Trở về trang Mục Lục

Bản PDF để in

Tập truyện "Tuổi Trưởng Thành"
của Nguyễn Ngọc Hoa

Lời trần tình của tác giả : Truyện ngắn trong tập truyện của chúng tôi kể lại những câu chuyện đã trải qua, chứng kiến, hay nghe thuật lại ở một quãng đời xa xưa. Các truyện ngắn ấy không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Mọi nhân vật đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào ở ngoài đời. Do đó, nhân vật xưng "tôi" không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự, và mơ ước thầm kín của bạn bè cùng thời. Mời quý thân hữu đọc truyện, thưởng thức câu chuyện kể lại, và xin đừng liên kết nhân vật trong truyện với bất cứ ai ở ngoài đời.

* * *

2. Trọng Nghĩa Khinh Tài

Ngày mới nhập học trường Cao đẳng Điện học, tôi vẽ ra trong trí hình ảnh người kỹ sư trong bộ đồ ka-ki đội nón an toàn, xắn tay áo, đứng ở công trường, chỉ huy thợ, và đem tài học và kiến thức của mình góp sức xây dựng quốc gia. Trong những năm qua, hình ảnh oai phong ấy phai dần qua những thảo luận với bạn bè về chỉ số lương (để tính tiền lương hàng tháng), các bổng lộc khác như cung cấp nhà ở và xe hơi di chuyển, và mức độ nhàn nhã hay uy quyền của từng chức vụ kỹ sư. Nay vừa tốt nghiệp, thời hạn hoãn dịch vì lý do học vấn sắp chấm dứt, chúng tôi mong ước phục vụ trong một xí nghiệp “mạnh,” có khả năng can thiệp với bộ Quốc phòng cho nhân viên biệt phái về nhiệm sở cũ sau thời gian thụ huấn quân sự.

Đối với nhiều người, Công ty Điện lực Việt nam (“ĐLVN”) là chỗ làm lý tưởng của kỹ sư điện. Những khóa trước, ĐLVN nhận hết các kỹ sư tốt nghiệp, nhưng đến Khóa 10 (số “bù”) của tôi, ra trường vào ngày 13 (con số “xui xẻo”), không thấy ĐLVN gửi văn thư tuyển dụng tới. Khi được thầy Cần Giám đốc trường tiếp xúc, công ty cho biết “sẽ có thể nhận một số giới hạn,” số lượng và thời điểm chưa quyết định. Chúng tôi nóng lòng, vội vàng cử thằng Trung và thằng Lộc giúp thầy Cần tìm việc cho cả lớp, và giục hai đứa này đi cầu cứu thầy Yên. Thầy là giáo sư chính thức của trường và đồng thời đứng đầu Ủy ban Tiện ích Quốc gia của bộ Công chánh, ủy ban có nhiệm vụ chỉ đạo và giám sát việc điều hành và giá cả của các cơ quan tiện ích như ĐLVN và Sài gòn Thủy Cục. Thằng Lộc kể lại cuộc tiếp xúc với thầy,

“Nghe hai thằng tao than van, ông Yên nhấc điện thoại gọi ngay cho ông Tiến,” thầy Tiến là nhân vật đầu não của ĐLVN và từng là giáo sư thỉnh giảng của trường. Thằng Lộc gượng cười,

“Ông Yên không ngớt nhíu mày,

‘Anh Tiến à, kỳ này học trò mình kẹt quá. Anh rán nhận giúp tụi nó và tăng thêm khả năng kỹ thuật của công ty. [ . . .] Anh Cần đã liên lạc nhiều nơi, nhưng tình hình bi quan lắm tụi nó mới nhờ tui năn nỉ anh. [ . . .] Tui biết mà, ngân sách nhân viên đã bị cắt giảm tối đa. Hay là vậy , anh tuyển tụi nó rồi cái đề nghị xin tăng giá điện mà Uỷ ban còn ngâm lâu nay, tui chấp thuận liền.’

“Ông tiếp tục nằn nì, cò kè bớt một thêm hai,

‘Vậy là anh đồng ý nhận một chục, phải không? Ở quê tôi dưới Mỹ Tho, khi mua bán trái cây người ta nói một chục là mười sáu. [ . . .] Tệ lắm là mười bốn, được không? [ . . .] Hay một chục mười hai vậy; giá chót đó, anh bằng lòng thì tui báo cho tụi nó mừng. [ . . .] Tui hiểu rồi, anh Cần phải để các cơ quan bạn tuyển chọn trước rồi sau hết mới gởi danh sách qua Điện lực.’”

Trong 24 đứa mới ra trường, thằng Kim thủ khoa là “con mọt sách,” đậu cả bằng Cử nhân Toán bên Đại học Khoa học, và được thầy Cần giữ lại trường dạy. Tôi đậu thứ nhì, được ưu tiên lựa chọn chỗ làm. Thằng Hữu “thầy bói” mắt kém luôn luôn mang kính đen bất kể ngày đêm, sẽ được hoãn dịch vì lý do sức khỏe, đậu thứ ba, làm Tổng nha Bưu điện. Thằng Diễn “đồng khô cỏ cháy” quê ở Phan Rang quanh năm nắng cháy đậu thứ tư, đi Kiên Lương làm cho Nhà máy Xi-măng Hà Tiên. Thằng Thành “nguyên xi” chưa hề biết mùi trai gái đậu thứ năm, chỉ đứng sau tôi về thứ tự ưu tiên. Thân hình to lớn dềnh dàng, tính hiền lành, và không bao giờ “mày tao” với bạn, thằng này có nhiều tài: chụp ảnh và rửa hình giỏi, tập nhu đạo lên đai đen, và chuyên sửa chữa các dụng cụ điện tử như ra-điô (radio) hay ti-vi (vô tuyến truyền hình).

Ngoài ra, một thằng trong bọn là con một, cha mẹ già, sẽ được hoãn dịch vì lý do gia cảnh, vào phi trường Tân Sơn Nhứt làm cho công ty kỹ thuật Hoa kỳ trả lương hậu hỉ; một thằng khác làm Bưu điện (cần hai kỹ sư) cùng với thằng Hữu; một thằng khác nữa đi Xi măng Hà Tiên (cần hai kỹ sư) cùng với thằng Diễn; hai thằng nữa làm Công quản Hỏa xa (đường xe lửa Xuyên Việt đã ngưng hoạt động, nhưng các công tác bảo trì vẫn tiếp tục); v.v. Rốt cuộc còn lại 14 đứa, ĐLVN hứa 12 chỗ. Thằng Hữu, cây khôi hài của lớp, cười chua chát,

“Rồi đây sẽ có hai thằng lông bông, hàng ngày vào sở thú xỉa răng cọp, hay ra Bưu điện thè lưỡi cho người ta thấm nước bọt dán tem, và đợi ngày đi (vào quân trường).”

“Xỉa răng cọp” và “thè lưỡi dán tem” là hai thành ngữ chế giễu kẻ thất nghiệp phải làm các việc vô bổ hay vô lý như thế cho qua ngày giờ. Tôi so sánh mình với thằng Hải đậu áp chót. Nó nhà nghèo xơ xác, nghe nói ban đêm phải đạp xích lô kiếm tiền nuôi gia đình, và vận rủi bị lọt sổ trước tiên. Ngược lại, tôi là kẻ may mắn: Không cần tiền, với món quà tốt nghiệp của mẹ và số tiền dành dụm gửi trong trương mục tiết kiệm Tín Nghĩa Ngân hàng lãi suất 36 phần trăm, ngồi không cũng đủ sống năm bảy năm. Không cần việc làm, tôi đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp. Chỉ cần không bị động viên nhập ngũ.

Nhớ lại bản thông cáo của trường Chánh trị Kinh doanh Đà Lạt (“CTKD”) phổ biến trên các nhật báo và loan báo tuyển sinh viên bên ngoài (không tốt nghiệp Cử nhân CTKD) để theo học ngành quản trị kinh doanh thuộc ban Cao học CTKD qui chế hai năm tại Sài gòn. Muốn dự thi, sinh viên phải tốt nghiệp một đại học kinh tế, kỹ thuật, hay khoa học và “thông thạo Anh ngữ và có khả năng phân tích cao.” Tôi bất thần buột miệng nói lớn,

“Tao không cần làm Điện lực, tụi mày bỏ tên tao ra đi.”

“Rồi mày làm gì?” mắt thằng Lộc tròn xoe.

“Chưa biết; không chừng tao đi học cao học,” tôi trả lời không suy nghĩ.

“Tao chịu mày! Gần hai mươi năm mài đũng quần trên ghế nhà trường mà bây giờ còn muốn đi học nữa,” nó chép miệng.

Tôi nộp đơn xin thi rồi mượn tập sách Management (Quản trị học) bằng tiếng Anh của Nhật Lệ để học và chuẩn bị; năm đệ tam niên tôi đã học một môn tương tự là Quản trị Xí nghiệp. Cô em tôi học CTKD, vừa xong năm thứ ba (năm “Nhiệm ý”) ở Đà Lạt, về Sài gòn học năm cuối cùng (năm “Sưu khảo”), và ngày tôi đi thi nhất định đưa tôi vào “trường em.”

Văn phòng ban Cao học CTKD đặt trên lầu hai tòa nhà thư quán Xuân Thu trên đường Tự Do. Vị Khoa trưởng là giáo sư Uy, Thạc sĩ Khoa học Kinh tế, đích thân phỏng vấn từng ứng viên; thầy hỏi bằng tiếng Anh, tôi trả lời lưu loát nhờ khả năng Anh ngữ được trau giồi khi dạy tiếng Việt cho các bạn Mỹ trong đoàn Thanh niên Chí nguyện Quốc tế trong hai năm cuối trung học. Khi biết thêm tôi giỏi toán và ra trường đậu cao, thầy nhận tôi ngay tại chỗ. Tôi bước ra, nháy mắt ra hiệu đã thành công, và dẫn Nhật Lệ sang quán Givral ở góc đại lộ Lê Lợi uống cà-phê ăn bánh ngọt; bánh ngọt Givral rất nổi tiếng, thu hút nhiều khách sành ăn. Thấy tôi không vui, em an ủi,

“Cuộc đời được cái này mất cái khác, nhưng trong hướng đi này, em thấy anh ‘được’ nhiều hơn ‘mất.’ Với bằng Cao học Kinh doanh, anh sẽ quản trị công ty và điều khiển nhân viên hữu hiệu hơn kỹ sư chỉ giỏi về kỹ thuật.”

Một giải pháp lựa chọn khác xảy đến khi tôi ghé thăm anh Hán, anh đỡ đầu của tôi. Anh Hán và anh Bản bạn anh, một giáo sư có uy tín nổi tiếng, đãi tôi ăn cờ tây (nói lái là “cầy tơ,” tức là thịt chó) ở quán Cây Còn trong khu xóm Trương Minh Giảng. Khi biết tôi sắp học quản trị kinh doanh, anh Bản nhăn mặt,

“Sao cậu chuyển sang một ngành khác hẳn với khả năng chuyên môn?”

“Đó là chương trình duy nhất được xem là tiếp tục học lên lớp cao hơn để hoãn dịch.”

“Không đúng! Làm việc ở bộ Giáo dục nhiều năm, tôi biết đã có từ lâu nghị định thiết lập văn bằng Tiến sĩ Kỹ sư tại Đại học Khoa học Sài gòn. Cậu phải học chương trình ấy nước mình mới không mất đi một kỹ sư tài ba.”

“Thật sao anh? Sao em chưa bao giờ nghe nói?”

“Cậu không biết là phải. Văn bằng ấy hiện vẫn có, nhưng chưa có ai ghi danh xin học. Cậu sẽ là tiến sĩ kỹ sư đầu tiên tốt nghiệp tại Việt nam!”

Tôi mừng không biết để đâu cho hết,

“Vậy em phải làm sao?”

“Phải kiếm một giáo sư nhận bảo trợ luận án rồi giáo sư ấy lập ra chương trình học cho cậu. Bạn tôi là ông Thế làm ‘Thư ký Đại học đường’ có nhiệm vụ giúp đỡ Khoa trưởng điều hành việc hành chánh và học vụ bên Khoa học, cần gì ông ấy giúp cho.”

Tôi gặp bác Thế và được chỉ dẫn làm đơn gửi đến giáo sư Phong thuộc ban Điện tử để xin bảo trợ. Tốt nghiệp PhD (Doctor of Philosophy, tức là Tiến sĩ) ở Úc và mới về dạy được vài năm nay, thầy trông chưa tới ba mươi tuổi và thân thiện phỏng vấn tôi với nhiều câu hỏi về khả năng toán học và ngoại ngữ (ứng viên trình luận án tiến sĩ phải thông thạo cả Anh lẫn Pháp ngữ) và dự định nghề nghiệp tương lai. Sau nửa tiếng đồng hồ chất vấn, thầy mỉm cười thỏa mãn,

“Tôi cũng đã xét đơn anh Thành học cùng lớp kỹ sư với anh; giữa hai người, tôi nhận anh. Khoảng cuối hè, anh trở lại gặp tôi để thiết lập chương trình học.”

“Cám ơn thầy. Em sẽ cố gắng học hỏi dưới sự chỉ dẫn của thầy,” kể từ giờ phút ấy, đời tôi bước sang một ngã rẽ mới.

Trong khi các bạn đồng khóa nhận nhiệm sở và lãnh tháng lương kỹ sư đầu tiên, tôi đi trình diện ở Trung tâm Huấn luyện Quang Trung ở Hóc Môn và theo học chương trình Huấn luyện Quân sự Học đường (“HLQSHĐ”) cấp II bốn tuần lễ với tư cách sinh viên Khoa học để tiếp tục được hoãn dịch về lý do học vấn; tôi đã học cấp I hè năm ngoái. Tôi không ngạc nhiên khi thấy thằng Thành cũng tham dự khóa HLQSHĐ này, chỉ thắc mắc tại sao. Chúng tôi thuộc hai đại đội sinh viên riêng biệt nên ít khi gặp nhau. Buổi tối thứ Sáu cuối cùng trước khi mãn khóa, nó tìm tôi và giải thích,

“Sau khi thầy Phong nhận Ba Hoa, Thành về trường Điện mình xin thầy Thăng Trưởng ban Viễn thông bảo trợ; thầy là bạn thầy Phong và cũng tốt nghiệp PhD ở Úc về.”

“Thành là con trai lớn và có đông em, ông cụ làm hạ sĩ quan có đồng lương giới hạn, tại sao không làm cho Điện lực để đỡ đần gia đình?” tôi nêu lên điều thắc mắc trong lòng.

“Nhà Thành nghèo thật, nhưng nhà Tuất còn nghèo gấp bội. Thành chơi thân với Tuất nên biết cha mẹ Tuất quanh năm đau ốm và rất cần tiền thuốc thang,” thằng Thành phân bua; thằng Tuất ra trường đội sổ và không hy vọng tìm được chỗ làm mong muốn.

“Vì vậy Thành rút tên và nhường chỗ cho nó?”

“Thành biết sửa đồ điện tử, tiền thu nhập cộng với tiền lương thượng sĩ của bố, giật gấu vá vai cũng tạm đủ chi dùng. Tuất không xoay xở được như Thành,” nó thản nhiên, xem đó là chuyện thường tình.

Bạn tôi trọng nghĩa khinh tài, nghèo tiền của mà giàu lòng thương bạn bè. Tôi hãnh diện tiếp tục làm bạn đồng hành với nó tại trường Khoa học cũng như ở trường Điện (về sau hai thằng cùng về dạy lại) cho đến cuối tháng Tư 1975, khi tôi bỏ nước ra đi.

Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 5 tháng Bảy, 2017

Trở về đầu trang