Trở về trang Mục Lục

Bản PDF để in

Tập truyện "Tuổi Trưởng Thành"
của Nguyễn Ngọc Hoa

Lời trần tình của tác giả : Truyện ngắn trong tập truyện của chúng tôi kể lại những câu chuyện đã trải qua, chứng kiến, hay nghe thuật lại ở một quãng đời xa xưa. Các truyện ngắn ấy không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Mọi nhân vật đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào ở ngoài đời. Do đó, nhân vật xưng "tôi" không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự, và mơ ước thầm kín của bạn bè cùng thời. Mời quý thân hữu đọc truyện, thưởng thức câu chuyện kể lại, và xin đừng liên kết nhân vật trong truyện với bất cứ ai ở ngoài đời.

* * *

1. Khó Bề Xưng Hô

Thấm thoát đã hơn bốn năm rưỡi từ ngày tôi từ Ban Mê Thuột về Sài gòn theo học chương trình kỹ sư điện, nay là lục cá nguyệt cuối cùng. Chiến cuộc càng ngày càng lan rộng, không khí chết chóc tang thương tràn ngập khắp nơi, và tin tức chiến sự chiếm trang nhất trên báo hàng ngày. Tôi bỏ nhà đi bụi đời đã hơn một năm, phải tự lực cánh sinh, và ngoài việc cố gắng sống còn ngày qua ngày không nghĩ tới mai sau. Đời tôi sẽ được định đoạt bởi tình hình và nhu cầu chiến trường hơn là khả năng hay nỗ lực học hành của mình, lo lắng chi nhiều!

Ngược lại, thằng Khanh bạn Đại học xá Minh Mạng mang nhiều ước vọng tương lai và hay rủ tôi đi uống cà-phê để có dịp tâm sự. Nó học lớp đệ tam niên kỹ sư công chánh và là ý trung nhân của Nhật Lệ, cô cháu họ học Chánh trị Kinh doanh Đà Lạt gọi tôi bằng “ông trẻ” (người Huế nói là ôông). Thằng Khanh là con một, cha mẹ già nên được hoãn dịch vì lý do gia cảnh, sau khi tốt nghiệp nó sẽ cưới Nhật Lệ, và hai đứa sẽ cùng làm việc cho công ty thầu xây cất ở ngoài Nha Trang của ông nội nàng là anh Đá anh họ tôi, một nhà thầu khoán lớn và nổi tiếng nhất miền Trung.

Hôm ấy là tối thứ Sáu cuối tháng, sau buổi dạy kèm được lãnh lương, tôi tự thưởng mình một chầu phở Tương Lai ở Ngã Sáu Chợ Lớn mà không mua thêm ổ bánh mì (để chấm nước phở ăn thêm cho no bụng), sang ngồi ở quán lề đường bên cạnh nhâm nhi ly cà-phê đá, và thưởng thức điếu thuốc lá thơm đầu tiên trong ngày. Bỗng nhiên, thằng Khanh hớt hơ hớt hải chạy tới,

“Tìm anh cả ngày hôm nay, bây giờ mới gặp!”

“Sao ông biết tôi ở đây mà tìm?”

“Anh không đi học hay không đi dạy thì hoặc nằm trong phòng Đại học xá hoặc ra ngồi trụ trì ở đây. Tuy anh đi mút mùa lệ thủy, nhưng không đến nỗi như thể tìm chim.”

“Tìm tôi có chuyện gì?”

“Báo anh hay ông nội Nhật Lệ vừa qua đời.”

Thật là một tin bất ngờ. Mặc dù đã ngoại lục tuần, ông anh họ tôi cẩn thận chăm sóc sức khỏe, chịu khó tập thể dục, và gần đây chưa hề có dấu hiệu suy yếu,

“Sao vậy? Mới mấy tuần trước tôi nghe nói anh còn khỏe lắm mà.”

“Tôi không rõ. Sáng nay có người bay từ Nha Trang vào, Nhật Lệ nhờ chuyển tin gấp cho anh.”

“Cám ơn ông. Sáng mai tôi sẽ đánh điện tín về Tuy Hòa báo tin cho ‘ông bà già’ biết.”

“Không cần đâu. Mụ cố đã có mặt ở Nha Trang và biểu ông phải ra ngay để đưa đám. Nhật Lệ dặn tôi mua vé máy bay ngay cho ông cho kịp ngày, sáng mai thứ Bảy ông đi sớm,” thằng Khanh đưa tấm vé máy bay Air Vietnam cho tôi; Nhật Lệ kêu mẹ là “mụ cố.

Ra Nha Trang, tôi đến nhà anh Đá, đám tang quàn ở nhà, và tang lễ đã được mẹ sắp xếp chu đáo. Gần hai năm nay tôi mới gặp lại mẹ, trông người già thêm và ốm hơn trước. Vừa khóc vừa cười, mẹ vuốt má tôi,

“Thằng chó ni, mi bỏ mẹ mà đi làm mẹ nhớ và lo muốn chết. May mà có con Nhật Lệ thỉnh thoảng liên lạc với mi, chớ không biệt tăm biệt tích, biết chết sống ra răng.”

Nhật Lệ đội khăn tang, ôm tôi khóc ròng,

Ôông ơi, nội mất đi giờ em chỉ còn gia đình ôông mụ cố là người thân nhất.” Cha mẹ Nhật Lệ mất lúc nàng còn bé, bà nội (vợ anh Đá) mất bảy năm trước, và gia đình chỉ còn hai ông cháu.

“Sao anh ra đi đột ngột như vậy?”

“Thứ Hai vừa rồi, nội cùng anh tài xế lấy xe hơi đi Ban Mê Thuột đấu thầu một công tác lớn ở vùng Cao Nguyên.”

“Đấu thầu” là đệ trình đề nghị về giá cả, lịch trình xây cất, khả năng hoàn thành công tác, v.v. để tranh làm một công trình lớn của chính phủ; người nào có điều kiện thích hợp và ra giá rẻ nhất sẽ “trúng thầu,” tức là được lãnh làm. Nhật Lệ khóc nấc nở,

“Trên đường về, trời sắp tối khi nội qua đèo Phượng Hoàng. Bỗng một toán Việt Cộng trong rừng xông ra toan chận xe lại. Thấy thế nguy, nội ra lệnh cho anh tài nhấn hết ga lao thẳng tới. Bọn Việt Cộng tránh dạt ra, nhưng nổ súng bắn xối xả vào xe. Xe qua khỏi đèo, anh tài biết nội trúng đạn và lái bay tới trạm cấp cứu ở Ninh Hòa; dừng lại thì nội đã ra đi.”

Đèo Phượng Hoàng, còn gọi là đèo M’Drak, chạy ngoằn ngoèo 12 cây số trên Quốc lộ 21 từ Ban Mê Thuột đi Ninh Hòa; qua khỏi đèo là tới Dục Mỹ cách Ninh Hòa 19 cây số. Ngày cuối cùng tôi ở Nha Trang, mẹ biểu Nhật Lệ gọi tôi vào phòng khách,

“Trong năm vừa rồi, anh qua hay ra nhà mình ngoài Tuy Hòa gặp cha mẹ để bàn hậu sự. Anh đã làm giấy tờ để lại tài sản và công ty xây cất lại cho con Nhật Lệ, nhưng dưới quyền giám hộ của mẹ cho đến khi hắn tốt nghiệp.” “Anh qua” là lối gọi người đã khuất để tránh gọi tên.

“Mừng em làm chủ một công ty lớn, mướn thằng Khanh làm phụ tá kỹ thuật đi là vừa,” tôi hất tay về phía Nhật Lệ nói đùa.

Mẹ nghiêm trang nhìn tôi,

“Cho mi biết anh qua đã ‘cho’ cha mẹ con Nhật Lệ làm con nuôi. Nhà mình hiếm hoi con gái – chỉ một mình con Bình, chừ có đủ cặp công chúa là phúc phận trời ban. Hắn tuổi Sửu con trâu như mẹ, quanh năm suốt tháng làm việc cần cù vất vả, lo cho người chung quanh, và không quản thân mình.”

“Con thành tứ cố vô thân – nhìn khắp chẳng thấy người thân, ngày nay được làm con gái ôông mụ cố thì còn gì diễm phúc hơn,” Nhật Lệ quỳ xuống ôm chân mẹ.

“Kể từ bữa ni, mi phải kêu ‘cha mẹ’ như thằng Ba Hoa, không ôông mụ ôông miếc chi nữa hết,” không biết mẹ dùng tiếng “mi” trìu mến để gọi Nhật lệ từ lúc nào.

“Vậy thì cho con gọi anh Ba Hoa bằng ‘anh.’ Anh nớ chỉ nậy hơn con có một tuổi, đi ra ngoài với con nhiều người nói xứng đôi vừa lứa mà con phải kêu bằng ôông nghe dị òm,” nàng giả giọng Huế để trả đũa tôi; “nậy” là lớn, “nậy hơn” là lớn hơn, và “dị òm” là mắc cở, xấu hổ, hay kỳ cục lắm.

Tôi sung sướng và hãnh diện có cô em gái xinh đẹp, thông minh, và ngoan ngoãn như Nhật Lệ. Năm ngoái, khi tôi gặp nàng lần đầu, mẹ và anh Đá dự định cho hai đứa thành thân, nhưng chuyện không thành; tôi từ chối vì biết nàng đã có người yêu là thằng Khanh.

* * *

Năm nay, thầy Hiếu người Huế dạy môn Xxxx, môn học tiếp theo môn Yyyy thầy phụ trách năm ngoái ở lớp đệ tam niên. Cả hai môn đòi hỏi nhiều kỹ thuật toán học, phần lớn các bạn cho là quá nặng lý thuyết và thiên về lãnh vực điện tử hơn là điện lực nên không mấy nhiệt tình học hỏi. Tuy nhiên, tôi mê thích hai môn học này, cố gắng nghiên cứu, phát triển khả năng tối đa, và nhờ đó được thầy yêu mến.

Ngày còn bé ở ngoài Huế, tôi nghe kể gia đình thầy thuộc hàng danh gia vọng tộc, và anh em thầy nổi tiếng học giỏi nhất cố đô. Thầy là kỹ sư điện khóa đàn anh, ở lại trường dạy, đi du học Hoa kỳ, và mới về trường dạy lại vài năm nay. Thầy giữ chức vụ Phụ tá Giám đốc và thường hăng say bàn việc cải thiện chương trình học và nâng cao trình độ và phẩm chất của giảng khóa do giáo sư thỉnh giảng phụ trách. Tôi và thằng Lộc hay tổ chức sinh hoạt sinh viên, thường tiếp xúc với thầy, và được thầy tận tình giúp đỡ.

Hạ tuần tháng Sáu, kỳ thi mãn khóa gần kề, và ngày tốt nghiệp không còn xa. Theo thông lệ, hàng năm Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật đứng ra tổ chức lễ phát văn bằng tốt nghiệp chung cho các trường của Trung tâm. Năm nay, không hiểu vì lý do gì, Trung tâm được lệnh ngưng tổ chức. Tôi bàn với thằng Lộc,

"Đi học mười sáu, mười bảy năm và trong đời chỉ có một lần, không lý bọn mình âm thầm tới văn phòng ký tên lãnh bằng về lộng kiếng?” “Lộng kiếng” nói lái ra thành “liệng cống.”

“Cái thằng chuyên môn nghiển chuyện này định làm gì đây?” nó cười chúm chím.

“Trung tâm không làm lễ tốt nghiệp thì mình tổ chức riêng cho trường mình. Mày chạy việc bên ngoài – xin giấy phép, xin tài trợ, và mời các xí nghiệp lớn tham dự; tao bao thầu việc bên trong – lập chương trình, nhờ nhà in quen in thiệp mời, nhờ ông Hiếu sắp xếp và điều khiển chương trình, và huy động anh em bày biện, trang hoàng, và thu dọn,” tôi vạch ra các việc cần làm.

Trong lúc cả lớp cắm cúi học thi và làm các dự án tốt nghiệp, tôi và thằng Lộc dành nhiều thì giờ chạy đôn chạy đáo tổ chức lễ tốt nghiệp. Sáng ngày 13 tháng Tám, hội đồng giáo sư nhóm họp để cứu xét, chấm đậu, và cấp bằng Kỹ sư Điện học cho lớp chúng tôi, Khóa 10. Tôi đón nhận cái tin vui lớn nhất đời này trong lúc đứng trên thang treo tấm bạt dù che nắng trên khu vực sẽ cử hành lễ; buổi lễ bắt đầu lúc 10:30 sáng ngày hôm sau.

Tôi ngạc nhiên vô cùng khi thấy mẹ và hai em Nhật Lệ và Bình xuất hiện trong khu dành cho quan khách vì tôi không gửi thiệp mời cho ai cả. Từ khu dành cho “thí sinh” (chưa tốt nghiệp), tôi đưa tay ra hiệu, và mẹ gật đầu cười rạng rỡ. Khi được gọi tên, tôi bước lên bục giảng, hãnh diện nhận lãnh tấm bằng đại học đầu tiên của gia tộc rồi quay người hướng về phía mẹ và cúi rạp người xuống. Khi ngước mặt lên, tôi thấy mẹ đưa khăn tay chấm nước mắt và hai cô em đứng dậy vỗ tay.

Buổi lễ kết thúc, thầy Hiếu mời quan khách dự buổi tiệc trà thân mật do phụ huynh một tân “kỹ sư” (vừa tốt nghiệp) khoản đãi. Tôi ở trong ban phục dịch nên chưa thể chạy ra với mẹ ngay. Các thứ bánh mứt mang nhãn hiệu tiệm Bảo Hiên Rồng Vàng trên đường Gia Long, cửa hàng tôi ưa chuộng, và đặc biệt có nhiều bánh đậu xanh ướt – món ăn ngọt khoái khẩu nhất của tôi. Ngoài ra, có cả rượu sâm-banh (champagne) Dom Pérignon của Pháp, loại mẹ thường dùng đãi khách trong những dịp vui mừng. Thì ra, mẹ đã tài trợ buổi tiếp tân, và sự hiện diện của mẹ là một sự bất ngờ thằng Lộc dành cho tôi. Cái thằng kín miệng đến thế là cùng!

Thằng Lộc tới thế chỗ cho tôi và giục tôi ra gặp mẹ và em. Mẹ nắm tay tôi, miệng cười sung sướng mà đôi mắt ngấn lệ. Nhật Lệ vui mừng nói cười ríu rít; mẹ nhìn tôi, ánh mắt tiếc nuối,

“Thằng cứng đầu lì lợm, mi làm mẹ mất đứa con dâu đẹp đẽ như ri.”

“Không làm con dâu thì làm con gái, mẹ mất chi mà than thở? Hơn nữa, hắn đẹp tối trời như rứa, lấy về mà không ấp suốt ngày thì làm răng chịu nổi? Mà ấp hắn thì thì giờ mà học để đậu kỹ sư cho mẹ?” tôi cười hì hì.

“Đại đăng khoa rồi tới tiểu đăng khoa! Chừ mi đổi ý cũng chẳng muộn màng chi,” mẹ nghiêm mặt.

Tôi hoảng hồn, nhưng làm bộ cười ha hả,

“Ấy chết, con với Nhật Lệ mà lấy nhau sẽ đẻ ra một bầy nhóc tì lẫn lộn, hồ đồ, và ngu ngơ nhất thế gian. Để gọi hắn, lũ nhóc tì sẽ không biết phải kêu bằng ‘mẹ,’ ‘o’ (em của cha), hay ‘cháu’ xưng bằng chú. Gặp mẹ, tụi hắn lại càng không biết phải kêu bằng ‘mệ nội,’ ‘mệ ngoại,’ hay ‘mụ sơ’ (vai trên của mụ cố). Tội chưa tề, ai mà nở đẻ con ra như rứa?” “Tội chưa tề” là tội nghiệp chưa kìa.

“Thằng quỷ ăn nói ba láp ba xàm,” mẹ xua tay cười; vậy là tôi và Nhật Lệ thoát nạn.

Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 14 tháng Sáu, 2017

Trở về đầu trang