![]() |
Loạt truyện "Thuở Học Trò"
của Nguyễn Ngọc Hoa
16. Ngày Hè 63
Năm nay mùa hè đến sớm hơn mọi năm. Mới đầu tháng Ba, trời xứ Huế đã chia tay với cơn mưa phùn gió bấc và đón những đợt gió Lào nóng tràn về hong chín trái cây sau vườn. Những trái cam, quít, bưởi, và thanh trà đang còn non, nhưng vải đã vào mùa và nhãn bắt đầu được cho vào lồng để dưỡng ngọt. Những cánh sen trắng nõn nà lú lên khỏi mặt hồ (tức là hào nước quanh thành), rập rình giữa thảm lá xanh, và đong đưa với bóng nước. Những nụ hoa đỏ nhú ra mời gọi tiếng ve mùa hè trên hàng cây phượng vĩ dọc theo đường đến trường.
Năm đệ tam (lớp 10) “ăn chơi” sắp chấm dứt, tôi háo hức nghĩ tới những buổi chiều sẽ đạp xe đi lang thang trên những con đường rợp bóng cây trong Thành Nội, xem các nhà vườn đầy cây ăn trái trên Kim Long, viếng chùa Thiên Mụ cổ kính, và ghé thăm lăng tẩm của các vị vua triều Nguyễn với phong cảnh hữu tình và chạm khắc tinh xảo hòa hợp với thiên nhiên. Hay ra sông Đào trước nhà bơi lội chơi đùa thỏa thuê với lũ bạn trong xóm, và đôi khi bám theo ghe chèo ngược dòng lên tới cầu Đông Ba rồi thả mình theo dòng nước trở về bến cũ. Hoặc buổi tối đàn đúm với bọn thằng Miên, thằng Hương để “chửi” nhau, nghĩa là tìm khuyết điểm của bạn để “hạ” hay sỉ mạ, cười cợt hồn nhiên và thoải mái, và sau đó quên đi tất cả. Ngày hè rong chơi của tôi hầu như bất tận; mẹ “kể như để luống cái thằng luông tuồng và lóc lách nớ” (lời của mẹ), ít khi chất vấn tôi đi đâu hay làm gì, và để dành phần cơm nếu tôi không về nhà đúng bữa.
Nhưng tôi sẽ không được gặp thằng Công, bạn thân nhất học cùng lớp, để giờ ra chơi cùng nhau đi quanh sân trường tranh luận về các bài toán. Nó hơn tôi một tuổi, quê ở Phú Lộc gần núi Túy Vân, sống ở Huế từ lúc sinh ra, và được nung đúc thành một phật tử thuần thành. Cha nó làm công chức trong Phong trào Cách mạng Quốc gia và hay trò chuyện và rất gần gũi với con. Cha tôi là một sĩ quan cao cấp đóng đồn ở Ban Mê Thuột; chẳng mấy khi tôi có dịp gặp ông.
Mùa hè sẽ không có những buổi chiều sau giờ học tôi theo thằng Công lên chùa học đạo với thầy. Nó say mê nghiên cứu Phật pháp; tôi hay chất vấn làm sao đạo Phật áp dụng vào đời với những câu hỏi tưởng là hắc búa được thầy từ tốn giải thích đến khi không còn thắc mắc. Ngày bãi trường nghỉ hè chúng tôi đến học buổi cuối cùng và tỏ vẻ bịn rịn, thầy khuyên,
“Phật dạy: Các pháp do duyên. ‘Các pháp’ là mọi trường hợp hay mọi điều xảy ra trên đời, và ‘duyên’ là điều kiện chín muồi theo nhân quả. Nghĩa là mọi việc đã an bài sẵn, thầy trò mình có ‘duyên’ thì sẽ gặp lại, lo chi!”
Thấy tôi có vẻ nghi ngờ, thầy cười – nụ cười bao dung và hiền hòa,
“Thầy biết, chưa có bằng chứng rõ ràng thì con chưa tin, phải không?
“Dạ…” tôi bẽn lẽn thú nhận.
“Thầy đã nghĩ ra cách chứng minh bằng toán học. Lấy thí dụ là một kết cuộc (outcome) đơn giản là bữa ni thầy trò mình gặp nhau học hỏi Phật pháp. Để đưa tới kết cuộc nớ, phải có ít nhất là mười biến cố (event) chính xảy ra liên tiếp như một đoạn dây xích, thiếu một mắt hay không đúng thứ tự sẽ không thành. Thí dụ như con thi đậu Trung Học, vô trường Quốc Học, được xếp ngồi cạnh Công trong lớp, làm bạn với hắn, theo hắn lên chùa gặp thầy, v.v, rồi mới tới bữa ni. Đó là thầy lược giản hàng triệu lần, và mặc dù mỗi biến cố còn tùy thuộc vào hàng triệu hay hàng tỷ biến cố khác, nhưng để giản lược tối đa, hãy giả sử các biến cố ấy độc lập (independent), xảy ra hoàn toàn tình cờ (random), và gọi lần lượt là A, B, C, v.v.”
Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng cũng hiểu ra,
“Xác suất (probability) để một biến cố khác biệt nào đó xảy ra hoàn toàn tình cờ cho một người trên địa cầu vào một lúc nào đó là một trên ba tỷ (1 trên 3,000,000,000, viết theo ký hiệu khoa học là 3x1.0E09, nghĩa là có chín con số không theo sau số 3) vì ba tỷ là dân số của toàn thế giới năm 1960, phải không thầy?”
“Đúng rồi! Xác suất để A xảy ra là 1/3x1.0E09, nh̀ưng để A và B cùng xảy ra theo thứ tự ấy thì xác suất là 1/9x1.0E18, và xác suất để cả A, B, và C cùng xảy ra theo thứ tự ấy là 1/27x1.0E27, v.v. Đến biến cố thứ mười, xác suất để có kết cục như đã xảy ra là 1/5.905x1.0E94, tức là một trên 5905… với thêm chín mươi mốt con số không theo sau.”
“Thiệt không ngờ con số dưới mẫu số to như rứa!”
“To không thể tưởng tượng nổi! Người ta ước lượng số nguyên tử trong vũ trụ là 1.0E80, con số 5.905x1.0E94 còn cao hơn số nguyên tử ấy nhân với số giây đồng hồ trong 18 triệu năm. Với xác suất ấy, một kết cuộc đơn giản như bữa ni không thể xảy ra tình cờ mà phải có một sự xếp đặt nào đó.”
Trên đường về, tôi le lưỡi thán phục,
“Thầy đi tu mà răng giỏi toán dễ sợ rứa?”
“Chuyện, cử nhân toán Đại học Sorbonne bên Tây về mà! Thầy là bạn thân của ông rốp tau từ hồi còn để chỏm,” thằng Công hãnh diện đáp; học trò Huế nói “ông rốp” để chỉ cha mình, tương tự như “ông bô” hay “ông già.”
* * *
Đối với dân Huế, Phật đản là ngày lễ trọng đại nhất trong năm, trước cử hành vào ngày mồng tám tháng Tư Âm lịch, nhưng Đại hội Phật giáo Thế giới lần thứ sáu họp tại Nam Vang, Campuchia năm 1960 ấn định lại là ngày rằm tháng Tư Âm lịch. Mùa Phật đản, trong gia đình phật tử các em oanh vũ (từ năm đến mười ba tuổi) tíu tít tập hát và học kinh, trong khi các anh chị thiếu, thanh, và huynh trưởng trang trí xe hoa của khuôn hội để dự lễ chùa Diệu Đế và diễn hành qua phố lên chùa Từ Đàm. Trong xóm tôi, bà con góp công góp của trang trí mặt tiền cửa tiệm bán đồ phụ tùng và sửa xe đạp ở góc đường vào Cửa Mang Cá thành căn phòng trưng bày hoạt cảnh Đức Phật đản sanh trong vườn Lâm Tỳ Ni.
Ngày Phật đản tôi thức dậy thật sớm, lên chùa Diệu Đế dự lễ, và theo đoàn xe hoa rước lễ lên chùa Từ Đàm. Dưới ánh nắng chói chang, tôi đứng trong sân chùa Từ Đàm nghe bài diễn văn của Thượng tọa chủ trì và dự lễ Phật đản chính thức cho đến gần hai giờ chiều. Buổi tối, cùng các bạn phật tử tụ tập trước đài phát thanh Huế ở chân cầu Trường Tiền để chờ nghe bài diễn văn Thượng tọa, tôi chứng kiến biến động tại đây từ đầu đến cuối. Sau đó chúng tôi biểu tình phản đối trên cầu Trường Tiền; thằng Lực bạn cùng lớp với tôi ở Quốc Học, lớn tuổi và to con nhất lớp, giương cao lá cờ lá Phật giáo và hùng dũng đi đầu; và tôi đi sau lưng nó và đứng giáp mặt với vị sĩ quan chính phủ phái tới điều đình. Hai giờ sáng, tôi về đến nhà; mẹ vẫn còn thức và chong đèn đợi cửa.
Vì những điều tai nghe mắt thấy không phù hợp với những điều “mấy thầy” tuyên bố hay chính phủ thông tin qua đài phát thanh, trong những ngày kế tiếp tôi gân cổ cãi nhau với người lớn về những sự kiện thực sự xảy ra và nhiều lần bị đe dọa. Lo sợ cho sự an toàn của thằng bé, mẹ đi tới một quyết định quyết liệt: đưa gia đình vào Ban Mê Thuột ở với cha.
Trước khi rời Huế, tôi lên nhà thằng Công trên Nam Giao từ giã; mạ nó nói nó đi chùa. Lên chùa gặp thầy, tôi tức tối kể lại những chuyện đã trông thấy,
“Mấy ông to trong chính phủ nói láo đã đành, mấy thầy đạo cao đức trọng răng không nói thật?”
“Cõi đời sắc sắc không không. Sắc tức thị không, không tức thị sắc; tất cả hình trạng trong vũ trụ đều là bào ảnh hay ảo mộng, và không có gì là thật. Điều con thấy chưa chắc là thật,” thầy chậm rãi nói.
“Bạch thầy, nhưng…”
“Để thầy lấy thí dụ. Con ngồi trong căn phòng kín mít tối đen, trên trần có một lỗ nhỏ li ti để ánh sáng lọt vào, và con nhìn thấy với đôi mắt mình. Tia sáng đó, thay đổi hay biến mất tùy lúc trong ngày, tự nó có phải là chuyện thực sự xảy ra bên ngoài căn phòng hay không?”
Thầy đợi cho tôi dịu lại rồi tiếp,
“Phương chi bên ngoài là cả vũ trụ thành hoại theo nhân quả, duyên kiếp truyền nối luôn do nhân đã tạo ở đời trước để hưởng hoặc chịu quả ở đời sau. Những sự kiện xảy ra ở đài phát thanh chỉ là khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi trong biến chuyển dài lâu đó, làm sao con biết đó là sự thật?”
“Xin thầy chỉ dạy…”
“Tôn giáo Tây phương cực kỳ chú trọng việc bành trướng và thu nạp thêm tín đồ nên từ thế kỷ 16 đã gây ra xung đột khi các giáo sĩ Dòng Tên từ Âu châu sang nước mình truyền giáo. Chúa Nguyễn Ánh cầu viện người Pháp mang quân sang giúp đánh nhà Tây sơn, cõng về nhà hai lực lượng hùng mạnh: lính Pháp ôm súng ống tối tân đi trước, và cố đạo cầm thánh kinh theo sau. Sự cấm đạo của vua Minh Mạng và các vua đời sau hiến cho người Pháp cái cớ tiện lợi nhất để xâm chiếm Việt nam, và Giáo hội Tây phương nhờ đó thiết lập cơ sở vững vàng và phát triển quyền bính. Trong một trăm năm đô hộ của người Pháp và mấy năm gần đây, Gia tô hay Ki tô giáo (đạo của Ngài Christ) đã biến thành Thiên Chúa giáo (Ngài Christ là chúa Trời của mọi người) và Công giáo (tôn giáo của quốc gia), điển hình là đại diện Giáo hội tại Sài gòn là niên trưởng ngoại giao đoàn, đứng trên hơn sáu mươi đại sứ của các nước công nhận Việt nam Cộng hòa.”
Thằng Công nãy giờ lắng nghe, lên tiếng,
“Bạch thầy, ngoài mặt thì rứa mà họ có mấy người theo mô…”
“Tại rứa mà chính quyền thi hành các biện pháp cưỡng ép như quân nhân công chức muốn được thăng thưởng hay giữ chức vụ quan trọng thì gia đình phải theo đạo và con cái phải học trường đạo, trong quân đội chỉ có cha tuyên úy mặc dù phần lớn binh sĩ theo đạo Phật, và gây khó khăn ngăn cản tín đồ Phật giáo hành đạo.”
“Té ra là hình thức cấm đạo đảo ngược!” tôi bắt đầu hiểu.
“Khi người Pháp rút lui, các thế lực quốc tế đưa Cụ Ngô về nước cầm quyền vì Cụ là một giải pháp chính trị thích hợp và cũng là phương tiện hoàn hảo để đưa quốc gia vào tôn giáo phương Tây. Cử Đức Cha anh Cụ về cai quản địa phận Huế, cứ địa đầu não của Phật giáo Việt nam, có lẽ họ tin Cụ sẽ thành công trong việc tạo dựng một chế độ tương tự như các nước Âu châu vào thế kỷ 16 và 17, thời kỳ quyền tôn lập vua chúa nằm trong tay Giáo hội. Nhất là dưới thời vua Louis XIII (1610–1643) của Pháp, các hồng y làm thủ tướng hay ‘quốc sư’ mà nổi tiếng nhất là Hồng y Richelieu (1585-1642).”
“Có phải vị hồng y nớ là nhân vật Alexandre Dumas mô tả trong truyện Les Trois Mousquetaires (Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ)?”
Thầy không trả lời, đặt tay trên vai tôi, và cười nhẹ,
“Thầy kể chuyện này để con thấy mình may mắn…
“Bạch thầy, vì răng?” buồn vì sắp xa bạn, thằng Công ngạc nhiên.
“Sự kiện xảy ra đêm Phật đản chỉ là bắt đầu của ‘cái’ quả gây nên từ ‘cái’ nhân đã mọc mầm, sinh xôi nảy nở, và biến hóa hơn bốn trăm năm qua. Cơn pháp nạn mới bắt đầu và sẽ còn dài lâu; nhờ bà mẹ sáng suốt, Ba Hoa sẽ được xa lánh cõi hỗn loạn và yên tâm học hành.”
“Con cám ơn thầy,” tôi chắp tay cúi đầu từ giã.
Tôi rời Huế một buổi sớm mai sương mù còn phủ dày mặt sông; hàng phượng vĩ nở hoa đỏ rực bên đường. Tôi nhìn cầu Trường Tiền và dòng sông Hương lần cuối. Đó là hình ảnh của thành phố Huế ghi vào tâm khảm, vì sau đó tôi không có dịp trở lại đất cố đô – cho đến bốn mươi hai năm sau.
Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 28 tháng Mười, 2015