Trở về trang Mục lục

Bản PDF để in

Loạt truyện "Thuở Học Trò"
của Nguyễn Ngọc Hoa

18. Mê Bạn Ban Mê

Ngày khai trường niên khóa 1963-64, tôi rụt rè bước vào lớp đệ nhị B (lớp 11 ban Khoa học Toán) duy nhất của trường Trung học Ban Mê Thuột (BMT). Trường cũng chỉ có mỗi một lớp đệ nhị A (ban Khoa học Thực nghiệm). Hai lớp đệ nhị A và B học chung Sinh ngữ (tức là ngoại ngữ): gộp chung rồi chia hai theo Anh văn hay Pháp văn là Sinh ngữ chính. Trong lớp, các nữ sinh ngồi ở hai ba dãy bàn đầu, và tôi thường chọn bàn ở khoảng giữa lớp. Lạ trường lạ lớp, nhưng những người bạn mới thân thiện và cởi mở khiến tôi an lòng và phấn khởi.

Người bạn BMT đầu tiên là một cô gái Huế. Từ bàn thứ hai, Kiếm, học đệ nhị A, bước xuống niềm nở,

Ba Hoa nì, tui là Kiếm em anh Nam đây.”

Anh Nam học cùng lớp với anh Quang ở trường Quốc Học Huế, gia đình dọn vào BMT vài năm trước nhưng anh ở lại Huế học. Trước khi tôi rời Huế, anh cho địa chỉ của Kiếm và dặn phải ghé thăm, nhưng tôi nhát (gái) và nhác (lười biếng) nên không tìm gặp. Gia đình anh quê làng Nam Phổ sản xuất cau ngon nổi tiếng được truyền tụng qua bài hát ru em,

Ru em, em théc cho muồi
Để mạ đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán chợ Cầu
Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh
Chợ Dinh bán áo con trai
Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim.

Théc cho muồi” là ru em bé ngủ cho say.

Gặp được Kiếm tôi mừng rỡ nhưng lại lúng búng vụng về,

Té ra chị người Nam Phổ, con gái Nam Phổ ở lổ trèo cau.”

“Ở lổ” là ở trần truồng, không mang quần áo gì cả. Như không nghe câu nói vô duyên của tôi, Kiếm tíu tít,

“Anh Nam nói Ba Hoa học giỏi lắm, tui rán mà bắt chước. Khi rảnh ghé lại nhà chơi nghen; ba mạ tui gặp người Huế mình sẽ mừng lắm.” Kiếm cười thật tươi, để lộ má lúm đồng tiền, khoe hàm răng trắng đều, và hơi nheo mắt tạo thành ra vết nhăn duyên dáng bên khóe người Huế gọi là mắt có đuôi.

Cùng lớp đệ nhị B, cao hơn tôi hơn một cái đầu, và giọng nói oang oang, thằng Kha làm quen và chỉ dẫn đường đi nước bước cho tôi ở thành phố Bụi Mù Trời này. Nó đưa tôi về nhà dưới khu Trần Hưng Đạo gồm hầu hết là người Bắc di cư và giới thiệu với gia đình. Bố mẹ thằng Kha rất quý tôi và gặp bữa thường giữ lại ăn cơm, và nhờ đó tôi làm quen với nếp sống người Bắc. Thí dụ, tiếng “quý” dùng để chỉ sự yêu mến mà người Huế nói là “thương,” và tiếng “thương” của người Bắc nghiêng về tình yêu trai gái hơn. Trước khi ăn cơm phải mời,

Mời ông xơi cơm, mời bà xơi cơm, mời bố xới cơm, mời mẹ xơi cơm, mời anh xơi cơm, …

Cô em út năm tuổi của thằng Kha, nhỏ nhất nhà, phải mời mọi người mới được ăn. Cô bé đói bụng vội vã nói lia lịa,

“Ông câm, bà câm, bố câm, mẹ câm, anh câm, …” Ai nấy đều thành “câm”!

Nhờ thằng Kha tôi mới biết đi ăn phở ngoài tiệm, thường nó đãi vì tôi không có tiền túi. Một hôm trong tiệm phở, nó chỉ cho tôi con sâu nhỏ trong dĩa rau xà lách dân BMT ăn chung với phở. Bắt chước nhân vật trong chuyện khôi hài đọc trên báo về hoàn cảnh tương tự trong nhà hàng bên Mỹ, tôi hung hăng,

“Gọi bồi bàn tới mắng cho một trận, bảo nó cho ăn khỏi trả tiền.”

“Thì mày thử xem.”

Thằng Kha cười cười ngoắc tay gọi anh bồi bàn. Tôi chỉ con sâu, anh bồi bàn à lên một tiếng, ngắt cọng rau có sâu, lấy ra, và quay lưng bỏ đi. Như mọi lần, nó cười nhẹ nhưng không chế nhạo hay trách mắng thằng bạn ngây thơ chỉ biết sách vở.

Tôi không biết đàn hát và mù tịt về âm nhạc, nhưng khi thằng Vinh trưởng ban văn nghệ hỏi về hoạt động văn nghệ ngoài Huế, tôi làm le đọc vanh vách lời bài hát "Tous les garçons et les filles" (Mọi trai và gái) rất thông dụng của ca sĩ Pháp Françoise Hardy tôi tình cờ học được,

Tous les garçons et les filles de mon âge
Se promènent dans la rue deux par deux
Tous les garçons et les filles de mon âge
Savent bien ce que c'est qu'être heureux
Et les yeux dans les yeux, et la main dans la main …

(Mọi trai và gái tuổi tôi
Đi ra phố thành từng đôi
Mọi trai và gái tuổi tôi
Thấu rõ hạnh phúc lứa đôi
Mắt nhìn mắt, tay nắm tay …)

Thấy thằng Vinh nhíu mày, tôi biết đã lộ tẩy nhưng – dễ mến làm sao! – nó không nói ra, chỉ cám ơn rồi bỏ đi. Và không cho ai biết tôi là tên cù lần thứ thiệt.

* * *

Tôi liên lạc thư từ thường xuyên với bạn cũ ngoài Huế, nhất là thằng Cử hay nói tục và thằng Công học giỏi và ý hợp tâm đầu. Tôi kể những chuyến thám hiểm vào rừng núi Cao nguyên với bạn mới, những sinh hoạt học đường trong lớp nam nữ học chung, và cách cư xử dịu dàng của các cô bạn cùng lớp mến thương tôi như em. Dần dần, trong thư, tôi không còn tưởng nhớ ngoài Huế mình mà khoe Ban Mê của tau.

Để trả lời thằng Cử về “bọn mọi trong nớ,” tôi bảo ngày nay phải gọi là người Thượng; họ theo chế độ mẫu hệ, đàn bà cưới chồng, và phần lớn ở BMT là người Ra-đê. Đàn ông Ra-đê thường mang họ Y (đọc là “i”), và đàn bà họ H’ (đọc là “hờ”). Với thằng Cử, không thể quên mấy chuyện tục tĩu anh Đố, tài xế của cha, thuật lại với nụ cười ranh mãnh.

Anh Đố nói có lần trai gái với một chị “Hờ” và chị ta cho biết, “người của tui không nhúc nhích,” nghĩa là lúc hành sự anh Y không nhấp nhổm như người Kinh. Anh kể giai thoại các nàng “Hờ” tắm suối,

“Có người nhân dịp vào buôn (làng Thượng) bèn rình xem phụ nữ Ra-đê khỏa thân tắm gội dưới suối. Khi biết có người nhìn lén, các cô mắc cỡ chạy tán loạn lên bờ tìm quần áo. Vừa chạy vừa lấy tay che mặt.”

“Răng phải che mặt?” tôi ngạc nhiên hỏi.

“Các cô ấy lý luận rằng dù thấy ‘chỗ ấy’ đi nữa cũng không biết khổ chủ là ai.”

Thằng Cử thích chuyện sơn nữ của tôi; nó viết,

Tội nghiệp cho Y Bahoa bạn ta chưa! Phải chịu cô đơn chiếc bóng ở xứ Ban Mê Thuột Buồn Muôn Thuở Bụi Mù Trời phải Bịt Mắt Thôi. Ăn Bánh Mì Thịt, nhưng chớ ngồi Buồn May Tay, đã không được Ba Má Thương lại Bực Mình Thêm, Bỏ Mẹ Thôi!

“May tay” là tiếng lóng chỉ hành động con trai dùng tay tự thỏa mãn. Thằng Công và tôi viết cho nhau hàng tuần; phần chính của những bức thư dày cộm viết chữ nhỏ lăn tăn và vẽ hình trên giấy mỏng là đề toán đưa ra để đố bạn và bài giải cho các bài toán đố trước. Bắt chước các nhà toán học Âu châu đầu thế kỷ 18 thách thức nhau giải toán.

Tôi miệt mài học tập đêm ngày, nhưng cần sách toán để trau dồi thêm. Sách giáo khoa lớp đệ nhị B vơ vét ở nhà sách Vân Hải trên đường Phan Bội Châu dùng học thi Tú tài I không thấm thía vào đâu nên mỗi lần có người quen về Sài gòn, tôi nhờ tìm mua tất cả sách toán bày bán trong nhà sách mà tôi chưa có. Ưng ý nhất là cuốn Toán Hình Học Không Gian của Nguyễn Xuân Vinh mới xuất bản năm trước (1962), có khá nhiều toán khó, và bìa sách trình bày độc đáo: bìa cứng màu trắng ngà, in chữ mạ vàng, và bọc plastic trong.

(hình)

Khi sách bán trên thị trường hết toán khó, tôi trông cậy vào kho sách tiếng Pháp thừa hưởng của các chú họ học thời Quốc Học còn là trường Khải Định. Cuốn sách thông dụng nhất thời xưa là Géométrie dans l'espace (Hình học Không gian) của Camille Lebossé và Corentin Hémery, thường gọi là “cuốn Lebossé,” bản của tôi in năm 1949. Bài toán cuối cùng trong chương Tứ diện, “bài toán Lebossé,” đặc biệt có rất nhiều cách giải khác nhau học trò Huế nhờ đánh máy trên giấy pơ-luya mỏng (để được nhiều bản), chuyền tay nhau học, và thường đo trình độ toán bằng câu hỏi,

Hắn giải bài toán Lebossé được mấy cách?”

Để tranh tài với thằng Công, tôi phải dùng sách siêu (tinh vi hay cao siêu) hơn cuốn Lebossé ấy: sách của François Brachet và Jean-Auguste Dumarqué, gọi tắt là “cuốn Brachet,” ấn bản 1932. Khi tặng sách, chú tôi dặn đi dặn lại,

“Toán Brachet khó điếc lỗ tai; mi đừng bỏ thì giờ nhiều, không có lợi !”

Chú nhầm, bộ sách Brachet rồi cũng hết toán khó! Cuối cùng viện đến cuốn sách xưa thật xưa, mất bìa trước và mấy trang đầu nên không biết tên tác giả hay năm ấn hành, chỉ biết là toán khó cả họ không ai dám rớ tới. Ngày ấy, thấy tôi mân mê cuốn sách này anh Quang le lưỡi,

Tau mà hiểu được bài trong nớ thì ́ liền!” “́” tiếng lóng nghĩa là “chết.”

Chính nhờ cuốn sách xưa này mà tôi được thầy Phan dạy toán hết lòng khâm phục. Thầy người Hội An, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, được bổ nhiệm vào BMT dạy năm đầu tiên, và hăng hái ra toán thật khó cho cả lớp về nhà làm – những bài toán lấy từ cùng một cuốn sách. Thằng Kha tổ chức học nhóm, tôi giảng toán, và cả nhóm nộp bài với lời giải hoàn hảo, có khi siêu hơn bài giải trong sách vì đã được tôi và thằng Công ra công gọt giũa dùi mài.

* * *

Cuối năm, bọn học sinh đệ nhị khăn gói đi thi Tú tài I ở Nha Trang vì BMT tỉnh nhỏ không có hội đồng thi. Các giáo sư năm nay được cử đi chấm thi ở hội đồng Võ Tánh ở trường Trung học Võ Tánh Nha Trang. Thi xong, trong những ngày chờ kết quả, nhóm bạn thân kéo nhau ra bãi biển chơi; con trai tắm biển, giỡn sóng, và phơi nắng; và con gái ngồi dưới bóng dừa trò chuyện. Tôi vừa ở dưới nước lên, người còn dính đầy cát thì thầy Phan cùng với cô Tâm dạy Việt văn lại gần. Thầy cười chúm chím,

“Cái thằng Ba Hoa ni học hành chi mà lạ rứa?”

“Dạ răng thầy?” tôi tái mặt.

“Nói chơi thôi, mi đậu tối ưu đứng đầu hội đồng Võ Tánh! Được tới 187 điểm, cao nhất trong các hội đồng trên toàn quốc,” cô Tâm vội vàng giải thích; đây là lý do cô và thầy Phan đi tìm tôi để báo tin mừng.

Các bạn reo hò mừng sự thành công khả quan của tôi. Kiếm đề nghị góp tiền vào “quán” (nhà hàng trên bãi biển bán thức ăn và món giải khát cho du khách) gần bên mua nước dừa tươi ăn mừng. Cả bọn gần chục đứa chỉ đủ tiền mua ba trái dừa chia nhau uống. Những ngụm nước dừa xiêm tươi mát và ngọt ngào, nhưng khiến tôi nghẹn lời và rưng rưng nước mắt.

Ở Huế thằng Công đậu bình thứ, kết quả khiêm nhường nhưng chứng tỏ khả năng của nó không hề thua kém tôi: Trong lúc tôi sống an bình và yên tâm học tập, nó liên miên trải qua những cuộc biến động chính trị, xuống đường bãi khóa, và đóng cửa trường sở.

Bữa “tiệc nước dừa” trên bãi biển Nha Trang ghi hằn trong ký ức thành một kỷ niệm không bao giờ nhạt phai; đó là bữa tiệc mừng thi đậu duy nhất trong đời tôi. Các bạn xứ Bé Mà Thương đã dạy tôi đời học trò, ngoài sách vở và chứng minh toán học, còn có nhiều điều thích thú và hạnh phúc khác. Hơn nửa thế kỷ sau, tôi vẫn trân quý tình bằng hữu thiết tha ấy.

Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 23 tháng Mười Hai, 2015

Trở về đầu trang