Trở về trang Mục lục

Bản PDF để in

Loạt truyện "Thuở Học Trò"
của Nguyễn Ngọc Hoa

8. Như Một Cặp Vần

Trong bốn năm trung học đệ nhất cấp ỏ trường Hàm Nghi của tôi, đệ ngũ (lớp 8) là năm học thoải mái nhất. Sau hai năm đệ thất (lớp 6) và đệ lục (lớp 7), tôi đã quen với trường, với thầy, với bạn, và với đời học sinh trung học. Học trò đệ ngũ được coi là lớp lớn nên giáo sư và giám thị nể trọng hơn, mà cuối năm không phải năm thi (lấy bằng Trung học Đệ nhất cấp) như đệ tứ (lớp 10) nên tha hồ ăn chơi. “Đệ ngũ” nói lái thành một tiếng khá tục tĩu vì “đi nghễ” tiếng Huế là đi ngắm phụ nữ, và khi nghe nói “học đệ ngũ” học trò Huế thường mỉm cười liên tưởng tới… chuyện khác.

Hai bên đường Tống Duy Tân trước trường, trước là đường Quốc Tử Giám, trồng toàn mù u, một loại cây to có lá dài hoa trắng và trái tròn to gần bằng quả bóng bàn với vỏ cứng mà mỏng. Lần nào đi trên đường này tôi cũng ngậm ngùi nhớ chuyện xưa kể rằng, khi dự trù kế hoạch đánh quân Pháp tại kinh đô năm Ất Sửu (1885), các quan ta nhận thấy lính Pháp lúc nào cũng mang ghệt (tiếng Pháp là guêtres) bọc đầu gối, cho là “Tây không có đầu gối,” và nghĩ kế rải trái mù u giữa đường cho chúng té ngã; khi đó ta tha hồ xông ra chém giết. Ôi thôi, phe ta đã lầm to!

Học trò Hàm Nghi tự hào về nét trữ tình đặc biệt của hàng cây phượng vỹ hoa đỏ rực đầy trời mỗi khi hè về ở hai bên đường Đoàn thị Điểm bên hông phải của trường. Con đường ấy, trước là đường Hiển Nhơn vì chạy qua trước cửa Hiển Nhơn phía đông Đại Nội, sau này được một nhạc sĩ gọi là “đường phượng bay” mù không lối vào, hàng cây thắm xanh gần với nhau.

Nam sinh trường công đi học mặc đồng phục quần xanh đậm áo trắng mà học trò nhỏ tuổi như tôi thường hãnh diện, nhưng mấy đứa lớn hay hổ thẹn vì bị ép vào khuôn khổ và sợ con gái chê là cù lần nên thỉnh thoảng phá rào mặc màu khác rồi bị thầy tổng giám thị đuổi về nhà. Năm nay bỗng có lệnh ngày thứ Hai chào cờ học sinh phải mặc quần trắng áo trắng. Thằng Phúc, nhà ở làng La Chữ lên Huế ở trọ học nhà chú thím, phải về quê để,
“Nói mạ tau bán thúng thóc giống lấy tiền may đồng phục trắng…” Hai năm nay, ngoại trừ tiền mua sách vở để học, tôi chưa hề thấy nó tiêu một đồng bạc nào.

Từ đó chúng tôi phải mặc đồ trắng trong mọi lễ lạt, chẳng hạn như đi dự mít-tinh, tức là các cuộc biểu tình ở Phu Văn Lâu trong đó các viên chức trên khán đài thi nhau đọc diễn văn, các đoàn thể xếp hàng phô trương biểu ngữ đằng trước, và lũ học trò nhỏ đứng ngay ngắn đằng sau không ai để ý tới. Hai cuộc mít tinh lớn nhất là lễ Song Thất, tức là ngày bảy tháng Bảy, ngày Cụ Ngô về nước chấp chánh; và lễ Quốc Khánh vào ngày 26 tháng Mười, ngày khai sinh nền Cộng hòa.

Nhưng giáo sư hướng dẫn mỗi lớp điểm danh và kiểm soát học sinh kỹ lưỡng nhất khi đi đón Cụ vào ngày mồng bốn tháng Giêng Dương lịch hàng năm; gần Tết trời mùa đông Huế mưa phùn và gió lạnh. Ngày mồng ba Cụ ăn sinh nhật của mình ở Sài gòn, mồng bốn bay ra Huế thăm Cụ Cố (bà mẹ), và mồng năm mừng sinh nhật của bà. Học trò Hàm Nghi tập họp ở trường lúc tám giờ sáng, đi hàng một ra Cửa Thượng Tứ, qua cầu Trường Tiền, và tới địa điểm chỉ định là góc đường Tự Đức chạy qua cầu Trường Tiền và đường Lê Thái Tổ dọc theo bờ sông Hương; đó là một trong những nơi xe Cụ sẽ đi qua từ phi trường Phú Bài về Phú Cam là nơi Cụ Cố ở.

Đứng ở hai bên đường, chúng tôi được phát cây cờ bằng giấy cầm tay và… chờ đợi. Đợi hoài đợi mãi đợi đến hai giờ chiều mà chưa thấy Cụ ra. Mẹ nói tôi xấu máu đói, nghĩa là khi đói bụng sinh ra cáu kỉnh, gắt gỏng, và nói năng ẩu tả, nên hay trêu,

Học trò đi học đã về,
Cơm canh chưa chín đã trề mui ra.

Trong lòng tức tối nhưng tôi chỉ dám càm ràm với thằng Phúc và thằng Miên,

Họ đi thăm mẹ, việc chi tới mình mà phải đón rước, hành con người ta lạnh cắm (cắn) răng và đói meo như ri?”

Mi đừng nói rứa không nên. Cụ lãnh đạo quốc gia, dẫn dắt dân tộc…” thằng Phúc kéo tay tôi can ngan; người Huế nói “không nên” để chỉ lời lẽ hay hành động xúc phạm tới thần thánh hay kẻ khuất mặt khuất mày.

“Nói như con khẹt người ta! Mừng sinh nhật mẹ họ thì can chi tới việc lãnh đạo quốc gia?”

“Thôi… thôi… Cụ tới rồi tề! Phất cờ mau mau rồi về…” thằng Miên thúc dục.

Cuộc “đón rước” kéo dài không tới một phút. Đoàn xe mô-tô cảnh sát mặc đồ trắng, đội kết trắng, và mang găng trắng dài tới khuỷu tay hộ tống hai chiếc xe màu đen bịt bùng chạy vút qua như không biết có mấy ngàn học sinh đứng phất cờ hoan hô nhiệt liệt.

Tối hôm đó, tôi lên cơn sốt; mẹ lo lắng biểu anh Quang mời cậu Há đến thăm bệnh. Năm nay anh học đệ tam (lớp 10) trường Bán Công gần Ty Bưu Điện. Cậu sờ trán tôi,

Không răng mô! Chỉ ấm đầu, uống Tiêu Ban Lộ là mai hết đau (bệnh).”

Răng con phải dầm mưa đi đón Cụ Ngô mà anh Quang không đi?” tôi ấm ức hỏi cậu.

Tau nghe nói những chuyện bợ đỡ điếu đóm nớ là do thằng cha Hay trên Nha Trung Tiểu học bày ra.”

“Nha Trung Tiểu học của chính phủ chỉ có quyền đối với các trường công, chớ trường tư như Bán Công của tau hay Bình Minh và Bồ Đề dù nhận được thông tư yêu cầu mà không thi hành thì Nha đành chịu lép mà thôi,” anh Quang cười đắc chí; hèn chi anh không phải mặc đủ thứ đồng phục như tôi.

Cậu Há nói thêm,

Hắn ngày trước học Khải Định sau tau hai lớp, học giỏi nhưng hữu tài vô hạnh, chuyên nịnh bợ giáo sư người Pháp, gièm siểm anh em bạn học, và do thám và báo cáo với mật thám Tây. Sau được học bổng qua Pháp du học, hắn về Huế mần to (làm lớn) oai quyền bao trùm Trung nguyên Trung phần nhờ thói nịnh nọt cấp trên và áp bức kẻ dưới.”

“Ông nớ được tài ra oai tác quái với học trò, ra đường thấy họ làm chi không ưng ý là dừng xe chận lại bạt tai liền. Có ngày gặp con sẽ biết tay!” anh Quang hậm hực.

Vài tuần sau, học trò Huế được lệnh mỗi chiều thứ Năm tập trung ở sân vận động Tự Do để tập thể thao với quần dài trắng, áo may-ô trắng hở nách, và giày ba-ta trắng. Thằng Phúc lại phải về làng,
“Nói mạ tau bán bớt con heo…”

Chúng tôi tập đi diễn hành, chân bước rập khuôn đều nhau, ngay hàng thẳng lối; vừa đi vừa hát bài “Khỏe Vì Nước,”

Khỏe vì nước kiến thiết quốc gia
Đoàn thanh niên ta góp tài ba
Tạo nguồn dân sinh mới
Hùng mạnh trong nam giới
Họp lực xây hưng thịnh chung nước Nam…

Trong phần thể dục thao diễn, chúng tôi nằm trên cỏ thành hàng thẳng tắp rồi đồng loạt đưa tay đưa chân lên cao. Ông Hay ngồi trên khán đài quan sát cùng với các vị hiệu trưởng, cầm loa phát thanh đốc thúc, và thường kết thúc bằng lời mắng,

“Học sinh là rường cột quốc gia chi mà như các anh! Có mấy động tác thể dục căn bản mà tuần ni qua tuần , tập hoài không ra trò trống chi hết!”

Về trường có đứa thắc mắc hỏi tập để làm gì thì được trả lời Nha dự định trình diễn trong dịp lễ phát phần thưởng cuối năm cho học sinh toàn tỉnh Thừa Thiên; có tin đồn Cụ sẽ ra chủ tọa. Chúng tôi tập được năm tuần thì được lệnh ngưng, và không ai nhắc tới chuyện tập thể thao ấy nữa. Báo hại mạ thằng Phúc mất toi con heo!

* * *

Hàng xóm sát vách bên phải nhà tôi là gia đình bác Luân làm công chức với sáu người con; hai cô con gái đầu là Bội Ngọc học đệ tứ (lớp 9) và Bội Hằng học đệ lục Đồng Khánh, còn lại là con trai còn nhỏ. Chị Bội Ngọc dáng người cao, da trắng, hơi đẫy đà; mẹ nói,

“Con nớ mặt mày phúc hậu; ai có phước mới lấy được hắn.”

“Có phước vì khỏi mua giường nệm Hồng Kông,” anh Quang cười chúm chím; ý anh chê chị mập và thân hình như tấm nệm êm.

Chị Bội Ngọc học giỏi, luôn luôn đứng đầu lớp. Không đứng đầu lớp sao được: mỗi ngày thức dậy lúc ba giờ rưỡi sáng để học bài, chị đọc nghe rang rảng tôi nằm ngủ bên này nghe chị học bài mà còn thuộc lòng, huống chi là chị. Buổi sáng anh Quang đợi hai chị em lấy xe đạp ra khỏi nhà rồi mới đạp xe lẽo đẽo theo sau đến trường Đồng Khánh; hai cô vào trường anh mới quành xe ngược đường Lê Thái Tổ về trường Bán Công. Trưa bãi trường anh ra sớm vòng lên trường Đồng Khánh đợi và theo hai cô về nhà.

Tôi không hiểu tại sao anh lại theo đuôi chị Bội Ngọc như kẻ “trồng cây si” không được đáp lại; anh sang nhà chị lúc nào mà chẳng được. Tôi nghe bác Luân gái nói với mẹ,

“Con lớn nhà tui, thằng Quang chị ừ một tiếng là tui cho liền.”

Hắn lớn hơn thằng của tui hai tuổi; nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một; tốt lắm đó!”

“Rứa chị tính tới đi, tui không đòi hỏi chi mô.”

“Hai đứa có tình ý với nhau lâu ni, nhưng mình cứ rũng rãi đợi vài năm nữa cho tụi hắn học hành tới nơi tới chốn đã.”

Tôi đem điều thắc mắc hỏi anh Quang. Anh háy một cái thật dài, nhìn tôi với đôi mắt thương hại,

Mi còn nhỏ, biết chuyện yêu đương của người lớn . Mai mốt lớn lên đọc thơ tình Xuân Diệu mi mới hiểu được hình ảnh người học trò lững thững đi sau một thiếu nữ trên con đường tới trường hàng ngày đi về:

Em bước điềm nhiên không vướng chân,
Anh đi lững thững chẳng theo gần,
Vô tâm nhưng giữa bài thơ dịu,
Anh với em như một cặp vần.”
(Thơ Duyên - 1940)

“Anh theo ve chị Bội Ngọc thì nói toẹt ra cho rồi, bày đặt thơ với thẩn!” tôi ngắt lời; “ve” là làm quen và tán tỉnh đàn bà con gái.

“Nói chuyện tình yêu với thằng cù lần như mi thì thà nói với đầu gối sướng hơn. Tau đạp xe theo Bội Ngọc để được gần Em thêm và để hai con tim hòa điệu như một cặp vần.

Gần cuối năm học, học sinh Huế có thêm chỉ thị mới: khi ra đường, dù đi học hay đi chơi, phải mang “huy hiệu” – đúng ra là bảng tên cá nhân – thêu bằng chỉ màu xanh đậm may vào túi áo. Hàng đầu huy hiệu là tên họ học sinh, và hàng thứ hai ghi chữ viết tắt của “hiệu đoàn,” tức là tên trường, như “HN” (Hàm Nghi), NTP (Nguyễn Tri Phương), hay QH (Quốc Học). Hai bên chữ tắt của hiệu đoàn là các vạch ngang chỉ lớp học: một vạch là đệ thất, hai vạch là đệ lục, v.v.

Lần này thằng Phúc không về làng mà cầu cứu với tôi; tôi nhờ chị Bội Ngọc thêu giùm huy hiệu của cả hai đứa. Nghe chúng tôi than van bị đày đọa làm chuyện tào lao, anh Quang tủm tỉm cười một mình. Tôi gạn hỏi anh mới tiết lộ,

“Hai tuần trước, theo sau chị em Bội Ngọc và lo ngó phía trước, tau đạp xe nghênh ngang giữa đường mà không nghe tiếng còi xe hơi inh ỏi sau lưng.”

Chết cha! Anh mần răng?”

“Chiếc xe nớ lách qua bên trái và chận tau lại. Thằng cha Hay trên xe bước xuống, túm cổ áo tau tát liền mấy bạt tai đau điếng.”

Không dè ông gặp phải anh Quang, một kẻ cứng đầu cứng cổ,

“Đừng ỷ thế đi xe chính phủ mà làm trời, giữa đường đập ai thì đập!”

“Học trò mất dạy! Biết tau là ai không?” ông giơ tay toan đánh nữa, nhưng anh kịp lùi lại.

“Ai mà không biết cái mặt mo nớ chuyên môn bợ đít người trên, đè ép kẻ dưới, và cầm c… cho Cụ Ngô đái!” Mắng xong anh quay xe đạp phóng ngược lên Bến Ngự, lách vô đường kiệt (ngõ hẻm), và trốn biệt trong nhà dì Loan; dì là bạn của mẹ thuở còn con gái.

Ba hôm sau tôi sang nhà chị Bội Ngọc lấy huy hiệu. Thấy cánh tay phải của chị bị trầy từ cổ tay đến khuỷu tay, tôi hỏi,

“Chị bị tông xe khi mô rứa?”

“Mình đi xe bị bổ (té hay ngã), nhưng Ba Hoa đừng nói với ai nghen.”

“Có phải chị bổ bữa anh Quang chạy trốn ông Hay không?”

Rứa Ba Hoa biết chuyện rồi; anh to gan lớn mật dễ sợ! Mình phục và thương anh quá chừng,” chị rưng rưng nước mắt.

“Nhưng răng chị bị thương?”

“Khi anh cắm đầu cắm cổ đạp xe bỏ chạy, ông nớ giận run hô tài xế quành xe đuổi theo. Sợ anh chạy không thoát, mình làm liều bổ xuống trước đầu xe nằm rên rỉ. Thấy mình bị thương bác tài xế ngừng lại, không dám chạy tiếp. Mình chờ tớI khi không còn chộ (thấy) anh nữa mới giả đò gượng đứng dậy...”

Như thế, anh tôi và chị mới đúng là như một cặp vần! Nếu chị không nhanh trí và can đảm, không chừng anh đã bị ông Hay tóm được. Nếu vậy, có lẽ Nha Trung Tiểu học đã không ra thông tư bắt học sinh mang huy hiệu để nhận diện. Nhưng họ không ngờ anh tôi học trường Bán Công – dù cho cuộc đụng độ tương tự tái diễn thì có bắt học trò trường công mang huy hiệu cũng như không mà thôi.

Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 17 tháng Sáu, 2015

Trở về đầu trang