![]() |
Loạt truyện "Thuở Học Trò"
của Nguyễn Ngọc Hoa
11. Tự Do và Quyền Bính
Mẹ kể thời cha đi học bậc trung học đệ nhất cấp gọi là Cao đẳng Tiểu học; các lớp gọi là đệ nhất niên, đệ nhị niên, v.v.; và cuối năm đệ tứ niên học trò thi lấy bằng Thành Chung hay Đít-lôm, từ tiếng Pháp Diplôme,
“Bằng Đít-lôm hồi nớ to lắm; đậu rồi có thể làm thầy giáo dạy lớp Nhì hay lớp Nhất hay đi làm thông ngôn chánh và thông phán hạng nhất tòa Sứ.” Lớp Nhì và lớp Nhất là lớp 4 và lớp 5 ngày nay, và dưới thời Pháp thuộc, “tòa Sứ” là tòa hành chánh trực thuộc vị Công sứ người Pháp cầm đầu việc cai trị một tỉnh tại hai xứ bảo hộ Trung và Bắc kỳ.
“Hồi nớ cha học tới mô?” tôi tò mò.
“Sau đệ nhất và đệ nhị niên, có tới một nửa học trò bỏ học đi mần (làm); hình như cha cũng rứa.”
“Sức học mấy người nớ thua con chừ mà mần được chi?”
“Tuy mới đi học bảy, tám năm và có khi còn nói tiếng Tây bồi nhưng họ mần thư ký tại các cơ quan hành chánh trong tỉnh như sở lục lộ, sở kiểm lâm, nhà thương, kho bạc, và nhà giây thép. Hồi nớ có mấy người đi học mô!”
Năm nay tôi học đệ tứ (lớp 9) trường Hàm Nghi và tương tự như xưa cuối năm sẽ thi lấy bằng Trung học Đệ nhất cấp, thường nói là “thi Trung Học.” Nhưng có điều khác xưa là nếu không thi hay thi không đậu Trung Học, học sinh vẫn được tiếp tục lên đệ tam (lớp 10) và đệ nhị (lớp 11) rồi sau đó thi Tú tài Bán phần hay Tú tài I, nhưng thường thi cả Trung Học lẫn Tú tài I vì chương trình học của đệ nhị và đệ tứ gần giống nhau.
Đó là trường hợp anh Quang. Năm anh học đệ tứ, phong trào luyện tập thân thể và thể dục thẩm mỹ lên cao với thần tượng Nguyễn Công Áng đoạt giải nhất Lực Sĩ Đẹp Thế giới năm 1957. Anh miệt mài tập thể thao, vừa học vừa tập, rồi một hôm quay người trên xà ngang sút tay cắm đầu xuống đất hộc máu mồm. Bỏ lỡ kỳ thi Trung Học, anh không được vào đệ tam trường Quốc Học mà phải học trường Bán Công (ở Huế chỉ có hai trường này có bậc trung học đệ nhị cấp), và năm nay đã lên đệ nhị.
Nói chuyện thi cử, mẹ nhớ lại ngày tôi sinh ra ở ngoài làng,
“Ông nội chấm tử vi nói cung Quan Lộc của con có Cáo và Thai phụ, trong đời có công danh bằng sắc. Con lại có số Khoa bảng, tuy suốt đời vướng mắc thi cử mà có quý nhơn phò trợ nên thi mô đậu nấy – tiền vận gian nan hậu vận thanh nhàn.”
“Thiệt không mẹ?” chuyện này tôi mới nghe lần đầu.
“Răng không thiệt?”
“Mẹ thấy tử vi đoán có trúng không?”
“Cho tới chừ thì hơi trúng… nhưng phải đợi tới cuối năm ni…” Tôi nhận ra niềm ước mong của mẹ: có người trong gia đình đậu bằng Đít-lôm, và người đầu tiên sẽ là tôi.
“Dù răng đi nữa con cũng đậu Trung Học ngay kỳ đầu cho mẹ coi!”
Tôi buột miệng hứa với mẹ. Cũng như các kỳ thi Tú tài, kỳ thi Trung Học được tổ chức thành hai đợt vào khoảng đầu và cuối mùa nghỉ hè gọi là “khóa I” và “khóa II,” nhưng thường nói là kỳ đầu và kỳ sau. Nếu thi rớt hay vì một lý do nào đó không thi kỳ đầu, thí sinh có thể dự thi kỳ sau. Hứa cho mẹ vui lòng, nhưng hứa xong tôi lại lo. Nói trước bước không qua, lỡ Ngài không phò hộ như lá số tử vi tiên liệu thì sao? Tôi băn khoăn tâm sự với thằng Hương, thằng bạn tri kỷ cùng mê truyện mê sách; nó cười hăng hắc,
“Mi mà rớt thì khắp Huế ni ai đậu?”
“Mi nghĩ có cách chi chắc chắn cho tau đậu liền kỳ đầu? Khó cách mấy tau cũng không sợ.”
“Hì hì… Rứa là Lưu Bị mi vấn kế quân sư Gia Cát Lượng là tau đây.”
Thằng Hương ví mình như Khổng Minh Gia Cát Lượng trong truyện Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa, bộ truyện Tàu ưa thích của hai đứa. Trong truyện, Lưu Bị “tam cố thảo lư,” tức là ba lần tìm đến lều tranh để thỉnh cầu Khổng Minh ra phò tá. Được gãi đúng chỗ ngứa, tôi hừng chí đọc lớn đoạn văn ưng ý là lá thư Lưu Bị viết để lại cho Khổng Minh sau hai lần đầu không gặp,
Bị ngưỡng mộ cao hiền từ lâu, đã hai lần tìm đến ra mắt, đều chẳng gặp, phải về không, lòng buồn tủi khôn xiết. ...
Nay trước có vài dòng bầy tỏ; rồi sẽ tắm gội ăn chay, nay mai lại xin đến bái kiến Tôn nhan. Trước mặt tỏ lòng, mới giãi bầy hết nỗi niềm ngu khổn. Thiết tha mong Tiên sinh xét cho…
Vẫn giữ vai Khổng Minh nói chuyện với Lưu Bị, thằng Hương trở lại câu hỏi của tôi,
“Lượng lúc mô cũng đầy một túi mưu hay kế giỏi, chỉ sợ Chúa công không dám mần theo mà thôi.”
“Răng tau không dám? Mi nói ra coi...”
“Để tau nói mi nghe, muốn chắc cú thi đậu một trăm phần trăm thì phải bảo đảm bài thi mô mình cũng làm trúng, phải không?”
“Đúng rứa!”
“Dù cho chương trình học và cách thi thay đổi hàng năm, đề thi phải lấy trong cuốn sách mô đó chớ không phải tự nhiên trên trời rớt xuống. Nếu mi học hết tất cả các sách hiện có thì bài thi mô mi cũng làm được, mần răng mà trượt vỏ chuối như Tú Xương,
Mai mà tớ hỏng, tớ đi ngay,
Giỗ Tết từ đây nhớ lấy ngày.
Học đã sôi cơm nhưng chửa chín,
Thi không ăn ớt thế mà cay.”
Thằng này vậy mà có lý! Nói “học hết sách” nghe thì... oai mà thực ra không hẳn là một nỗ lực khác thường. Sách giáo khoa (dùng trong lớp và bắt buộc phải có) mỗi môn chỉ có một cuốn: sách Quốc văn của Trần Ngọc Trụ, Nguyễn Quý Bính, và Hoàng Đình Tuất; sách Toán – Hình học và Đại số – của Đinh Quy, Lê Nguyên Diệm, và Bùi Tấn (thầy Diệm làm hiệu trưởng trường Hàm Nghi); sách Vạn vật của Nguyễn Cửu Triệp (thầy dạy trường Hàm Nghi, vẽ hình trên bảng đẹp dễ sợ, và kể chuyện hay vô số); sách Điện học của Bùi Hữu Đột; sách Hóa học của Bùi Hữu Sủng; sách Việt sử và Thế giới sử của Trần Hữu Quảng; và sách Pháp văn là cuốn Cours de Langue et de Civilisation Françaises - Tome II (Bài học về Ngôn ngữ và Văn minh Pháp - Cuốn II) của Gaston Mauger. Thành ra tôi chỉ cần học kỹ từ đầu đến cuối các sách có sẵn là yên chí lớn.
Môn thi đáng lo nhất là Quốc văn. Năm nay bộ Quốc gia Giáo dục thay đổi cách ra đề thi: thí sinh không còn làm luận văn mà trả lời chi tiết một số câu hỏi, do đó chưa thể đoán trước bài thi sẽ như thế nào. Lãnh vực văn chương quá bao la, học mấy cũng không vừa, tôi dùng thêm bộ Việt Nam Thi Văn Giảng Luận của Hà Như Chi trước đây là sách giáo khoa và bộ Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên của Phạm Thế Ngũ anh Quang dùng học thi Tú tài I. Ngoài ra có một số “luận đề,” tức là các tập sách nhỏ nói về một tác giả hay một đề tài riêng biệt như Luận đề về Nguyễn Công Trứ, về Trần Tế Xương, hay về Nguyễn Khuyến; với cách thi mới “luận đề” có thể lỗi thời, nhưng tôi đọc hết tất cả – như đọc truyện, có hại chi!
Trong bộ sách giáo khoa Toán do Đinh Quy, Lê Nguyên Diệm, và Bùi Tấn biên soạn, mỗi chương gồm phần lý thuyết và phần bài tập không có lời giải để học sinh tự giải lấy. Sách toán có bài giải thật hiếm hoi. Từ lúc lên trung học, nhờ khá tiếng Pháp tôi học bộ sách bài giải của Une Réunion de Professeurs (Một Nhóm Giáo sư) mỗi cuốn Geométrie (Hình học) và Algèbre (Đại số) dày bằng cuốn tự điển, gồm có toán kèm theo bài giải từ dễ đến khó.
Nhiều học sinh dùng sách bài giải của “giáo sư” Hảo (không phải tên thật) người ta nói gia đình làm nhà in và nhà xuất bản, và học đệ lục (lớp 7) ông làm sách đệ thất (lớp 6), học đệ ngũ (lớp 8) ông làm sách đệ lục, v.v. trích dịch từ bộ Une Réunion de Professeurs. Sách của ông in đẹp và trình bày rõ ràng và dễ hiểu nên rất thông dụng, bán chạy hơn hai cuốn sách luyện thi là Toán Hình Học của Một Nhóm Giáo sư gồm 100 bài toán và cuốn Toán Đại Số của Nguyễn Đình Hàm gồm các bài toán chọn lọc… rất khó, khó đến nỗi thằng Hương nói đùa,
“Sách của thầy Hàm hiệu trưởng trường Quốc Học có ít nhất là hai người mua.”
“Răng có tới hai người lặng? Mi mua có một cuốn hai thằng mình học chung,” tôi cười rúc rích và làm bộ cãi; giống như đi đổi truyện, tôi và thằng Hương cùng nhau tìm kiếm sách học và thi đua học hành.
“Đúng rứa! Người thứ hai mua sách là thầy Hiến…”
Thầy Hiến dạy tôi cả Toán lẫn Công dân Giáo dục, thường gọi là “Công dân.” Chương trình Công dân gồm các bài học về cơ cấu quốc gia và thể chế dân chủ với chính phủ của dân, do dân, và vì dân. Sách giáo khoa chính thức chưa có nên bài học do thầy soạn ra căn cứ theo bản Hiến pháp Việt nam Cộng hòa ban hành ngày 26 tháng Mười, 1956 và các sắc luật hiện hành.
Thầy còn trẻ, vừa đi dạy vừa học ở trường Đại học Luật khoa Huế, và dạy rất tận tâm; thầy soạn bài kỹ lưỡng và giảng bài không cần nhìn sách hay giấy ghi chép. Thầy thường tìm toán khó cho học trò tập làm; nhưng khó bao nhiêu thì khó, thầy chưa viết xong đề toán trên bảng là tôi có bài giải – tôi đã học và làm trước rồi. Thầy hãnh diện gọi tôi lên bảng giải toán; tôi cầm phấn viết một mạch rồi về chỗ ngồi.
Một hôm trong giờ Công dân, thầy khoanh tay đứng sát vào bàn đầu ngay trước mặt tôi và hăng say giảng về các quyền tự do dân chủ: tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và báo chí, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp, tự do đi lại, và tự do sinh sống và làm việc. Cao mà mảnh khảnh, thầy mặc quần kéo đáy lên cao khiến phần phồng ra ở hạ bộ lộ rõ ra và vô tình tựa lấp lửng lên mép bàn. Một ý nghĩ tinh nghịch nảy ra, tôi lấy hai ngòi viết xếp châu đầu thành hình mũi tên đặt trên mặt bàn chỉ vào “chỗ ấy.” Cả lớp trông thấy cười vang; thầy đỏ mặt cười bẽn lẽn, quay lưng bước nhanh lên bảng.
Ngày mồng hai Tết năm ấy, thằng Miên rủ tôi đến nhà thầy Hiến chơi. Gia đình ở Quảng Nam, thầy ra Huế thuê nhà ở để đi dạy và đi học. Thầy ăn Tết một mình nên tỏ ra mừng rỡ khi chúng tôi đến thăm. Thầy đãi hai đứa ăn đủ thứ mứt bánh và hỏi tôi,
“Ban đêm em học bài tới mấy giờ mà giỏi toán như rứa?”
“Dạ con thường thức đến hai giờ sáng,” tôi thành thực thưa.
“Rứa hỉ? Răng thức khuya dữ rứa?” thầy có vẻ không tin.
“Dạ, toán thì không có chi khó, mà mấy môn tê răng học hoài không hết.”
Ba thầy trò vừa ăn vừa nói chuyện và chơi đổ cá ngựa cho đến chiều; trước khi chia tay thầy chúc chúng tôi may mắn trong kỳ thi sắp tới. Chưa có cái Tết nào tôi được vui vẻ đến thế!
* * *
Dân Huế trọng việc học và, giống như mẹ, ai cũng cho bằng Trung Học là cái mốc học vấn quan trọng trong đời học sinh. Vì sách luyện thi không có, một nhóm giáo sư Huế đứng ra ấn hành một nguyệt san gọi là “Học báo,” và trong mỗi số báo giáo sư các môn được mời đăng “bài tủ” của mình cho học trò học. Học báo được ủng hộ nồng nhiệt, và số thứ tư trong niên khóa này phát hành trước Tết với bài Công dân do thầy Hiến đóng góp.
Trong bài, thầy giải thích Dụ (hay Sắc lệnh) số 53 do Tổng thống ban bố vào ngày 6 tháng Tám, 1956 cấm Hoa kiều tham gia mười ba nghề – buôn bán cá và thịt; buôn bán chạp phô (tạp hóa); buôn bán than củi; buôn bán xăng, dầu lửa, và dầu nhớt; cầm đồ bình dân; buôn bán vải sồ, tơ lụa, và chỉ sợi; buôn bán sắt, đồng, và thau vụn; nhà máy xay lúa; buôn bán ngũ cốc; v.v. – hạn chế một số quyền tự do hiến định. Một bài học nghiêm chỉnh về hiến pháp và quyền công dân, bài Công dân ấy nêu lên điểm sơ hở trong chính sách của Cụ Ngô và được học sinh và giáo sư Huế quý trọng.
Nhưng số Học báo ấy là số cuối cùng, sau đó không còn được phép xuất bản. Ra Tết, tôi không còn thấy thầy Hiến ở trường Hàm Nghi; hai giáo sư khác thay thầy phụ trách dạy Toán và Công dân lớp tôi. Mùa hè năm ấy, các đề thi trong kỳ thi Trung Học không có câu hỏi nào về môn Công dân. Tôi đậu kỳ đầu với hạng Bình và có điểm số cao nhất hội đồng Hàm Nghi, không biết nhờ cái số Khoa bảng hay vì
Xưa nay những kẻ siêng đèn sách,
Vẻ sáng soi gần sạch vết đen.
(Hồ Xuân Hương)
Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 12 tháng Tám, 2015