Trở về trang Mục lục

Bản PDF để in

Loạt truyện "Thuở Học Trò"
của Nguyễn Ngọc Hoa

22. Quới Nhơn Phò Hộ

Sáng thứ Hai đầu tháng Mười 1964, trường Trung học Ban Mê Thuột (BMT) khai giảng các lớp đệ nhất (lớp 12) đầu tiên một cách bình thường, không nghi lễ phô trương. Giờ học đầu tiên của lớp đệ nhất B (ban Khoa học Toán) là giờ Toán do thầy Tiến phụ trách. Thầy mới tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế và trông trẻ măng. Rụt rè bước vào lớp và ngượng ngập ngồi vào bàn, thầy run run mở đầu,

“Tôi rất hân hạnh được khai giảng lớp đệ nhất trường…”

“Vỗ tay đi anh em…” Mấy thằng lớn tuổi ngồi cuối lớp hô lên, và cả lớp vỗ tay rào rào theo khiến thầy đỏ bừng mặt và thêm lúng túng.

Thầy soạn bài cẩn thận và dạy tận tâm, nhưng bài giảng khô khan khó hiểu vì “toán đệ nhất khó ác liệt” – một ông chú họ ở Huế đã than thở như thế! Chú tôi lấy bìa cứng cắt mẫu hình ellip (ellipse) cất trong túi để khi làm toán lấy ra vẽ cho đúng khiến mấy đứa học trò nhỏ như tôi lé mắt phục lăn. Toán đệ nhất B gồm bốn môn: Hình học, Đại số, Lượng giác, và Cơ học, nếu không kể Số học, Thiên văn học, và Hình học Họa hình đã được Bộ Quốc gia Giáo dục (“Bộ”) bỏ bớt. Hè vừa qua tôi đã nếm mùi thách thức của cả bảy môn Toán khi thu góp sách học năm tới và cố học hết trước khi niên học mới bắt đầu. Nhớ ra chú không phải là tay học giỏi, thi Tú tài II rớt kỳ đầu, và kỳ sau mới đậu.

Lên đệ nhất mới được học môn Triết “thâm sâu ghê gớm” – lời một ông chú họ khác. Ông này hay cầm cuốn sách trong bộ Triết Học Đại Cương của Cao văn Luận, vừa lẩm bẩm vừa gật gù, và ra dáng ta đây là nhà triết gia chân chính. (Theo Plato, nhà triết gia thời cổ Hy lạp, “Triết gia chân chính là người ưa thích phát hiện ra chân lý.”) Phần chính của chương trình Triết ban A (Khoa học Thực nghiệm) và ban B là Luận lý học, nếu không kể Đạo đức học vừa được Bộ lược bỏ. Ban C (Văn Chương) phải học thêm Tâm lý học và Siêu hình học. Bộ sách của chú và cuốn Luận Lý Học của Trần Đức Huynh và Trần Văn Hiến Minh đã được tôi thích thú nghiền ngẫm suốt mùa hè mà chưa phát hiện ra… lý cái chân nào.

          

Thầy Đình dạy Triết mới tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài gòn và, với cặp kính cận khá dày, trông đạo mạo và già dặn. Bài giảng của thầy có nhiều danh từ Triết như “siêu vượt,” “siêu hóa,” “tiên nghiệm,” “tiên thiên,” và “phạm trù” mà ngoài phạm vi bài học tôi không biết cách dùng. Thầy hiền khô; học trò có đùa giỡn quá trớn, thầy cũng chỉ cười nhẹ rồi bỏ qua.

Khi phong trào sinh viên học sinh xuống đường biểu tình lan rộng, Bộ ra lệnh cho các trường cho phép học sinh bầu Ban Đại diện. Liên danh đệ nhất do tôi làm Chủ tịch, thằng Châu Phó Chủ tịch, và thằng Điền Tổng Thư ký đắc cử dễ dàng. Danh xưng “Ban Đại diện Học sinh” tự nó đã đặt chúng tôi vào vị trí đối địch với Ban Giám hiệu, và thầy Mấu hiệu trưởng bày tỏ thái độ thù nghịch ra mặt.

Dự án đầu tiên của Ban Đại diện là ấn hành nguyệt san học sinh Trung học BMT. Thầy Mấu chấp thuận nhưng nói muốn làm báo học sinh phải tự túc và bài vở phải được thầy Đình, giáo sư hướng dẫn, duyệt trước. Nhóm bạn Mỹ trong tổ chức Thanh niên Chí Nguyện Quốc tế (hay IVS) học tiếng Việt với tôi sẵn sàng giúp đỡ về giấy, mực in, và phương tiện ấn loát. Bài vở các lớp dưới gửi tới rất phong phú và, bắt chước các tờ báo hàng ngày, tôi và thằng Châu viết mục Phiếm luận trào phúng về các sinh hoạt trong trường.

Số báo ra mắt phát hành suôn sẻ và được cả học sinh lẫn giáo sư (ngoại trừ thầy Mấu) nhiệt liệt hoan nghênh. Mục Phiếm luận viết cho số báo thứ hai có một đoạn văn nửa đùa nửa thực nói về “thầy Tâm thật tử tế, thích tâm tình,” và hay cười duyên với học trò khác phái, tôi cho là vô thưởng vô phạt. Thầy Đình cũng nghĩ như thế nên không “kiểm duyệt” và đồng ý cho in. Không may, trước khi báo phát hành, chúng tôi được tin cô Tâm dạy Việt văn phật lòng về bài báo ấy. Chúng tôi xin “tự ý đục bỏ,” dùng bút bôi đen đoạn văn làm mếch lòng, nhưng thầy Mấu ra lệnh hủy số báo và đình bản vĩnh viễn.

Họp lại quyết định thật nhanh, ba thằng lễ mễ ôm ba chồng báo, xếp thành đống trước cột cờ trong sân trường, châm lửa đốt, đứng chống nạnh nhìn ngọn lửa lên cao giữa tiếng hoan hô vang dậy của học sinh khắp trường rồi sánh vai nhau đi về lớp học. Lúc bị gọi lên văn phòng hiệu trưởng, tôi ngang nhiên,

“Chúng em tuân lệnh thầy hủy số báo, đốt hay liệng bỏ thì có khác gì nhau? Vả lại, bài viết đã được giáo sư hướng dẫn kiểm duyệt và cho phép in. Nếu thầy có can đảm thì công bố cho mọi người biết lý do thực sự thầy buộc tờ báo phải đình bản.”

Thầy Mấu giận tím mặt không thèm nói một lời. Kết quả là ba thằng bị đưa ra Hội đồng Kỷ luật, đuổi học hai tuần lễ, và tước bỏ chức vụ trong Ban Đại diện. May là cha mẹ không hề biết tôi bị đuổi học.

* * *

Cuối năm, bọn học sinh đệ nhất khăn gói đi thi Tú tài II ở Nha Trang vì BMT tỉnh nhỏ không có hội đồng thi. Trước khi tôi đi, mẹ dặn,

“Mẹ coi thầy nói chuyến ni con đi hung nhiều, cát ít, và bị tiểu nhân ám hại. Nhưng may có quới nhơn phò hộ nên tai qua nạn khỏi, mã đáo thành công.”

Quả nhiên, vào phòng thi ở Hội đồng Võ Tánh, tôi điếng người nhận ra một trong hai vị giám thị, một nam một nữ, là thầy Cự dạy Anh văn ở trường Quốc Học Huế. Ngày tôi học đệ tam (lớp 10) ngoài đó, thầy hướng dẫn một phái đoàn IVS vào phòng thí nghiệm thăm lớp tôi lúc ấy được dàn cảnh để đón tiếp. Thầy nói tiếng Anh giọng Huế mấy anh Mỹ IVS không hiểu, tình cờ họ hỏi chuyện tôi và được trả lời thông suốt, và sau đó học trò xầm xì chê thầy nói tiếng Anh không bằng thằng học trò đệ tam. Thế là tôi bị thầy thù ghét!

Theo tên xếp theo thứ tự ABC, tôi ngồi cạnh một anh tên Hòa, lớn tuổi và đã thi không đậu hai năm liên tiếp. Đã nghiên cứu thành tích của tôi (năm ngoái đậu thủ khoa khóa Tú tài I tại hội đồng này), anh ta nhất quyết nhờ vả,

“Mình đi thi, cần giúp đỡ nhau để thành công.”

Tui học để thi và không tính nhờ cậy ai,” tôi ngập ngừng.

“Nhưng bạn có bổn phận giúp người! Năm nay không đậu tôi phải đi lính.”

“Tới đâu hay đó, không dám nói trước,” tôi trả lời lửng lơ.

Môn thi đầu tiên là Triết; dường như anh Hòa làm bài được và thầy Cự không nhớ ra tôi. Tiếp theo là Toán, môn chính của ban B có hệ số cao nhất, thời hạn hai giờ. Nửa tiếng đồng hồ đầu tiên, anh ta ngồi cắn bút và để tôi yên ổn làm bài, nhưng sau đó lôi kéo liên tục bắt tôi đưa bài giải. Đồng hồ đeo tay chỉ phút thứ bốn mươi lăm, tôi đang làm tính trên giấy nháp thì anh ta thò tay chụp lấy kéo về phía mình. Không chậm một giây, thầy Cự bước tới, tịch thu tờ giấy nháp, và chỉ mặt tôi,

“Tôi bắt gặp quả tang anh gian lận, cung cấp bài cho anh kia.”

“Dạ không, nó giật giấy nháp của con,” tôi quýnh quáng cãi.

“Tôi thấy rõ ràng mà anh còn cãi bướng. Bây giờ tôi làm phước cho anh nộp bài rồi đi ra; nếu không tôi lập biên bản đưa anh ra Hội đồng, cấm thi cho anh tàn đời.”

Tôi lẳng lặng làm theo lời thầy, nhìn thấy đôi mắt ái ngại của cô giám thị. Các môn thi còn lại, cô đứng bên tôi canh chừng; cứ mỗi lần tôi viết hết một tờ giấy, cô lấy giữ giùm, và khi tôi làm bài xong, cô trả lại cho tôi dò rồi thu bài. Anh Hòa hết phương quấy rầy, và thầy Cự cũng hết làm khó.

Thi Tú tài II gồm hai đợt: thi viết các môn chính đậu mới vào vấn đáp khảo hạch Sinh ngữ, với tôi Pháp văn là Sinh ngữ I (ngoại ngữ chính) và Anh văn là Sinh ngữ II (ngoại ngữ phụ). Trong khi chờ kết quả thi viết, đám bạn BMT tụ tập ở nhà người bà con của Kiếm, cô bạn thân học bên đệ nhất A, nơi đó nàng và các bạn nữ sinh tạm trú để đi thi. Tôi há hốc mồm khi Kiếm giới thiệu cô Tứ Vân, bà o của nàng – chính là cô giám thị phòng thi. Cô đi du học bên Hoa Kỳ, về dạy Anh văn ở trường Đồng Khánh ngoài Huế, và kỳ này vào Nha Trang chấm thi. Mái tóc dài ngang lưng bồng bềnh, nói nhanh, và hay cười, cô an ủi tôi,

“Cô đã nghe chuyện ông Cự và biết em từ giờ đầu tiên, nhưng hắn ra tay bất ngờ quá, cô cản không kịp.”

“Dạ, nhưng dù răng con cũng sẽ đậu thi viết,” tôi đoan chắc.

“Bữa ni gặp cô là em may lắm. Giám khảo vấn đáp Anh văn chỉ có hai giáo sư ngoài Huế vô. Cô dạy Anh văn Sinh ngữ I, và hắn dạy Anh văn Sinh ngữ II; nếu cô không ra tay thì em sẽ vô vấn đáp với hắn và khó lòng qua lọt cửa ải nớ lắm.”

O giúp Ba Hoa nghen; hắn học giỏi mà tội lắm,” Kiếm giục giã.

“Để o tính cho; thầy bà bê bối mần chuyện tầm bậy là không được với o. Dân Huế kêu o là cao bồi Texas vì o có ngán ai !”

Không biết cô Tứ Vân dàn xếp thế nào mà tất cả học sinh BMT đậu thi viết, dù Anh văn là Sinh ngữ I hay Sinh ngữ II, đều thi vấn đáp với cô và được điểm cao. Trên đường từ Nha Trang về nhà, tôi sửa soạn trả lời với cha về kết quả thi. Vừa thấy mặt tôi cha quát lớn,

Răng năm ngoái mi đậu tối ưu mà năm ni đậu ưu thôi?” Cha đã được báo cáo.

“Dạ, các môn thi Tú tài II thuộc chuyên khoa, khó gấp mấy lần Tú tài I,” tôi bình tĩnh giải thích.

“Có đứa đậu ưu như mi không?”

“Dạ không, có bốn năm đứa đậu bình.” Cha cũng đã biết rồi.

“Ừ…” Cha ra hiệu cho tôi xuống nhà dưới.

Thực sự, các môn thi tôi đều làm bài hoàn hảo. Buổi thi toán, với tài giải toán nhanh và chính xác, tôi làm bài xong xuôi, dò lại cẩn thận, ghi vội vàng lời giải trên tờ giấy nháp định để lại cho anh Hòa, và sắp đứng dậy nộp bài thì đúng lúc thầy Cự xông tới bắt tội.

* * *

Năm sau, về Sài gòn học trường kỹ sư, tôi nộp đơn ở Bộ xin học bổng Colombo đi Gia Nã Đại du học và được chấp thuận. Gia Nã Đại cấp học bổng này trong Kế hoạch Colombo, tổ chức quốc tế có mục đích hợp tác phát triển kinh tế và xã hội trong khu vực Á châu và Thái Bình Dương thành lập năm 1951 và nhóm họp lần đầu tiên tại Colombo, thủ đô của Tích Lan, ngày nay gọi là Sri Lanka. Ngoài văn bằng Tú tài I và II và học bạ trung học, tôi phải nộp rất nhiều giấy tờ lỉnh kỉnh như giấy khai sinh, Chứng chỉ Không Thiếu Thuế, và Tư pháp Lý lịch Mẫu số 3 (chứng chỉ không can án).

Phái đoàn Gia Nã Đại trong Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến Đông Dương gửi tôi đi học Anh văn ở Hội Việt-Mỹ bốn tháng, Đại học Ottawa ở thủ đô Gia Nã Đại nhận vào học ngành kỹ sư Điện tử, và tôi đã may áo quần và hoàn tất mọi thủ tục xuất ngoại. Đã có đầy đủ giấy thông hành, giấy nhập học, giấy báo phòng nội trú, vé máy bay, v.v. Ba ngày trước khi tôi lên đường, Bộ gửi công văn sang phía Gia Nã Đại báo tin thu hồi học bổng. Lý do: khi được yêu cầu xác nhận, trường Trung học báo cáo học bạ xử dụng trong đơn xin là giả mạo. Để đáp lại thái độ ngạo mạn của tôi năm trước, thầy Mấu xuống tay không thương tiếc.

Khi cơn đau thất bại đầu đời lắng dịu, tôi tự nhắc nhở mình vẫn là sinh viên trường kỹ sư và phải phấn đấu để có ngày thành đạt. Sau gần nửa năm chuẩn bị đi du học, tôi trở thành sinh viên giỏi Anh văn nhất trường và nhất là có thêm một va-li quần áo mới toanh và sang… như Tây. Dường như vẫn còn có quới nhơn phò hộ!

Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 9 tháng Ba, 2016

Trở về đầu trang