![]() |
Loạt truyện "Thuở Học Trò"
của Nguyễn Ngọc Hoa
3. Thằng Thông Kéo Cờ
Thằng Thông là một trong hai đứa lớp tôi được chọn kéo cờ trong buổi lễ chào cờ mỗi sáng. Cao lớn dềnh dàng và trông già dặn như người lớn, ít nhất nó cũng phải mười lăm tuổi. Học trò Huế thường khai trụt tuổi để đi học, không như tôi thiếu tuổi học lớp Nhất (lớp 5), vì làm giấy khai sinh tương đối dễ dàng. Thí dụ như anh em tôi sinh ngoài làng quê không có lệ làm khai sinh, khi vào Huế cha ra Toà Hòa giải Rộng Quyền quận Hương Thủy với ba nhân chứng khai rằng hiện nay đương sự không thể sao lục giấy khai sinh vì lẽ sổ sách nhân thế bộ bị thất lạc vì chiến tranh. Ông chánh án đồng ý cấp Chứng chỉ Thế vì Khai sinh theo như đơn xin với ngày tháng năm sinh do cha lựa chọn – vậy là xong!
Thằng Thông là trưởng lớp, đứng cao, và lại viết chữ đẹp nên được cô giáo giao cho hàng ngày điền vào hàng chữ ở góc bảng bên trái:
Thứ … ngày … tháng … năm 1957
Dưới hàng ngày tháng là một câu cách ngôn hay tục ngữ như Ăn trái nhớ kẻ trồng cây, Ăn cây nào rào cây ấy, và Thương người như thể thương thân. Nó còn có nhiệm vụ chỉ huy các bạn sắp hàng chào cờ và đi về nhà khi tan trường. Ra khỏi trường học sinh đi hàng một, hướng Bao Vinh về nhà tôi do thằng Thông dẫn đầu, tới nhà mới được ra khỏi hàng.
Bàn cô giáo ở trên chiếc bục cao chung quanh đóng gỗ như một giảng đàn. Ban đầu tôi được xếp ngồi bàn đầu ngay dưới bục khuất tầm nhìn của cô và ngồi học một mình không ai để ý. Tôi mang theo chiếc cạc-táp (tiếng Pháp cartable là cặp học sinh) da thồn đầy sách vở, trong đó có sách lớp trên “mượn” của anh Quang và chú Phu.
Những bài Thường thức, Sử ký, Toán, v.v. thường nhàm chán vì không có nhiều điều mới lạ, nhưng tôi yêu thích giờ Vẽ, Thủ công, và Hoạt động Thanh niên. Trong giờ Vẽ, học sinh dùng bút chì vẽ trong vở vẽ có mười sáu trang giấy dày khổ lớn gấp đôi vở học. Nhờ giờ Thủ công cô giáo dạy nặn đất sét thành hình trái chuối, đu đủ, ổi, v.v., tôi được dịp theo vài đứa bạn cùng lớp lang thang xuống sông Đào sau Cửa Hậu, nơi có mấy lò gạch, xin đất sét dùng làm gạch nung. Đất sét thượng hạng nhưng bàn tay tôi vụng về nên bị anh Quang trêu chọc,
“Thằng 'thợ ăn’ mê ăn uống nên nặn trái chi cũng ra củ khoai,
Tướng thầy là tướng khoai lang,
Ăn hết nửa sàng thầy ẻ không ra!”
“Anh giỏi thì nặn đẹp hơn tui đi. Hay chê bai cho sướng miệng?” tôi mắc cỡ cự lại.
Tôi học hát lần đầu tiên với bài “Bạch Đằng Giang” trong giờ Hoạt động Thanh niên,
Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng
của nòi giống Tiên Rồng,
Giống Lạc Hồng, giống anh hùng, Nam Bắc Trung…
Tôi mê bài hát này vì dòng “sông Bạch Đằng” ngoài đời của tôi là con “đường thủy” ngắn dưới cầu Thanh Long nối sông Đông Ba với Đông Thành Thủy quan. Đi học qua cầu, tôi nhìn xuống dòng nước, hát nho nhỏ, và mơ về những anh hùng vô danh đã vì nước bỏ mình ở đó ngày kinh đô thất thủ năm Ất Dậu (1885).
* * *
Sau khi tôi bị đuổi học vì không hát “Suy Tôn Ngô Tổng Thống,” cô giáo dời tôi xuống ngồi cạnh thằng Thông ở bàn cuối phía nam sinh. Tôi biết nó nhà nghèo, bộ áo quần cũ mặc hai ba tuần lễ chưa thay, và gặp khó khăn mua sách vở và dụng cụ học sinh. Đối với nó, tôi là công tử nhà giàu, áo quần lúc nào cũng tươm tất, đi học với cạc-táp đầy sách vở, và trong túi rủng rỉnh tờ bạc hai đồng mẹ dặn để dành khi đạp bánh tráng, nghĩa là nếu ngã vào hàng bánh tráng làm vỡ thì có tiền đền.
Ngày hôm sau, trong giờ Vẽ tôi mở rộng cuốn vở vẽ, xoay qua xoay lại, và dùng thước kẻ dài vẽ đường phối cảnh như cô giáo chỉ trên bảng. Bỗng nhiên, tôi bị một cái cú đầu đau điếng; thằng Thông hầm hầm mím môi chỉ tôi xem vạch bút chì đậm nét hằn sâu xuống giấy chạy xéo qua bài vẽ đã hoàn tất của nó. Đoán là mình đã lấn chỗ và thúc mạnh vào cánh tay nó mà gây ra, tôi lắp bắp xin lỗi.
Giờ ra chơi, thằng Thông lầm lì kéo tôi ra góc sân trường xa nhất ít người lai vãng. Tôi chưa kịp nói thì bị nó thoi lia lịa vào vai, ngực, và bụng. Đau quá tôi gập người,
“Tổ cha mi ỷ thế mạnh ăn hiếp tau…”
“Tau là cha mi, biết không con?” Nó cùng tên với cha, một thua thiệt lớn lao của tôi vì trẻ con Huế khi cãi lộn và sỉ nhục nhau thường kêu tên cha mẹ của đối phương ra chưởi.
“Giỏi thì đập lộn với mấy thằng ngang tay mi đi!”
“Tụi hắn có làm hư vở và bài vẽ của tau mô?”
Biết là mình có lỗi tôi vùng chạy, nhưng nó nhanh chân nhảy vọt tới, nắm chặt vai tôi, và tiếp tục thoi vào người tôi, cú nào cú nấy đau điếng. Nó cười nhạo,
“Chạy trời không khỏi nắng mô con ơi!”
“Tau méc cô giáo cho mi biết tay,” tôi dọa.
“Chấp mi méc! Lên thầy hiệu trưởng coi ai lỗ (thua) cho biết,” nó nhắc tội “phạm thượng” của tôi.
“Tau về kêu anh và chú tau lên đập mi cho coi.”
“Cha mi biết hết con ơi! Mi mà về méc là con mẹ mi đè ra đập cho tơi bời hoa lá trước.” Lại thêm một sự thật không thể chối cãi.
Đến bước đường cùng, tôi không còn cách nào khác hơn,
“Tau lỡ tay… Chừ làm răng?”
“Đền cho tau – hư vở, hư bài, hư điểm hàng tháng, hư đủ thứ hết!”
“Tau có từng ni…” tôi móc túi lấy tờ bạc đưa ra.
“Tính là mi nộp tiền lần đầu tiên! Kể từ bữa ni, mỗi tuần mi phải đóng hai đồng đền bù thiệt hại.”
“Tau làm chó chi có tiền nộp cho mi?”
“Không có tiền thì dừ (nhừ) xương! Trận ni mới sơ sơ sịa sịa cho mi nếm mùi thôi.”
Để có tiền nộp cho thằng Thông, mỗi tuần tôi dối mẹ xin thêm tiền nói lên tiệm La Ngu gần cầu Đông Ba mua thêm vở học, vở vẽ, bút chì màu, hộp màu nước, v.v. Mẹ tin và không thắc mắc vì từ nhỏ tôi chưa hề nói láo và không hề biết tiêu tiền để ăn hàng (ăn quà vặt) hay mua những món không cần dùng.
* * *
Hàng đêm suy nghĩ, tôi biết mình chịu hiếp đáp không những vì nhỏ tuổi sức yếu, mà còn vì nhát gan sợ sệt. Đọc lén cuốn Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống của người lớn, cuốn sách Học làm người của Dale Carnegie do Nguyễn Hiến Lê dịch, tôi tìm ra phương pháp tự kỷ ám thị (dịch giả chua thêm tiếng Anh là autosuggestion) và dùng để “luyện tinh thần.” Buổi tối trước khi ngủ tôi tự nhủ và lập đi lập lại trong đầu hằng trăm lần cho đến khi thiếp đi:
Thằng Bé là người can đảm, không sợ ai, và sẵn sàng đương đầu với kẻ mạnh.
Mặt khác, tôi xuống vựa tre nứa dưới khúc sông gần nhà mua hai thanh tre la ngà làm kiếm “luyện võ.” Bắt chước võ sinh trong truyện kiếm hiệp, hàng ngày tôi thức dậy lúc bốn giờ sáng, ra vườn sau nhảy nhót giữa hai cây cau trồng cách nhau chừng bốn thước, và múa kiếm “đánh” với thân cau như chiến đấu với kẻ địch. “Luyện kiếm” cho đến khi mệt nhoài, tôi vào nhà giả bộ ngủ chờ chị ở đánh thức dậy ăn sáng sửa soạn đi học.
Cách chế tạo binh khí để “phục hận” được gợi ý từ bài Sử ký về Đặng Dung (? – 1414) có hình minh họa ông ngồi mài kiếm dưới trăng và ghi hai câu từ bài thơ Thuật Hoài bằng chữ Hán của ông:
Thù trả chưa xong đầu đã bạc,
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.
(Phan Kế Bính dịch)
Tìm được trong ghềnh đá dưới bến sông trước mặt nhà một viên đá lớn bằng khoảng hai nắm tay, mỗi buổi chiều tắm sông tôi nán lại và ra sức mài đến gần tối. Người xưa mài kiếm cho sắc thì tôi mài viên đá cho thon dài, đầu to cầm trong bàn tay và đầu nhỏ nhô ra để tấn công kẻ địch. Tôi đặt tên món binh khí này là “thạch trùy,” phỏng theo tên “đồng trùy” của loại vũ khí có cán ngắn nối liền với một khối kim loại bằng đồng dùng sức nặng để hạ đối thủ.
Nộp tiền đều đặn cho thằng Thông đến gần cuối năm học, hôm ấy tôi nghe mẹ than với mợ Há,
“Không biết răng hai cây cau sau nhà chết dần chết mòn…”
“Con xuốc cươi thấy vỏ cây tróc ra bất loạn đi. Chắc là cau bị sâu bọ hay bệnh hoạn chi đó!” chị ở đứng gần nói xen vào; “xuốc cươi” là “quét sân” và “bất loạn đi” là “nhiều lắm.”
“Chị kêu người đốn đi kẻo bệnh lây qua các cây khác thì nguy,” mợ Há khuyên mẹ.
Đã đến lúc chấm dứt thời kỳ “khổ luyện” mà phải hành động – trước khi mẹ tìm ra thủ phạm! Hôm sau thứ Bảy học buổi sáng, buổi học cuối cùng trong tuần, chiếc cạc-táp của tôi nặng hơn vì có thêm chiếc thạch trùy. Trưa hôm ấy, như thường lệ thằng Thông dẫn đầu đám học sinh đi về nhà. Gần tới nhà, tôi bỏ cạc-táp xuống đất, chạy lên đầu hàng, và lay vai thằng Thông. Nó ngạc nhiên chưa kịp quay lại thì tôi dùng toàn lực giáng quả thạch trùy vào lưng – ngón đòn uất hận của gần sáu tháng dài,
“Tổ cha mi thằng ăn cướp!”
Thằng Thông đau đớn oằn lưng nghiêng qua một bên; tôi nghiến răng bồi thêm cú thứ hai vào vai phải – có phần mạnh hơn cú trước. Nó quỵ xuống, nhìn tôi van lơn, và dưới mắt tôi không còn là tên “ác tặc” xấu xa mà là một thiếu niên bất lực. Tôi hạ quả thạch trùy xuống,
“Tha tội cho mi đó!”
* * *
Sáng thứ Hai tới trường trông thấy bộ mặt lấm lét của thằng Thông, tôi vênh mặt không thèm nhìn. Ngồi im thin thít đến giờ ra chơi, nó mở lời với lối xưng hô mới,
“Cụ mi cho tau xin lỗi. Chừ mình anh em nghen…”
“Anh em con c… tau!” tôi lấy giọng kẻ cả mắng.
“Chuyện đã qua cho hắn qua đi mà… Hai đồng tuần trước trả lại cho cụ mi.”
“Nói rứa mà nghe được à? Sáu tháng ni mi nuốt của tau hết năm mươi hai đồng,” tôi không thèm nhận.
“Tiền tê tau đưa mạ mua gạo rồi, còn mô! Cụ mi muốn đập mấy trăm cái để trừ tau cũng chịu,” nó quay lưng lại cho tôi đánh.
Tôi nghe phong phanh thằng Thông đông em mà không đứa nào đi học và cha nó làm thuê làm mướn nhưng gần đây ông té gãy chân không ra khỏi nhà. Đột nhiên tôi đi tới một quyết định; lấy hai đồng bạc còn lại ở trong túi quần, tôi đưa luôn cho nó,
“Đền vở vẽ cho mi tuần ni. Tuần sau, tau tiếp tục như trước…”
Để thằng Thông đứng một mình, tôi quay lưng chạy nhanh về lớp. Trong lòng thật nhẹ nhàng sung sướng…
Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 18 tháng Hai, 2015