![]() |
Loạt truyện "Thuở Học Trò"
của Nguyễn Ngọc Hoa
24. Vẫn Còn Vương Vấn
Quốc lộ 21 đi hướng đông qua khỏi Cây số 5 thì tách làm hai: đường chính tiếp tục xuôi về Ninh Hòa, và nhánh bên phải rẽ qua hướng đông nam thành Quốc lộ 21A vào phi trường Phụng Dực và tiếp tục đi Lạc Thiện. Rừng hai bên con đường sau không phải mọc thiên nhiên mà do Trung tâm Thực nghiệm Nông Lâm Súc Ban Mê Thuột (BMT) trồng trong dự án gây rừng Eatam. Ở mé đông, những cây giá tị, hay gỗ tếch (teak, đọc theo tiếng Pháp), vỏ trắng với hoa chùm màu trắng hình ống loa mọc san sát đều nhau. Ở mé tây, những hàng cây sao vỏ trắng mốc với trái có hai cánh nhỏ khi rụng quay như chong chóng chạy mút mắt về tới khu Trần Hưng Đạo gần trung tâm thành phố.
Bìa rừng cách xa nhà thằng Điền không tới ba trăm thước, khu rừng sao ngập lá là thế giới riêng của tôi và Hoàng Nga. Dưới bước chân đi của hai đứa, lớp lá vàng khô cao đến mắt cá reo vui xào xạc. Chòm cây cao vào thu thưa lá để nắng chiều lọt qua khiến cho mọi vật mang một màu vàng rực rỡ. Tiếng gió thầm thì trên ngọn cây cao, trong khi bọn lá dưới đất lao xao đuổi bắt nhau; tôi ngẫu hứng đặt tên nơi này là “Rừng Lao Xao.”
Thằng Điền và thằng Châu yêu mến Hoàng Nga, cô nữ sinh đệ tam (lớp 10) người Bắc ăn nói nhỏ nhẻ, dịu dàng, và tế nhị, và chiều nàng như cô em gái nhỏ. Nàng xinh đẹp và duyên dáng với kiểu tóc đuôi ngựa cột cao và chiếc áo len tím đậm khoác hờ bên ngoài chiếc áo dài đồng phục màu xanh da trời. Thằng Điền trêu tôi,
“Con Nga Sơ Van đẹp như mơ thế kia thì thằng con này không chết cũng trọng thương thôi. Sướng đời con nhé!” Cái tên cắc cớ “Nga Sơ Van” bắt nguồn từ “queue-de-cheval” tiếng Pháp nghĩa là tóc đuôi ngựa.
Hoàng Nga là tất cả mọi thứ một đứa con trai vụng về như tôi có thể mơ ước. Ở trường, khi có cùng giờ nghỉ, chúng tôi gặp nhau và ngồi nói chuyện trên bãi cỏ trong sân. Trước khi vào lớp, nàng trao cho tôi một tờ thư ngắn ký tên “Ta petite copine” (Bồ của anh). Nụ hôn đầu vụng về trao nhau vào đêm Giáng sinh nàng cùng gia đình đi lễ mi-xa nửa đêm cử hành ngoài trời ở Nhà thờ Ba Ngọn, tôi (thằng Châu nói theo “đạo dòng” vì hay đi dzòng dzòng) dự lễ cốt để gặp nàng, và hai đứa trốn qua Hội trường Hòa Bình phía bên kia đường ngồi trước thềm nói chuyện. Trước khi lễ tan nàng phải chạy về sân nhà thờ, tôi thu hết can đảm ôm lưng và đặt lên môi nàng nụ hôn đầu đời. Tờ thư lần tới ghi,
Ba Hoa làm Nga sợ, nhưng em nhớ mãi cái K. đêm trước.
Cái “K.” là cái hôn (viết tắt của chữ “kiss” trong tiếng Anh). Tôi vô tư ngụp lặn trong hạnh phúc của thuở học trò, cho đến gần Tết tôi bị ốm phải nghỉ học, và Hoàng Nga đến thăm trên căn gác gỗ bên trên nhà bếp. Tôi cảm động vô cùng. Nàng ngồi lên cạnh giường nắm tay tôi thăm hỏi. Tôi thèm được hôn nàng – lần thứ hai. Nhưng thằng Chóa, con anh Kiền và chị Chờ, đứng miết ở cầu thang gỗ, thân hình nửa trên nửa dưới, và ngó chăm bẳm. Bảo nó xuống dưới nhà chơi thì nó khăng khăng,
“Mạ biểu đứng đây coi chừng để cô nớ đừng dụ chú mần chuyện bậy bạ.”
Anh Kiền, anh họ tôi, là hạ sĩ quan hầu cận của cha. Gia đình anh ở chung với mẹ và anh em tôi trong căn nhà dưới (cha ở một mình trong căn nhà trên). Là người duy nhất trong nhà gần gũi và chuyện trò với tôi, chị Chờ hay kể về những ngày “độc thân” của cha hồi trước. Chị lấy chồng sớm, sinh hai đứa con (con Đà tám tuổi và thằng Chóa năm tuổi) mà mới hăm bốn, hăm lăm tuổi. Anh nặng thói trăng hoa, chị ghen lồng lộn khi biết anh ngoại tình, và tuần nào anh chị cũng chửi bới nhau. Sau khi ra tay đánh đập chị đã đời, anh dở tài lý sự với người vợ ít học và xoay xở chứng minh anh là người đứng đắn đàng hoàng và chị bê bối không biết lẽ phải.
Sau cùng, anh Kiền công khai trai gái với chị Hường giúp việc; chị ta mười chín tuổi, thấp lùn thô lỗ, và nhan sắc thua xa chị Chờ, nhưng ăn nói dịu dàng dễ mến. Chị Chờ càng làm dữ, anh lại càng “thương” chị Hường hơn và “phong” chị ta làm vợ hầu (vợ hai), bắt con Đà và thằng Chóa kêu bằng “dì” thay vì “chị” (ở) như trước. Khi lời lẽ ngụy biện hết thuyết phục, anh nghiến răng chỉ tay vào mặt chị Chờ,
“Mi muốn làm người ăn cơm hay chó ăn cứt? Muốn ăn cơm thì liệu hồn câm mỏ lại, không tau cho ăn cứt!”
Chị không câm miệng mà tiếp tục càm ràm, và anh làm thật. Anh ra cầu tiêu ngoài trời, lấy cành cây vếch lên một vệt phân, đem vào nhà, và đè chị xuống trét vào miệng. Chị kêu trời và khóc la thảm thiết; tôi không thể khoanh tay đứng nhìn,
“Chị Chờ là vợ anh và mẹ của con anh mà đối xử như tàn tệ như rứa, anh có xứng đáng làm hạ sĩ quan Quân đội Việt nam Cộng hòa hay không? Anh không dừng tay tui qua méc dượng Đan cho coi.”
Từ đó chị Chờ không còn ghen tuông với chị Hường và trở nên chăm sóc tôi từng ly từng tí. Tôi đi chơi với bạn về khuya cách mấy chị cũng thức đợi để nấu mì Đại hàn cho tôi ăn đêm. Thức khuya học bài, đôi khi tôi nằm trên giường đọc sách rồi ngủ quên, nhưng thức dậy thấy tấm chăn đắp ngay ngắn lên người. Bốn giờ sáng dậy học Anh hay Pháp văn, tôi đã thấy một ly sữa nóng nằm sẵn trên bàn học. Vài lần thức giấc giữa khuya, thấy chị đứng tần ngần trên đầu giường nhưng tôi nằm yên và vờ ngủ say.
* * *
Hai hôm sau chưa thấy tôi đi học lại, Hoàng Nga trở lại thăm. Nằm trên gác, tôi nghe nàng chào hỏi chị Chờ,
“Thưa chị, anh Ba Hoa hôm nay đã khỏe chưa ạ?”
“Cô về đi! Chú em tui không được tiếp cô tại nhà,” chị xẳng giọng xua đuổi.
Tối hôm ấy, cha triệu mẹ và tôi lên phòng khách ở nhà trên. Mẹ chưa kịp ngồi vào ghế thì cha đã chất vấn tôi,
“Con yêu nớ, mi muốn chơi qua đường hay tính chuyện đàng hoàng?” Hẳn là cha nói Hoàng Nga.
“Ông ăn nói chi lạ rứa? Con mình có học thức tử tế, mô phải thứ hoang đàng bạ mô tấp đó như người ta.” Không biết mẹ bênh tôi hay kiếm cách nói mát cha.
“Tau địa vị như ri mà phải muối mặt làm thông gia với thằng lính quèn thổi kèn hay răng?” Không biết cha cho người điều tra lý lịch của nàng lúc nào; ông cụ nàng là hạ sĩ quan trong ban quân nhạc Sư đoàn.
“Đốt chùa không tội bằng tội rẽ duyên. Con mình thương ai thì phải lo tác thành cho hắn, lý mô…”
“Mụ biết chi mà nói! Hắn mà không chấm dứt mối liên hệ không xứng đáng nớ thì mấy mẹ con mụ lo cuốn gói về Huế cho tui khỏi nhục nhã. Tui sẽ cho thằng thổi kèn nớ ra tác chiến vì không dạy con gái, để hắn luông tuồng.”
Trước sau tôi không nói một lời. Cha là nhà binh; lời cha nói ra là lệnh, là luật, và không thể đổi dời. Tuyệt đối tuân hành hay chịu trừng phạt, chấm hết! Nhưng cắt đứt mối tình nồng thắm với ma petite copine, cô bồ yêu dấu, bằng cách nào đây? Tôi tâm sự với thằng Điền, nó cười như mếu,
“Thế là đời thằng con này và em Sơ Van khốn nạn rồi! Bố mày chả biết làm sao!”
Lối giải quyết đến sớm hơn tôi tưởng. Cuối tuần cha mời bác Thương, một sĩ quan cao cấp và bạn thân của cha, đến nhà ăn cơm tối và, như thường lệ, tôi có nhiệm vụ bưng cơm nước từ nhà bếp lên. Hạ thấp giọng, hai người nói chuyện kín đáo bằng tiếng Pháp mà không ngờ tôi học Pháp văn Sinh ngữ I (tức ngoại ngữ chính) và nghe hiểu hết câu chuyện. Đêm hôm ấy, tôi nghĩ ra mình sẽ làm gì.
Hôm sau Chủ Nhật tôi cùng hai thằng bạn thân đến nhà bác Thương rủ Xuân Huyên, con gái đầu lòng của bác, đi chơi Hồ Trung Tâm. Nàng học cùng lớp với Hoàng Nga và cũng là một nữ sinh đẹp nổi tiếng trong trường. Bác Thương gái, người Huế, niềm nở dặn,
“Tụi bây đi chơi mô chiều về ăn bánh nậm và bánh bột lọc với bác.”
Xuân Huyên nhận lời không một chút do dự, mang theo cô em Xuân Hiền học đệ ngũ (lớp 8). Sự hiện diện của hai chị em khiến cuộc đi chơi thật vui nhộn. Cô chị vô tư cười tán thưởng những câu nói khôi hài sống sượng của thằng Châu và vâng lời thằng Điền như một ông anh lớn. Cô em ít nói mà thông minh, khôn khéo, và quấn quýt với tôi hỏi chuyện Huế, quê hương mà em chưa có dịp viếng thăm.
Gia đình Xuân Huyên có một đồn điền lớn trồng cà phê và đủ thứ các loại cây ăn trái nên được bọn tôi chiếu cố tận tình trong các chuyến đi chơi kế tiếp. Thằng Điền và thằng Châu thích vào vườn ổi xá lỵ, trái nào trái nấy to bằng nắm tay, hái ổi thi ném xa. Có khi chúng phải bứt cả chục trái mới lựa được hai trái vừa tay và to ngang nhau để thi tài. Có lần cả bọn thay nhau tập lái xe máy cày, chạy tứ tung, và cày văng mấy cây cà phê và cây ổi trĩu trái. Khi mùa thi bắt đầu, các bạn tôi ở nhà học gạo để chuẩn bị thi Tú tài II, tôi cùng chị em Xuân Huyên tiếp tục rong chơi khắp nơi – ngoại trừ khu rừng sao kỷ niệm.
* * *
Mùa hè 1965 qua mau, đám bạn đệ nhất tản mác, và tôi sẽ rời BMT về Sài gòn học. Trước khi đi, tôi đến nhà Xuân Huyên từ giã. Không gặp nàng; bác Thương gái tiếp tôi với đôi mắt ái ngại,
“Con Huyên bịnh, nó khóc mướt mấy ngày ni. Con biết chuyện chi chưa?”
“Dạ răng bác?”
“Bác trai mi hứa gả con Huyên cho thằng Thân cả năm ni mà không cho ai hay. Mấy ông người Huế tự tung tự tác, coi vợ con như cỏ rác. Ác chi lạ!”
Giọng bác có sắc giận; anh Thân là sĩ quan tùy viên của bác trai, một chức vụ quan trọng và an toàn (không tác chiến). Hơn nửa năm trước, tôi đã nghe lóm cha đề nghị bác trai gả Xuân Huyên cho tôi để hai bên thông gia liên kết thành một phe cánh chính trị ở Vùng II Chiến thuật, nhưng bác đã “lỡ” hứa gả cho anh Thân; anh là cháu của một nhân vật có thế lực trong bộ Tổng Tham mưu. Biết vậy, tôi quyết định rủ Xuân Huyên đi chơi để Hoàng Nga cho tôi là kẻ phụ bạc, và quả nhiên sau đó nàng không thèm nhìn mặt tôi.
Anh Đố, tài xế của cha, lái xe đưa tôi ra phi trường Phụng Dực. Cuối thu, rừng sao bên đường thay lá, và trái sao rụng xuống quay vòng trong gió lộng, tung bay như muôn ngàn con chim nhỏ bé trên bầu trời mây trắng, và lạc loài về một phương trời vô định. Không biết bao giờ tôi mới trở lại thành phố này; đầu năm tới cha đổi ra Tuy Hòa nhận nhiệm vụ mới, và gia đình sẽ dời theo.
Gửi hành lý và lấy vé lên tàu cho tôi xong, anh Đố ra về. Ngồi một mình trong phòng đợi, tôi buồn gục đầu muốn khóc. Khi tôi nhìn lên, Xuân Huyên hiện ra với vẻ mặt buồn thiu, và Xuân Hiền đứng sau lưng nhìn tôi nhoẻn miệng cười. Đôi mắt đỏ hoe, Xuân Huyên nắm tay tôi,
“Ba Hoa biết chuyện Huyên rồi, phải không?”
“Chúc Huyên may mắn và hạnh phúc,” tôi thành thực chúc nàng.
“Quên Huyên đi! Tương lai còn dài, Ba Hoa sẽ gặp người giỏi giắn và xinh lịch hơn Huyên.”
Không ngờ tình cảm Xuân Huyên đối với tôi sâu đậm như thế. Đột nhiên, Xuân Hiền bước lại và kiễng chân nói nhỏ vào tai tôi,
“Anh phải viết thư cho em, phải về Ban Mê Thuột thăm em, và phải đưa em đi Rừng Lao Xao. Anh nhớ đó!”
Xuân Hiền không còn là cô bé thơ ngây hôm nào. Nàng là một thiếu nữ đang độ trăng tròn. Qua cửa sổ máy bay thấy hai chị em vẫy tay đưa tiễn, tôi nhớ đến câu “Ban Mê đi dễ khó về…”
Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 24 tháng Hai, 2016