Trở về trang Mục lục

Bản PDF để in

Loạt truyện "Thời Thơ Ấu"
của Nguyễn Ngọc Hoa

(Đây là truyện ngắn cuối cùng trong loạt bài "Thời Thơ Ấu" của Nguyễn Ngọc Hoa.)

24. Giấc Mơ Của Mẹ

Đối với mẹ, thành phố duyên hải này là nơi đất lành chim đậu với khí hậu và nhân tình hiền hòa là điều kiện thuận lợi để gầy dựng tương lai. Tin tưởng cha sẽ đồn trú lâu dài, mẹ dốc hết tài sản mang theo từ ngoài làng xây nên ngôi nhà thật khang trang và xúc tiến việc sản xuất mắm ruốc, mắm thu, và mắm ngừ để bán. Những chum mắm của mẹ nằm chật gian cuối của nhà dưới, và mẹ đã có một số khách hàng mua sỉ.

Đùng một cái đơn vị cha được lệnh di chuyển về Huế – mẹ thất vọng vô kể! Quyết định để cha ra Huế một mình, mẹ cho thuê nhà trên vì mấy mẹ con không cần dùng phòng khách, phòng ăn, và ba phòng ngủ ở đó. Bác sĩ Ngôn ở Sài gòn mới đổi ra làm việc ở bệnh viện Qui Nhơn thuê nhà vừa làm phòng mạch tư vừa làm chỗ ở gia đình.

Bác sĩ người Bắc nói năng lịch sự và cư xử nhã nhặn với mọi người. Hai ông bà trạc tuổi mẹ có cô con gái tên Loan ba tuổi (như thằng Triết) nhõng nhẽo và hay khóc nhè. Bà bác sĩ có mang, mập mạp, di chuyển khó khăn, và ít khi ra khỏi phòng ngủ. Chị Liên người làm suốt ngày lo săn sóc bà bác sĩ và bé Loan nên ít khi có dịp trò chuyện với người ngoài.

Bác sĩ dựng bảng hiệu phòng mạch trước nhà chưa được một tuần thì bác Hoàng, mới được thăng chức, trở lại Qui Nhơn nghỉ phép trước khi vào Sài gòn nhận nhiệm sở mới. Nhà ở kế bên, bác cho người mời mẹ sang nói chuyện. Anh em tôi quần áo chỉnh tề theo mẹ sang chào bác; mẹ mang quà là ba thẩu mắm ngon nhất và chai nước mắm nhỉ đặc biệt gạn từ các chum mắm ruốc. Bác niềm nở,

“Chị bày vẽ làm chi. Tui với anh Thông là anh em.”

“Vừa là bạn vừa là thượng cấp của nhà tui, anh đã hết lòng lòng nâng đỡ anh ́, và khi cũng ‘thương’ mẹ con tui,” mẹ bày tỏ lòng biết ơn.

Bọn trẻ con sang phòng bên cạnh ăn mè xững Huế bác mang về. Vừa ăn tôi và anh Quang vừa lắng nghe bác nói chuyện với mẹ,

“Anh lâu ni đổ đốn hư hỏng, cờ bạc thâu đêm suốt sáng, nợ nần như chúa Chổm. Tui khuyên anh hết nước hết cái.”

“Trăm sự nhờ anh,” mẹ khẩn khoản. “Mới đây anh bị chủ nợ đòi thẳng tay và dọa kiện lên tới Quân khu, có thể mất chức và bị tù.”

Mẹ la thất thanh,

“Chết cha! Sự việc tới nước nớ, anh cứu nhà tui?”

“Anh em mà không cứu thì mặt mũi mà ngó ai? Tui túng thiếu nhưng rán vay đầu ni, giật đầu giúp anh. Khổ nổi, họ chỉ cho tui mượn tiền nếu anh ký giấy bán nhà cho tui.”

Rứa cái nhà tui chừ thuộc quyền sở hữu anh?” mẹ nhận ra sự thực đau lòng.

“Chị hiểu cho; để anh khỏi bị kiện thưa tui đã đưa cho anh bốn trăm ngàn đồng, hơn xa số tiền chị bỏ ra xây nhà.”

Bác khoan dung như mọi khi,

Tui biết hoàn cảnh của chị và các cháu, nhưng anh đã đến đường cùng.”

“Anh nghĩ chừ tui phải làm răng?” giọng mẹ run rẩy.

“Chị phải tức tốc ra Huế xác nhận mọi chuyện với anh và cần nhất sửa soạn đưa các cháu ra ngoài nớ ở. Chị ở gần anh thì may ra...”

“Khi anh lấy nhà?” mẹ hiểu ra ý bác.

Gấp đương chi, chị và các cháu cứ ở tới cuối tháng. Tui sẽ lo phương tiện dọn nhà cho chị.” Hôm ấy ngày mồng mười, ba tuần lễ nữa chúng tôi bị đuổi nhà.

Mẹ bồng em Bình đi Huế gặp cha. Ở nhà anh Quang không thèm đi học, nằm riết trong phòng, và mặt lúc nào cũng hầm hầm như giận dữ điều gì. Tôi nghỉ học theo và tha hồ bày trò nghịch ngợm chơi với thằng Sáng mà không ai cấm cản. Thằng bé lên năm, học ở nhà đã biết đọc biết viết và làm toán cộng toán trừ.

Chiều hôm đó trời nắng gắt và gió to, tôi rủ thằng Sáng ra giếng múc nước đổ vào bể cạn tắm. Tôi kéo nước dưới giếng lên bằng chiếc gàu có quai buộc vào sợi dây dừa (dây thừng xe bằng xơ dừa) dài. Giếng nước tròn đường kính chừng hai thước, sâu khoảng mười hai thước, và thành giếng lên ngang ngực thằng Sáng.

Đứng trong bể cạn đầy nước, tôi gọi thằng Sáng mà không nghe tiếng trả lời. Nhìn lại không thấy bóng dáng của nó; chiếc gàu biến mất chỉ còn sợi dây dừa vắt trên thành giếng. Tôi thất kinh nhảy ra ngoài; nền xi-măng ướt trơn trợt khiến tôi trượt chân dập mặt vào thành bể. Tôi gượng đứng lên tới nhìn xuống giếng: Thằng Sáng cố ngóc đầu lên khỏi mặt nước; nước tới ngang cằm mà nó không biết bơi. Tôi la to,

“Đứng yên đó, đừng sợ. Tau kêu người lôi mi lên.”

Tôi vừa chạy vào nhà dưới vừa kêu anh Quang. Trông thấy tôi, anh hốt hoảng,

“Mặt mi cả máu. Bị thương chỗ ?”

Kệ chó tui (mặc kệ tôi)! Lo cứu thằng Sáng trước.”

“Hắn chỗ ?”

Anh cổi phăng cái áo đang mặc, lau máu trên mặt tôi,

“Lấy tay đè chặt vô chỗ ni cho máu bớt chảy. Nói chuyện với thằng Sáng cho hắn khỏi sợ...”

“Anh đi mau đi... Sáng ơi, tau đứng đây với mi nì.

Ba chân bốn cẳng chạy sang nhà bác Hoàng, anh tìm được hai người đàn ông lực lưỡng. Họ kêu to biểu thằng Sáng đứng lên chiếc gàu làm điểm tựa bám chặt vào sợi dây gàu rồi kéo nó lên. Thằng bé run lập cập, mặt tái nghét vì lạnh và sợ.

Tôi được dắt vào phòng mạch bác sĩ Ngôn ở nhà trên. Khám xong, ông ôn tồn,

“Vết cắt ở ngay trên mắt trái, sâu nhưng may là không chạm mắt. Phải khâu lại để cái mặt đẹp giai không bị thẹo xấu đi.”

Năm mũi kim khâu vết thương đánh dấu lần đầu tiên tôi đi khám bác sĩ và thành người đầu tiên trong gia đình được bàn tay bác sĩ điều trị bằng y khoa Tây phương. Khi lành trên trán chỉ còn một vết sẹo mờ, nhưng hình ảnh thằng Sáng đứng lóp ngóp dưới giếng in sâu trong trí nhớ.

Mẹ về nhà, mệt mỏi và lo lắng, nhưng sung sướng khi biết hai đứa con vẫn còn nguyên vẹn và không ngớt cám ơn những người đã cứu giúp chúng tôi. Hai đêm sau, khoảng bốn giờ sáng, mọi người bị đánh thức vì tiếng đàn bà rên siết kêu la. Ở nhà trên đèn đuốc sáng trưng, bốn người đàn ông mặc áo choàng trắng đứng chụm đầu bàn thảo. Ẵm bé Loan nằm ngủ trên tay và đứng ngoài nhà cầu nhìn vào, chị Liên khóc sướt mướt thuật lại.

Ngày ở Sài gòn, khi bà mang thai, bác sĩ Ngôn khám phá ra bà bị một chứng bệnh bất trị mà khi sinh nở tính mạng của hai mẹ con sẽ mong manh như chỉ mành trao chuông. Là người công giáo giữ vững niềm tin, bà nguyện hy sinh thân mình cho con được sống. Đêm nay tới lúc lâm bồn, bác sĩ Ngôn mời cả ba vị bác sĩ trong thành phố, trong đó có bác sĩ Hòa, lớn tuổi nhất và nhiều kinh nghiệm về hộ sản, đến giúp ông chẩn bệnh và chữa trị.

Mặc dù đau đớn tột cùng – vừa đau đẻ vừa đau vì cơn bệnh hành hạ, bà nhất quyết không dùng thuốc giảm đau để cho đứa con sơ sinh có thêm khả năng sống sót. Bốn vị bác sĩ thành công trong việc đỡ đẻ – bà sinh một chú bé trai, nhưng bó tay không cứu được mẹ. Bác sĩ Hòa dắt tay bác sĩ Ngôn ra ngoài nhà cầu, nói bằng tiếng Pháp tôi hiểu lõm bõm,

“Đã hết cách... Bà đi rồi...”

Gia đình bác sĩ Ngôn từ Sài gòn ra đưa thi thể bà về tống táng, mẹ thu xếp dọn nhà, và tôi “đem mặt” lên nhà trên cho bác sĩ tháo băng cắt chỉ. Mẹ kể với thím Sẻ khi thím và con Bé đến chào từ giã,

“Ra Huế tui đi coi thầy Phước; thầy nói trúng phóc như ma xó trong nhà. Nghe mà rợn tóc gáy!”

“Thầy nói răng chị?”

“Năm ni hai vợ chồng tui bị sao hạn rất nặng. Ba cái búa tạ là sao La Hầu, Thổ Tú, và Thái Bạch chiếu mạng, trong nhà răng cũng có người chết. Nhờ của đi thay người mà quới nhơn giúp đỡ khiến bà bác sĩ ra đi thay cho con tui.”

* * *

Trên chiếc xe chở hàng cỡ lớn to như chiếc Giem-Xê (GMC) nhà binh, mẹ và hai em Bình và Triết ngồi ở ca-bin phía trước với tài xế, và ba đứa lớn ngồi trong khoang chở hàng đằng sau cùng với bàn ghế tủ giường và những món linh tinh khác. Bị gió thổi bạt mặt, tôi nheo mắt để tránh bụi; cây cỏ và cảnh vật bên đường thành những dải xanh và xám chạy vun vút ngược chiều.

Xe ngừng lại ở Tam Kỳ cho tài xế ăn trưa anh em tôi mới nói chuyện được với nhau mà không phải la lớn. Nhìn thằng Sáng ôm má than rát và nước mẳt giàn giụa, anh Quang buột miệng mắng khan như thể phát tiết nỗi bực tức dồn ép từ lâu,

“Ăn cướp... Đạo đức giả...”

“Anh nói ai?”

Còn ai trồng khoai đất này! Cướp không nhà của mẹ mà còn giả nhân giả nghĩa.”

Biết anh nói bác Hoàng, nhưng tôi hỏi tới cho bằng được,

Răng anh biết?”

“Ngày gia đình bác ́ sắp theo đơn vị dọn đi, tau qua nhà tính xin mấy cuốn sách học của Thơm. Không có sách nhưng tau nghe cha với bác Hoàng cò kè giá cả trong phòng khách.” Chị Thơm đã qua đời là con gái lớn của bác và bạn anh.

Anh tức tối kể lại cuộc đối thoại của hai người; nấp sau cánh cửa phòng bên nghe cha nài nỉ,

“Anh trả thêm nữa đi. Bốn chục ngàn cho cái dinh cơ mới toanh thì tội tui quá.”

Moa không sẵn tiền và không cần mua nhà làm chi. Bạn bè thân thiết moa mới giúp toa có tiền trả nợ. Bốn mươi lăm ngàn, chịu không?”

Con vợ tui chi ra hơn ba trăm ngàn xây cái ‘lâu đài trong mộng’ của hắn, chưa kể đám đất ngay bãi biển chừ chót bẹt cũng đáng một trăm ngàn. Anh cho thêm năm ngàn tui ký liền tút xuỵt.” “Tút xuỵt” tiếng Pháp là “tout de suite” nghĩa là “tức thì” hay “lập tức.”

Đắc-co, năm chục ngàn! Nhưng toa phải ghi trong văn khế giá bán bốn trăm ngàn.” “Đắc-co” tiếng Pháp là “d’accord” nghĩa là “được,” “bằng lòng,” hay “đồng ý.”

Sau khi ký giấy tờ và trao đổi tiền bạc, cha và bác Hoàng bắt tay và rót rượu uống mừng. Anh dợm chạy về nhà thì bác nói,

Moa có câu này muốn hỏi. Tại răng từ trước tới chừ toa yêu cầu đừng tiết lộ tin đơn vị sẽ trở về Huế?”

“Nếu biết đơn vị mình chỉ đóng tạm đây, con nớ đời chịu lòi tiền ra xây nhà xây cửa? Và đời tui có nhà để bán như ri?”

Đột nhiên tôi muốn khóc. Ước chi tôi đừng ngứa miệng hỏi anh Quang mà biết những điều này... Giã từ Qui Nhơn... Giã từ giấc mơ của mẹ...

Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 30 tháng Chín, 2014

Đón coi các câu chuyện xưa của tác giả Nguyễn Ngọc Hoa sẽ tiếp tục được kể lại qua loạt truyện "Thuở Học Trò."

Trở về đầu trang