Trở về trang Mục lục

Bản PDF để in

Loạt truyện "Thuở Học Trò"
của Nguyễn Ngọc Hoa

1. Thư Tình Trên Giấy Vở

Mùa hè 1957. Dọc theo bờ sông Đông Ba, đường Huỳnh Thúc Kháng (đường Hàng Bè cũ) bắt đầu từ cầu Gia Hội, lòn dưới cầu Đông Ba, qua cầu Thanh Long, và chạy dài tới Bao Vinh. Trên đường này, mẹ thuê căn nhà mặt tiền gần con đường ngắn từ bờ sông đi vào cửa Mang Cá (đúng ra là cửa Mang Cá Nhỏ hay Kẻ Trài) không cho thường dân qua lại vì trong là trại lính. Khúc đường kiệt (ngõ hẻm) bên hông nhà suốt ngày vang tiếng cười đùa của đám trẻ con là một lối vào “xóm Mang Cá” với đường đất quanh co dưới bóng cây rậm rạp.

Gia đình Cậu Há đã dọn về “xóm Đình” phía sau Đình thần gần cầu Thanh Long từ trước. Cậu đã nghỉ việc mà gia đình đông người nên mợ phải đổ giá (làm giá đậu xanh) và làm mắm cà và cà muối đem ra chợ Phú Bình bán kiếm tiền. Mắm cà kiểu Quảng Bình dùng cà pháo nén chung với mắm là cá ướp muối gài chặt và để lâu trong hũ, mắm cà kiểu Huế dùng cà dĩa (cá bát hay cà dừa) cắt thành từng miếng dầm vào mắm nêm hay mắm ruốc, và cà muối cũng dùng cà pháo nhưng ngâm trong nước muối trộn dấm.

Mẹ nói ở xứ cố đô này người ta coi trọng thể diện nhứt hạng. Giấy rách phải giữ lấy lề, nghèo khó bao nhiêu đi nữa ra đường quần áo cũng phải tươm tất chỉnh tề. Có gia đình có bà mẹ và cô con gái lớn nhưng chỉ có một chiếc áo dài; bà mẹ ra ngoài thì cô con ở nhà, và ngược lại, vì đàn bà con gái Huế ra đường không thể không mang áo dài đàng hoàng. Gia đình tôi cũng vậy: bề ngoài khá giả vì cha có chức phận, nhưng bề trong thì mẹ thắt lưng buộc bụng tối đa vì hoàn cảnh túng thiếu và do bản tính phòng xa cố hữu của người miền Trung.

Sự tằn tiện thể hiện qua việc ăn uống hàng ngày. Buổi sáng, chị ở nấu cháo trắng hay cơm. Cháo trắng ăn với đường đọi là đường đen đúc thành đọi (tô lớn), chặt ra cho mỗi người một miếng. Cơm thì ăn với trứng luộc dầm nước mắm, một trái trứng vịt dằm vào chén nước mắm đầy san sẻ cho cả nhà bảy người.

Mùa mưa hay mùa nắng cơm trưa cũng chỉ có mắm cà, rau muống luộc, và nước luộc rau làm canh. Người Huế ăn rau muống luộc chấm với nước kho, tức là nước kho cá, nhưng cá thì dành cho bữa tối. Tôi có nhiệm vụ lên nhà cậu Há xin mắm cà về ăn trưa vì anh Quang ôốc dôộc (mắc cỡ hay xấu hổ) không đi. Có hôm đi giữa đường thèm ăn tôi lấy tay nhón một quả cà pháo bỏ vào miệng chưa kịp nhai thì sẩy tay làm rớt đọi mắm cà xuống đất vỡ tan. Về nhà tay không, nước mắt lưng tròng, tôi không bị mẹ mắng về tội tham ăn bốc lủm mà bắt đi xin một lần nữa.

Ngày này qua tháng nọ thực đơn bữa tối vẫn là canh dưa hồng nấu cá nục và cá nục kho. Nhà tôi ở trên đường đi về của các bà dưới làng Tiên Nộn hay xa hơn gánh hàng lên chợ Đông Ba bán. Buổi chiều tan chợ mẹ đón mua rẻ hàng còn lại bán đổ bán tháo cho nhẹ gánh nên cá và dưa không còn tươi ngon.

Sống kham khổ nhưng anh em tôi luôn luôn vui vẻ và vô tư, ngoại trừ những đêm cha về nhà. Đóng đồn ở Phú Bài cách Huế không tới hai mươi cây số nhưng cha chỉ về khi cần nã tiền mẹ. Ban đầu cha năn nỉ ỉ ôi, nhưng đời nào mẹ chịu đưa tiền ra dễ dàng như thế. Cha than van không có tiền trả nợ sẽ bị kiện thưa tù tội và dọa tự hủy mình mà cũng không lay chuyển được mẹ. Cha quay ra chưởi bới, đập phá đồ đạc, rượt đánh, và lấy súng đòi bắn chết cả mấy mẹ con cho đến khi mẹ chịu thua. Moi ra phần tài sản mẹ quý hơn tính mạng và cất giấu cẩn mật để phòng thân phòng thủ, mẹ khóc lùm loà lùm luện (nước mắt nước mũi đầy mặt) nộp cho cha.

Để có người dẫn dắt và dạy kèm anh em tôi học, mẹ kêu em út của cậu Há là cậu Phu đến ở trong nhà. Cậu Phu hai mươi tuổi, học đệ nhị (lớp 11 bây giờ), người cao mà ốm, và dáng nghiêm nghị khiến chúng tôi nể sợ. Vai em của mẹ thì phải gọi bằng “cậu,” nhưng tôi nhất định gọi bằng “chú.” Anh Quang hỏi,

Răng mẹ biểu mi không nghe? ‘Cậu’ mà kêu bằng ‘chú’ – lạ đời rứa?”

“Cậu chi mà cậu? Cậu mậu cường, cậu ăn cơm tháng cậu lường cậu đi à? ”

Rứa còn ‘chú’ – nói thành ‘chú hú’ thì răng?” anh chơi chữ đối lại.

“Người ta nói sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì. Không phải mình đã ‘sẩy cha’ mà ‘cần chú’ hay răng?”

Tôi nói tào lao tứ đế (nói lăng nhăng không theo lý lẽ nào cả) ẩu tả như vậy mà anh lại nghe. Sau đó không phải chỉ một mình chú Phu mà các em họ của mẹ, ngoài cậu Há, đều thành “chú.”

* * *

Am thờ Tiên Thiên Thánh Mẫu của bác Thang góa chồng sau nhà tôi tách rời với thế giới bên ngoài bằng lớp hàng rào bông cẩn (hoa dâm bụt) dày đặc cao quá đầu người, che phủ bởi những tàn cây rậm lá sum sê, ban ngày trầm mặc âm u, và ban đêm náo nhiệt với những buổi ngồi đồng (lên đồng, hầu đồng, hay hầu bóng) huyền bí. Ngôi nhà ba gian sau am là chỗ ở của bác và con gái là chị Bê và nơi nằm nghỉ cho bệnh nhân.

Bác Thang mặc quần áo lụa trắng, mặt tô son điểm phấn, giọng nói cao và trong. Bác hay kể về ngày kinh đô thất thủ, 23 tháng Năm năm Ất Dậu (1885),

“Người Huế chết như rạ; xóm mình xác người chật đất vì Binh bộ Thượng thư Tôn Thất Thuyết bố trí mai phục ở cầu Thanh Long chận đánh quân Pháp từ Tòa Khâm sứ bên kia sông Hương qua tiếp ứng cho Đồn Mang Cá. Chừ đọt cây (ngọn cây) cũng có dăm ba người cõi âm ở, con nít hay thanh niên đi qua hay bị vương với kẻ khuất mặt khuất mày.”

Vương” là bị người cõi âm, tức là ma, ám mà sinh bệnh và cần nhờ đến “” hay “Cậu” tức là người ngồi đồng cứu giúp; đây là bác Thang. Các buổi ngồi đồng xảy ra buổi tối vì lúc đó mới dễ mời Ngài giáng lâm, và nhờ vậy tôi ít khi lỡ dịp xem lễ.

Mặc y phục nữ tướng áo mũ cân đai uy nghiêm oai vệ, Cô ngồi giữa điện, đầu phủ một tấm khăn lụa điều. Khói hương nghi ngút, trầm nhang thơm lừng, đèn sáp sáng trưng, và bác cung văn gảy đàn nhị hát bài chầu văn,

. . . Ba cung quế phất phơ bóng nguyệt
Chén yên hà chi xiết mừng vui
Từng trên minh cảnh cao đài
Long chầu trong sạch thấu soi nhân hoà. . .

Đầu lắc lư theo nhịp chuông trống của thím phụ đồng, vợ bác cung văn, và toàn thân run rẩy. Tiếng chuông trống càng lúc càng nhanh, cho đến khi thét lên một tiếng, giật tấm lụa điều liệng xuống đất, và vùng đứng dậy – Ngài nhập. Bác cung văn tiếp tục đàn hát trong khi Ngài múa thanh kiếm dài lấy từ giá khí giới bên hông điện thờ. Dừng lại, Ngài tỏ ra hài lòng, thưởng tiền cho bác cung văn, và thời (ăn hay dùng) rượu, thuốc lá, hay trầu nước thím phụ đồng dâng lên.

Bà mẹ bệnh nhân cầu xin Ngài chữa bệnh cho con, một thanh niên trạc hăm mốt hăm hai, ốm o tiều tụy chỉ còn da bọc xương. Ngài chẩn bệnh,

“Tên ni bị vương lậm lắm rồi, e vô phương cứu chữa!”

Bà mẹ lạy lục van xin và dâng lễ vật cho Ngài thu dụng. Ngài bắt ấn, triệu người cõi âm là một cô gái lên thẩm xét. Lúc này hóa thân thành cả Ngài lẫn cô gái ma nên lời đối thoại giữa hai bên chậm và khó hiểu, tôi lẻn vào ngồi sau lưng bác cung văn nghe cho rõ. Cô gái trần tình,

“Bẩm Ngài, con chết oan năm mười sáu tuổi nên hồn không siêu thoát mà cư ngụ trên cây đại hoè trước Đình thần. Người dương ni đi học ghé qua dưới cội (gốc) cây; thương nhau mà nên duyên vợ chồng, chừ đã hai mặt con.”

“Âm dương khác biệt, làm răng kết hợp? Ngươi cãi luật Trời, tội đáng chết,” Ngài vung kiếm dọa chém.

“Tấu lạy Ngài, trai gái yêu thương là lẽ thường của Tạo hóa, lý mô Ngài nỡ rẽ duyên?”

Răng ngươi bắt hồn người dương, khiến va dở chết dở sống?”

“Hai đứa con dại ngày đêm khóc lóc đòi cha; đã tới lúc chàng về cõi âm sum hiệp!”

Cuộc đối chọi giữa Ngài và cô gái ma rất cam go và cần thêm nhiều buổi ngồi đồng khác. Đầu tiên Ngài khảo đả, thuyết phục, dỗ dành, và hứa tặng vàng, bạc, và tiền (tức là giấy vàng, giấy bạc, và giấy tiền để đốt), nhưng cô nhất quyết không xa chồng. Sau đó, Ngài doạ nạt, đòi chém, và ra oai bằng cách nuốt lửa, ngậm rượu phun lửa, hay ăn ly tách thủy tinh; cô sợ hãi nhưng thương con nên còn lưỡng lự. Cuối cùng bệnh nhân phải thế mạng mình một con gà trống lớn thì cô mới xiêu lòng chịu để (ly dị), điểm chỉ vào tờ văn ước bằng chữ Hán in trên giấy trắng mỏng. Vậy là bệnh nhân được chữa lành.

Mặc dù có nhiều chi tiết bất nhất, câu chuyện âm dương phối hợp và phân ly khiến tôi say mê như đọc tiểu thuyết. Nhưng hấp dẫn hơn là các thứ bánh trái hoa quả lộc của Thánh chị Bê đãi ăn phủ phê. Chị khoảng mười bảy mười tám tuổi, buổi tối thường sang nhà tôi chơi với chị ở và nói chuyện đến khuya đợi chú Phu và anh em tôi đi ngủ mới ra về. Mượn đọc truyện tình cảm xã hội trong kho sách cũ của tôi, chị mê nhất cuốn Bên Dòng Sông Trẹm của Dương Hà.

Chị đẹp nết na, duyên dáng, và kín đáo nên có nhiều anh trong xóm “trồng cây si” hàng ngày trao tay những bức thư tình ướt át trên giấy pơ-luya (pelure) mỏng dính. Biết tôi làm luận giỏi và viết chữ nắn nót rõ ràng, chị nhờ tôi viết trả lời vì trước đây chị học hết lớp Tư (lớp 2 bây giờ) thì phải nghỉ học ở nhà. Giấy viết thư là tờ giữa cuốn vở một trăm trang có kẻ hàng mua ở tiệm La Ngu bán dụng cụ học sinh gần cầu Đông Ba.

Trước khi viết, tôi đọc đi đọc lại các thư tình chị nhận được để học những sáo ngữ như “gió heo may trở về,” “mùa thu lá vàng bay,” hay “lòng anh buồn lệ rơi.” Thư bắt đầu bằng lời chào “Anh ơi” rồi chị phác hoạ ý muốn nói, tôi phỏng theo những câu văn trong tiểu thuyết mà viết thành lời. Cuối thư chị ký tên Mỹ Lan, cùng tên với nhân vật chính trong Bên Dòng Sông Trẹm.

* * *

Năm sau chú Phu nộp đơn xin gia nhập quân đội, đi học Liên trường Võ khoa Thủ-Đức. Trước ngày trình diện nhập ngũ, chú kéo riêng tôi vào bàn học và đưa ra một xấp thư viết trên giấy vở,

“Ai viết thư ni?” Thì ra người yêu trong mộng của chị Bê là chú tôi.

“Dạ con... Mà không phải con...” tôi ấp úng.

Ai dè mi viết thư tình hay ho như ri?” chú cười to.

“Dạ con học dọi (bắt chước) trong truyện mà viết ba xí ba tú rứa chớ có hiểu chi mô,” tôi mắc cỡ; viết “ba xí ba tú” là viết đại, không đâu vào đâu.

Chú cười to hơn, nhưng không phải tiếng cười chế nhạo. Chú lấy cuốn vở mới, lật tới tờ giữa để trước mặt tôi,

Chừ tới phiên tau nhờ mi. Bắt đầu là

Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt,
Xếp bút nghiên theo việc đao cung.

Mi liệu viết răng cho cô ́ đừng buồn.”

Từ hai câu thơ (sau này tôi biết lấy từ Chinh Phụ Ngâm Khúc) và lời lẽ của chú, tôi đoán chú không đáp ứng tình yêu của chị Mỹ Lan. Bức thư hồi âm duy nhất của chú được chuyển tới chị mà không có thêm lời nào khác. Đọc thư chị khóc thút thít...

Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 8 tháng Mười, 2014

Trở về đầu trang