![]() |
Loạt truyện "Thuở Học Trò"
của Nguyễn Ngọc Hoa
17. Bùn Đỏ Bụi Hồng
Cuối tháng Năm 1963, mẹ đưa anh em tôi vào Ban Mê Thuột (BMT) ở với cha. Anh Quang giúp mẹ và các em dọn nhà, ở lại một tuần, và sau đó trở về Huế trông coi nhà cửa và chuẩn bị thi Tú tài Toàn phần hay Tú tài II. Cao nguyên bắt đầu đi vào mùa mưa; buổi chiều trời mưa như cầm chĩnh đổ và kéo dài đến khuya hay rả rích đến hôm sau. Mưa rừng đổ ào ào trên những rặng cây cao, và nước mưa nhuộm màu đất đỏ tuôn trào trên mặt đường. Sau cơn mưa, đường sá trở nên lầy lội, bùn đỏ dẻo như đất sét dính chặt vào giày dép của khách bộ hành, và nhà nào cũng có cái bàn cạo đóng trên mặt đất trước nhà để cạo bùn trước khi vào nhà.
Cha ở trong cư xá sĩ quan gồm chừng hai chục căn nhà xây từng cặp chung vách dọc theo đường Lê Lợi và quanh qua đường Đinh Tiên Hoàng. Hàng xóm sát vách của cha là gia đình dượng Đan và o Năm; o là em họ của cha. Mới hăm tám tuổi, dượng là vị trung tá trẻ tuổi nhất của Quân đội và giữ chức vụ tham mưu trưởng Sư đoàn XX Bộ binh. Dượng có tiếng hiếu học: ghi danh học ở Đại học Luật khoa Sài gòn, nhờ người lấy cua (“cours” tiếng Pháp là bài giảng in thành tập hay sách) về tự học, và đã đậu ba “chứng chỉ” Luật, nghĩa là đang học năm thứ tư. Trong họ nhà tôi, dượng là thần tượng của lớp trẻ và là người độc nhất được cha (có vai vế cao nhất) nể vì.
Cha sống một mình ở nhà trên gồm phòng ngủ chính, phòng tắm, và phòng khách. Nhà dưới dành cho gia đình anh Kiền, anh họ xa của tôi và là hạ sĩ quan hầu cận của cha. Được cha tín cẩn, anh thường hãnh diện kể lại những cuộc chiến đấu vào sinh ra tử bên cha. Chị Chờ vợ anh là ngườI cùng làng, lấy chồng và sinh con sớm, và được hai đứa: con Đà bảy tuổi và thằng Chóa bốn tuổi. Trước đây, cùng với chị người làm khoảng mười bảy mười tám tuổi, chị Chờ lo nấu nướng cơm nước cho cha.
Cuộc sống “độc thân” của cha không hề thay đổi vì sự hiện diện của mẹ và sáu anh em tôi. Bảy mẹ con chen chúc vào nhà dưới với gia đình anh Kiền trên hai chiếc giường ngủ kê sát nhau không có lối đi: bốn thằng con trai lớn ngủ một giường, và mẹ, thằng Trọng út ba tuổi, và em Bình con gái ngủ giường kia.
Cha vẫn ăn cơm một mình trên phòng khách; nay mẹ quán xuyến việc bếp núc, và tôi thay anh Đố tài xế trong nhiệm vụ bưng cơm nước từ nhà bếp lên. Cha cẩn thận chi li và đòi hỏi mọi thứ phải đúng theo thứ tự và vị trí định sẵn, thí dụ như chén đũa phải dọn ra trước tiên và đôi đũa phải đặt bên phải cái chén ăn cơm. Tôi không quen việc và vụng về nên ban đầu ngày nào cũng bị chửi “ngu như bò” và thỉnh thoảng lãnh một cú can giáng vào đầu đau điếng tới tận gót chân. Can (“canne” tiếng Pháp) là cây gậy ngắn, đôi khi bịt kim khí ở đầu và dấu lưỡi lê bên trong, được các sĩ quan cao cấp cầm tay trong lúc duyệt binh hay đứng chỉ huy.
Khi cha ở nhà, anh em tôi cũng như chị em con Đà phải im lặng tối đa, vì cha không thích ồn ào. Khi cha ngủ, nhất là ngủ trưa, thằng Trọng mà ho hay khóc thì mẹ phải bồng chạy ra ngoài thật xa để cha không nghe thấy.
Nhưng có một chuyện cha thay đổi; chị Chờ kể riêng với tôi,
“Trước khi mi vô đây, tuần mô chú cũng đưa đàn bà về quần thảo trên nhà. Tau bắc ghế đứng ngó chùng qua khe hở trên cửa.” “Ngó chùng” là xem lén hay nhìn trộm.
“Chị biết rứa rồi, ngó mần chi?”
“Để coi mấy mụ bồ của chú. Có mụ thì đẹp, nhưng cũng có mụ tra khằng, không biết răng chú ưng được? Một bữa anh Kiền đi chơi về bắt gặp và đạp cái ghế khiến tau bổ (té) xuống đất trặc cẳng đi cà nhắc cả tháng trời; khi nớ mới tởn,” chị cười hì hì; “tra khằng” là già lắm.
Tôi chợt hiểu ra: mẹ đưa anh em tôi rời Huế vì sự an toàn của tôi sau biến cố ngày Phật đản (thằng bé cứng đầu khăng khăng cãi với người lớn về những sự kiện thực sự xảy ra và nhiều lần bị đe dọa), nhưng vào BMT sống bên cha là để bảo vệ cuộc hôn nhân của mẹ và tương lai của các con. Không có anh Quang trông nom và quyết định, tôi là con chim đầu đàn bất đắc dĩ vì chính mình còn là một chú bé ngây ngô; tôi tự hứa sẽ vì mẹ và các em mà kiên nhẫn chịu đựng hết mình.
* * *
Rời bỏ đất cố đô, nơi tôi nhận làm quê hương và lớn lên gần mười năm qua, tôi vào thành phố lạ này – không bạn bè, không người quen, và ngơ ngáo như chú Mán về thành. Một hôm mẹ thấy tóc dài đưa tờ bạc hai chục đồng biểu đi cúp đầu. Tôi đi quanh phố không thấy có quán hớt tóc bình dân như ngoài Huế, nhưng trên đường Ama Trang Long gần nhà có một cửa tiệm sang trọng, thắp đèn nê-ông sáng trưng, và có bảng hiệu khá lớn với chiếc ống sọc trắng và đỏ xen kẽ quay vòng vòng. Tôi tò mò nghểnh cổ nhìn vào thì được một ông ăn mặc khá lịch sự mời vào ngồi trên chiếc ghế nệm xoay trước giàn gương lớn gắn khắp tường. Lần đầu tiên được mời chào trịnh trọng như thế, tôi chỉ nói được một câu,
“Chú làm ơn cúp thiệt ngắn như trước.”
Ông thợ ân cần vồn vã vừa làm vừa khen, “anh chàng này đẹp trai như tài tử xi-nê”; tôi biết ông nói xạo nhưng cũng khoan khoái trong lòng. Khoảng một tiếng đồng hồ sau, nhìn trong gương thấy một thằng Tây đen với mái tóc quăn tít và xịt keo cứng ngắt, tôi ức lòng,
“Chú cúp chi lạ ri, tui có ưng rứa mô?”
“Hớt, gội, và uốn cả thảy sáu chục đồng,” ông thợ tính tiền.
“Tui có muốn gội với uốn mô? Làm hư đầu tui, chú phải đền!”
Phen này sẽ bị vạ to – gội đầu và uốn tóc quịt, không có tiền trả, nào phải chuyện thường! Tôi mếu máo cãi vã bù lu bù loa; không biết ông thợ có hiểu hay không mà sau cùng ông cười xòa,
“Thôi tính tiền hớt tóc hai chục; chịu chưa?”
“Tui trả tiền cho chú đây,” tôi nhẹ nhõm cả người, nhưng còn tiếc rẻ vì mẹ dặn còn dư tiền thì đem về.
Nơi duy nhất tôi lai vãng đến là nhà sách Vân Hải trên đường Phan Bội Châu. Dáng người nhỏ thó mà thanh tú, ông chủ người Huế chưa tới ba mươi tuổi dịu dàng và niềm nở, và khi biết tôi ở Huế vào,
“Huế mình chừ mùa hè trời đẹp ghê gớm lắm, có mô mưa thành suối thành sông như xứ ni, kêu là Buồn Muôn Thuở là phải lắm!” Người Huế nói “ghê gớm lắm” để chỉ những điều hay, đẹp, hoặc tốt vô cùng.
“Dạ, trời mưa hoài…”
“Nhưng được cái ở đây yên ổn, không chộn rộn như ngoài nớ. Anh có mấy người cháu ngày mô cũng đi biểu tình, xuống đường xuống sá, không học hành chi hết. Và cũng không cho ai mần ăn sinh sống!”
“Cũng tại chuyện lộn xộn nớ mà tui vô đây,” tôi rụt rè góp ý.
Ông chủ nhà sách dễ dãi cho tôi lựa khiêng về một lô sách giáo khoa đệ nhị (lớp 11), hẹn hôm sau mang tiền ra trả. Có hôm trời mưa sợ ướt sách, ông gọi xích lô chở tôi về nhà mẹ trả tiền, và tôi được đi xích lô lần đầu tiên. Mẹ yên lòng khi thấy tôi miệt mài trong sách vở, cách duy nhất tôi giữ đầu óc bận rộn trong những ngày lạc lõng và tù túng.
Tôi học bài và làm toán hầu như 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Khi chưa giải được bài toán, tôi ghi hay vẽ lại trên tờ giấy, xếp bỏ túi; rảnh rỗi mở ra xem, và nhiều khi cách giải hiện ra trong giấc ngủ. Buổi tối, để khỏi gây tiếng động phá giấc ngủ cả nhà, tôi mặc áo len và đội mũ trùm đầu ra ngoài ga-ra đứng học; ga-ra có mái mà không có vách. Nhiều đêm tôi vào ngồi trong xe Giép (Jeep, đọc theo tiếng Pháp) của cha nghỉ mệt và tránh gió rồi ngủ quên đến sáng.
* * *
Anh Quang viết thư nói đã gửi hồ sơ chuyển trường từ Quốc Học vào từ đầu mùa hè; cuối tháng Chín (thường mọi năm trường đã khai giảng) tôi đánh bạo lên trường Trung học BMT hỏi thăm. Trường còn nghỉ hè, sân trường vắng vẻ, và trong văn phòng chỉ có mỗi một ông đeo kính gọng vàng ăn mặc diêm dúa đứng trước cái bàn giấy lớn. Thấy tôi vào, ông hất hàm hỏi oang oang,
“Anh đến đây làm gì?”
“Thưa, xin hỏi vụ chuyển trường về trường ni,” tôi rụt rè, không biết phải xưng hô thế nào cho đúng.
“Tên gì, chuyển trường từ đâu, lớp mấy?” ông nói to như nạt.
“Dạ … Ba Hoa, từ trường Quốc Học Huế, xin vô đệ nhị.”
“Không thấy hồ sơ chuyển trường nào cả,” ông trả lời ngay.
Tôi tần ngần định quay lưng ra về thì ông kêu giật lại mắng,
“Anh đi xin học mà đứng thế kia, không lễ phép gì cả!”
“Thưa, đứng làm răng mới là lễ phép?” tự nhiên tôi đâm ra bướng bỉnh, mặc dù nhận ra trong lúc ngượng ngập tôi đã cho hai ngón tay cái vào túi quần và đứng thẳng người như nói chuyện với kẻ ngang hàng.
“Ăn nói như thế thì ai cho anh vào học? Tiên học lễ hậu học văn…”
Ông tiếp tục bài giảng luân lý khiến tôi đờ người nhưng đâm ra hy vọng: biết đâu trường này không nhận và mình được trở về Huế học? Tối hôm ấy tôi kể lại cho mẹ và thử xin,
“Hay mẹ cho con về Huế lại?”
“Không được! Để mẹ lo…” mẹ mím môi.
Tuần sau, dượng Đan đưa gia đình đi ăn ngoài cuối tuần và mời tôi đi theo. Lần đầu tiên tôi được ăn cơm tiệm, mà lại là nhà hàng Mỹ Lâm sang trọng trên đường Quang Trung. Dượng đưa tôi lại quầy tính tiền giới thiệu với cô gái tóc dài mặt trái xoan xinh xắn,
“Đây là Cẩm Liên, nữ sinh xinh đẹp nhất trường Trung học Ban Mê Thuột.”
“Dạ Trung tá đừng nói vậy. Em mới học đệ ngũ, mấy chị lớp trên la em chết,” Cẩm Liên vui vẻ trả lời; đệ ngũ là lớp 8 bây giờ.
“Ba Hoa cháu tôi ở Huế vào và sắp học trường Trung học đó,” dượng chỉ sang tôi.
“Chắc anh học giỏi lắm?” Cẩm Liên cười thật tươi; tôi ngượng nghịu không trả lời.
Bữa cơm ê hề thức ăn ngon lành với món tráng miệng là mảng cầu dai (quả na) ngon ngọt mà – lần đầu tiên – tôi được thưởng thức nguyên trái. Tôi nhớ lại lời dượng nói với Cẩm Liên,
“Răng dượng biết con sắp học trường Trung học?”
“Dượng mới đi xin cho con, không biết thì ai biết?” o Năm tủm tỉm trả lời thay.
“Con tưởng cha lo…” tôi ngạc nhiên hơn.
“Mấy tháng ni, o dượng thấy con và các em bị hành hạ cực khổ, xót xa và buồn lắm mà không dám nói ra. Anh làm tình làm tội đủ cách vì muốn tống khứ chị và các con về Huế lại để sống một thân một mình thong dong tự toại như trước, chị nhất định không chịu thua, và các con ở giữa – trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết.”
“Con biết…”
“Tuần rồi, được biết anh chưa nộp hồ sơ chuyển trường cho con, chị mới chịu lép sang nhờ dượng khuyên lơn anh; việc học của con cái quan trọng hàng đầu, không thể trễ nải. Anh nể lời và đồng ý để dượng giúp lo cho con.”
Vài hôm sau, một toán thợ đến nhà xây thêm căn gác gỗ bên trên nhà bếp. Căn gác khá lớn dành cho tôi và hai đứa em kế là thằng Sáng và thằng Triết; tôi tha hồ học bài, làm toán, đọc Pháp văn và Anh văn lớn tiếng suốt ngày đêm mà không làm phiền ai. Hết mộng tưởng chuyện về Huế, tôi an phận chờ ngày đi học.
Sau những biến cố chính trị sôi động ở Huế và Sài gòn khiến trường học tiếp tục đóng cửa nghỉ hè, trường Trung học BMT khai giảng năm học mới vào trung tuần tháng Mười Một. Mùa khô đã bắt đầu trên Cao nguyên; buổi chiều nắng lên cao, gió thổi bụi đất đỏ bay mù mịt che phủ bầu trời. Ban Mê Thuột, xuất phát từ tiếng Ra-đê có nghĩa là "bản (làng) của cha thằng Thuột," nhưng thời tiết Cao nguyên mưa bùn đỏ, nắng bụi hồng đã nảy ra thêm cái tên Bụi Mù Trời.
Tôi không gặp lại ông thầy khó tính ở văn phòng trường Trung học, nghe nói thầy đã bị động viên nhập ngũ. Sau năm học đầu tiên, được những người bạn mới yêu thương và mến phục, tôi cảm thấy gần gũi, gắn bó, và thân thiết với thành phố này lạ lùng. Với tôi, BMT trở thành Bé Mà Thương!
Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 9 tháng Mười Hai, 2015