![]() |
Loạt truyện "Thuở Học Trò"
của Nguyễn Ngọc Hoa
15. Ngón Tay Cái Nhỏ Bé
Trong các tiểu thuyết tình cảm xã hội đã đọc, tôi thích nhất cuốn Người Anh Cả của Lê văn Trương kể chuyện anh Vượng, cha mẹ mất sớm, một mình dẫn dắt nuôi nấng đàn em. Anh làm thư ký sở tư và phải giật gấu vá vai để lo cho em ăn học và cửa nhà đầy đủ. Về sau các em đều thành đạt và leo lên thang danh vọng. Về già anh lấy một ả cô đầu, sống lẻ loi già yếu, và bị các em xa lánh, nhưng không lấy làm oán giận mà vẫn rộng rãi đối với em.
So với anh Vượng trong truyện, anh Quang của tôi đáng phục hơn nhiều. Ngày mẹ đưa ba anh em tôi (lúc ấy chỉ mới có ba thằng con trai đầu) di cư từ làng quê ngoài Quảng Bình vào Nam, anh mới mười tuổi mà đã phải gánh vác trách nhiệm người đàn ông trong gia đình. Anh giúp mẹ quyết định những chuyện quan trọng nhất, từ nơi ăn chốn ở đến việc học hành tương lai của các em, và hàng ngày dìu dắt và bảo vệ các em; trong khi cha như một người khách lạ, lâu lâu xuất hiện, theo mẹ nã tiền và gây sóng gió, xong rồi đi.
Thấy mình học trễ, anh quyết định băng không học đệ thất (lớp 6) và lại bị đau (ốm) gần hai tháng vào cuối năm đệ tứ (lớp 9) nên – anh nói – anh thiếu căn bản và học hành chật vật. Nhưng chị Ngọc Liên, bạn học cùng lớp đệ tam (lớp 10) và đệ nhị (lớp 11) với anh ở trường Bán Công, lại tiết lộ,
“Anh học giỏi nhất trường! Từ thầy hiệu trưởng tới các giáo sư ai cũng khen anh thông minh, hiểu rộng, và giỏi ứng biến; anh nhỏ tuổi nhất lớp, bé hột tiêu, nên được thầy phong là Le Petit Poucet.”
Le Petit Poucet hay Chú Bé Tí Hon (dịch sát nghĩa là “Ngón Tay Cái Nhỏ Bé”) trong một truyện cổ tích cổ điển của Charles Perrault (1628-1703) là con út trong gia đình bảy người con của người thợ rừng rất nghèo khó. Lúc mới sinh ra chỉ lớn bằng ngón tay cái nên có tên là Chú Bé Tí Hon; cậu là đứa bé tinh tế, thông minh, và tài trí. Nhờ vậy cậu đưa các anh về nhà khi bị bố mẹ bỏ rơi trong rừng sâu; lần sau không tìm được đường về mà đi lạc vào nhà gã yêu tinh, cậu cứu các anh khỏi bị gã ăn thịt; và khi cùng các anh chạy trốn, cậu lấy được đôi hài bảy dặm và tài sản của gã và đưa các anh an toàn trở về trong sự hân hoan chào đón của mọi người.
Cái danh hiệu ấy thực hợp với anh tôi; mới nghe lần đầu, tôi ngạc nhiên,
“Anh học giỏi rứa mà có thèm cho ai biết mô!”
“Chị nghe anh khen Ba Hoa hoài, nhưng chị nghĩ hai anh em học giỏi như nhau; mỗi người một vẻ,” chị Ngọc Liên khéo léo trả lời.
“Nói rứa là Liên chưa biết thằng Ba Hoa ni. Ngoài mặt ngó hắn ngu ngu rứa, mà ngó kỹ thì hắn… ngu thiệt – ngu hơn Albert Einstein!” anh cười lớn.
“Đừng cho tui đi máy bay giấy. Có mấy tiền để dành tui mua truyện hết rồi!” Cứ mỗi lần anh khen thì y như rằng anh sẽ gạ mượn tiền của thằng em nghèo mạt rệp.
“Biết rồi, khổ lắm, nói mãi! Mi là thằng kẹo kéo số một trên đời…”
Thực vậy, trong nhà ai cũng cho tôi là đứa keo kiệt; mẹ nói, “không ai ăn được của thằng nớ một trự,” vì tôi rất ít khi có tiền mà truyện và sách (không phải sách học) thì luôn luôn cần mua nên nhất quyết đồng tiền liền khúc ruột, không lòi ra tiêu vào chuyện khác bao giờ. Mẹ nói chị Ngọc Liên tuổi Mùi, lớn hơn anh Quang một tuổi, và con nhà trâm anh thế phiệt ở cố đô. Từ trên Kim Long, mỗi chiều Chủ Nhật đạp xe xuống nhà thăm, chị thường nói chuyện với mẹ nhiều hơn với anh Quang. Vẻ đẹp thùy mị, cử chỉ dịu dàng, và tính nết đoan trang của chị đã chinh phục được lòng mẹ; mẹ nói với cả nhà,
“Tau chấm con ni rồi. Được cả người cả nết, công dung ngôn hạnh vẹn toàn!”
* * *
Đậu Tú tài Bán phần tức là Tú tài I, anh Quang được nhận vào học đệ nhất trường Quốc Học. Lần đầu tiên học trường công, chàng Le Petit Poucet bực bội vì phải tuân theo các luật lệ cứng nhắc trong truyền thống lâu đời của trường, điển hình là các chỉ thị cho học sinh thầy Huy lập đi lập lại sau mỗi buổi lễ chào cờ hàng tuần. Học trò kháo nhau thầy ác dễ sợ (khó tính vô cùng), rất ghét học trò mang guốc hay dép Nhật (dép có quai xẻ) hay mang giày không tất (vớ), và thường hành kẻ vi phạm te tua.
Một hôm gần Tết, trời mưa dầm, đôi xăng đan của tôi thấm nước cả tuần lễ. Sáng thứ Hai đi học, xỏ chân vào thì hỡi ôi, keo dán các quai da vào đế của chiếc giày bên phải rã ra, không còn mang được nữa. Quýnh quáng sợ trễ giờ học, tôi mang đại đôi guốc đi ở nhà đến lớp (thực ra, đi bộ hay đạp xe đi học vào mùa mưa thì guốc là loại giày dép tiện lợi nhất). Hôm ấy, các thầy trên văn phòng xuống “bố ráp”kiểm soát đồng phục (áo trắng quần trắng để chào cờ), huy hiệu thêu trên túi áo, và giày dép với mục tiêu “càn quét” là các lớp đệ tam phần lớn gồm học sinh mới và nhỏ tuổi nhất trường. Thầy Huy chỉ huy cuộc “tảo thanh,” tóm được hơn một chục thằng điệu lên văn phòng.
Hầu hết “phạm nhân,” sau khi bị cảnh cáo qua loa, đều bị đuổi về nhà thay quần áo hay giày dép. Có lẽ vì nhỏ nhất bọn, tôi bị thầy giữ lại để tra vấn,
“Mi cả gan không tuân theo kỷ luật của trường…”
“Thưa thầy, đi guốc thì tội lệ chi?” tôi cứng đầu như thường lệ.
“Đi guốc kêu ồn ào, không cho người ta học…”
“Nhưng guốc của con không kêu,” tôi lật đáy guốc lên cho thầy xem hai miếng vỏ xe đóng dưới đế cho khỏi khua vang khi bước đi.
“Mi cứng đầu… Về kêu cha mi tới rồi mới cho học lại.”
“Thưa thầy, cha con đi mần xa. Anh con chừ học ở đệ nhất B4, thầy kêu anh thay cha con được không?”
Không muốn cho mẹ biết, tôi xuống nước năn nỉ thầy. Anh Quang tới, anh cũng mang đôi guốc trong chân. Thầy càng giận dữ,
“Không có cha tụi mi tới xin lỗi, tau đuổi học cả hai thằng…”
Ra khỏi văn phòng, anh trấn an tôi,
“Vô lớp ngồi học đi; mọi chuyện để tau lo. Mẹ không biết mô!”
Hai tuần sau, không thấy cha phải bỏ công việc ở Sai gòn về và cũng không thấy thầy Huy đến lớp hành tội, tôi đánh bạo hỏi anh Quang. Anh đắc ý cười chúm chím,
“Mi mắc tau hai chục đồng. Khi mô mẹ thưởng tiền, phải trả lại tau.”
“Tiền chi rứa?” Dễ dầu gì mà moi được tiền tôi!
“Đòi kêu cha tới mà cha không tới được thì tau ra trước cổng trường thuê ông đạp xích lô, trả hai chục đồng biểu ông học thuộc lòng mấy câu rồi dắt vô xin lỗi.”
“Không lý anh gạt được ông nớ dễ dàng rứa?”
“Mô có… Dễ dàng thì cần chi tới anh mi?”
Ngay khi anh Quang và ông xích lô ra khỏi cửa, thầy xem lại hồ sơ cá nhân của anh em tôi và nhận ra mình bị lừa. Thầy gọi giật anh lại và đập bàn la lớn,
“Mi gan cóc tía, dám gạt cả tau…”
“Thưa thầy, nếu cha tới đây thì không những em con bị đòn đau mà không khéo thầy cũng bị phiền phức. Không tin, thầy coi lại...” anh bình tỉnh thưa.
“À… à… mi dọa tau…” nhưng giọng nói của thầy dịu lại.
“Thầy coi chức vụ và nhiệm sở của cha con và sinh quán gia đình con… Cha là chức sắc trong Hội Đồng Hương Quảng Bình, quê của cụ Ngô; thầy biết…” anh bỏ dở câu nói nửa chừng, để thầy tự suy diễn những “bí mật” không ghi trong hồ sơ nhưng trong tình thế chính trị hiện tại có khả năng gây nguy hại cho địa vị của thầy.
“Thôi được! Nghĩ tình cha mi, tau tha cho hai anh em mi…” thầy xếp hồ sơ lại và cho phép anh về lớp.
Cuối năm, anh Quang đậu Tú tài Toàn phần hay Tú tài II; chị Ngọc Liên cũng đậu. Mẹ mở một buổi tiệc đãi bà con họ hàng mừng anh thi đậu. Tiệc xong, khách khứa về hết, chỉ còn cậu Há, mẹ gọi anh ngồi vào bàn và mở lời,
“Con là chim đầu đàn trong gia đình và người đầu tiên trong họ đậu bằng Toàn phần; phải tính chuyện tương lai…”
“Chị đã nhờ tau viết thư bàn với cha mi và hỏi ý kiến nhiều người khác. Ai cũng khuyên mi học lên đại học và chọn một ngành có thu nhập khá để phụ giúp cha mẹ nuôi dạy em tam,” cậu Há tiếp lời mẹ; người miền Trung nói “em tam” để chỉ chung các em trong nhà.
“Dạ…” anh ngần ngừ.
“Ở Huế chừ thiếu nhà thuốc Tây, mi học Dược là đánh nắm chí tay. Điều kiện nhập học của Đại học Dược khoa Sài gòn tương đối dễ dàng: chỉ cần có một dược phòng nhận làm stage trong lúc học. Chú con Ngọc Liên là dược sĩ có nhà thuốc lớn ở ngay đường Lê Lợi Sài gòn, ông nớ sẵn sàng thu nhận.”
Cậu xoa tay bằng lòng; “đánh nắm chí tay” là chắc ăn lắm, và “stage” tiếng Pháp là thời kỳ tập sự hay tập nghề. Anh cố cầm nước mắt,
“Cám ơn mẹ và cậu đã khổ công lo cho con. Nhưng ý con đã quyết…”
“Con tính răng?” mẹ thất vọng, nhưng biết tính của anh nên không hề ngạc nhiên.
“Chín năm qua, từ ngày bước chân lên tàu di cư vô Nam, con đã nuôi mộng cầm quân trở về giải phóng quê hương và trả thù cho nội. Dưới chiêu bài cải cách ruộng đất, tụi hắn đã dã man đấu tố và giết chết nội để cướp đoạt tài sản. Nợ nước, thù nhà; trai thời loạn làm răng yên phận sống đời dân sự bình thường?”
Anh đưa ra tờ lệnh gọi nhập ngũ,
“Con đã hoàn tất thủ tục khám sức khỏe và đã được nhận vô trường Võ bị Quốc gia. Thứ Hai con trình diện Tiểu khu Thừa Thiên, và họ sẽ cung cấp phương tiện di chuyển lên Đà Lạt.”
* * *
Cuối hè năm 1970, chàng cựu sinh viên sĩ quan Võ bị Quốc gia khóa 20 mang cấp bậc đại úy chỉ huy toán thám báo gồm “năm thằng đệ tử” chuyên hoạt động trong lòng địch ở vùng Cao Nguyên với nhiệm vụ dò tìm căn cứ đóng quân, kho hậu cần, và đường chuyển quân của Cộng quân để báo cáo về cho đại quân. Các anh có thể tàng hình, tức là “nằm tại chỗ” chỉ điểm máy bay oanh tạc hay hỗ trợ các đơn vị chủ lực tấn công địch; làm phép, tìm cách phá hủy kho hậu cần hay hoạt động quấy rối như phục kích nhỏ lẻ, bắn sẻ, và gài mìn bẫy; độn thổ, tìm đường rút lui về căn cứ an toàn; hay thăng thiên, khi gặp may tìm được địa điểm và thời điểm thuận lợi cho trực thăng đáp xuống “bốc” về.
Người ta nói xác suất tử vong của người lính thám báo cao hơn năm mươi phần trăm trong năm đầu tiên. Anh Quang đã sống sót qua hết năm thứ hai, và rốt cuộc tin dữ đến. Sau khi hoàn thành sứ mạng, toán thám báo bất ngờ bị địch phát giác và sát hại trên đường về. Mẹ khóc khản tiếng bên chiếc mũ gắn lon thiếu tá vinh thăng tại mặt trận đặt cạnh tấm hình trên quan tài phủ cờ của anh.
Tiễn đưa anh lần cuối vào một buổi sáng đầu thu lành lạnh của núi rừng Ban Mê Thuột, chị Ngọc Liên – chị dâu tôi – rũ người khóc sướt mướt trên vai tôi. Ra đi để lại ba đứa con thơ dại, anh mãi mãi là người anh hùng “Ngón Tay Cái Nhỏ Bé” của chị. Và suốt đời tôi.
Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 14 tháng Mười, 2015