Trở về trang Mục lục

Bản PDF để in

Loạt truyện "Thuở Học Trò"
của Nguyễn Ngọc Hoa

12. Mang Nghiệp Vào Thân

Gần bốn năm học trường Hàm Nghi, ngày hai lần tôi đi về trên đoạn đường Tống Duy Tân trước mặt Pháp đình nhưng chưa bao giờ vào bên trong. Đoạn đường này dưới thời Pháp thuộc mang tên đường Tam Tòa vì trong khuôn viên có ba tòa nhà lớn: tòa ở giữa làm Cơ Mật Viện là nơi các quan đại thần triều Nguyễn bàn việc quốc gia đại sự, tòa bên phải phía đường Nguyễn Hiệu là Nha Hội lý là cơ quan cố vấn của chính phủ Bảo hộ cạnh lục bộ của triều đình, và tòa bên trái phía đường Đinh Bộ Lĩnh là nhà trưng bày của viện Bảo tàng Kinh tế.

Buổi chiều cuối cùng trước ngày bãi trường nghỉ hè cuối năm đệ tứ (lớp 10), tôi rủ thằng Miên và thằng Phúc vào xem khu Pháp đình. Thằng Phúc chỉ cho tôi hai tòa nhà hai bên dùng làm văn phòng các cơ quan tư pháp tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế, và tòa nhà chính giữa dùng làm tòa án xét xử các vụ án từ sơ thẩm đến thượng thẩm. Đã nghe nhiều giai thoại về “thầy kiện,” hay luật sư, có tài cãi đen thành trắng khiến kẻ phạm tội thành vô tội và trắng án, tôi lắc đầu,

Mần (làm) thầy kiện khó lắm; tau chịu, không mần nổi!”

Mạ tau nói luật sư không những phải rành rẽ luật pháp mà còn biết bẻ cong luật lệ cho hợp với tình trạng của khách hàng.”

“Và cần nhất là nói láo cho giỏi! Tau chê nghề nớ và sẽ học bác sĩ để cứu nhân độ thế nên lên đệ tam Quốc Học tau học Ban A.” thằng Miên chen vào; đệ tam là lớp 10 ngày nay và sau đó là đệ nhị (lớp 11).

Sau bậc trung học đệ nhất cấp, chúng tôi phải chọn ban để dự bị lên đại học: Ban A tức Ban Khoa học Thực nghiệm chú trọng vào Vạn vật, Vật lý, và Hóa Học; Ban B tức Ban Khoa học Toán chú trọng vào Toán, Vật Lý, và Hóa Học; và Ban C tức Ban Văn chương chú trọng vào Văn chương và sinh ngữ như Anh và Pháp ngữ. Ngoài ra có Ban D tức Ban Cổ ngữ chuyên về cổ ngữ như Hán tự và La tinh nhưng ít người học và không mấy trường dạy. Thằng Phúc nhăn nhó,

Tau ngán tụng Vạn vật mà không giỏi toán như thằng Ba Hoa nên đành qua Ban C mần bạn với Văn chương, chỉ cần dợt thêm Pháp văn và Anh văn.”

“Mai mốt mi tính mần chi?” tôi hỏi.

“Đậu Trung Học, tau thi vô Sư phạm Cấp tốc đi học có học bổng hàng tháng cho mạ tau bớt cực. Học một năm ra dạy tiểu học, có lương có phạn đỡ đần mạ nuôi mấy đứa em.”

“Lỡ không đậu thì răng?”

“Năm ni không đậu thì năm tới, hay năm đệ nhị, thi lại. Còn mi?”

Câu hỏi giản dị này chưa ai hỏi và tôi chưa hề nghĩ tới câu trả lời,

“Chắc tau học ban B nhưng chưa biết mai sau làm chi. Nghề bác sĩ máu me ghê thấy mồ tổ, không có tau!”

“Mi có thể dạy toán…”

“Hà hà… Thầy bà mong dối trá kiếm ăn. Nghề gõ đầu trẻ như michi hay ho?”

Sau khi tôi may mắn đậu thủ khoa hội đồng Hàm Nghi trong kỳ thi Trung Học, cậu Há hãnh diện tuyên bố, “thằng ni học giỏi nhứt làng mình,” và từ đó cái tên Ba Hoa “học giỏi” thay thế cho các tên “thợ ăn,” “trâu lì,” và “cù lần.” Kèm theo lời khen tặng là nhiệm vụ mới,

Mi dạy mấy đứa học hè. Mẹ mi đã cho dọn căn phòng cạnh nhà bếp làm phòng học. Mỗi ngày dạy nửa buổi, còn nửa buổi muốn làm chi thì làm.”

Lớp hè tại gia là thông lệ của họ hàng nhà tôi: học sinh học cao nhất đứng ra dạy các đứa khác trong lúc trường nghỉ hè. Mẹ và cậu đã quyết định thì khó lòng thay đổi, nhưng tôi rán cãi,

“Dạ… nhưng có nhiều người lớn hơn và học cao hơn con...”

“Không đứa mô học giỏi bằng mi. Lớn hay nhỏ ăn thua chi; mi là thầy thì mấy đứa phải vâng lời, nhác học thì phạt. Cứ đập thẳng tay cho tau,” cậu cam kết.

Vậy là tôi làm thầy giáo! Kể cả hai em kế tôi là thằng Sáng mười một tuổi và thằng Triết chín tuổi, lớp học có chín đứa học trò. Đứa lớn nhất là thằng Hối, con dì Nậm bên xóm Chuối, tuổi thật hơn tôi hai tuổi mà hết hè mới lên đệ lục (lớp 7); dì dượng gửi nó sang ở nhà tôi ở để học, cuối tuần mới về nhà. Hai đứa nhỏ nhất là thằng Chố và thằng Hẹ, cùng bảy tuổi và hết hè lên lớp Tư (lớp 2) trường Thanh Long. Kể vai vế thì thằng Chố, con một ông anh họ tôi, nhỏ nhất và phải gọi tôi và mấy đứa kia bằng “chú” và xưng “con.” Thằng Hẹ là con út cưng của cậu Há, ngoài cậu không ai dám la mắng hay đánh đòn.

Học trò tôi vâng lời hết mực, không cãi bướng, và không hề oán thán khi bị phạt đòn. Thằng Hối hay bị khẻ tay vì làm bài không ra, có lẽ tại nó mất căn bản do dì dượng dời chỗ ở luôn, và ngồi khóc thút thít khi bị phạt. Thằng Chố ít nói và chịu khó, ngày nào cũng thuộc bài trơn tru và làm bài đàng hoàng, và bao giờ cũng xin phép trước khi chạy đi chơi. Ngược lại, thằng Hẹ không bao giờ học bài trước, chuyên môn làm bài lấy lệ rồi tự ý ra sân chơi. Phạt quỳ hay đánh roi mây vào mông, nó coi như pha; hình như nó đợi tôi chịu thua rồi để nó tự do tung hoành như hè năm trước. Tôi hăm,

Mi mần chú mà học thua thằng Chố; có ngày bắt mi bú c… hắn cho biết tay!”

Thằng Hẹ trơ mặt ra như không nghe thấy. Một hôm tôi nổi giận, biểu thằng Chố đứng trên ghế dài và kéo lưng quần trễ xuống tới nửa trắp bả (bắp vế) thò bộ phận con trai ra, đẩy thằng Hẹ đứng đối diện ngang tầm, và ra lệnh thi hành lối phạt tối hậu ấy. Không ngại ngùng, thằng Hẹ lầm lì há miệng nghiêng đầu về phía trước. Tôi hoảng hồn vội vàng kéo nó lui ra; nó tỉnh bơ như không có gì xảy ra.

Tôi đổi chiến thuật: theo sát không rời và bắt phải làm bài xong mới cho đi chơi. Làm toán cộng trừ thì bắt đếm đầu ngón tay và viết kết quả vào vở. Chép bài thì canh chừng từng chữ từng câu và bắt đọc lớn những chữ khó. Nhờ vậy tôi tìm ra nó không nói được vần “ui” mà đọc thành ra vần “u.” Thí dụ như “lui cui” nói thành “lu cu.” Tôi viết ra những chữ có vần “ui”như lùi xùi, túi bụi, và thui thủi và bắt đọc đến khi thật đúng mới thôi. Nhưng nó cố tình đọc ngọng khi bị mấy đứa kia thay nhau bắt đọc hai chữ đùi đụi lụi đụi thành tiếng tục tĩu để cười chơi.

* * *

Thằng Miên lên nhà tôi khoe tờ bạc hai chục đồng mới toanh mạ nó thưởng thi đậu Trung Học và rủ tôi đi coi phim Hercule à la Conquête de l'Atlantide (Hercules và Chiến thắng Atlantis) ở rạp Tân Tân đường Trần Hưng Đạo. Rạp xi-nê sang trọng với phòng ốc đẹp đẽ, âm thanh nổi, và máy chiếu phim tối tân dùng ống kính CinemaScope chiếu lên màn ảnh đại vĩ tuyến. Hercule là phim màu Technicolor lộng lẫy thực hiện bởi đạo diễn người Ý, nói tiếng Pháp, và phụ đề Việt ngữ. Xem xong, nó còn đủ tiền mua mỗi đứa một cây cà rem, vừa đi vừa mút trên đường về. Nó vốn tinh tế và chú ý đến những chi tiết nhỏ nhặt,

“Phim Ẹc-Quynh hay quá sá và hình ảnh đẹp dễ sợtuồng như mi không thích?” nó đọc “Hercule” theo tiếng Pháp với âm “h” câm không đọc.

“Trong phim thời sự có cái chi không ổn, mi thấy không?”

Bắt đầu buổi chiếu phim, khán giả đứng lên chào cờ với lá quốc kỳ chiếu phất phới trên màn ảnh, và tiếp theo là phim thời sự đen trắng do Bộ Thông tin thực hiện, phần chiếu dạo chiếu quảng cáo vài cảnh trong những phim mới sắp tới, và cuối cùng mới tới phim chính. Phim thời sự ghi lại vài hoạt động chính thức của Cụ Ngô như đi kinh lý các tỉnh hay tiếp đón phái đoàn ngoại quốc tại dinh Độc Lập. Thằng Miên nhớ lại,

“Ờ, Cụ đi kinh lý ở Khu Trù mật hay Dinh điền đó; có nhiều ông to (ông lớn) đi theo lắm.”

Mi thấy chi nữa?”

“Có một khúc Cụ chỉ tay về phía vườn cam và gật gật đầu tỏ vẻ hài lòng. À… mấy cây cam nớ dường như thấp hơn cam làng An Lỗ quê tau.”

“Đúng rứa! Cây thấy thấp hơn vì không có cội (gốc), và cành cam thì mọc xéo từ dưới đất lên chớ không phải từ thân cây ra. Tau nghi phải cây cam thiệt…”

Tối hôm sau nhân cậu Há xuống nhà hỏi han về lớp hè, tôi đem chuyện cây cam hỏi cậu. Cậu không một chút ngạc nhiên,

“Cây nớ là cây giả; khắp cả nước ai cũng biết mà không ai dám nói ra…”

Răng lạ rứa?”

Cụ Ngô ưng dân chúng canh tác và trồng trọt, nhất là trồng cây ăn trái. Ngày trước khi Cụ tới, quan chức địa phương sai người chặt cành cây đã có trái ở nơi khác đem tới cắm vào vườn tại các địa điểm Cụ sẽ đi qua để tâng công, qua mặt vị lãnh đạo quốc gia cái ào; thiệt lạ!”

Cậu cười nửa miệng đổi đề tài,

Mi thông minh, có óc nhận xét, và có khả năng thấy được những chuyện mà người khác không thấy. Nhưng lần ni mi không phải là đứa thứ nhất.”

“Ai thấy chuyện nớ trước con?”

“Tuần trước tau đưa thằng Hẹ đi xi-nê; khi về, hắn cũng nói như mi…”

Thì ra, thằng Hẹ không kém thông minh như mọi người nghĩ. Nó giả vờ ngu để khỏi phải học.

* * *

Ba năm liên tiếp, thằng Phúc thi vào trường Sư phạm Cấp tốc mà không lọt. Nó tiếp tục học và theo Ban Việt Hán ở Đại học Văn khoa Huế đến khi bị động viên nhập ngũ vào trường Bộ binh Thủ Đức. Đậu Tú tài Toàn phần hay Tú tài II, thằng Miên vào Sài gòn ghi danh học Lý Hóa Nhiên hay SPCN (viết tắt tên tiếng Pháp Science, Physique, Chimie Naturelles) ở trường Đại học Khoa học để sửa soạn thi vào Đại học Y khoa, ba lần thi không thành công, và cũng bị động viên.

Hai năm cuối cùng ở bậc trung học, tôi được vinh dự đề cử dạy Việt ngữ cho vài nhân viên người Mỹ trong Tổ chức Thanh niên Chí nguyện Quốc tế, một cơ quan tư nhân quốc tế (nhiều quốc gia) tương ứng với Đoàn Hòa bình của chính phủ Hoa Kỳ. Trong lúc học ở truờng kỹ sư, ngoài việc dạy kèm tư gia như nhiều sinh viên khác, tôi được nhận dạy Toán và Vật lý trung học đệ nhị cấp tại một trường tư thục ở Sài gòn trả tiền dạy giờ hậu hỉ, và tuổi của hơn nửa học trò trong lớp ít nhất là xuýt xoát ngang với thầy. Sau đó, tôi quyết định học Cao học rồi được mời làm giảng viên tại một số Đại học ở thủ đô.

Xem ra, cái “nghiệp” dạy học đã đeo đuổi tôi như thể

Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
(Nguyễn Du - Truyện Thúy Kiều)

Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 2 tháng Chín, 2015

Trở về đầu trang