Trở về trang Mục lục

Bản PDF để in

Loạt truyện "Thuở Học Trò"
của Nguyễn Ngọc Hoa

19. Xuân Thì Qua Mau

Đối với lớp đệ nhị B (lớp 11 ban Khoa học Toán) Sử Địa là môn phụ nên ít khi tôi ngần ngại theo thằng Điền và các bạn khác cúp cua hai giờ Sử Địa cuối chiều thứ Bảy, bỏ lại sau lưng lớp học nóng bức với tiếng giảng bài ề à buồn ngủ của thầy Nhị, và xuống chơi Thác Nhà Đèn, hay “Thác Trốn Trường” của chúng tôi. Ra khỏi trường, theo đường Nguyễn Công Trứ, và rẽ qua con đường mòn hai bên cỏ dại và lau sậy, chúng tôi vừa đi vừa ngắm những đốm nắng lung linh xuyên qua cành lá lao xao trên ngọn cây cao, và chẳng bao lâu hiện ra trước mắt con đập bằng đá và bê tông chặn ngang dòng suối Bu Ri thành hồ chứa nước để phát điện. “Thác” là làn nước tràn qua đập, đổ thấp xuống chừng năm thước, và chảy về phía hạ lưu. Thằng Kha nói người Pháp xây Thác Nhà Đèn năm 1934 để cung cấp điện cho dân cư ít ỏi của Ban Mê Thuột (BMT) ngày đó.

Suối Bu Ri tiếp tục ngoằn ngoèo qua khu Trần Hưng Đạo và cuối cùng chảy ra sông Xrepok ở Cầu 14 trên Quốc lộ 14 về phía nam. (Người BMT đặt tên các địa điểm đáng chú ý bằng khoảng cách từ trung tâm thành phố: Cầu “14” cách xa mười bốn cây số.) Đúng ra phải gọi là suối “Mô Ri” vì người Thượng đã lấy tên ông Jean Maury, một nhà khẩn hoang và kinh doanh người Pháp đến BMT lập nghiệp từ thời hoang sơ, để đặt tên. Tôi ngẫu hứng gọi là “Suối Dạ Sầu” vì thấy ven bờ suối trước nhà thằng Điền, chỉ cách xa chừng mười thước, có một đám cây phong lá xanh rủ xuống quanh năm; khi chiều xuống lá phong ủ rũ xuống thấp hơn, và về đêm ngọn suối như trở nên buồn bã. Thằng Điền ghẹo tôi,

Thằng con này văn chương chữ nghĩa bề bề thế kia mà thấy gái thì len lét như rắn mùng năm.”

“Nàng tiên nào ở xứ Buồn Muôn Thuở mà lắm quyền uy thế?” thằng Kha vờ ngạc nhiên.

“Con Kiếm cùng ‘quê’ với nó, học bên đệ nhị A. Tao còn lạ gì!”

Ban A là ban Khoa học Thực nghiệm, và Kiếm là người bạn BMT đầu tiên của tôi. Mỗi lần học chung giờ Sinh ngữ (Pháp văn và Anh văn), nàng bước lại bàn tôi ngồi, tặng tôi nụ cười má lúm đồng tiền duyên dáng, niềm nở thăm hỏi và săn sóc, và không quên vỗ nhẹ vào tay tôi trước khi về bàn của mình. Trước mặt Kiếm, lúc nào tôi cũng thấy mình vụng về vô duyên vô nợ và nói năng lúng ba lúng búng không đầu không đuôi, mặc dù ở nhà đã nghĩ sẵn những câu thật “hay ho.” Thấy tôi không vui khi nghe nói đến Kiếm, thằng Điền đổi hướng,

“Tao thấy bọn con gái đệ lục đệ ngũ mê mày tít thò lò mà sao không chớp lấy một ‘em’ cho đời thêm hương thêm hoa?” Đệ lục và đệ ngũ là lớp 7 và 8 ngày nay.

“Thí dụ như con bé nào? Nói thử tao nghe,” thằng Kha lại vờ ngây thơ… cụ.

“Con Mai Liên nước da bánh mật, đen giòn mà có duyên, này! Con Nan Nùn gốc Bùi Chu - Phát Diệm, thiếu thước tấc theo chiều đứng, hay ní na ní nô, và văn nghệ văn gừng đầy mình, này!”

“Có phải con Ly Lan có tiếng học dốt, năm trước bị ở lại lớp mà hôm trình diễn văn nghệ hát bài ‘Mùa Thi,’

Hôm nay ngày thi
Bao nhiêu người đi

Khoe rằng:
‘Phen này tao trượt thì ai đậu cho’?”
(Đỗ Kim Bảng)

“Đích thị Ni Nan ấy! Nếu hai con bé này không hợp gu chàng thì có ‘em’ Diệp bộ xương cách trí ốm cà tong cà teo, ăn nói nhỏ nhẹ dễ thương, và là người Huệ như nó,” thằng Điền cười khà khà.

Tôi quen các cô bạn lớp dưới này vào dịp gần cuối niên khóa, mùa nghỉ hè sắp tới, thầy Can dạy Anh văn tổ chức trình diễn văn nghệ gây quỹ cho trường. Tôi lãnh nhiệm vụ dẫn mấy toán nữ sinh đệ lục và đệ ngũ đi bán vé vào cửa, trong lúc các bạn có tài ca hát tập hợp ca bài “Hè Về” mở màn chương trình,

Trời hồng hồng, sáng trong trong
Ngàn phượng rung nắng ngoài song
Cành mềm mềm, gió ru êm
Lọc mầu mây bích ngọc qua mầu duyên. …
(Hùng Lân)

Nhờ gia đình quen biết nhiều, tôi đưa các cô bạn nhỏ đi khắp nơi trong thành phố: từ Tòa Hành chánh Tỉnh và Tiểu khu đến bungalow, bản doanh của Bộ Chỉ huy Trợ giúp Quân sự MACV Hoa kỳ bên cạnh Sư đoàn XX Bộ binh, và Phi trường L-19, phi trường quân sự gần thành phố dành cho phi cơ trực thăng và phi cơ tiền thám L-19. Vé bán chạy nhờ các quân nhân Việt cũng như Mỹ hăng hái mua giúp làm việc nghĩa mặc dù sẽ không có thì giờ đi xem. Các cô phục lăn “anh Ba Hoa nói tiếng Anh như gió” và thi nhau mang quà vặt cho tôi ăn.

Thằng Kha phì cười, nhưng tỏ ra thông cảm nỗi niềm tâm sự của tôi; nó can,

“Mày chớ có xúi dục thằng Ba Hoa giao du thân mật với các cô bé chưa sạch nước cản, còn lâu mới tới tuổi dậy thì.”

Có lẽ thằng Kha đang nghĩ về cô bạn cùng lớp Hương Nhã nó hay dẫn tôi đến nhà chơi. Trong lớp kháo nhau hai người cặp bồ, nhưng dường như thằng Kha ôm mối tình một chiều, yêu nàng mà không dám tỏ tình, và không được đáp lại. Hương Nhã không có anh em trai và tôi không có chị gái nên chẳng bao lâu hai đứa thân thiết như hai chị em, thường chia sẻ những chuyện riêng tư không thố lộ với ai khác. Nhưng dễ dầu gì thằng Điền chịu bỏ qua cho tôi,

“Ở đó mà người em bé bỏng cho mày! Con gái xứ mưa bùn đỏ, nắng bụi hồng đi học muộn, khai sụt tuổi, và thèm lấy chồng. Tao dám cá các ‘em’ đó lớn hơn thằng con này một hai tuổi là ít,”

“Tao biết thế, nhưng...”

“Nếu nó chê các ‘em’ kia bé thì có Thu San Mái Tây Hiên nguyệt gác chênh chênh dưới đệ tứ, em bà Thu Nha lớp mình. Cô nàng hay kiếm cớ tới lớp tìm chị để tù ti tút tít với thằng Ba Hoa.” Đệ tứ là lớp 9 ngày nay.

“Hàm răng bà chị đã hô kinh khiếp, hàm răng cô em lại hô hơn mấy lần. Tên nào có phúc lắm mới cưới được em vì lúc nào cũng sẵn cái mái hiên tránh nắng che mưa!” thằng Kha cười ngặt nghẹo.

* * *

Ngày mồng một Tết tôi theo thằng Kha và thằng Điền đi chúc tết gia đình bạn bè và cô Tâm dạy Việt văn, cô giáo được ưa chuộng nhất. Lần đầu tiên đi chúc tết, tôi học được các câu chúc văn vẻ của hai thằng bạn người Bắc, tập theo giáng điệu lễ phép của chúng, và được chúc lại và tiếp đãi như người lớn. Ở nhà cô Tâm, lần đầu tiên tôi được mời uống rượu… vui xuân và biết cái cảm giác lâng lâng của men say.

Cô đẹp, hiền, và dạy rất hấp dẫn; khi giảng bài, cô để hẳn tâm hồn vào bài giảng của mình. Thỉnh thoảng đầu giờ học, cô đưa ra câu hỏi văn học có tính chất thời thượng cho học sinh thảo luận. Khi cuốn tiểu thuyết Yêu của Chu Tử vừa xuất bản ở Sài gòn, cô hỏi ý kiến về tác phẩm táo bạo làm chấn động giới văn học ấy. Có lẽ là học sinh duy nhất đã đọc (nhờ được phép mẹ cho mua sách trước trả tiền sau ở nhà sách Vân Hải), tôi đưa tay xin phát biểu. Bài “điểm sách” hơn năm phút của tôi, theo quan điểm của một chú bé chuyên đọc truyện Tàu cổ điển lấy trung hiếu tiết nghĩa làm đầu, phê bình tác giả Yêu khá gắt gao. Nhưng khi tôi nói xong, cả lớp ngơ ngác lắc đầu vì không hiểu nổi bài “diễn văn” giọng Huế nặng trịch của tôi.

Cô Phấn dạy Công dân người Nam, trẻ, tóc cắt ngắn, và trông như Audrey Hepburn trong phim Roman Holiday (Kỳ Nghỉ Hè ở Rome). Cô mắng đốp chát ngay mặt thằng Điền khi nó phát biểu gợi ý lẳng lơ để chọc ghẹo cô. Chương trình Công dân đệ nhị bao gồm các chính sách kinh tế trên thế giới dùng cuốn sách giáo khoa của Vũ Quốc Thúc tôi đã đọc mùa hè trước, dù Công dân là môn phụ. Một hôm tôi đi học trễ, để quên cây viết ở nhà, và vào lớp, như thường lệ, ngồi nghe mà không chép bài cô đọc – y chang như trong sách. Cô đi ngang bàn, nhìn tôi, và mỉa mai,

“Có tiền mua lược làm dáng mà không mua nổi cây viết chép bài!”

“Dạ… Mà viết để mà chi cô?” tôi lúng túng, nhận ra chiếc lược chải đầu dắt sau túi quần thò hẳn ra ngoài.

“Hả? Đi học mà hỏi viết để làm gì hả?”

Cô đi nhanh lên bàn kê trên bục gỗ. Tôi sợ điếng người, nghĩ là sẽ bị la mắng thẳng tay hay đưa lên văn phòng hiệu trưởng để trừng phạt. Nhưng không, cô trở lại với ngòi viết Parker mắt tiền mới tinh,

“Cho luôn đó. Lần sau mà không mang viết theo thì liệu hồn!” Từ đó, tôi bắt đầu thói quen ghi chép bài trong lớp, dù về nhà không hề xem lại.

Trước Tết, theo thông lệ hàng năm, trường tổ chức đi cắm trại ngủ lại đêm trong khu rừng cạnh Thác Nhà Đèn. Tôi sang nhà dượng Đan, chồng o Năm, ở kế bên mượn chiếc radio transistor cầm tay, loại mới nhập cảng và có thể bắt được đài phát thanh Sài gòn, mang theo lấy le và cốt đưa cho Kiếm mượn. Sau đêm lửa trại, sáng sớm Kiếm và Hương Nhã sang khu trại nam sinh tìm tôi. Lần đầu tiên vắng bóng nụ cười duyên dáng, Kiếm lo lắng thấy rõ,

“Đêm qua Ba Hoa có sang lấy lại cái radio không?”

“Không có,” tôi giật mình.

“Thôi để mình đi tìm xem có ai mượn không; đừng lo!”

Tôi muốn nói với Kiếm một câu gì đó để nàng yên lòng, nhưng mở miệng không ra. Hương Nhã kéo tôi ra nói riêng,

Ba Hoa làm gì mà rầu rĩ quá vậy? Cái radio tụi nó chuyền tay nhau nghe rồi lạc đâu đó; thế nào cũng tìm thấy mà!”

“Không phải, tui buồn vì thấy Kiếm lo âu quá đáng.”

“Kiếm còn có chuyện buồn hơn. Đêm qua bọn con gái thức suốt đêm nghe Kiếm kể hoàn cảnh ngang trái; thật tội nghiệp! Về nhà tui nói cho nghe.”

Một tiếng đồng hồ sau, Kiếm tìm được cái radio mang trả tôi. Trông nàng buồn hơn trước và đôi mắt ươn ướt,

Ba Hoa, mình tính…”

“Kiếm nói đi,” tôi lắp bắp.

“Hứa với mình, dù chi đi nữa, Ba Hoa sẽ luôn luôn chăm học, hứa nghen?” nàng nắm tay tôi – lần đầu tiên.

“Vì răng, Kiếm nói được không?”

“Hứa đi, không mình khóc cho coi.”

“Ừ, tui hứa…” Kiếm siết chặt tay tôi trước khi thổn thức bước đi.

Nôn nóng gặp lại Hương Nhã, tôi hỏi ngay,

“Tại sao Kiếm khóc; tui làm chi khiến Kiếm buồn?”

“Để tui kể Ba Hoa nghe một câu chuyện: Có một người con gái yêu thương một người bạn học; người ấy còn rất trẻ, tương lai vô cùng sáng lạn. Một mặt nàng cố giữ một khoảng cách để chàng khỏi phí thì giờ học vào việc yêu đương, và mặt khác đương đầu với một tình thế khó xử: yêu và được yêu, nhưng khó lòng chờ đợi hay dự tính tương lai lâu dài,” Hương Nhã cân nhắc kỹ càng trước khi trả lời.

“Sao vậy?”

“Con gái tỉnh lẻ xuân thì qua mau, và cơ hội lấy chồng hiếm hoi, mật ít ruồi nhiều, và chỉ giới hạn vào một số sĩ quan cấp úy trẻ tuổi trong tỉnh hay vài ba giáo sư dạy giờ trong trường (giáo sư tốt nghiệp Đại học Sư phạm đã có ý trung nhân ở Huế hay Sài gòn). Sau khi bàn bạc hơn thiệt, tụi tui đồng lòng khuyên cô gái ấy nhận lời ‘rủ đi chơi’ của một anh sĩ quan khá sáng giá và quên đi mối tình học trò mộng mơ. Dịp may chỉ tới một lần!” Hương Nhã nhìn tôi thương cảm.

Tôi không thấy mình là kẻ thua cuộc; tôi có tranh đua hay đòi hỏi gì đâu. Tôi giữ lời hứa với Kiếm và cuối năm lãnh phần thưởng danh dự toàn trường, phần thưởng cao nhất do bác Tấn tỉnh trưởng trao tặng. Tôi đọc cuốn Dòng Sông Định Mệnh của Doãn Quốc Sỹ hàng chục lần và nhớ hoài hai câu in chữ nghiêng ở đoạn kết,

Việc gì mà phải xao xuyến! Dòng sông định mệnh đã đổ ra biển rồi, có còn khúc quành nào đâu!

Kiếp sau em làm vợ anh, tình chúng ta chân thành, nhất định kiếp sau em là vợ anh!

Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 27 tháng Giêng, 2016

Trở về đầu trang