Trở về trang Mục lục

Bản PDF để in

Loạt truyện "Thuở Học Trò"
của Nguyễn Ngọc Hoa

13. Đệ Nhất Cao Thủ

Mùa thu năm 1962, tôi học đệ tam (lớp 10) trường Quốc Học. Mang chiếc áo sơ-mi trắng trên túi áo thêu “huy hiệu” (tức là bảng tên cá nhân) với một quẹc (vạch) ngang dùng để chỉ lớp nằm hai bên “hiệu đoàn” (tức là tên trường) Quốc Học, tôi ưỡn ngực hãnh diện là học sinh của ngôi trường trung học xưa nhất và nổi tiếng nhất ở Trung và Bắc kỳ.

Trường thành lập và khai giảng cuối năm 1896, mang tên Pháp Tự Quốc Học Trường với vị Chưởng giáo (tức là hiệu trưởng) đầu tiên là cụ Ngô Đình Khả, thân sinh Ngô Tổng thống. Pháp Tự là “chữ Pháp” vì ban đầu mục đích chính là dạy tiếng Pháp cho học trò, và Quốc Học là gọi tắt của bốn chữ Quốc gia Học đường nghĩa là “trường học quốc gia.” Đến niên khóa 1935–1936, khi mở thêm các lớp chuyên khoa, tức là bậc trung học đệ nhị cấp, trường đổi tên thành Lycée (Trung học) Khải Định. Sau Hiệp định Giơ-Neo (Genève), niên khóa 1955–1956 trường đổi tên là Trung học Ngô Đình Diệm để đánh dấu một thời kỳ mới, và nhờ đó ông hiệu trưởng được tưởng thưởng chức quyền cao hơn.

Nhưng cái tên mới này không tồn tục được lâu. Chuyện kể rằng, vào cuối năm 1956 nhân lễ kỷ niệm 60 năm thành lập trường với sự tham dự của Cụ Ngô, ông hiệu trưởng mới bẩm với Cụ,

Cụ là nhân vật quan trọng phải để dành tên cho việc lớn lao chứ thay tên vua Khải Định bù nhìn ở trường này e không xứng. Nếu không đồng ý với tên Quốc Học cũ, xin lấy tên cụ cố Ngô Chưởng giáo đầu tiên.

Cụ Ngô đồng ý cho phục hồi tên Quốc Học, nhưng ông hiệu trưởng chỉ tại vị đến cuối năm học.

Tôi được xếp ngồi cạnh thằng Công nhau ở dãy bàn đầu lớp đệ tam B3; trong số mười ba lớp đệ tam Ban B (tức là Ban Khoa học Toán), B1 đến B6 là lớp Pháp văn sinh ngữ chính, B7 đến B13 Anh văn sinh ngữ chính. Thằng bạn mới gầy mà chắc chắn, khuôn mặt khắc khổ, giọng Huế trầm và chậm rãi mà cương quyết. Năm ngoái nó học lớp đệ tứ cuối cùng ở Quốc Học, bắt đầu năm nay chỉ còn đệ nhị cấp, trong lúc tôi từ trường Hàm Nghi sang. Mới gặp nhưng nghe tiếng đã lâu, chúng tôi thân nhau từ ngày đầu tiên.

Hai đứa đều học giỏi, giỏi toán hết chỗ chê. Giờ ra chơi, chúng tôi dắt nhau đi quanh sân trường “luận anh hùng.” Những học sinh đệ tam có tiếng học giỏi như thằng Đình cùng lớp B3, thằng Thiện B7, thằng Kim B9, v.v. đều được xếp vào “cao thủ hạng ba,” nhưng không có hạng nhất hay hạng nhì. Vì hai đứa chúng tôi không biết ai giỏi hơn!

Đệ tam là lớp “ăn chơi” vì không phải năm thi và chương trình học không liên quan trực tiếp đến lớp thi là đệ nhị (lớp 11) và đệ nhất (lớp 12). Tuy nhiên, tôi và thằng Công ngày đêm thi nhau học “gạo”... chết bỏ, cố gắng vượt qua bạn mà ngoài mặt làm bộ nhởn nhơ ta đây không thèm học.

Tôi có khiếu học sinh ngữ, tiếng Anh hay tiếng Pháp chỉ nghe giảng hay xem tự điển một lần là nhớ, không bao giờ quên. Mỗi ngày thức dậy vào lúc bốn giờ sáng để học sinh ngữ, mỗi câu tôi đọc đi đọc lại hàng trăm lần, cho đến khi nhập tâm, nói ra không cần suy nghĩ. Để tận dụng sở trường của mình, tôi quyết tâm rèn luyện Pháp văn và Anh văn hết sức mình.

Nhờ cái tên “Ba Hoa học giỏi,” tôi thừa hưởng các sách học, bằng tiếng Việt hay tiếng Pháp, của bà con họ hàng; ai có sách không dùng đều mang đến cho tôi. Trong cái kho sách ấy, tôi tìm ra bộ Học báo Pháp ngữ do giáo sư Phạm Tất Đắc biên soạn và nhà Tân Học báo Tuần san xuất bản hàng tuần vào khoảng đầu thập niên 1950 dưới hình thức một tập sách nhỏ 16 trang. Một ông chú họ mua tất cả các số Học báo, đóng bìa da gáy mạ chữ vàng thành hai tập, mỗi tập có chừng 25 hay 26 số, nhưng không hề dùng tới và hai tập sách còn mới tinh nguyên. Bài đầu tiên của bộ Học báo này là một đoạn văn của Alexandre Dumas Con (1824-1895), lời khuyên một người bạn trẻ, tôi nhớ đời:

Marche deux heures tous les jours, dors sept heures toutes les nuits; couche-toi, toujours seul, dès que tu as envie de dormir; lève-toi dès que tu t'éveilles; travaille dès que tu es levé. Ne mange qu'à ta faim, ne bois qu'à ta soif, et toujours lentement. ...
Mỗi ngày đi bộ hai tiếng đồng hồ, mỗi đêm ngủ bảy tiếng; buồn ngủ thì đi ngủ ngay, luôn luôn một mình; tỉnh giấc thì thức dậy ngay; thức dậy thì làm việc ngay. Chỉ ăn khi thấy đói, chỉ uống khi thấy khát, và lúc nào cũng chậm rãi. …)

Thấy tôi vác hai tập Học báo dày như cuốn hai tự điển ra học, anh Quang le lưỡi đùa,

“Lớp đệ nhất của tau có thầy dạy Pháp văn rồi, không cần mi dạy ; đừng học mất công!” Năm nay, sau khi đậu Tú tài Bán phần tức là Tú tài I, anh được nhận vào đệ nhất Quốc Học, và hai anh em học cùng trường.

Tôi nhận thấy thầy Biến dạy Pháp văn không giỏi như lời đồn đại. Học trò đệ tam Ban B kháo nhau tuy thầy chỉ có bằng Tú tài Toàn phần tức Tú tài II nhưng lúc nhỏ thầy được gửi sang Pháp chữa bệnh và sống ở Paris mấy năm nên thầy rất giỏi tiếng Pháp. Thầy còn trẻ, chưa tới ba mươi; tuy nói tiếng Pháp rặt âm Huế, không có tí giọng Parisien nào, nhưng thầy tự hào nói với học trò,

“Các anh biết ai có chữ Pháp nào không biết, đem tới đây tôi chỉ cho làm phước.”

Một hôm tôi giơ tay hỏi thầy trong tiếng Pháp “cạn” như trong thành ngữ sông cạn đá mòn là gì. Thầy đỏ mặt lúng túng và giả vờ không nghe thấy. Hai tuần sau thầy chỉ mặt tôi mắng,

“Học trò láu cá, trong tiếng Pháp không có chữ ‘cạn’; muốn nói ‘cạn’ ta phải nói là ‘không sâu’ – pas profond.” Tôi bị mắng cũng đáng đời vì làm thầy ôốc dôộc (mắc cỡ) và mất hai tuần lễ tìm tòi.

Cô Miên Diễm dạy Anh văn khoảng dưới ba mươi tuổi và còn độc thân; cô giảng bài dịu dàng và đọc tiếng Anh bay bướm và nhẹ nhàng như đọc thơ. Anh văn là sinh ngữ hai (phụ) nên năm nay chúng tôi mới bắt đầu “học ABC,” tức là bắt đầu học các câu chào hỏi thông thường trong bộ Let’s Learn English (Chúng ta Học Anh ngữ) do Audrey L. Wright và James H. McGillivray biên soạn. Bộ sách này mới được dùng và thay thế bộ L’Anglais Vivant (Anh ngữ Sinh hoạt) cổ điển do ông bà Pierre và Madeleine Carpentier-Fialip người Pháp biên soạn mà mùa hè tôi đã lấy ra mày mò học một mình.

Học trò Huế thường học Anh văn theo lối “từ chương”: thâu nhập nhiều ngữ vựng, học thuộc quy tắc văn phạm, và tập dịch Anh-Việt và Việt-Anh để đi thi. Ngược lại, bộ Let’s Learn English chú trọng vào lối đàm thoại hàng ngày; tác giả không những chú trọng đến cách đọc và dấu nhấn của mỗi chữ mà đặc biệt quan tâm đến ngữ điệu, tức là âm thanh lên xuống trong mỗi câu. Theo lời chỉ dạy của cô Miên Diễm, tôi học cách đọc các lối phiên âm, nhờ đó phát âm chính xác, và tập đọc cả câu theo đúng ngữ điệu giống như lối nói chuyện bình thường của người Mỹ.

Nhịp độ học Anh văn trong lớp chậm như rùa; qua tháng thứ tư tôi đã tự học hết Let’s Learn English cuốn II dành cho đệ nhị và bước qua cuốn L’Anglais Sans Peine (Học Anh văn Không Khó nhọc) của cha để lại. Cuốn này, viết cho người Pháp tự học tiếng Anh, gồm những bài học ngắn giản dị và dễ hiểu và thỉnh thoảng kèm theo một bức tranh hí họa liên quan đến bài học. Thí dụ khi học về cách nói giờ, bức tranh vẽ một bà đứng trong ga xe lửa hỏi mấy giờ xe lửa tới và ông xếp ga trả lời như tiếng còi tàu,

From two to two to two two
(Từ hai giờ kém hai phút đến hai giờ hai phút).

Cơ hội thực hành Anh ngữ xảy đến khá bất ngờ. Một buổi chiều, vào giờ Vật lý, thầy Vật lý ra lệnh cho cả lớp đi vào phòng thí nghiệm, tòa nhà trệt luôn luôn đóng cửa im lìm nằm cạnh tường rào phía đường Phan Bội Châu. Chúng tôi chia thành nhóm bốn năm người, mỗi nhóm đứng quanh một chiếc bàn có những dụng cụ thí nghiệm không ai giải thích là gì. Đột nhiên ba thanh niên người Mỹ trạc độ hăm ba hăm bốn tuổi từ bên ngoài bước vào. Họ thuộc Đoàn Thanh niên Chí nguyện Quốc tế (International Voluntary Service hay IVS), một cơ quan tư nhân quốc tế (nhiều quốc gia) tương ứng với Đoàn Hòa bình (Peace Corps) của chính phủ Hoa Kỳ không hiện diện tại Việt nam.

Thầy Cự dạy Anh văn lớp anh Quang hướng dẫn phái đoàn IVS, thao thao trình bày bằng tiếng Anh với giọng Huế nặng trịch, và huơ tay chỉ trỏ mà mấy anh Mỹ ngẩn mặt ra không chịu hiểu. Đợi thầy ngừng lại, họ chia nhau đến các “bàn thí nghiệm” thăm hỏi khiến bọn học sinh nhút nhát sợ điếng người. Khi anh chàng tóc vàng có khuôn mặt thật thà như trẻ con lại gần, tôi đánh bạo,

“Chào anh. Anh ở đâu tới?”

“Chào em. Tôi là Michael từ tiểu bang Michigan, Hoa kỳ. Em tên gì?”

“Tôi là Ba Hoa. Anh đến đây để làm gì?” tôi tiếp tục hỏi.

“Chúng tôi tình nguyện sang đây để giúp đỡ người Việt nam.”

“Các anh sẽ làm gì để giúp trường chúng tôi?”

“Chúng tôi chưa biết và đang tìm hiểu nhu cầu của các em.”

Mọi người đứng vây quanh bàn tôi; các bạn há hốc nhìn, không tin chuyện xảy ra trước mắt. Anh chàng mắt xanh tóc nâu, hình như là trưởng toán, xen vào,

“Tôi là Daniel nhưng em cứ gọi tôi là Dan. Tôi thấy phòng thí nghiệm trường em khang trang và đầy đủ. Em vào đây học hàng tuần?”

“Hôm nay là lần đầu tiên tôi được vào đây,” tôi nhìn thấy ánh mắt giận dữ của thầy Vật lý và thầy Cự.

“Vậy các em vào đây để làm gì?”

“Tôi không biết. Chắc để đón chào các anh!”

Một tuần sau, sau bữa cơm tối, anh Quang cười chúm chím kéo tôi ra trước hiên nhà,

“Tuần trước mi gây ra đại họa, biết không?”

Tui làm chi mà mang họa?” tôi sừng sộ.

“Giáo sư trong trường ghét mi vì làm thầy Cự mất thể diện. Sáng ni vô dạy lớp tau, nghe học trò xầm xì chê thầy nói tiếng Anh không bằng thằng học trò đệ tam, thầy tức mình xách cặp bỏ xuống văn phòng.”

“Thầy nói tiếng Anh Mỹ không hiểu, răng đổ hô cho tui?” “Đổ hô” là đổ thừa, hay đổ lỗi cho người khác.

“Tội nặng nhất là mi nói huỵch toẹt vụ dàn cảnh làm thí nghiệm khiến mấy thầy và ban giám hiệu mất mặt bầu cua.”

Có răng tui nói rứa, ăn gian nói dối chi mô? Từ bữa ni vô lớp tui câm cái mỏ chó lại là xong,” tôi ức lòng muốn khóc.

Cuối năm học tôi đứng hạng mười trong lớp 62 học sinh, dưới cả mấy đứa “vô danh tiểu tốt” chưa bao giờ tôi để mắt tới. Ngày bãi trường nghỉ hè, thằng Công siết chặt tay tôi từ giã,

“Công nhận mi là học trò học giỏi nhất trường Quốc Học…”

Bạn tôi chịu phục và chấp nhận tôi là… đệ nhất cao thủ. Đó là phần thưởng quý giá nhất của một năm khổ luyện miệt mài, tôi cần gì hơn?

Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 16 tháng Chín, 2015

Trở về đầu trang