Trở về trang Mục lục

Bản PDF để in

Loạt truyện "Thuở Học Trò"
của Nguyễn Ngọc Hoa

23. Thương Phu Trích Lệ

Nhà tôi nhìn ra đường Lê Lợi và đâu lưng với Hội trường Hòa Bình nhìn ra Ngã Năm có Cột Đèn Ba Ngọn ở chính giữa. Nhà thờ chánh tòa nằm phía bên kia Ngã Năm, đối diện với Hội trường, cũng được gọi là Nhà thờ Ba Ngọn. Giữa nhà tôi và Hội trường là hàng rào kẽm gai cao mà thưa; thay vì đi bộ ra phố bằng đường chính, tôi đi ngỏ sau bằng cách banh dây kẽm gai, đè xuống, khom người, và lòn ngang qua.

Căn gác gỗ trên nhà bếp, giang sơn của tôi, cách xa tường sau của Hội trường khoảng mười thước. Khi có gánh cải lương lưu diễn, các chuyện tình cải lương và những câu ca não nuột vọng sang mồn một suốt buổi tối. Tôi nhớ mãi giọng ca truyền cảm của kép Thành Được trong vở Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài,

Anh Đài ơi! Từ đây muốn gặp nhau hãy ra nơi Nam Sơn Tiểu Lộ.
Vì xác thân anh đã vùi sâu nơi đáy mộ h...oa…oa…ng ư…ừ…ừ t…à…à…n.

Tụi bạn kháo nhau tôi “tối ngày đi chơi, không thèm học” mà vẫn học giỏi vì thấy tôi hay lang thang tán gẫu với mấy thằng bạn ở gần (vào những tối cải lương), cuối tuần la cà ngoài phố với anh Dương, bạn thân của ông chú họ ngoài Huế, và không bao giờ ngần ngại nhận lời đi chơi với bạn bè. Chúng có biết đâu tôi đã thanh toán xong chương trình từ hồi hè; giờ học có hiệu quả nhất của tôi từ ba đến bảy giờ sáng, khi mọi người còn ngủ; và tôi suy nghĩ và làm toán liên tục, kể cả lúc đi chơi, để thi đua giải toán với thằng Công, thằng bạn thân giỏi toán nhất trường Quốc Học Huế.

Anh Dương tốt nghiệp trường Võ bị Quốc gia mang cấp bậc thiếu úy về phục vụ ở Bộ Tư lệnh Sư đoàn XX Bộ binh. Anh đưa tôi đi ăn, quanh quẩn phố rồi vào ngồi quán cà-phê Trúc trên đường Quang Trung. Nói là “quán cà-phê” nhưng bán cả bia rượu, có sàn nhảy để khiêu vũ, và cuối tuần có nhạc sống do ban nhạc học sinh trình diễn. Anh Dương chuyện trò, uống rượu, và khiêu vũ đến khuya rồi cùng tôi về căn gác gỗ nằm ngủ, đi bộ chỉ mất năm phút.

Khoảng gần Tết năm tôi học đệ nhất (lớp 12), anh Hoàng xuất hiện. Ngày ngoài Huế anh đã đính hôn với bà cô họ tôi, nhưng không biết vì lý do gì nhà gái thối hôn. Thi rớt Tú tài, anh tình nguyện nhập ngũ vào Liên trường Võ khoa Thủ Đức, ra trường phục vụ ở Phan Thiết, vừa được thăng cấp trung úy, và đổi về Trung đoàn YY Bộ binh. Anh uống rượu nhiều, hành động khó đoán trước, và hay bốc đồng, không điềm đạm như anh Dương.

Một chiều Chủ Nhật tôi và anh Dương gặp anh Hoàng và mấy sĩ quan đồng ngũ ở quán Trúc. Bàn tán về một cô gái vừa đi qua trước cửa, anh Hoàng xuýt xoa,

“Người chi mà đẹp lạ lùng! Vẻ mặt xinh xắn, thân hình hoàn hảo, và dáng đi yêu kiều.”

“Đó là nhỏ Quyên dạy trường Sư Phạm Cao Nguyên. Nhưng ai can du; nhan sắc đẹp đẽ và người có học thức mà đàn ông Ban Mê Thuột không ai dám léo lánh tới,” đại úy Cân, thượng cấp của anh, tiết lộ; trường Sư phạm Cao Nguyên đào tạo giáo viên (dạy tiểu học) người Thượng.

“Sao vậy, đại úy?”

“Nó có số sát phu! Năm ngoái, thằng trung úy An đại đội trưởng của tao đi hỏi nó; được hai tuần lễ thì bị bắn chết trong cuộc hành quân ở Buôn Hô. Đầu năm nay, thằng trung úy Bình từ Pleiku đổi về thay thằng An, điếc không sợ súng, và đính hôn đúng ba tuần rồi cũng tiêu đời.”

“Hay là cô ta có nốt ruồi sát phu như chuyện trong sách?” anh chuẩn úy trẻ ngồi cạnh anh Hoàng hỏi.

Tôi nhớ đến sự tích Chiêu Quân cống Hồ: Chiêu Quân là mỹ nhân đời Hán Nguyên Đế bị kẻ gian là thị vệ Mao Diên Thọ lấy bút vẽ thêm nốt ruồi dưới mắt, nốt ruồi người Tàu gọi một cách văn vẻ là thương phu trích lệ (giọt lệ chôn chồng), trong tấm hình dâng vua và tâu rằng nàng có tướng sát phu. Vua sợ chết tránh nàng và sau đó vì yếu thế phải nộp nàng cho chúa Hung Nô. Anh Cân không đồng ý,

“Chả có nốt ruồi nốt muỗi gì cả! Con nhỏ thuộc giống vô mao bần chí tử, tiếng Anh là ‘no hair.’”

“Vậy là sao, đại úy?” anh chuẩn úy cũng thắc mắc như tôi.

“‘Vô mao’ là chỗ ấy láng coóng, không một sợi lông, và giống như con nít. Theo tướng số, đàn ông dính vào nòi ‘no hair’ là xui xẻo tận mạng.”

Cuộc thảo luận trở nên sôi nổi, mỗi anh nói một cách. Im lặng suy nghĩ và đợi mọi người nói xong, anh Hoàng từ tốn lên tiếng,

“Đại úy có thể giúp tôi không?”

“Việc gì? Bộ mày muốn hỏi cưới con Quyên?” anh Cân cười cười.

“Đúng vậy. Tôi bị tiếng sét ái tình đánh gục rồi! Được kề cận Quyên một ngày rồi chết cũng hả dạ,” không dè anh Hoàng đã yêu đậm.

Thế là – không ai ngờ tới – đám cưới của anh Hoàng và chị Quyên diễn ra dưới sự chủ hôn của đại úy Cân. Ba tuần sau, anh Dương đến nhà tìm tôi. Thấy nét mặt buồn dàu dàu của anh, tôi đoán ra,

“Anh Hoàng chết rồi, phải không?”

“Không hành quân đánh trận, nằm trong doanh trại mà cũng chết! Đêm qua cầm đèn pin đi xem xét giao thông hào phòng thủ, nó vô tình rọi ra ngoài thì bị bắn sẻ, chết tức thì!”

“Anh nghĩ là chị Quyên có số sát phu?”

“Dĩ nhiên là không! Tau được lệnh ông già nói chuyện với mi.”

“Học trò quèn như tui mà làm được chi?” Lệnh cha, không thể không làm.

* * *

Tôi tháp tùng mẹ và phu nhân các sĩ quan cao cấp, chính thức gọi là Phái đoàn Ủy lạo Gia đình Tử sĩ, đến thăm viếng và chia buồn với chị Quyên. Mẹ trao cho chị món tiền tử tuất và tặng chị, theo tiêu chuẩn, một bao gạo và một thùng nước mắm. Chị khóc thút thít,

“Em xin cám ơn bà…”

“Em cứ gọi bằng ‘chị’ cho thân tình. Ngoài tình huynh đệ chi binh với ông nhà chị, chú Hoàng còn có tình bà con; chú hay dẫn thằng Ba Hoa đi chơi và dìu dắt hắn. Em cần chi cho chị biết, đừng ngại.”

“Dạ, anh Hoàng có một số sách nhờ mua ở Sài gòn cho chú ấy mà chưa kịp đưa. Hôm nào chị cho chú ghé lại em.”

Chị Quyên đưa cho tôi một chồng sách tôi có lần mơ ước với anh Hoàng, nhưng không nhờ anh mua. Những sách quý như cuốn Géométrie (Hình học) lớp đệ nhất của Camille Lebossé và Corentin Hémery, ấn bản 1961 (mới nhất), đầy đủ và khó nhất trong các sách toán hiện hành, và bộ sách học Anh ngữ gồm ba cuốn của Robert J. Dixon siêu (tinh vi hay cao siêu) hơn bộ sách dùng ở trường tôi học hết từ lâu. Cả buổi tối, tôi vừa xem sách vừa nói chuyện trong khi chị nấu chè đậu xanh đánh đãi thằng bé ham ăn.

Dần dần quen thân, tôi đến nhà chị Quyên tối thứ Sáu, trước ngày cuối tuần gặp anh Dương, và được chị chiều chuộng như đứa em trai cưng. Gặp nhau thăm hỏi hàn huyên, chúng tôi không bao giờ đề cập tới các chi tiết liên hệ đến cha hay chức vụ của cha. Chỉ có một lần chị nói tới cái đề tài dễ động lòng,

“Em có tin chị mang chết chóc đến cho người đàn ông chị yêu thương?”

Tui biết chi mấy chuyện người lớn nớ!” tôi đã sửa soạn sẵn câu trả lời.

“Trải qua ba đời chồng mà chị vẫn còn trong trắng như thời đi học ở trường Đồng Khánh và Đại học Khoa học Huế.”

Rứa với anh Hoàng?”

“Lễ cưới vừa xong là anh bị kêu vô đơn vị, cấm trại một trăm phần trăm. Cho đến khi anh mất!”

Khi chị Quyên hỏi sau Tú tài II tôi sẽ học ngành gì, tôi nhận ra mình mù tịt về chuyện đại học, gia đình tôi chưa có ai học lên đại học, và mấy ông chú họ học cao ở ngoài Huế thì không thể hỏi thăm. Chị tận tình chỉ dẫn, giúp tôi tìm hiểu và phân tích các ngành có thể học, và so sánh với khả năng của tôi. Tôi theo lời khuyên của chị và hãnh diện viết thư cho thằng Công,

... Tau thấy trong các ngành học, kỹ sư điện là ngành dùng toán cao nhất...

Tôi nộp đơn thi vào trường Cao đẳng Điện học thuộc Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật và chỉ thi vào trường này thôi. Tôi về Sài gòn thi, thằng Công thi ở Huế, và hai đứa đều trúng tuyển vào ban kỹ sư điện.

Tôi đến nhà chị Quyên báo tin thi đậu và từ giã để về Sài gòn học. Chị đã biết tin trước, gượng cười với tôi, nhưng mặt buồn rười rượi,

“Chúc mừng ông kỹ sư tương lai! Cha chị đau nặng, chị cần về Huế ngay.”

“Mai mốt chị có trở lại không?”

“Không, chị đã xin nghỉ dạy. Em đi rồi, chị không còn ai thân thiết ở thành phố Buồn Muôn Thuở này.”

“Không biết khi mới gặp lại chị. Buồn dễ sợ!”

Trời bỗng đổ mưa tầm tã khi tôi ra về. Chị gọi xích lô và đi cùng với tôi. Mưa rơi lộp độp trên tấm bạt che và át cả tiếng nói, chúng tôi phải kề mặt ghé tai mới nghe rõ. Trong chiếc xích lô chật hẹp, hai thân hình tựa khít vào nhau. Hơi ấm từ cơ thể chị khiến người tôi nóng ran và tim đập thình thịch. Chị thì thầm, hơi thở thơm tho quyến rủ,

“Chị còn con gái, em nhớ không?”

“Ư… ư...” đầu óc tôi bấn loạn.

“Chị dành cho em… sẵn sàng cho em hết… Tới nhà rồi, em bằng lòng đi, chị lên gác với em.” “Không chị ơi… tui không thể…” tôi choàng tỉnh, vội nhảy ra, và chạy nhanh vào nhà.

* * *

Quán Trúc đông người hơn mọi khi vì có tiệc “rửa lon” của anh Cân; anh vừa được thăng chức thiếu tá. Khoảng chín giờ tối, tôi uống đến chai Coca-Cola thứ ba, anh Dương từ sàn nhảy trở lại bàn, và đột nhiên chị Quyên xuất hiện kéo tay tôi,

“Mau theo chị, chạy mau…”

Tôi theo chị như cái máy; anh Dương cũng theo bén gót. Ba phút sau, đến vỉa hè bên hông Nhà thờ Ba Ngọn, chúng tôi nghe hai tiếng nổ lớn liên tiếp phát ra từ trong quán. Chợt hiểu ra, anh chộp hai tay chị,

Mi… cô… là đặc công Việt Cộng! Cô đã chỉ điểm cho đồng bọn ám sát ba sĩ quan; giờ thì khủng bố giết oan người vô tội!”

“Anh chỉ nói trúng về ba người chồng của tôi. Cho tôi ngồi, tôi sẽ khai hết. Tôi không còn nơi nào để trốn nữa đâu.”

Giận run nhưng anh cho phép chị Quyên ngồi xuống trên bậc thềm nhà thờ. Chị tiếp tục,

“Biết các anh gài Ba Hoa giao tiếp với tôi để dọ thám, chúng tôi quyết định án binh bất động nên các anh không tìm ra manh mối.”

“Sao cô bỏ đi mà còn trở lại?”

“Được lệnh bắt cóc Ba Hoa đưa vào mật khu làm con tin, nhưng tôi không thi hành và bị quản thúc trong căn nhà dưới suối Đốc Học.”

Chị Quyên nhìn tôi nói qua nước mắt,

“Chị không thể nào hại em! Chị lén nghe được kế hoạch đánh quán Trúc: thay vì đèo sau xe gắn máy tung lựu đạn vào mục tiêu như thường làm, cán bộ cảm tử cầm hai tay hai quả lựu đạn, vào tận nơi mới rút chốt, và chết chung. Chị tìm cách thoát thân, tìm đến, và vừa đúng lúc cứu em ra.”

“Còn xác người chừ nằm la liệt bên tê?” tôi không biết nên biết ơn hay thù ghét chị.

“Dù sao, chị chưa bao giờ dối gạt em điều gì.”

“Việt Cộng nằm vùng gian ác đội lốt giáo sư hiền hòa đáng kính. Không phải chị dối gạt tui từ đầu chí cuối hay răng?”

Tôi phát hiện ra chân lý bằng cách áp dụng tam đoạn luận của Aristotle (384 - 322 trước Tây lịch) trong Luận lý học, một phần của chương trình Triết lớp đệ nhất,

Việt Cộng là kẻ ác.
Chị Quyên là Việt Cộng,
Vậy chị Quyên phải là kẻ ác.

Thiện ác, ân oán, và bạn hay thù đã rõ ràng. Tôi về nhà, leo lên căn gác gỗ, để nguyên quần áo, và vào giường ngủ một mạch tới sáng. Từ ngày nhận sứ mạng giúp sức điều tra chị Quyên đến hôm qua, đêm nằm vật vã, trằn trọc, và băn khoăn, có bao giờ tôi ngủ yên giấc đâu.

Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 30 tháng Ba, 2016

Trở về đầu trang