![]() |
Loạt truyện "Thuở Học Trò"
của Nguyễn Ngọc Hoa
7. Thằng Bạn Khác Phái
Mùa thu 1959 tôi học đệ lục (lớp 7) trường Hàm Nghi. Chú Phu đã nhập ngũ vào học Liên trường Võ khoa Thủ Đức trong Sài gòn nên mẹ mời anh Tân về ở trong nhà dạy kèm cho anh em tôi. Anh là con bác Tống, người cùng làng và bạn thân của cậu Há; nhà ở Đà Nẳng, anh ra Huế học Đại học Sư phạm ba năm để thành giáo sư trung học đệ nhị cấp – đệ tam (lớp 10) đến đệ nhất (lớp 12). Khác với chú Phu, anh Tân hiền và ít nói, ít khi la mắng mà hay khen ngợi và khuyến khích chúng tôi.
Trong lớp tôi ngồi bàn thứ hai bên cạnh thằng Miên, một người bạn mới. Thằng Phúc bạn thân năm trước cao hơn nên ngồi ở bàn thứ ba. Thằng Miên người tròn trịa, nước da trắng, giọng nói trong và cao như con gái, và đặc biệt có chiếc mông rất lớn, nhô hẳn ra đằng sau nên bị lũ bạn gọi đùa là “Miên Doi.” Nhà thằng Miên nằm giữa cửa Mang Cá gần nhà tôi và Bao Vinh là nơi sông Đông Ba (thường gọi là sông Đào) đổ ra sông Hương trở lại. Vì vậy ba thằng đi học về cùng đường: thằng Miên ở xa nhất rồi đến tôi và gần hơn là thằng Phúc, nó ở trọ nhà chú thím sau trường Bình Minh dưới chân cầu Thanh Long.
Trong các môn học, tôi sợ nhất là giờ Quốc văn vị giáo sư giảng dạy có tiếng là… Hán rộng nhất trường. Không phải vì thầy khó hay học khó mà vì giờ của thầy rất buồn ngủ. Trạc độ bốn mươi, dáng người tầm thước, và giảng bài nhát gừng, thầy thường ngồi trên bàn đọc những bài quốc văn có sẵn trong sách cho học trò chép và chỉ đứng dậy khi trống trường báo hiệu hết giờ hay để viết lên bảng một câu đối chữ Hán thật to, thí dụ như
Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách
Sắc bất ba đào dị nịch nhân
(Mưa không có then khóa mà có thể giữ được khách
Sắc đẹp phụ nữ không có sóng mà dễ nhận chìm người).
Thầy biểu chép lại các câu đối đó và về nhà tập viết cho thuộc lòng để tuần sau trả bài. Nhưng khi kêu trả bài, thay vì gọi tên học sinh trong sổ điểm danh, thầy cho phép tình nguyện lên bảng viết đúng hết sẽ được hai mươi điểm (20/20), tức là điểm số tối đa.
Cũng như các bạn trong lớp, tôi thích học với cô Ngân Tiên nhất vì cô dạy hấp dẫn và dễ hiểu. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm một năm, chương trình đào tạo giáo sư trung học đệ nhất cấp – đệ thất (lớp 6) đến đệ tứ (lớp 9), và mới dạy năm đầu tiên nên cô còn rất trẻ với mái tóc cắt ngắn, dáng điệu nhí nhảnh, nói năng cởi mở, và không giữ kẽ như thường thấy ở các cô gái Huế. Trông giống như cô nữ sinh trung học trong phim xi-nê ngoại quốc, cô là đối tượng mơ ước của đám học trò lớn tuổi ngồi ở dãy bàn cuối lớp đi học lấy có chờ ngày đăng lính, chuyên môn phá phách, và không nể vì các giáo sư trẻ. Có lẽ biết điều này nên cô thường khoe,
“Thầy hiệu trưởng là bạn thân của ông anh cả tôi nên thầy thương tôi như em.” Ông hiệu trưởng có tiếng dữ đòn nên học trò đứa nào cũng ngán và nhờ đó cô bớt bị chọc ghẹo.
Trước đây tôi đã nghe anh Tân và các bạn bàn tán rất nhiều về cô sinh viên tóc ngắn “mi nhon” nhất Đại học Huế ấy. “Mi nhon” do tiếng Pháp mignonne là nhỏ nhắn dễ thương. Nhiều nam sinh viên, trong đó có lẽ có cả anh Tân, đã trổ tài “cua” nhưng không anh nào “dính,” và chưa ai lọt vào mắt xanh của nàng. Anh Tân hay kể lại dáng điệu, cách phục sức, lối trang điểm, và lối nói chuyện của cô nên tôi có cảm tưởng đã quen biết cô từ lâu.
* * *
Đối với tôi, thằng Miên rất thảo ăn và rộng rãi. Ở nhà mạ nó có quà bánh hay trái cây ngon, nó để dành và đi học mang theo cho tôi. Có được cuốn truyện hay sách học mới, nó đưa cho tôi dùng trước. Khi tôi hỏi mượn hay xin bất cứ món gì, nó đưa cho tôi mà không hề ngần ngại. Bình thường nó ân cần hỏi han tôi và chăm chú đến những chi tiết nhỏ nhặt nhất, nhưng đôi khi vui buồn bất chợt: có khi suốt đoạn đường đi học về trầm ngâm không nói một lời, có khi huyên thuyên nói như sanh như sứa (nói nhiều và dai). Thỉnh thoảng nó lại giận dỗi vì những duyên cớ không đâu.
Khi giận tôi, nó không thèm nói chuyện mà vào lớp khởi hấn cuộc “khẩu chiến” bằng cách công khai kêu tên cha – “Thông” – qua những câu hỏi nêu lên cho thầy trả lời. Thí dụ, nhân thầy Quốc văn cho học bài “Thông Reo,” một đoạn văn của Xuân Diệu, cho rằng
Thông reo không cần tới gió, mà gió thổi là nhờ thông reo,
thằng Miên nắm lấy cơ hội giơ tay hỏi,
“Thưa thầy, cây thông nớ là loại thông chi? Thông trồng chỗ mô mà răng thông reo không cần tới gió?” Mỗi lần nói tiếng “thông,” nó liếc mắt nhìn tôi với nụ cười đắc thắng.
Để phản công, đợi đến giờ Sử ký thầy dạy về đời nhà Lý đạo Phật phát triển đến hồi cực thịnh, tôi giơ tay lên,
“Thưa thầy, có phải Lý Thái Tổ lúc nhỏ đi tu trong chùa, đời nhà Lý các vị vua khuyến khích dân chúng xây dựng chùa chiền và tuyển mộ các thầy tu, và các thầy tu được đặc biệt trọng đãi? Thời xưa có phải như chừ thanh niên đi tu để khỏi đi lính?” tôi nhìn thằng Miên nhấn mạnh từng tiếng “tu”– ba nó tên “Tu.”
Một buổi chiều ngoài giờ học, thằng Miên rủ tôi đi coi đá banh trường nhà đấu với trường Nguyễn Tri Phương. Trận đấu diễn ra trên bãi cỏ rộng ở trước trường dùng làm sân vận động cho học sinh. Sau trận đấu bóng, hai thằng chơi trò rượt bắt; tôi chạy nhanh, nó lại chạy nhanh hơn và bắt được tôi. Nắm hai tay tôi giăng ngang ra, đè tôi nằm ngửa trên cỏ, và ghìm chặt tay và thân hình tôi xuống, nó ghé miệng trún nước miếng vào miệng tôi và cười rúc rich ra điều thích thú. Tôi lấy hết sức vùng ra, đạp mạnh vào bụng nó, lấy tay quẹt miệng, và nhổ nước miếng xuống đất,
“Tổ cha thằng ‘Tu Doi’ mất dạy! Đồ nhơ nhớp, không thèm chơi với đồ chó như mi nữa!”
Nước mắt lưng tròng, thằng Miên quay mặt bỏ đi. Hôm sau, giờ Toán của cô Ngân Tiên, chúng tôi còn giận nhau. Không nhìn nó, tôi lặng lẽ gấp giấy làm “máy chiếu phim,” một “phát minh” tôi nghĩ ra nhân đọc lén sách học của anh Tân về nguyên tắc phim xi-nê: Chiếu lên màn ảnh một chuỗi ảnh chụp riêng rẻ của một vật trong một thời gian ngắn sẽ tạo nên ảo tượng thị giác khiến khán giả thấy vật đó chuyển động liên tục. Ngoài ra, thầy Vạn vật nói trẻ sơ sinh “thở bằng bụng,” nghĩa là bụng em bé phồng ra thóp vào khi phổi thở, trong khi người lớn “thở bằng ngực,” tức là lồng ngực di chuyển.
Tôi lấy một dãi giấy trắng bề ngang chừng năm phân, bề dài khoảng hai tấc, và xếp đôi lại thành hai tờ liền nhau – trước và sau. Trên mỗi tờ, tôi vẽ phác hình nhìn nghiêng của một phụ nữ khỏa thân (với mái tóc dài và ngực nhọn); hai cái hình y hệt nhau ngoại trừ trong tờ trước phần bụng thóp vào và trong tờ sau phần bụng phình ra. Giữ cho tờ sau phẳng trên bàn, tôi dùng cán bút miết lên tờ trước nhiều lần đến khi tờ này cuốn tròn lại như một cái ống – chiếc “máy” của tôi sẵn sàng để dùng. Khi chơi tôi dùng cán bút gạt nhanh cho tờ trước gần phẳng với tờ sau rồi lùi lại để nó cuốn tròn như cũ; gạt lui gạt tới như thế thật nhanh sẽ khiến người xem thấy bụng người đàn bà di chuyển ra vào liên tục. Cuối cùng, tôi đặt tựa đề cho “cuốn phim” và ghi vào phần dưới tờ sau bằng mực đỏ: “Cô Ngân Tiên Thở Bụng.”
Buổi “chiếu phim” của tôi không kéo dài được lâu vì thằng Miên nảy giờ tức tối giật lấy món đồ chơi đem lên trình với cô. Chỉ cần thấy tựa “cuốn phim” là cô giận tái mặt; không thèm nói năng, cô đứng dậy nguýt dài một cái rồi ngoe nguẩy đi ra cửa – cầm cái “máy” lên văn phòng hiệu trưởng. Cả lớp nhốn nháo bàn tán ồn ào đến hết giờ mà không thấy cô trở lại.
Sáng hôm sau, trong giờ Quốc văn, ông hiệu trưởng cầm roi mây xuất hiện với cô Ngân Tiên đứng sau lưng. Không chất vấn kẻ phạm tội hay công bố tội danh phạm phải, ông nghiêm nghị ra lệnh cho tôi nằm sấp trên bục bảng đen, đánh ba roi vào mông, rồi biểu đứng dậy và gằn giọng,
“Về nói với phụ huynh lên xin lỗi cô Ngân Tiên rồi mới cho học.”
Tối hôm ấy, tôi kể mọi chuyện với anh Tân, nhờ anh đi xin lỗi cô Ngân Tiên, và năn nỉ đừng cho mẹ biết. Anh gật gù,
“Không răng mô! Con nớ ngoài miệng đả đớt ỏng ẹo rứa chớ trong bụng hắn hiền và tốt vô số. Không chừng khi biết chuyện ‘máy chiếu phim,’ hắn phục cả tơi cả nón mà cho mi vài con hai chục (điểm) đó.” “Tốt vô số” là “tốt ghê lắm” hay “tốt không thể tưởng.”
* * *
Tuần sau, trong giờ nghỉ, thằng Lực và thằng Cử – hai thằng cao to và lớn họng nhất đám phá phách ngồi ở cuối lớp – kêu tôi ra nói chuyện. Năm ngoái, sau lần tôi lãnh án oan về vụ phá cô Tố Hường mà chính chúng là thủ phạm, hai đứa này hết lòng cảm phục tôi. Thằng Cử, giỏi võ Thiếu Lâm và “một cây” nói tục, xun xoe như thường lệ,
“Tụi tau phải tôn mi làm đại ca mới đúng. Con nớ thần thế như rứa mà mi coi như pha. Ngồi trên ổ kiến lửa mà không sợ phỏng dái!”
“Tau vẽ hình chơi mà cô hiểu lầm… Có chi mô!” tôi biết nó sẽ không tin.
“Chỗ anh em tau nói mi nghe… Thiếu chi người mà mi chơi với thằng lại cái phản bạn nớ,” thằng Lực hạ thấp giọng.
“Mi nói ai?”
“Cô Miên ngủ một mình —còn ai trồng khoai đất này?” nó không nói tên mà trả lời bằng vế đối thầy Quốc văn dạy, theo đó “cô Miên” có thể là cô gái tên Miên hay là danh từ Hán-Việt “cô miên” có nghĩa là “ngủ một mình.” Thầy nói chưa ai đối được cho hoàn toàn chỉnh.
Thằng Miên là “con gái” thật sao? Nhớ lại tuần trước nó đè tôi nằm trên bãi cỏ và cố… (à phải rồi) hôn lên môi tôi, và vì phản kháng mạnh mẽ khiến nó nổi cơn giận hờn mà tôi bị ăn... lươn mây của ông hiệu trưởng. Nhưng dù gì đi nữa, nó là bạn tôi. Và một khi đã kết bạn với nhau, tình bằng hữu tồn tục suốt đời. Lợi dụng cái danh “anh hùng” hảo được gán cho, tôi chỉ mặt hai thằng kia ra oai,
“Nói cho tụi bây biết, thằng Miên là bạn tau. Đứa mô xú xớ nói chuyện tò le phao tin ba láp sẽ biết tay tau.” Tiếng Huế “tò le” (tiếng kèn thổi) là ngồi lê đôi mách, ưa nói đi nói lại chuyện của người này sang người khác.
Tôi và thằng Miên tiếp tục là hai thằng bạn thân trong nhiều năm... Cho đến khi vì chiến cuộc chúng tôi mất liên lạc với nhau, nó vẫn độc thân và chưa hề có bồ.
Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 20 tháng Năm, 2015