![]() |
Loạt truyện "Thuở Học Trò"
của Nguyễn Ngọc Hoa
14. Bội Hằng
Lên đệ tam (lớp 10) trường Quốc Học, các bạn thân từ Hàm Nghi lên không đứa nào được xếp cùng lớp đệ tam B3 với tôi, duy có thằng Lực và thằng Cử, hai đứa lớn tuổi và chuyên môn phá phách, xuất hiện ở dãy bàn cuối cùng. Hai thằng này ngoài miệng bất cần đời nhưng về nhà chăm lo học hành như mọi người nên thi Trung Học Đệ nhất cấp đậu Bình Thứ, nghĩa là hạng khá.
Lớp tôi nằm trong dãy nhà trệt sát tường thành phía đường Nguyễn Trường Tộ chạy giữa Quốc Học và Đồng Khánh với hàng cây long não ở hai bên. Chuyện kể rằng, trên con dường này, có chàng nhạc sĩ hằng ngày ngắm nhìn một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường, yêu thương nàng mê mệt nhưng không được đáp lại, và sau đó để nhớ một kỷ niệm đáng nhớ nhưng cứ phải quên làm ra bài hát
… Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua
Trên bước chân em âm thầm lá đổ
Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa. ...
Mỗi khi vắng bóng giáo sư và giám thị, thằng Lực và thằng Cử cùng với đồng bọn chen nhau đứng trên thành cửa sổ, khoát tay la lớn, và nham nhở chọc ghẹo các nữ sinh Đồng Khánh. Thằng Công, học giỏi và bạn thân nhất của tôi, ghét cay ghét đắng cái trò đứng cửa sổ ấy và khi hết chịu nổi nhờ tôi can ngăn. Hai thằng kia vốn hết lòng cảm phục tôi nên chịu nghe lời, nhưng có ác cảm với thằng Công ra mặt.
Cô bạn hàng xóm sát vách, Bội Hằng, lớn hơn tôi một tuổi và học đệ tứ (lớp 9) Đồng Khánh. Nàng là con thứ hai của bác Luân, kế chị Bội Ngọc; chị là người yêu của anh Quang và học đệ nhị (lớp 11) Đồng Khánh. Chuyện tương lai của anh chị đã được mẹ y ước,
“Hai đứa học hành thành tài là tui xin con nớ cho thằng của tui.”
“Tui không đòi hỏi chi mô; chỉ cần ba miếng trầu với be rượu lễ ông bà là tui cho hắn về làm dâu nhà chị,” bác gái hoan hỉ.
Tôi và Bội Hằng lớn lên kề bên nhau, giúp nhau học hành, chăm sóc nhau, và gần gũi gắn bó; tình cảm đâm chồi nẩy nở tự nhiên mấy năm qua khiến hai đứa cảm thấy duyên phần như đã dành sẵn cho mình từ kiếp trước,
Ai ai cũng có duyên phần,
Bôn chôn mặc kẻ, tảo tần thây ai.
(Ca dao)
Bội Hằng hàng ngày giúp mạ và chị lo việc nhà và săn sóc các em, và đồng thời rán sức học, nhất quyết cuối năm phải đậu Trung Học. Đối với nàng, thi đậu không chỉ là một thành công trên đường học vấn mà còn là một bước tiến tới mục tiêu “học hành thành tài” mẹ đề ra. Mỗi tuần chúng tôi chỉ gặp nhau vào chiều Chủ Nhật, khi tôi sang nhà bác Luân giúp nàng học Toán Lý Hóa. Nhớ và nghĩ tới nhau thường xuyên, chúng tôi dùng hai cuốn vở học trò, hàng ngày viết thư cho nhau trong cuốn vở của mình, rồi hàng tuần đổi vở cho nhau; cuốn vở mang những câu chuyện kể nhau nghe sang tay qua lại. Nàng làm bài xong, hai đứa tiếp tục tâm tình và nhắc lại những thư trước,
“Tuần trước Ba Hoa viết bài thơ tiếng Anh hay dễ sợ,
Roses are red,
Violets are blue,
Sugar is sweet,
And so are you.”
(Hoa hồng màu đỏ,
Hoa tím màu xanh,
Đường thì ngọt,
Và em cũng thế.)
“Cô Miên Diễm dạy trong lớp đó,” tôi hãnh diện khoe.
“Cho mình biên ra cho mấy con bạn trong lớp đọc ké nghen.”
Thực ra, chúng tôi có thể gặp nhau hàng ngày: buổi sáng cùng đạp xe đến trường và chiều bãi học tôi đón nàng cùng về, như anh Quang và chị Bội Ngọc. Nhưng chỉ nghĩ tới bọn lâu la trong lớp bắt gặp hai đứa đi xe sóng đôi ngoài đường không thôi tôi cũng đã sợ điếng người. Mới vài tuần trước, thằng Công kể cuối tuần về quê ở làng Phú Lộc gần núi Túy Vân ban đêm đưa cô bồ ra đụn cát ngắm trăng, và cùng nhau đi lễ chùa Túy Vân; thằng Lực nghe được liền rêu rao,
“Thằng cù lần mới có bồ tụi bây ơi; sướng bất chết!” “Sướng bất chết” là khoái chí lắm hay thích vô cùng.
“Hắn đem con tê ra ngoài đôộng rờ rẫm líu lo, ‘may ngón tóc’ lia lịa, khiến cho con c… hắn to bằng c… ngựa, phải xin tiền mạ mua quần ka-ki dày mặc bó lại cho khỏi phồng lên,” thằng Cử, “một cây” nói tục, la oang oang; hôm ấy thằng Công mặc chiếc quần ka-ki mới.
“Để khỏi mất một thằng học giỏi, mình phải góp tiền mua vài chục hộp Tam Tinh Hải Cẩu Bổ Thận Hoàn cho hắn uống,” thằng Lực cười ha hả.
Bọn kia cười hô hố làm bộ hỏi lại,
“Cái chi mà tá hỏa tam tinh?”
“Môn thuốc nớ là them-thinh-hai-cao-bỏ…ỏ…ỏ-thơn-hoen do nhà thuốc Võ Văn Vân dùng các món quí của hải cẩu bào chế ra. Vào mùa hải cẩu rập, con đực có thể đạp mái mấy chục con cái mà sức lực không hao mòn,” thằng Lực nhại giọng Anh đọc chớt chát tên thuốc với dấu nhấn ở âm “bổ.”
“Thuốc nớ chữa bệnh chi?”
“Tam tinh là mộng tinh, di tinh, và hượt tinh. Mộng tinh xảy ra khi hắn về lại Huế mà còn nuối tiếc chuyện tê nên ban đêm ngủ nằm chộ (nằm mơ) ăn nằm với đàn bà con gái mà xuất ra, ướt quần dơ òm.”
Thằng Cử giảng giải; bọn học trò mới lớn chúng tôi đứng quây quần lắng nghe,
“Di tinh là bệnh xuất ra bất chợt, khi không chảy ra ướt quần; và hượt tinh hay hoạt tinh là bệnh xuất ra dài dài. Mộng tinh là cái thùng tràn, di tinh là cái thùng lủng, và hượt tinh là cái thùng không đáy.”
“Tại răng bị di tinh và hượt tinh?” tôi tò mò hỏi.
“Thằng bạn nối khố của mi tối ngày nghĩ đến chuyện dâm lạc mà may tay quá độ, khiến bộ thận suy yếu mà sinh bệnh.”
“May tay” là tiếng lóng chỉ hành động dùng tay tự thỏa mãn của bọn con trai; từ đó thằng Công bị gọi là “Vua May Tay,” chết tên suốt đời. Một hôm, sau buổi học chiều Chủ Nhật, Bội Hằng cười chúm chím,
“Ba Hoa biết là bữa tê (ngày kia) là ngày chi không?”
“Là thứ Ba.”
“Trật rồi, cho nói lại đó.”
“Chịu thôi, không biết mô!”
“Ba Hoa không thèm biết chi hết; sinh nhật người ta mà không thèm nhớ,” nàng hờn giỗi.
Nhìn nét nặt phụng phịu của Bội Hằng, tôi biết khó lòng cưỡng lại ý nàng nhưng cố cãi bướng,
“Người mình ai mà ăn sinh nhật như Tây với Đầm?”
“Mai mốt lớn, nhà mình đông người Ba Hoa không nhớ cũng được, nhưng chừ là lần đầu tiên,” nàng nắm tay tôi.
“Ờ, Bội Hằng ưng chi?” tôi xúc động nghẹn ngào vì câu nói dễ thương của nàng.
“Trưa học ra Ba Hoa qua trường đón mình rồi hai đứa lên Ga ăn bánh bèo, bánh bột lọc, và chè đậu xanh.” Toàn mấy món ăn khoái khẩu của tôi; “Ga” là Ga Huế, ga xe lửa nằm ở cuối đường Lê Thái Tổ.
“Nhưng…”
“Đừng lo! Mạ cho tiền để hai đứa đi ăn; bác gái nói Ba Hoa là ‘thợ ăn’ nên đưa thêm tiền để ‘hắn ăn cho đã thèm’ nữa,” nàng bụm miệng cười.
Sáng thứ Ba, cô giáo Địa lý bị đau (ốm) nên lớp tôi bất ngờ được nghỉ hai giờ sau. Bọn lâu la lên lăng Minh Mạng chơi và rủ tôi đi theo. Tôi miễn cưỡng nhận lời vì từ chối sẽ lòi đuôi có hẹn với bồ, nhưng lăng ở xa, thế nào cũng về trễ.
Trên đường về nhìn mặt trời đã đi qua khỏi đỉnh đầu, tôi cầu mong Bội Hằng thấy tôi trễ hẹn, không đợi mà bỏ về. Đạp xe như bay tới trước trường Đồng Khánh, tôi chạy vào căn nhà nhỏ vuông vức dùng làm trạm gác ở bên phải cổng trường quét vôi hồng pha sắc tím. Bội Hằng kiên nhẫn ngồi đợi; thấy tôi đến, nàng lấy khăn mù-soa đưa cho tôi,
“Tội chưa tề! Mồ hôi mồ kê ướt cả mặt Ba Hoa. Mình ngồi trong im đợi mấy cũng được, gấp đương chi.” “Trong im” là trong bóng dâm hay bóng mát che khuất ánh sáng mặt trời.
“Tui đói bụng rồi. Tụi mình lên Ga tìm cái chi ăn hỉ?” tôi yên lòng vì nàng không giận.
“Từ hồi tới chừ mình chưa đi ăn ngoài một chắc nên nõ biết kêu đồ ăn mô,” nàng cười e thẹn; “một chắc” là một mình.
“Tui cũng rứa! Tới đó hỏi họ; lo chi!”
Sau bữa ăn mừng sinh nhật Bội Hằng, mỗi ngày hai đứa cùng nhau đạp xe đi học và về nhà. Để nàng vui lòng, tôi sẵn lòng bị chế nhạo – bị gọi bằng tên gì cũng chịu. Thằng Lực và thằng Cử thấy hết, nhưng bọn quỷ sứ để tôi yên.
* * *
Bác Luân là công chức chuyên nghiệp. Hai năm trước, bác được bổ nhiệm làm Đại diện Hành chánh ở Nam Đông, một địa điểm miền núi cách Huế chừng 50 cây số về hướng tây nam. Được thành lập khoảng cuối thập niên 1950, Nam Đông là một “đơn vị hành chánh” thuộc tỉnh Thừa Thiên, thay vì phường hay quận vì ban đầu dân số người Kinh chỉ gồm ông Đại diện Hành chánh và một nhúm nhân viên trực thuộc, cộng với trung đội Bảo An Đoàn trấn đóng.
Trong tuần bác ở Nam Đông làm việc và cuối tuần về Huế với gia đình. Đôi khi bận công việc, bác không về thì bác gái hay hai chị em Bội Hằng lên đó nấu nướng và dọn dẹp phòng ốc cho bác. Mỗi lần đi Nam Đông về, bác gái mang về biếu mẹ các thổ sản miền núi như bắp trồng trong rẫy người Thượng, măng mây, và mật ong rừng.
Chiều thứ Sáu hai tuần sau Tết Nguyên Đán, bác Luân cho người đón hai cô con gái lên Nam Đông ở lại cuối tuần. Chiều Chủ Nhật vắng nàng, tôi đạp xe lang thang, quen đường trở lại ngôi trường cũ là Hàm Nghi, rồi theo đường phượng bay là đường Đoàn thị Điểm vào thăm Đại Nội; các cung đình miếu vũ xưa nếu không bị tàn phá còn trơ nền gạch thì đóng cửa im lìm không cho phép vào xem. Trơ trọi một mình, tôi nhớ Bội Hằng vô kể.
Nắng chiều vừa tắt lúc tôi về đến nhà. Mẹ khóc thút thít, và anh Quang ngồi bất động, mắt thất thần nhìn vào khoảng không. Tôi không dám mở lời, đi tìm chị ở để hỏi chuyện; hình như chị sang nhà bác Luân. Tôi gặp thằng Cử đứng ở phòng khách nhà bác, mắt đỏ hoe. Tôi hỏi ngay,
“Mi làm chi ở đây?”
“Tau là anh chú bác của mấy đứa ni. Nghe tin dữ, tau với ba tau vội vàng lên đây.” Nhà nó ở dưới làng Tiên Nộn, quá Bao Vinh là nơi sông Đông Ba đổ ra sông Hương trở lại.
“Có chuyện chi? Bội Hằng mô rồi?” tôi hoảng hốt la lên.
“Túi (tối) qua, Việt Cộng tấn công đồn lính và văn phòng hành chánh. Chú Luân bị hắn sát hại. Đây là lần đầu tiên bọn hắn đánh phá tỉnh mình,” nó nói mà như khóc. Chiến tranh đã bắt đầu ở tỉnh nhà.
“Chị Bội Ngọc và…” tôi nóng lòng.
“Họ nói hai đứa nớ chạy lạc vô rừng mất tích, nhưng ai cũng biết bị bọn hắn bắt đi, không có ngày về.”
Tôi ôm mặt… Cả vũ trụ sụp đổ trước mắt tôi… Bội Hằng tội tình gì mà bọn người tàn ác kia bắt đi, cướp đoạt ước mơ của chúng tôi – “mai mốt lớn, nhà đông người”? Tôi lảo đảo bước ra, trên tay cầm chiếc khăn mù-soa bên góc thêu hai chữ BH. Ước chi tôi khóc được lúc này…
Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 30 tháng Chín, 2015