![]() |
Loạt truyện "Thuở Học Trò"
của Nguyễn Ngọc Hoa
#4. Phần Thưởng Của Mẹ
Ở bàn cuối cùng phía nam sinh, tôi ngồi giữa thằng Thông và thằng Đạm, hai thằng to con nhất lớp. Lãnh nhiệm vụ kéo cờ trong buổi lễ chào cờ mỗi sáng, tháng nào hai đứa cũng được bảng tưởng lệ khen thưởng về “hoạt động thanh niên.” Thằng Thông trưởng lớp không mấy khi nói năng hay phát biểu ý kiến, nhưng thằng Đạm hăng hái giơ tay trước tiên khi cô giáo (tên Hà) hỏi cả lớp mà mười lần thì hết chín nó trả lời sai bét và được cô khen cố gắng. Gia đình thằng Đạm là người nhà và ở trong nhà cô, ngôi nhà lớn nằm giữa trường và trường Bình Minh và cách trường một căn nhà. Buổi sáng đi học thằng Đạm khệ nệ ôm sách vở và học cụ tới trường cho cô và thằng Lãm, con trai cô học lớp Ba (lớp 3).
Cuối năm học cả lớp bận rộn tập diễn hoạt cảnh “Hội nghị Diên Hồng” (năm 1284) để trình diễn vào dịp lễ phát phần thưởng. Hoạt cảnh bắt đầu bằng hai người lính đứng trên đài cao (là chiếc băng ghế dài) bắc loa kêu gọi,
Toàn dân! Nghe chăng? Sơn hà nguy biến!
Hận thù đằng đằng! Biên thùy rung chuyển
Tuông giày non sông rền vang tiếng vó câu
Gây oán nghìn thu…
Thằng Đạm đóng vai Thượng hoàng Trần Thánh Tông, và chừng hai chục nam sinh làm bô lão đi dự hội nghị trưng cầu dân ý khi quân Nguyên sang xâm lược Việt nam lần thứ hai. Để trả lời về chủ trương “hòa” hay “chiến,”
Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến?
các bô lão hô lên,
Quyết Chiến!
Hoạt cảnh kết thúc bằng bài hát “Bạch Đằng Giang” do cả lớp đồng ca. Tôi háo hức với những sinh hoạt cuối năm vì sắp được nghỉ hè, tha hồ đọc sách và rong chơi. Tuần lễ cuối cùng, cô Hà gọi tôi lên bàn,
“Cho em biết, năm nay em phải thi Tiểu học.” Đó là kỳ thi xác định trình độ học sinh đã học xong cấp tiểu học.
“Dạ… Nhưng răng các trò khác không thi?” tôi ngơ ngác.
“Họ có học bạ học đầy đủ từ lớp Năm đến lớp Nhất nên được miễn thi.” Lớp Năm và lớp Nhất là lớp 1 và lớp 5 ngày nay.
“Con học lớp Nhất, không phải hết tiểu học hay răng?”
“Nhưng em thiếu học bạ lớp Nhì (lớp 4) trở xuống. Luật chính phủ, biết răng chừ?”
“Nếu thi hỏng con có được lên đệ thất không?” tôi hỏi điều muốn biết nhất; đệ thất (lớp 6) là lớp đầu tiên của bậc trung học đệ nhất cấp.
“Cô tin em sẽ đậu. Nhưng nếu hỏng, em chỉ không được thi vào đệ thất trường công mà phải học trường tư, không khác chi các em khác được miễn thi mà không đậu vô trường công.”
Tôi đâm ra hy vọng: nếu không thi hay thi rớt thì sẽ có cơ hội qua trường Bình Minh học Toán với thầy Đan anh Quang khen nức nở là giỏi và dạy hay vô hậu (hay vô cùng). Cô giáo căn dặn,
“Em về nói cha mẹ lên đây gặp cô hay thầy hiệu trưởng…”
“Con có làm chi mô…” tôi hốt hoảng, tưởng là mình phạm lỗi.
“Cô biết, em đừng lo. Em không đủ tuổi để thi bằng Tiểu học; cần lập hồ sơ xin miễn tuổi.”
Về nhà tôi thản nhiên chạy đi chơi và không nói với ai về chuyện này. Nhưng chỉ hai hôm sau là mẹ và cậu Há đã biết và nhắn cha từ Phú Bài về. Khi cậu trình bày việc xin miễn tuổi cho tôi, cha thất vọng ra mặt,
”Tưởng có chi quan trọng…”
“Răng không quan trọng? Chuyện ni phải có anh quyết định và làm đơn xin.”
“Thiếu tuổi thì thêm tuổi; miễn tuổi miễn tiếc làm chi cho rắc rối?”
“Làm rứa thằng nhỏ bị lớn hơn một tuổi suốt đời, tội hắn!”
“Chuyện con nít ăn thua chi mà toa lo cho mệt xác?” cha kết thúc cuộc thảo luận.
Cha cho người ra Toà án làm lại Chứng chỉ Thế vì Khai sinh sửa năm sinh thêm một tuổi – thật dễ dàng và tiện lợi! Giống như khi cha làm giấy khai sinh cho cả nhà trước đây, ai nấy đều “bị” sinh ra vào ngày đầu tháng: cha ngày 1 tháng Giêng, mẹ ngày 1 tháng Hai, anh Quang 1 tháng Ba, tôi ngày 1 tháng Tư, v.v. Nhớ ngày sinh của anh em tôi theo Âm lịch và đối chiếu với lịch vạn niên của thầy Phước, mẹ nói ngày sinh trên giấy tờ của tôi đi sau ngày sinh thực đúng ba tuần. Với hai ngày sinh và hai năm sinh khác nhau, tôi luôn luôn bối rối và ngượng ngùng vì không biết trả lời thế nào cho đúng khi có người hỏi, “Mi mấy tuổi rồi?” Tuổi tây, tuổi ta, tuổi thật, hay tuổi giấy tờ – biết mô mà lần!
* * *
Để chuẩn bị làm “sĩ tử,” trước hết phải làm đơn xin thi; điền đơn có chú Phu lo, nhưng “đương sự” phải ký tên vào cuối tờ đơn. Dưới sự hướng dẫn của anh Quang, tôi để ra mấy ngày chọn lựa và tập ký sao cho chữ ký “không ai bắt chước được mà biểu hiệu đời mình” (lời của anh), nghĩa là không được quá đơn giản (dễ bắt chước), không được quá rắc rối (ký lại không giống trước), không được gián đoạn (sợ chết yểu), không được chúi xuống mà phải đi lên (hướng đời tương lai), v.v. Không cần đợi tới Tết, mẹ đi chợ Đông Ba mua vải và biểu tôi lại nhà bác thợ may trong xóm may bộ quần áo mới mặc đi thi. Sau đó tôi được cậu Há đưa lên tiệm chụp hình Thạnh Tầm ở Ngã Giữa, tức là đường Gia Long, chụp bóng làm thẻ học sinh để xuất trình khi vào phòng thi.
Học sinh đã nghỉ hè; thấy tôi suốt ngày chơi đùa với đám trẻ con trong xóm và buổi tối mải mê đọc truyện, mẹ đâm lo,
“Thi cử tới nơi mà mẹ thấy con ăn chơi luông tuồng không học hành chi hết.”
“Có bài vở chi mô! Chú Phu nói con không cần học.”
“Chi lạ rứa? Ít ra cũng phải ôn lại bài vở chớ!”
“Dạ…” tôi ừ à cho qua chuyện.
Mẹ đắn đo thật lâu rồi nói,
“Ngày trước cha đậu Tiểu học, nội mần (làm) bò đãi bà con làng nước ăn mừng.”
“Cậu Há nói bằng Tiểu học hồi nớ to ghê lắm, hơn cả Tú tài chừ. Kỳ thi ni thì số má vô mô (đáng kể vào đâu)?”
“Cả làng không mấy ai đi học nên coi bằng Tiểu học to bằng cái nôống, chớ thiệt ra nõ khác chi chừ.” “Cái nôống” là “cái nong,” và “nõ” là “không” hay “chẳng.”
“Rứa hở mẹ?”
“Mẹ nghèo thì nghèo nhưng con đậu mẹ cũng rán ruột thưởng năm chục đồng,”
Năm mươi đồng – một số tiền lớn không thể tưởng tượng! Tôi sẽ lên nhà sách Thượng Tứ mua bộ Chung Vô Diệm, bộ truyện Tàu bốn cuốn do Tô Chẩn dịch và Tín Đức Thi xã xuất bản, mơ ước lâu nay. Trong truyện, Chung Vô Diệm là tiên nữ bị đọa xuống trần thành cô gái diện mạo xấu xa nhưng văn võ tinh thông và pháp thuật cao cường để trở thành vương hậu của Tề Tuyên Vương và giúp nhà vua vững trị quốc gia. Tiền còn lại tôi sẽ kêu gánh chè bán rao vào bao cả nhà ăn một bữa đã đời.
* * *
Một ngày đầu tháng Sáu, thức dậy ăn sáng và sửa soạn đi thi, tôi được biết đêm qua mẹ đi sinh em bé và mọi việc sẽ do chú Phu (ở trong nhà dạy chúng tôi học) lo liệu. Chú đưa tôi đến trường thi, hội đồng Thanh Long là trường tôi học. Ngỡ ngàng vì chung quanh toàn là người lớn – quân nhân và công chức thi lấy bằng để được lên chức hay lên lương – hút thuốc lá và trò chuyện ồn ào, tôi theo phiếu báo danh lẳng lặng vào phòng thi là phòng học lớp Ba. Hai vị giám thị, một nam một nữ, đứng sẵn trong phòng và nghiêm trang nhìn tôi với đôi mắt dò xét.
Buổi sáng thi hai môn Luận (Việt văn) và Sử ký và Địa lý. Bài thi dễ òm, tôi làm một loáng là xong nhưng chú Phu dặn không được nộp bài sớm mà phải dò đi dò lại hết giờ mới được ra nên cứ ngồi nhìn bảng đen khiến thầy giám thị tưởng tôi bí và gằm gằm đứng canh chừng để tôi khỏi… cóp bài người kế bên.
Trưa về nhà ăn cơm, chiều hai giờ mới trở lại thi Toán và Khoa học Thường thức. Trước khi đi kiểm soát lại giấy tờ thì than ôi, cái thẻ học sinh có dán hình nằm trong túi quần không cánh mà bay! Tôi cuống cuồng tìm khắp nơi mà không thấy. Chú Phu đưa tôi đi thi, năn nỉ thầy giám thị,
“Sáng ni cháu tui đã thi rồi, thầy thông cảm cho cháu vào để không bị lỡ kỳ thi.”
“Luật là luật, không có giấy tờ chứng minh không cho thi!” thầy cương quyết.
“Thằng nhỏ mười tuổi, run lẩy bẩy và mặt mày tái nghét như ri, thi thế cho ai mà thầy lo?” chú kêu nài.
Thầy khăng khăng không đổi ý, nhưng cô giám thị hơi xiêu lòng,
“Giám thị được lệnh chỉ cho thí sinh có ‘căn cước’ thi; chừ anh nhờ ai – thầy giáo của em chẳng hạn – viết giấy chứng nhận để chúng tôi theo đúng thủ tục, được không?”
“Nhà cô Hà dạy con ở bên tê; chú qua đó nói cô làm giấy,” tôi nhớ ra và nhắc chú.
“Anh đi mau kẻo trễ; chúng tôi tạm cho em thi, hết giờ mà không có giấy tờ chứng minh thì không thâu bài – kể như bỏ,” cô hối thúc.
“Tau đi đây, mi rán làm bài nghen,” chú chạy bay ra cửa.
Bài thi còn dễ hơn bài buổi sáng nhưng tôi hồi hộp chờ chú Phu trở lại. Chỉ vài phút trước khi kẻng báo hiệu hết giờ, mặt đổ mồ hôi, chú thở hổn hển cầm tờ giấy chứng nhận bước vào. Chú kể sang nhà cô Hà thì người nhà cho biết cô không có nhà mà đang đi sinh. Thời may, chú gặp thằng Đạm đứng xớ rớ gần đó, nó sốt sắng đạp xe dẫn chú tới nhà hộ sinh bên Gia Hội gặp cô. Tôi thầm cám ơn thằng Đạm và nghe chú lầm bầm, “Đi mô cũng gặp liền bà đẻ!”
* * *
Ngày tôi đi thi Tiểu học mẹ sinh em trai, đứa thứ sáu trong gia đình, và đặt tên Lâm. Nhà hộ sinh ở gần Cửa Ngăn, cách nhà chừng năm cây số. Ba hôm sau, tôi và anh Quang đi coi bảng, tức là xem kết quả niêm yết trên bảng thông cáo. Tên tôi nằm đầu tiên trong danh sách thí sinh được chấm đậu với 87 điểm; người kế là một quân nhân được 62 điểm. Đi báo tin cho mẹ, tôi lúp xúp chạy theo xe đạp anh Quang chở thằng Sáng ngồi trên giá mang hành lý đằng sau; vừa “đi” ba anh em vừa trò chuyện huyên thuyên.
Căn phòng tối mù mù, em Lâm nằm trên giường cạnh mẹ, thân hinh cuốn chặt trong khăn và đầu đội mũ len, thò ra khuôn mặt nhỏ tí đỏ hỏn. Thấy chúng tôi, mẹ la (rầy),
“Con trai con lứa vô đây mần chi? Hai bữa nữa mẹ về nhà rồi.”
“Thằng Bé đậu rồi, mà lại đậu thủ khoa,” anh Quang vội vàng nói.
“Mẹ biết mà! Hắn học giỏi, răng mà không đậu cho được,” mẹ cười sung sướng.
“Mẹ hứa thưởng cho con năm chục đồng, tiền mô?” tôi xòe tay đòi.
“Thằng trâu lì ni, mẹ đi đẻ làm chi có tiền đưa cho mi?” anh Quang nạt đùa khiến tôi cúi mặt tiu nghỉu.
“Đừng la ‘chú tân khoa’ của mẹ mà tội. Để mẹ về nhà rồi tính nghe con.”
Qua giọng nói tôi biết mẹ không có sẵn món tiền thưởng đã hứa. Tôi nhớ những đêm cha về nhà theo mẹ nã tiền, những buổi trưa tôi đem đọi (tô lớn) lên nhà mợ Há xin mắm cà về ăn cơm, và những lần nghe mẹ chắt chiu tính toán từng đồng tiền chợ với chị ở. Năm chục đồng là một tuần lễ tiền chợ của cả nhà. Và mẹ phải nằm nơi trong căn phòng hộ sản tồi tàn này! Nhìn khuôn mặt gầy yếu của mẹ, tôi lại gần rờ chân thằng Lâm qua lớp vải quấn bên ngoài,
“Mẹ thưởng tiền nhưng tau cho lại mi. Mai mốt lớn lấy mua sách học cho giỏi, mua truyện ba láp anh Quang đập chết đừng trách.”
Trên đường về nhà lòng tôi vui như mở hội. Lời hứa của mẹ là phần thưởng quý giá nhất trong đời. Và tôi cũng thấy mình xứng đáng với phần thưởng ấy: Trong họ ngoài làng, nếu không kể thế hệ trước (của cha và cậu Há), tôi là đứa học trò duy nhất đã đi thi và thi đậu bằng Tiểu học.
Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 11 tháng Ba, 2015