ cho con Yến. Hai đứa nắm tay nhau chạy quanh sân kêu lớn,

“Anh Quang chị Thơm ở chỗ ? Ra đây mà coi...”

Giật mình tỉnh dậy, thấy anh Quang vẫn quay mặt vào tường, vai rung rung...

Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 17 tháng Chín, 2014

Trở về đầu trang