Trở về trang Mục lục

Bản PDF để in

Loạt truyện "Thuở Học Trò"
của Nguyễn Ngọc Hoa

#5. Thằng Bé Gánh Thuốc Rong

Mùa hè 1958 mới đi qua một nửa, tôi mải mê rong chơi cùng lũ bạn trong xóm thì kỳ thi đệ thất (lớp 6) tới nơi. Đó là kỳ thi tuyển, học sinh tranh đua với những người khác để được nhận vào trường trung học (đệ nhất cấp) công lập có sĩ số giới hạn. Thi rớt phải học trường tư phương tiện giáo huấn không đầy đủ và kỷ luật không chặt chẽ bằng trường công và nhất là phải đóng học phí hàng tháng.

Nữ sinh thi vào trường Đồng Khánh trong lúc nam sinh có ba trường để lựa chọn: Quốc Học (trước là Khải Định), Nguyễn Tri Phương, và Hàm Nghi. Chỉ một mình trường Hàm Nghi nằm ở tả ngạn sông Hương và gần nhà nhất, nhưng mẹ biểu anh Quang nộp đơn cho tôi thi vào Nguyễn Tri Phương,

“Trường nớ gần nhà o Nậm dượng Tụng bên Xóm Chuối; mùa mưa lụt gởi hắn ở luôn bên nhà o.” O Nậm là em họ của cha; dượng làm trung sĩ Công binh ở Đà nẵng, vừa về hưu và dọn nhà về Huế.

Học trò trường Thanh Long chỉ có tôi và thằng Chiên nhà bán thuốc bắc gần cầu Đông Ba thi vào trường Nguyễn Tri Phương nên chúng tôi thường gặp nhau nói chuyện thi cử. Trường có bốn lớp đệ thất lấy vào 240 học sinh mà nghe nói hơn 1,200 người nộp đơn. Học giỏi và cuối năm được lãnh phần thưởng, thằng Chiên tự tin,

“Mỗi thằng địch lại năm thằng; hai đứa mình dư sức qua cầu!”

“Không dễ ăn ! Muốn đậu phải đè đầu hơn chín trăm rưởi thằng khác,” tôi cãi.

“Nhớ đừng nói trước bước không qua; mi không được nói ‘đậu rồi’ mà phải giả đò bị ‘đánh hỏng,’” nó khuyên tôi.

Răng rứa?”

“Nói lái ‘đậu rồi’ thành ‘đội rầu’ tức là mang nỗi buồn rầu thi rớt trên đầu mà ‘đánh hỏng’ thành ‘đóng hãnh’ tức là mang niềm hãnh diện thi đậu vào mình,” nó cười đắc ý với cách nói ví tự nghĩ ra.

Đêm trước ngày thi, tôi ngủ lại nhà o Nậm. Đề thi cả hai môn Toán và Luận (Việt văn) không có gì khó mà nhiều người ngồi cắn bút rồi nộp giấy trắng ra về. Tôi làm bài suôn sẻ, trưa về khoe với o và được đãi một bữa bánh nậm (bánh lá) và bánh bột lọc no nê. Dượng Tụng dịu dàng,

“Dượng thăm chừng khi có bảng sẽ đi coi và báo tin vui.” “Có bảng” là kết quả được công bố và niêm yết trên bảng thông cáo, và “coi bảng” là đi xem kết quả.

Năm hôm sau, buổi chiều gần tối, dượng đạp xe sang nhà tôi với vẻ mặt buồn xo,

“Chị ơi, thằng Bé hỏng rồi! Trên bảng không có tên hắn.”

Chết cha! Răng rứa?” mẹ la thất thanh.

Học tài thi phận, con đừng buồn! Tương lai còn dài, hỏng keo này mình bày keo khác!” dượng an ủi tôi.

Ăn thua chi, con học đệ thất trường Bình Minh cũng được,” tôi thất vọng vì mẹ buồn và mắc cỡ vì lỡ khoe với o dượng mình làm bài được.

Suốt bữa ăn tối cả nhà không ai nói một lời. Chưa tin thằng Bé thi rớt, mẹ ôm thằng Lâm (mới hơn một tháng) đi ngủ sớm nhưng nằm trằn trọc không yên. Khoảng chín giờ tối mẹ bỗng nhổm dậy gọi anh Quang,

“Con lên nhà cậu Há gấp, nhờ cậu lấy đèn pin đi coi bảng lại cho mẹ. Tên hắn có phải là ‘thằng Bé!”

Cậu Há và anh Quang tìm thấy tên tôi nằm đầu tiên trong danh sách các học sinh được thu nhận. Sau vụ lầm lẫn thót ruột này, mẹ cấm không được gọi tên “thằng Bé” tôi mang từ hồi chập chững biết đi. Thay vào đó là tên “Ba Hoa” vì tôi là “thứ ba” trong gia đình và để biểu thị tính vụng về ít nói của tôi – ngược với “ba hoa chích chòe.”

* * *

Ôm chiếc cặp da “to bằng người hắn” (lời của mẹ) đựng đầy sách vở, tôi rời nhà đi học lúc sáu giờ sáng. Mẹ cho hai đồng và dặn tới bến xe đò đầu đường Huỳnh Thúc Kháng thì xuống bến đò đi đò qua sông, vừa nghỉ chân vừa khỏi đi xa. Nhưng tôi qua nhà thằng Chiên rủ nó đi học; nó không có tiền đi đò nên hai thằng theo đường Trần Hưng Đạo rồi qua cầu Trường Tiền tới trường. Tôi để dành tiền và cất kỹ, chờ đến Tết mua bộ truyện Tàu Chung Vô Diệm mơ ước từ lâu.

Anh Quang biết “âm mưu” này, theo năn nỉ mượn tiền chở tôi đi ăn chè Ga tức là chè bán ở ga xe lửa trên Bến Ngự, và hứa trả lại gấp đôi. Thèm ăn chè nhưng tôi nhất định không lòi tiền ra, mặc cho anh cười nhạo,

Mithằng kẹo kéo số một trên đời.” Kẹo kéo bán rong màu trắng làm bằng mật mía hoặc đường cuộn đậu phụng rang chín bên trong. Kẹo kéo rất dẻo và dễ kéo dài thành thanh nhỏ nên “kẹo kéo” chỉ người hà tiện hay keo kiệt.

Tôi và thằng Chiên được học cùng một lớp; tôi ngồi bàn đầu bên cạnh thằng Liên Thân – họ Liên tên Thân – và thằng Chiên ngồi bàn thứ hai sau lưng tôi. Buổi học đầu tiên, thằng Thân hất hàm hỏi tôi,

Mi học trường ?”

“Trường Thanh Long dưới xóm Ba Đình. Biết không?”

Răng không biết. Học trò trường nhà quê nớ mà đậu nổi vô đây à?”

Mi biết ai đậu đầu vô trường ni không?” nghe chướng tai thằng Chiên nói với lên.

“Không… Thằng ?”

Hắn, thằng Ba Hoa, chớ ai!” thằng Chiên cười hi hí.

Tối hôm ấy cậu Há đến nhà chơi tôi thắc mắc,

“Lớp con có thằng Liên Thân người Minh Hương mà nói tiếng Huế rành rỏi dễ sợ.”

“Nói tầm bậy! ‘Liên’ không phải họ Tàu mà thuộc dòng dõi hoàng tộc chớ nõ chơi mô.”

“Con nghe nói triều nhà Nguyễn đặt họ cho con trai là

Miên – Hường – Ưng – Bửu – Vĩnh – Bảo – …

có họ ‘Liên’?” anh Quang đứng gần xen vào.

“Hồi xưa vua Minh Mạng làm bài Đế Hệ Thi và mười bài Phiên Hệ Thi mỗi bài hai mươi chữ quy định cách đặt họ cho các thế hệ sau. Mấy họ mi nói là Đế Hệ Thi dùng cho con cháu của vua,” cậu giải thích.

Anh Quang hiểu ra,

Phiên Hệ Thi dùng cho con cháu các hoàng tử con vua Gia Long, anh em của vua Minh Mạng.”

“Đúng rồi! Bài thứ nhất dành cho con cháu Hoàng tử Cảnh:

Mỹ – Duệ – Tăng – Cường – Tráng – Liên – …

Liên Thân là cháu bảy đời, tính ra là anh họ của cựu hoàng Bảo Đại Vĩnh Thụy; cha hắn là Tráng Lữ học Khải Định với tau.”

“Ông Lữ chừ mần to (làm lớn) lắm!” anh gật gù; hèn chi thằng Thân đi học bằng xe hơi có tài xế mặc sắc phục cảnh sát đưa đón.

* * *

Một hôm từ trường về nhà, tôi và thằng Chiên hiếu kỳ dừng lại xem gánh thuốc rong cạnh những hàng quán lộ thiên trong khoảnh đất giữa cầu Trường Tiền và chợ Đông Ba. Một ông chừng ba mươi tuổi, quần áo chỉnh tề nhưng nhàu nát, nói tiếng Bình Định giả giọng Nam quảng cáo mỡ trăn,

Mại dzô! Mại dzô! Thò tay ngọc bọc tay dzàng, mau mau dzang tay ra mà lượm! Thần dược do các danh y Ấn Độ khám phá ra mấy ngàn năm trước được đại lý chúng tôi tại Sài gòn độc quyền phân phối sẽ giúp quý bà quý cô tẩy lông và có làn da mịn màng trắng trẻo.”

“Đàn ông dùng được không?” một kẻ cò mồi đứng trong đám đông la to.

“Quý ông không nên dùng để trừ râu! Bôi vào, râu mọc dza không được sẽ mọc ngược dzô trong,” hình như ông nói đùa, nhưng tôi không thấy ai cười.

Tiếp theo, ông điều khiển con khỉ con mặc áo ngắn cũn cỡn đạp chiếc xe đạp tí hon và leo lên cái thang đồ chơi trẻ em nhào lộn, trong khi một thằng bé chừng sáu bảy tuổi mặt mày lem luốc ngồi chính giữa đánh trống liên hồi. Để chứng tỏ sự công hiệu của một “thần dược” khác là thuốc dán trị vết thương, chỗ phỏng, bệnh trĩ, v.v., ông biểu thằng bé vén tay áo và dùng dao sắc cứa một đường chừng ba phân trên cánh tay nó. Vết cắt rướm máu, thằng bé đau ứa nước mắt, nhưng ông thản nhiên lớn tiếng,

“Thuốc dán do ngự y của Tần Thủy Hoàng bên Trung Hoa chế ra hơn hai ngàn năm nay. Dán lên vết thương thằng con tui sẽ cầm máu tức thì, và trong vòng một tiếng đồng hồ sẽ kín miệng và lành hẳn.” Người ta trầm trồ khen ngợi và chìa tiền mua thuốc, không ai quan tâm đến thằng bé.

Xem xiệc và chứng kiến cảnh rạch tay đến chiều thứ Bảy, ngày học cuối cùng trong tuần, tôi và thằng Chiên nán lại đợi đám đông giải tán và ông bán thuốc và mấy người cò mồi qua quán Lạc Sơn uống cà phê, để lại thằng bé giữ đồ đạc. Nhai ngấu nghiến miếng bánh đúc bằng nửa bàn tay, hình như đói bụng lắm, nó không thèm nhìn khi tôi hỏi,

“Cha mi cứa tay có đau không?”

“Hỏi gì kỳ, cứa tay mà không đau thì làm gì mới đau? Ông đó đâu phải cha tui!” nó trả lời bằng giọng Sài gòn lạ tai.

“Cha mẹ mi mô?” thằng Chiên ngạc nhiên.

“Đâu trong Xè Goòng! Tui ở nhà với tía má, xin tiền mua bánh mà má không cho, tức mình ‘bỏ nhà đi.’ Ra đường gặp ổng cho tiền mua đồ chơi và ăn uống thả giàn. Dzậy là tui đi theo!”

Răng không tìm cách trốn về nhà?” tôi hỏi.

“Làm sao dzìa? Biết nhà đâu mà dzìa?”

Rưng rưng nhìn khuôn mặt buồn khổ của thằng bé, tôi thò thay vào túi lấy cuốn giấy bạc một đồng để dành lâu nay giúi vào tay nó rồi kéo thằng Chiên đi thật nhanh. Suốt ngày hôm đó trong đầu tôi chỉ có một ý nghĩ duy nhất: làm sao giúp thằng bé kia về nhà với cha mẹ? Trước khi đi ngủ tôi khấn,

“Lạy Ngài, xin Ngài linh thiêng chỉ cho con cách cứu hắn. Con hứa từ nay sẽ không cất dấu tiền mẹ cho đi đò.” Đối với trẻ con Huế, “Ngài” là một đấng quyền năng luôn luôn đáp ứng những lời cầu xin.

Sáng hôm sau thức dậy, tôi ra vườn sau, lấy tờ giấy giữa trong cuốn vở vẽ khổ lớn, trải rộng ra, và dùng màu nước kẻ tấm biểu ngữ

Đả Đảo Mỹ - Diệm
Hồ Chí Minh muôn năm.

Sáng thứ Hai, trên đường tới trường tôi và thằng Chiên bàn thảo kế hoạch hành động. Nhân có giờ trống, chúng tôi mời thằng Thân ra cổng trường ăn hàng (ăn quà vặt). Tôi nịnh,

“Cậu tau nói mi là con nhà trâm anh thế phiệt, danh gia vọng tộc.”

“Ông cố tau là một tứ trụ triều đình, và gia đình ai cũng làm quan to,” được nước nó khoác lác.

“Trường Tiểu học Nam Giao của mi là nơi đào tạo nhân tài xứ Huế. Mai mốt thành ông nọ ông tê, đừng quên hai thằng tau,” thằng Chiên bơm vào.

Tôi bao (đãi) thằng Thân một cây cà rem và hai đứa tôi phải chia nhau một thanh kẹo kéo vì mỗi thứ một đồng mà tôi chỉ có hai đồng. Hai đứa thay nhau tâng bốc khiến nó khoái chí lên tận mây xanh; bỗng nhiên thằng Chiên tung ra một đòn bất ngờ,

“Công nhận cái chi mi cũng hơn tụi tau. Nhưng có một cái mi thua…”

“Thua chi?”

“Tụi tau ngày cũng chộ (thấy) Việt minh, còn mi ở trong tháp ngà mù tịt thế sự.”

Chộ hắn mô?”

“Gánh cao đơn hoàn tán bán rong bên chợ Đông Ba đó.”

“Nói phách tấu, làm chi có hắn nơi chợ búa đông người?” nó làm ra vẻ không tin.

Mi đừng láng cháng tới đó, bị bắt đem đi như chơi!” tôi dọa nó; “láng cháng” là xớ rớ, vởn vơ ở đâu mà không có việc gì làm.

Giờ học cuối thằng Thân ngồi nhấp nhổm không yên, mong cho hết giờ xe nhà tới đón. Tôi và thằng Chiên chạy lẹ tới gánh thuốc rong, đợi ông bán hàng đi uống cà phê, và trong khi thằng Chiên nói chuyện với thằng bé tôi mở cặp lấy tấm biểu ngữ chuồi xuống dưới thùng đựng thuốc dán.

* * *

Một tuần lễ sau, cậu Há cầm tờ báo xuống nhà nói với mẹ.

“Tụi Vẹm chừ lộng hành quá sức! Cơ quan an ninh vừa tóm được đám cán bộ giả dạng bán thuốc dạo để liên lạc và tổ chức mạng lưới đặc công, ám sát và phá hoại.”

“Chỗ mô rứa cậu?”

“Ngay cạnh chợ Đông Ba – trên đường thằng Ba Hoa đi học hàng ngày. Bọn hắn nhẫn tâm bắt cóc con nít mang theo để lạm dụng và che mắt thiên hạ.”

“Đứa con nít bị bắt chừ ra răng?” tôi nôn nóng hỏi, quên mình cần giữ bí mật.

“Báo nói em nớ được Ty Xã hội chăm sóc và giúp tìm lại cha mẹ,” cậu nhìn tôi cười.

Mẹ suy nghĩ một hồi rồi nói,

“Hay là cậu xin cho cháu chuyển trường qua bên Hàm Nghi học cho tui yên tâm?”

“Chị không nói tui cũng tính đề nghị như rứa. Anh Lữ nói là cảnh sát đã biết và theo dõi từ đầu nhưng chưa bắt liền vì đợi túm trọn ổ. Không dè ‘mật báo viên’ hấp tấp nên phải ra tay sớm, sợ lũ ác ôn nghi ngờ mà cao chạy xa bay, thành ra dư đảng chưa trừ hết.”

Như thể cậu giải thích cho tôi! “Mật báo viên” còn ai khác hơn tôi và thằng Chiên? Chúng tôi dùng thằng Thân đưa tin và định vu oan cho ông bán thuốc, mong là cơ quan an ninh điều tra sẽ tìm ra vụ bắt cóc thằng bé. Không ngờ ông ta và đồng bọn là kẻ gian thực sự, tấm biểu ngữ chống chính phủ (giả) gài dưới thùng thuốc dán đã khiến cho kế hoạch của cảnh sát suýt bị đổ bể.

Sau khi chuyển trường, ít khi gặp thằng Chiên nhưng tôi giữ lời hứa với Ngài: học Hàm Nghi không cần đi đò nên mẹ không cho tiền và khỏi cần cất dấu. Nghĩ tới thằng bé, tôi tự hỏi thuốc dán ông ta rao bán có chữa lành những vết cắt trên cánh tay nó hay không.

Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 01 tháng Tư, 2015

Trở về đầu trang