![]() |
Loạt truyện "Thuở Học Trò"
của Nguyễn Ngọc Hoa
9. Thằng Lâu Bẻ Nhãn Lồng
Năm nay tôi học đệ tứ (lớp 9), năm cuối cùng ở trường Hàm Nghi, và cuối năm thi lấy bằng Trung học Đệ nhất cấp, thường nói là “thi Trung Học.” Phúc là thằng bạn thân nhất và cũng ở gần nhất (nó ở trọ nhà chú thím sau trường Bình Minh) nên tôi thường đến chơi với nó. Thím thằng Phúc trạc tuổi mẹ, vui vẻ và hoạt bát, và lúc nào cũng dành thì giờ hỏi han và trò chuyện với tôi. Nhờ vậy, tôi dần dần thấy tự tin hơn và biết… ba hoa về những điều đã đọc và hiểu biết; thím nhận ra điều này,
“Thằng ni ở nhà bị anh ăn hiếp cho cố, hết mở miệng nổi; chừ ra ngoài xả ga nói như quạ quạ bẻ bắp!” “Nói như quạ quạ bẻ bắp” là nói nhanh và ồn ào.
“Con nói có sách mách có chứng, chớ có phách tấu lá lay mô!” tôi ngượng, rán chống chế.
“Thím nói mi như chim sổ lồng cóc mở miệng, hết còn lút lít lụt lịt như đứa có tịt. Là chuyện tốt, có chi mà ôốc dôộc (mắc cỡ)?” thím cười to.
“Hắn khun nhà dại chợ! Ở đây và trên đường đi học thì nói như sanh như sứa mà vô lớp thì câm như hến,” thằng Phúc xen vào; “nói như sanh như sứa” là nói nhiều và nói dai.
Tôi cũng thấy mình dạn dĩ hơn; thỉnh thoảng theo anh Quang sang nhà bác Luân hàng xóm chơi tôi không còn ngồi khoanh tay đợi chị Bội Ngọc gợi chuyện mới nói. Năm nay anh Quang học đệ nhị (lớp 11) trường Bán Công, và mối tình của anh và cô nữ sinh đệ tam (lớp 10) Đồng Khánh này ai nấy đều hay. Cô em Bội Hằng cũng học Đồng Khánh mà kém tôi một lớp – đệ ngũ (lớp 8). Thường đọc lén mấy tập thơ Xuân Diệu của anh Quang, tôi trổ tài ví von nói chuyện thi cử,
“Hết nợ thi rồi, đến nợ thi,
Than ôi khổ quá học làm gì!
Những chồng sách nặng khô như đá.”
(Giới Thiệu – 1938)
Anh Quang phá lên cười,
“Ai từng đời thằng cù lần cũng biết ba hoa xích đế. Đầu hôm tới sáng thấy mi nằm đọc truyện xong là ngủ khì…”
“Tui học hết bài thì đọc truyện; ai nói tui không học thi? Không lý mỗi khi học bài xong tui phải trình với anh à?” bị “quê” tôi gân cổ cãi.
“Thì đừng làm bộ than khổ! Hay mi chỉ kiếm chuyện lấy le với o Bội Hằng?” anh cười to hơn; “lấy le” do tiếng Pháp “prendre des airs,” là làm bộ, vênh vang.
“Ba Hoa qua đây chỉ cho mình mấy bài toán bị trịt mấy bữa ni, đừng làm kỳ đà cản mũi hai anh chị tâm tình mà lãnh đủ đó,” Bội Hằng lên tiếng “cứu bồ”; “trịt” là bí, giải không ra.
Mùa thi, ban đêm học trò nghèo nhà ở sâu trong xóm không có điện hay nhà chật không có chỗ ngồi học thường ra ngoài đường nhựa đứng học bài dưới đèn đường. Dưới cột đèn gần nhà tôi đêm nào cũng xuất hiện một anh chàng chừng mười tám, mười chín tuổi ăn mặc chỉnh tề cầm sách học rất chăm chỉ. Một hôm, hắn ngoắt tôi lại làm quen,
“Có phải mi là Ba Hoa học bên Hàm Nghi?”
“Răng mi biết?” nhận ra cuốn LỊch-sử Việt-nam và Thế-giới-sử Lớp Đệ Tứ của Trần Hữu Quảng quen thuộc trên tay hắn, tôi xưng hô ngang vai; tôi thường “mi tau” với mấy thằng bạn học lớn tuổi hơn, có khi đến năm sáu tuổi, mà đi học khai trụt tuổi.
“Tên tuổi của mi khắp Huế ai mà không biết.”
“Những chuyện đồn nớ không phải rứa mô!” tôi nhớ lại những vụ án phá phách tôi mắc hàm oan.
“Nghe nói mi giỏi toán ‘một cây,’ thầy bà mô cũng bị cãi băng. Toán là môn tau ớn nhất.”
Vậy là chúng tôi quen nhau. Thằng bạn mới tự giới thiệu,
“Tau tên Lâu học bên Nguyễn Du, mi biết ở mô không?”
“Hè năm rồi tau bị mẹ bắt lên trường nớ học hè lớp Pháp văn của thầy Minh.”
“Thầy là hậu duệ của vị anh hùng chống Pháp Nguyễn Tri Phương và là một sáng lập viên và hiệu trưởng đầu tiên của trường. Thầy giỏi và dạy hay dễ sợ!”
“Ờ, nhưng tau nhác nhớm quen học một mình nên nõ học thêm được chi nhiều.”
“Vị trí trường tau đặc biệt nổi tiếng qua câu:
Nguyễn Du dựng giữa Ngự Viên
Đầu kia O Rớt đàng này chè Thân.”
Thực vậy, Nguyễn Du là trường trung học tư thục tọa lạc giữa xóm Ngự Viên phía hữu ngạn sông Đông Ba, giữa cầu Gia Hội và cầu Đông Ba. Ngự Viên xưa là một vườn hoa do Phúc Quốc Công Hồ Văn Bôi, ông ngoại vua Thiệu Trị, lập ra vào đầu thế kỷ 19. Sau nhiều biến cuộc, vườn hoa không ai chăm sóc trở nên tàn lụi rồi biến thành bãi đất trống, và cư dân các nơi đến ở; nhớ tích cũ, người ta đặt tên Ngự Viên cho xóm mới. Ngoài ra, có một “Ngự Viên” khác là khu vườn ở góc đông bắc của Tử Cấm thành trong Đại Nội; đó là Ngự Uyển hay Thượng Uyển, khu vườn các vị vua nhà Nguyễn thường dạo chơi, thưởng cảnh, và làm thơ. "Xóm Ngự Viên" được ghi nhớ qua bài thơ nổi tiếng:
Lâu nay có một người du khách
Gió bụi mang về xóm Ngự Viên
Giậu độ dây leo suồng sã quá
Hoa tàn con bướm cánh nghiêng nghiêng
…
Hôm nay có một người du khách
Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên.
(Nguyễn Bính – 1941)
Gần trường là hai hàng ăn nổi tiếng của Huế. Về phía cầu Gia hội là O Rớt, gánh bún bò bán dạo bình dân của Mụ Rớt sau này trở thành hiệu tiệm bún bò Huế lừng lẫy đất kinh kỳ và vươn xa tận Sài gòn. Về phía cầu Đông Ba là Chè Thân, quán chè ông Thân có món chè đậu xanh hột nổi tiếng với đậu xanh mỡ hấp lá dứa thơm như mái tóc thề mới gội chanh, chầm kết (bồ kết).
Quen nhau được ít lâu, thằng Lâu rủ tôi cuối tuần đến nhà nó học tổ, tức là học nhóm, với các bạn đệ tứ trong xóm và ngủ qua đêm. Mạ nó là thương gia buôn gạo, nhà cửa khang trang bắt điện sáng trưng, và bà dành nguyên căn nhà trống bên cạnh cho chúng tôi tự do học hành. Tôi hướng dẫn các bạn cách giải những bài Toán Lý Hóa và nhớ những công thức cần thiết. Các bài phải học thuộc như Sử Địa, Công Dân, và Vạn Vật thì tôi làm dàn bài, viết lên bảng, và tóm tắt những điểm chính cần nhớ cho bạn. Đêm về, học hành xong là tới trò nghịch phá do thằng Lâu làm đầu nêu.
Người Huế hay bày bàn thờ cúng khuya ngoài trời; lễ vật gồm hương hoa trà nước, dĩa bánh in, và nải chuối, có khi có thêm con gà luộc. Thường đợi khoảng giữa tuần nhang gia chủ vào nhà lấy nước châm trà, thằng Lâu nhảy bay ra xớt nhẹ nải chuối hay con gà luộc rồi biến mất trong màn đêm. Đôi khi gia chủ không chịu đi vào nhà, thằng Lâu đợi bà ta khấu đầu khấn vái hay mải miết xin keo (xin quẻ bằng hai đồng tiền sấp ngửa) và ra tay lẹ như chớp; khi bà ngẩng đầu lên thì lễ vật trên dĩa đã không cánh mà bay.
Thỉnh thoảng một thằng bạn trong nhóm… lỡ dại khoe nhà mình có cây hoa quý hay cây trái lạ, thế nào thằng Lâu cũng phải chiếm lấy cho bằng được, dù phải đột nhập vườn nhà bạn vào lúc nửa đêm và ẩn mình cả tiếng đồng hồ mới có dịp hành động. Nhưng công lênh hiển hách nhất là chuyến bẻ nhãn lồng ở vườn nhà ông Dân biểu Quốc hội, một dinh cơ rộng lớn nằm giữa Cửa Mang Cá và Bao Vinh, chung quanh xây tường gạch, và cổng ra vào có người canh chừng.
Khu vườn rộng có ba cây nhãn cao to, lá dày sum sê, và sai trái. Khi nhãn gần chín, để chim và dơi khỏi ăn, người ta dùng mo cau bao kín các chùm nhãn lại thành từng bọc lớn gọi là “lồng.” Đêm đó, thằng Lâu vượt tường vào vườn và leo lên cây nhãn nhiều lồng nhất; người nhà ông Dân biểu như đã chực sẵn, mở đèn trong nhà sáng choang, ùa ra vây quanh gốc nhãn, và hô hoán,
“Ăn trộm nhãn, bữa ni mi chạy đằng trời cũng không lọt!”
Biết là trong đêm tối từ dưới đất không thấy rõ người ngồi trên cây, thằng Lâu ngồi im lặng và bình tỉnh bẻ nhãn bóc vỏ ăn. La lối đã đời mà không thấy động tịnh, rốt cuộc họ hết kiên nhẫn,
“Bộ mi muốn ngủ luôn trên nớ hay răng? Hay đợi tụi tau trèo lên đần cho một trận cho tởn tới tra (già)?”
“Các ông leo lên đập cho tui rớt xuống chết bỏ thì cứ ra tay đi,” bấy giờ nó mới lên tiếng.
“Thằng ni láo lếu, dám thách thức bọn tau! Chống mắt lên mà coi…” họ lớn tiếng nhưng không ai hành động.
“Nói cho biết, tui mà lỡ sút tay bổ (té hay ngã) mất mạng thì ông Dân biểu không những mất chức mà còn ở tù về tội sát nhân.”
“Mi cả gan lý sự cùn…” nhưng bọn họ cứng họng.
Nghe tiếng ồn ào ông Dân biểu bước ra. Hỏi rõ đầu đuôi, ông ngước mặt lên cây ôn tồn,
“Em cứ từ từ leo xuống, khéo bổ thì nguy. Tui không làm khó dễ chi mô!”
“Chỉ phạm tội leo lên cây nhãn mà người nhà của ông đòi đập chết tui – coi mạng người như cỏ rác? Mô phải nhà quan quyền là muốn giết ai thì giết?”
“Bọn họ nóng giận lỡ lời thôi, tui xin lỗi. Em chịu xuống chưa?”
“Tui không tin! Chừ ông với mấy người tê vô trong nhà tắt đèn đi ngủ. Khi mô biết chắc không ai còn rình rập làm khó dễ, tui mới xuống và đi về…”
Thằng Lâu thoát thân và mang về một lồng nhãn lớn, trái nào trái nấy to đại mệ (rất to). Lần đầu tiên tôi được thưởng thức những trái nhãn có cơm dày, mọng nước, và thơm ngọt như thế!
* * *
Năm học đi qua thật nhanh và ngày bãi trường nghỉ hè đã đến. Hôm sau, thằng Lâu đến nhà tìm tôi đột ngột báo tin,
“Tau đăng lính; ngày mai đi trình diện.”
“Chi lạ rứa? Còn mấy tuần nữa thi Trung Học; răng không đợi thi xong rồi hay?”
“Sách vở ích gì cho buổi ấy, áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già. ‘Người ấy’ đã cự tuyệt tình ta!” nó cười gượng.
“Chi mà bi quan rứa? Tướng tá và bản lĩnh như mi, ‘cua’ con mô mà không ‘dính’?”
“Đời là xe la vi (c’est la vie), tình là xe la mua (c’est l’amour), biết mô mà lường!”
Vài ngày sau, chị Bội Ngọc nhắn anh Quang và tôi sang nhà chị chơi. Bội Hằng đợi sẵn, vội vàng kéo riêng tôi ra,
“Mình không ưng Ba Hoa chơi với ‘ông’ Lâu nớ mô…”
“Răng rứa?” Thêm một điều bất ngờ tới với tôi.
“Nghe đồn hắn dữ dằn lắm; chơi với hắn có ngày Ba Hoa mang họa đó!”
“Mình chơi với ai thì ăn thua chi tới Bội Hằng?” Nàng quên tôi là kẻ cứng đầu số một.
“Bữa tê mình đi học về, hắn đi theo miết nói chuyện yêu iếc quàng xiên, nói dai như giẻ rách, và dọa nếu không đáp lại sẽ đăng lính sống đời lang bạt kỳ hồ.”
Thì ra “người ấy” của thằng Lâu là cô hàng xóm bạn tôi. Hèn chi lâu nay hắn đứng học thi dưới cột đèn trước nhà nàng, thành tâm như một tín đồ ngoan đạo! Tôi buột miệng hỏi một câu rất vô duyên,
“Răng Bội Hằng lại từ chối?”
“Ba Hoa nói rứa mà nói được à?” nàng nói như khóc.
“Mình… mình… lỡ lời…” tôi đực mặt đờ người lắp bắp, quên nghề cãi bướng thường ngày.
“Biết là về mùa hè Ba Hoa hay bị sổ mũi, mấy bữa ni mình thức đêm thức hôm thêu mấy cái khăn mù soa…”
Nàng đưa cho tôi hộp khăn tay trắng rồi thút thít đi vào nhà trong. Ở góc những chiếc khăn ấy là hai chữ hoa BH thêu bằng chỉ hồng rất công phu. Tôi bâng khuâng tự hỏi BH là Bội Hằng hay Ba Hoa, nhưng quan trọng hơn là làm sao cho Bội Hằng hết giận tôi – thằng con trai ngu ngốc nhất thế giới.
Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 8 tháng Bảy, 2015