![]() |
Loạt truyện "Thuở Học Trò"
của Nguyễn Ngọc Hoa
2. Miệng Nhà Quan
Lần nào đi qua cầu Thanh Long tôi cũng có cái cảm giác rờn rợn; dường như ẩn hiện đâu đây hồn ma của những anh hùng đã hy sinh trong ngày kinh đô thất thủ năm Ất Dậu (1885). Bác Thang kể hơn một ngàn binh sĩ bỏ mình trên cầu này trong trận mai phục đánh quân Pháp từ Tòa Khâm sứ bên kia sông Hương qua tiếp ứng Đồn Mang Cá. Xác của họ lấp nghẽn dòng nước dưới cầu là con “đường thủy” ngắn nối sông Đông Ba với Đông Thành Thủy quan, “cửa đường thủy” nằm về đầu đông của Ngự Hà tức là con sông đào nằm trong Kinh Thành.
Qua khỏi cầu Thanh long tới trường Bình Minh, một trường trung học tư thục mới thành lập. Cho là mình lớn tuổi mà học trễ, anh Quang quyết định băng lớp đệ thất (lớp 6) và xin học đệ lục (lớp 7) trường này. Nghe anh kể thầy Đan dạy toán rất giỏi và dạy hay, tôi lén lên lớp anh đứng cửa sau xem lóm thầy giảng bài. Say mê các bài giảng của thầy, tôi đòi,
“Tui ưng học trường anh.”
“Mi nhỏ tuổi, ai cho học trung học?” anh nhăn mặt.
“Đi học chớ có phải lấy vợ mô mà coi tuổi tác? Ông Nguyễn Hiền khi xưa mười ba tuổi đậu Trạng nguyên thì răng?”
“Đừng lý sự cùn, trường học có luật lệ chớ ai mà lung tung lang tang hàm hồ hàm chứa như mi?”
“Rứa chừ tui mần răng?”
“Mi học trường Thanh Long với thằng Sáng, thằng lớp Nhất, thằng lớp Năm. Hai đứa học trường công cho mẹ dòn (khỏi) trả học phí hàng tháng.” Lớp Nhất và lớp Năm là lớp 5 và lớp 1 ngày nay.
Cậu Há đưa tôi và thằng Sáng đi xin học trường tiểu học Thanh Long cách trường Bình Minh ba căn nhà. Thầy Thừa hiệu trưởng thân mật chào hỏi vì là người cùng làng, ngày còn bé thường chơi đùa với cậu. Thầy cao mà gầy gò, tai nhỏ, mặt khẳng khiu, và miệng hô chìa hàm răng vẩu giống như cười. Thấy tên trong đơn của chúng tôi, thầy đổi thái độ,
“Hai đứa ni là con của thằng cha Thông? Hắn đi mô mà không tới?”
“Đây là con bà chị moa, anh nớ là sĩ quan trong quân đội, công vụ đa đoan không thể rời nhiệm sở,” cậu thản nhiên.
“Hắn phải có mặt để ký tên trong đơn.”
“Cụ mi không thấy chữ ký của anh Thông đã thị thực tại phường hay răng?” cậu bớt kiên nhẫn, và tiếng “toa” xưng hô ngang hàng trở thành “cụ mi” gọi kẻ dưới tay.
Thầy xét hồ sơ và bắt bẻ từng ly từng tí, nhưng cậu trả lời trôi chảy, luôn miệng nhắc nhở theo lệnh chính phủ con em gia đình quân nhân được ưu tiên vào trường tiểu học công lập. Thầy nhìn tôi và thằng Sáng,
“Thằng nhỏ sáu tuổi học lớp Năm thì moa chấp thuận. Thằng lớn mới chín tuổi không cho học lớp Nhất.”
“Cụ mi làm khó dễ rồi! Nghị định của Bộ Quốc gia Giáo dục đặc cách cho nhập học căn cứ theo khả năng mà không giới hạn tuổi tác – lớn hay nhỏ.”
“Đúng rứa! Moa cần chứng chỉ học trình chứng tỏ hắn học hết chương trình lớp Năm tới lớp Nhì (lớp 4).”
Thầy Thừa mỉm cười đắc thắng, nhưng cậu Há không chịu thua,
“Cụ mi nói thiệt hay nói chơi? Việc học bị gián đoạn vì chiến tranh, làm chi có học trình học triếc mà trình ra?”
“Moa rất tiếc...”
“Cụ mi cứ phê vô đơn lý do bị bác để tau lên Nha Trung Tiểu học khiếu nại. Anh Thông sẵn lòng kiện vô tới Bộ trong Sài gòn.”
“Moa có bác đơn mô; chỉ sợ hắn học không nổi,” thầy cười giả lả.
Thầy trầm ngâm một lát rồi đề nghị,
“Chừ moa ra bài để khảo sát trình độ của hắn.”
“Thằng nhỏ phải thi?” cậu ngạc nhiên.
“Thi xếp lớp...”
“Thằng nhỏ chín tuổi xin học lớp Nhất mà phải thi – tau mới nghe lần đầu!”
“Không chịu thì moa không có cách chi khác.”
Cậu cau mày nhìn tôi dò hỏi; tôi mừng rỡ,
“Nếu không học lớp Nhất ở đây thì con qua trường Bình Minh học. Ăn thua chi!”
“Chịu rồi nghen! Đây là bài toán và bài luận; trong vòng một tiếng đồng hồ phải mần cho xong,” thầy khinh khỉnh như thể tôi sẽ “rớt.”
“Trong khi hắn làm bài, cụ mi với tau ra ngoài uống nước hàn huyên tâm sự,” cậu sợ sự hiện diện của thầy làm tôi khớp.
Bài toán trồng cây thầy ra dễ òm! Loại toán này tôi học đã lâu và tự nghiệm ra “công thức trồng cây” là sự liên hệ giữa số khoảng cách đều nhau và số cây phải trồng; tôi viết bài giải một loáng là xong. Đầu đề bài luận là
Em hãy tả ông em và nói cảm tưởng của em đối với người.
Kể như tôi “trúng tủ”! Từ ngày rời làng quê, tôi thường nhớ nội và hay làm luận thầm về người, soạn đi soạn lại trong đầu nhiều lần. Không cần suy nghĩ, tôi đặt bút viết một mạch đến cuối trang thứ ba, vừa xong dòng cuối cùng thì cậu Há và thầy Thừa bước vào. Trên đường về, cậu Há mua thưởng hai anh em tôi mỗi đứa một cây cà rem. Cậu xoa đầu tôi,
“Mi giỏi thiệt; thằng cha nớ ghét mặt mi lắm mà phải phục lăn.”
“Rứa con phải học trường Thanh Long?” tôi ngây thơ hỏi.
“Cha mi, đồ vô ơn!” cậu cười xòa.
* * *
Trong lớp học hơn sáu chục học sinh, phần lớn ngó tra trắn (trông chững chạc) hơn anh Quang và đã cùng học với nhau từ lớp Năm lên, tôi là chú bé xa lạ không ai thèm đoái hoài tới. Vốn quen tự học và chơi đùa một mình nên tôi không thấy buồn; tôi để ý chúng bạn có bất cứ sách học hay truyện gì thì nói anh Quang mua sách ấy và đọc một mạch cho kỳ hết mới thôi.
Giờ ra chơi sáng thứ Bảy, buổi học cuối cùng trong tuần, tôi loanh quanh trong sân tới cây bàng cạnh văn phòng hiệu trưởng; cây cao sừng sững với tàn cây thẳng và cân đối như cái bát trải rộng. Một sợi dây thừng dài chừng mười thước cột trên cây thòng xuống với đầu dưới thắt thành nút lớn cách mặt đất chừng nửa thước. Không thấy ai, tôi đánh bạo nắm dây, đặt chân lên nút thắt, rồi co chân uốn mình đu đưa. Mới lúc lắc vài nhịp thì thầy Thừa xuất hiện, ra hiệu cho tôi dừng lại, và nạt lớn,
“Ai cho mi đu dây ni?”
“Dạ... không... ai... cho...” tôi run lập cập.
“Răng mi dám đu?”
“Dạ... nhưng... không... ai... cấm...”
“Mi có biết nếu không có thầy cô coi chừng, học trò không được đu một chắc (một mình) không?”
“Dạ… không... Không ai chỉ cho con biết hết.”
“Mi lì hả? Leo lên hết sợi dây ni cho tau,” thầy ra lệnh.
Biết mình bị phạt, tôi rán sức dùng tay kéo người lên và hai bàn chân cặp vào dây làm điểm tựa. Trườn lên tới đầu dây trên cây, tôi nghiến răng bám chặt chờ lệnh; một lát sau nghe thầy giận dữ quát lớn,
“Răng chưa chịu xuống mà còn nằm vạ trên nớ?”
“Thầy biểu con leo lên, chớ có biểu leo xuống mô,” tôi hết sợ leo lần xuống, vừa thở hổn hển vừa cãi.
“Cha nào con nấy, đồ du côn mất dạy!” thầy hằn học mắng.
Buổi sáng trước khi vào lớp, học sinh sắp hàng trong sân trường để chào cờ, đứng nghiêm hát quốc ca trong khi cờ được kéo lên cột, và sau đó hát bài “Suy Tôn Ngô Tổng Thống,”
Ai bao năm từng lê gót nơi quê người
Cứu đất nước thề tranh đấu cho tự do
Người cương quyết chống Cộng
Bài phong kiến bốc lột
Diệt thực dân đang rắc gieo tàn phá...
Sáng thứ bảy của tuần lễ đi học thứ hai, tôi vừa ngồi vào chỗ thì cô giáo với vẻ mặt nghiêm trọng đến dắt tay đưa ra văn phòng hiệu trưởng. Đợi sẵn sau bàn giấy, thầy Thừa chỉ mặt tôi,
“Hai tuần lễ ni lúc suy tôn Ngô Tổng thống, mi không hề máy mui (môi).”
“Dạ... dạ...” tôi chưa hiểu.
“Mi không hát suy tôn.”
“Dạ... con không biết hát,” tôi run run.
“Nói láo, học tới lớp Nhất mà không biết hát bài nớ? Muốn ở tù không?” thầy gằn giọng.
Bị nhục mạ oan uổng, tôi bùng nổi giận, và sự rụt rè nhút nhát thường ngày biến mất,
“Con làm chi mà bị bỏ tù?”
“Mi phạm thượng, không kính trọng cụ Ngô.”
“Con không ưng hát. Sách Đức dục nói bổn phận công dân phải tôn trọng quốc kỳ và quốc ca, chớ không phải suy tôn,” cãi bướng là nghề của thằng bé.
“Mi to gan...”
Cô giáo rụt rè can,
“Ông hiệu trưởng thông cảm, em nhỏ chưa biết luật lệ.”
“Ai ‘thông cảm’ cho tui? Cô muốn vô Ban Mê Thuột dạy khỉ vượn với tui không?”
“Nhưng...”
“Không ‘nhưng nhị’ chi hết! Còn mi chừ tau đuổi; về nói với mạ mi lên xin lỗi mới cho học.”
Ôm sách vở về nhà, tôi thản nhiên chạy đi chơi với đám bạn trong xóm. Tin tôi bị đuổi học đến tai mẹ nhanh hơn tôi tưởng; mẹ ra lệnh cho anh Quang căng nọc đánh tôi một trận về tội “hỗn hào với thầy,” không cho đương sự giải thích một lời. Sau đó, mẹ bắt lên nhà cậu Há để cậu phạt tiếp.
Cậu bắt nằm sấp dưới sàn nhà, để cây roi bên cạnh, và cho phép kêu oan trước khi hành tội. Tôi kể lại chuyện xảy ra, cậu hỏi,
“Chừ biểu con Cúi dạy mi hát bài nớ, mi học không?” Con Cúi là con gái duy nhất của cậu và bạn chơi thân với tôi.
“Dạ không,” tôi trả lời cộc lộc.
“Học trò khắp nước ai cũng hát, răng mi không tuân theo?”
“Trong bụng không ưng thì không khi mô thuộc, làm răng hát được?”
Cậu không đánh đòn mà chép miệng,
“Mi muốn đi học không?”
“Dạ… không!”
“Con nít lớn lên phải đi học chớ!”
“Sách lớp Nhất con học hết rồi, tới trường làm chi?”
“Chuyện ni để tau lo; cứng đầu cứng cổ như mi suốt đời sẽ gặp phiền phức – ngóc đầu lên không nổi mô!” cậu chép miệng.
* * *
Tối hôm ấy, cậu Há xuống nhà nói chuyện với mẹ và chú Phu,
“Tui biết thằng Thừa khắc kỵ anh chị mà không ngờ hắn chíp trong bụng mà thù vặt.”
“Hồi tui còn con gái hắn theo ve (tán tỉnh) dai như đỉa; người ngợm xấu xí mà miệng mồm thô bỉ nói hoang nói tướng khiến tui bẽ mặt với chị em bạn buôn; chưởi như tát nước mà mặt cứ trơ trơ,” mẹ kể.
“Ai biểu chị ‘đẹp gái’ làm chi?” chú Phu đùa.
“Bữa nớ, hắn theo bọn tui chọc ghẹo và nghêu ngao hát bài ca dao tục tĩu
Hôm qua em đi hái chè
Gặp thằng phải gió nó đè em ra
Em lạy mà nó chẳng tha
Nó đem đút cái mả cha nó vào.
Tui sùng máu vác đòn gánh phang cho gãy giò mới tởn.”
Chú Phu ôm bụng cười,
“Ai nói chị tui hiền là lầm to lò tâm...”
“Khi anh Thông cưới tui, hắn thuê mấy đứa chự (giữ) trâu lấy chỉ đỏ giăng ngang đường chận đám rước dâu. Cho tiền và năn nỉ cũng không cởi dây cho qua, thằng tệ mạt núp sau bụi cây cười khoái trá. Anh Thông giận lên chẳng thèm kiêng cữ, đạp đứt dây, và rượt đần (đánh) một trận la lết.”
“Té ra bụng làm dạ chịu, cha ăn mặn con khát nước!”
“Cậu đem thằng Bé lên trường nói với thằng mặt dơi tai chuột nớ: hắn mà đụng tới con tui một lần nữa tui tới đào mồ bới mả dòng họ nhà hắn lên thì đừng trách,” mẹ giận nói với cậu Há.
Như cậu nói, những chuyện phiền hà trong đời tôi chỉ mới bắt đầu. Từ nay, chú bé chín tuổi chấp nhận một sự thật đáng buồn: lời nói của kẻ có thẩm quyền (như thầy Thừa) có thể sai và việc làm của họ chưa chắc đáng nể phục. Tôi bứt rứt như đánh mất một vật gì quý giá lắm...
Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 26 tháng Mười Một, 2014