![]() |
Loạt truyện "Thuở Học Trò"
của Nguyễn Ngọc Hoa
21. Không Còn Giữ Được Lời Hứa
Cuối hè 1964, sau khi thi đậu Tú tài I, tôi và các bạn đệ nhị (lớp 11) trường Trung học Ban Mê Thuột (BMT) sửa soạn chia tay vì trường không có đệ nhất (lớp 12). Thằng Kha xuống Sài gòn học trường Chu văn An, thằng Vinh đi Đà Lạt vào trường Trần Hưng Đạo, và một số nam sinh khác tình nguyện gia nhập Không quân đang ráo riết tuyển mộ để huấn luyện thành phi công trực thăng. Tôi dự định về lại trường Quốc Học ở Huế thì trường loan báo niên khóa tới sẽ mở lớp đệ nhất đầu tiên.
Không được về trường cũ nhưng tôi không thất vọng vì nhiều bạn thân vẫn còn ở BMT: Hương Nhã và thằng Điền học đệ nhất B (ban Khoa học Toán) và Kiếm đệ nhất A (ban Khoa học Thực nghiệm). Trường mở cả đệ nhất C (ban Văn chương). Ba ban tổng cộng không tới ba chục học sinh học chung tất cả các môn phụ có chương trình giống nhau, và nhờ đó tôi quen thân với Thiên Du từ lớp đệ nhị C lên. Thiên Du người nhỏ thó, mặt xinh xắn với chiếc răng khểnh duyên dáng, và khiếu văn chương biểu lộ qua sự hoạt bát, nhanh trí, và khôn khéo của cô gái người Bắc.
Lớp mới của trường thu hút học sinh từ nhiều nơi khác, hầu hết đã học đệ nhất năm trước mà không đậu Tú tài II, trong số có thằng Châu từ Sài gòn lên. Nó kể chuyện có duyên, hay khôi hài sống sượng, có khiếu chọc cười, và chinh phục đám học trò tỉnh nhỏ với những chuyện Sài gòn mới lạ. Khi cả bọn ngồi tán gẫu, chỉ có Thiên Du mới có khả năng đối đáp lại với thằng Châu; hai người bề ngoài hay cãi vã, nhưng tôi biết họ dành cho nhau nhiều cảm tình kín đáo.
Thằng Châu ít khi nói về mẹ nó. Tình cờ tôi đọc tiểu sử của bà trong sách Việt văn đệ nhị: Có khiếu thơ văn từ nhỏ, năm mười ba tuổi bà đã có thơ đăng trên Nam Phong Tạp chí, và năm mười sáu tuổi được trao tặng giải thưởng văn chương của triều đình dưới thời vua Bảo Đại. Là nhà báo phụ nữ đầu tiên, bà là nữ văn sĩ duy nhất được Vũ Ngọc Phan lựa chọn và phê bình trong bộ Nhà Văn Hiện Đại. Sau Hiệp định Giơ Neo (Genève) 1954 bà ở lại Hà Nội hoạt động trong nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm, bị bắt giam, và là phụ nữ duy nhất trong nhóm bị kết án tù. Dượng Đan nói mới vài năm trước bà lại bị đưa ra tòa xử thêm tội gián điệp và phản động. Trong phiên xử, bà can trường tự tay móc mắt mình và chỉ mặt bọn quan tòa Cộng sản,
“Tao chỉ cần một con mắt, đủ để chứng kiến ngày tàn của cái chế độ khốn nạn của chúng mày!”
Qua những điều biết về bà mẹ, tôi mến phục thằng Công, và hai đứa trở nên thân thiết. Nó giỏi Anh văn và làm thân nhanh chóng với anh Tracy người Mỹ, một nhân viên Đoàn Thanh niên Chí nguyện Quốc tế (hay IVS) đang học tiếng Việt với tôi. Năm nay anh hăm hai tuổi, nhưng với mái tóc vàng và khuôn mặt thật thà như trẻ con trông anh không khác gì học sinh đệ nhất. Quê ở tiểu bang Wisconsin và gia đình làm nông trại, anh gia nhập IVS khi vừa tốt nghiệp đại học và sang Việt nam phục vụ tại Trung tâm Thực nghiệm Nông Lâm Súc BMT (“Trung Tâm”).
Cách thành phố chừng mười cây số và nằm giữa núi rừng thơ mộng, Trung Tâm có một hồ nước rất rộng người BMT quen gọi là Hồ Trung Tâm và hãnh diện xem là một thắng cảnh của vùng này. Hồ được tạo thành bằng cách đắp đập chặn ngang dòng suối nên còn nhiều cây rừng lớn đứng gần bờ hay chết dưới mặt nước. Lần đầu tiên đưa tôi đến thăm hồ, anh Tracy hỏi,
“It’s really quiet here, isn’t it? (Ở đây thật yên lặng, phải không?)”
“And peacefully too! (Và yên tĩnh nữa!)” tôi buột miệng trả lời.
“Ba Hoa, tôi đã không dè em giỏi tiếng Anh như thế – giỏi hơn cả tôi!”
Anh khen ngợi khả năng dùng chữ chính xác của tôi. Anh ngạc nhiên hơn khi biết, vì thiếu sách vở và tài liệu, tôi tự soạn bài tiếng Việt dạy cho anh và bạn đồng hội IVS. Cơ quan có ngân quỹ trả tiền “thầy,” nhưng mẹ không cho nhận,
“Họ qua đây giúp đồng bào mình, ngửa tay lấy tiền răng đành?”
Anh cảm phục và yêu mến người bạn nhỏ, mong muốn tìm hiểu và hòa đồng vào nếp sống người Việt, và cuối tuần lấy chiếc xe Land Rover cũ kỹ, màu cà phê sữa nay thành nâu sậm vì bụi và bùn đất đỏ bám đầy, chở tôi và các bạn đi chơi khắp nơi. Từ ghềnh thác và sông hồ đến rừng cao su, đồn điền cà phê, buôn Thượng, và khu dinh điền (Kim Châu, Kim Phát, Giang Sơn, v.v.), nơi nào cũng có dấu chân chúng tôi.
Đáng nhớ nhất là chuyến đi chơi Hồ Trung Tâm một buổi trưa Chủ Nhật trời cuối thu nắng nhẹ. Trong lúc ba thằng con trai đứng tán gẫu (và luyện Anh văn) với anh Tracy, Hương Nhã, Kiếm, và Thiên Du rủ nhau ra bờ hồ và đứng đong đưa trên một cành cổ thụ sà ra ngoài mặt nước. Đột nhiên có tiếng la thất thanh, nhìn sang thì thấy cành cây chết mục vừa gãy lìa và rơi tõm xuống nước, mang theo cả ba cô. Các cô vừa la vừa nhảy loi choi; nước chỉ lên tới cằm. Bọn con trai vội vàng chạy lại, nhảy xuống nước, và đỡ các cô lên bờ. Thấy các cô lạnh run, tôi đề nghị nửa đùa nửa thực,
“Sao mấy chị không ra sau bụi cây, cổi áo quần vắt cho khô nước?”
“Cam đoan không ai nhìn trộm,” thằng Châu hóm hỉnh.
“Nhìn trộm tôi chọc thủng đôi mắt, không có mà trông đâu!” Thiên Du dọa đùa.
“Đứng đắn đàng hoàng như bọn ta, nhìn thì nhìn công khai, ai thèm nhìn trộm?” thằng Điền cười khà khà.
Khoảng một tiếng đồng hồ sau, áo quần khô, chúng tôi tiếp tục vui chơi như thường. Tối hôm ấy, thằng Châu kể khi nâng Thiên Du lên khỏi mặt nước, bàn tay nó đã vô tình chạm vào “yêu huyệt” giữa hai chân nàng. Nó sung sướng xòe bàn tay, đưa lên cao, và say sưa hát nhại bài “Một Bàn Tay” của Phạm Duy,
Bàn tay đưa em ra khỏi mặt hồ
Một mai kêu lên hơi thở tuyệt vời.
Bàn tay êm ái, ôi bàn tay khoan khoái …
Thằng Châu đang ôm mối tình câm! Gần Tết, ba thằng lại nảy ra trò chơi mới: chọn hoa hậu toàn trường. Thằng Châu viết tờ cáo bạch để cổ động, tôi nhờ anh Tracy in ra và in phiếu ở văn phòng IVS, và thằng Điền huy động bọn con trai đệ nhị cấp, từ đệ tam (lớp 10) trở lên, tham dự. Kết quả cuộc bầu cử: Đào Nguyên lớp đệ tam A được bầu làm Hoa hậu. Mái tóc dài buông xõa tự nhiên, làn da trắng muốt, và đôi môi hồng trên khuôn mặt trái xoan duyên dáng, Đào Nguyên là ước mơ của các nam sinh trong trường cũng như là mục tiêu chinh phục của các sĩ quan trẻ tuổi trong tỉnh. Nàng lại là người tài hoa, có tài ca hát, và là ca sĩ chính trong chương trình văn nghệ mừng xuân Ất Tỵ của trường ở Hội trường Hòa Bình.
Sau màn trình diễn, trong tiếng vỗ tay hoan nghênh của khán giả, Đào Nguyên bước vào hậu trường thì bỗng khựng lại. Choắt người và đen như củ súng, thầy Thuyên xuất hiện trong bộ quân phục tác chiến, phì phèo điếu thuốc lá, và hiên ngang đứng chờ cùng với một sĩ quan khác. Ngày trước thầy dạy Việt văn và Công dân giáo dục cho các lớp đệ nhất cấp, bị động viên vào Liên trường Võ khoa Thủ Đức, và rời BMT vài năm trước khi tôi vào trường.
Thầy Thuyên bước lại ôm Đào Nguyên và đặt một nụ hôn cưỡng bức trên môi nàng. Chung quanh, học sinh và giáo sư ngơ ngác sửng sờ. Tôi đờ người nhìn dáng điệu chống chở vô vọng của nàng, nét mặt tự hào hung hãn của thầy, và nụ cười đồng lõa độc ác của bạn thầy. Khi tôi hoàn hồn, Đào Nguyên đứng một mình ôm mặt khóc. Tôi chạy tìm thằng Điền, thuật chuyện, và tức tối trách mình, “Tao hèn không thể tả, thấy nó làm chuyện tồi bại mà chẳng dám hó hé!”
Ba tuần sau, Tạp chí Văn ở Sài gòn đăng một truyện ngắn gần mười trang của thầy Thuyên, một nhà văn khá nổi tiếng, thuật lại cuộc chinh phục oai bách ở BMT và mô tả từng chi tiết nỗi kinh hoàng của cô gái trong cuộc. Ở nhà sách Vân Hải, số báo Văn ấy bán hết trong vòng một tiếng đồng hồ, học sinh và người lớn chuyền tay nhau đọc, và cả thành phố xôn xao bàn tán. Cầm cuốn báo đã tả tơi, thằng Điền giận dữ,
“Đ. m. thằng con khốn nạn thế là cùng! Nó đã sách nhiễu con Đào Nguyên từ khi ‘em’ học đệ thất đệ lục với nó. Tao còn lạ gì!” Đệ thất và đệ lục là lớp 6 và lớp 7 ngày nay.
“Lúc ấy ‘em’ mới mười hai, mười ba tuổi?” thằng Châu hỏi lại.
“Đúng thế.”
“Anh chàng này là thằng sadist – kẻ ác dâm. Không sai!”
“Đau nhất là nó nhẫn tâm phá hại danh tiết của con bé. Thử hỏi, ở cái thị trấn nhỏ bé này, con Đào Nguyên bây giờ lấy ai?”
Thằng Điền rưng rưng nước mắt,
“Tao quen với gia đình nó, chơi với thằng anh nó, và biết nó từ thuở nó còn bé tí…”
“Quả đất tròn, trong đời thế nào tao cũng sẽ gặp thằng cha đó. Tao hứa với bọn mày là sẽ mắng thẳng vào mặt nó, ‘Anh là thằng đốn mạt!’ cho nó biết thân,” thằng Châu cười nhạt. “Tao cũng vậy. Nhất định nhé,” tôi đưa ngón tay trỏ ngoéo với nó.
“Còn tao nữa; tưởng bố mày hèn lắm sao?” thằng Điền đưa tay ra.
Quả đất không đủ tròn để thằng Châu gặp lại thầy Thuyên trước khi nó qua đời. Nó rời BMT về Sài gòn học Luật, cuối năm thứ hai thi rớt rồi đi lính, và trở thành phi công trực thăng đóng ở Biên Hòa. Một cuối tuần mùa hè 1973, nó ở nhà một mình, lau chùi khẩu súng cá nhân, và (có lẽ) chơi trò roulette kiểu Nga. Với trò chơi này, người chơi nạp một viên đạn vào khẩu súng lục có sáu ổ đạn, chừa năm ổ trống, dùng tay quay cầu âu (phó mặc may rủi) hộp đạn, chĩa nòng súng vào đầu, và bấm cò. Không biết nó quay được mấy lần trước khi ngã gục.
* * *
Bốn mươi năm sau, trong một lần gặp nhau và nhắc chuyện ngày xưa còn bé, thằng Điền sa sầm nét mặt khi tôi hỏi về Đào Nguyên,
“Tội nghiệp con bé, hồng nhan đa truân. Sau khi bọn mình đi khỏi Ban Mê Thuột, lũ đàn ông theo đuổi nó, đứa tử tế thì hết thèm léo lánh, còn lại mấy thằng ba bứa thay nhau dụ dỗ lợi dụng ‘em,’ hưởng thụ xác thịt chán chê rồi quất ngựa truy phong.”
“Điều đó ngày xưa tụi mình đã đoán trước.”
“Rốt cuộc, ‘em’ bỏ xứ Buồn Muôn Thuở xuống Cam Ranh làm gái giang hồ.”
“Đào Nguyên, cô hoa hậu của bọn mình? Mày còn nhớ lời hứa với thằng Châu?” tôi lặng người thở ra.
“Nhớ chứ, nhưng bây giờ không còn giữ được nữa rồi.”
Thằng Điền buồn bã chỉ tôi xem bản phân ưu mới nhận được qua điện thư,
Hội Ái Hữu Trung Học Ban Mê Thuột vô cùng đau buồn báo tin trễ, cựu giáo sư, nhà văn, nhà báo … THUYÊN đã từ trần ngày …, lúc … chiều, tại tư gia, … . Hưởng thọ … tuổi. Tang lễ và an táng đã cử hành ngày ... .
Tôi nhớ ra, tôi và Đào Nguyên chưa hề quen nhau. Chưa hề trao đổi một câu nói hay một nụ cười. Nhưng trong tâm khảm, nàng mãi mãi là cô nữ sinh đẹp nhất của thuở học trò.
Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 10 tháng Hai, 2016