![]() |
Tập truyện "Tuổi Trưởng Thành"
của Nguyễn Ngọc Hoa
Lời trần tình của tác giả :Truyện ngắn trong tập truyện của chúng tôi kể lại những câu chuyện đã trải qua, chứng kiến, hay nghe thuật lại ở một quãng đời xa xưa. Các truyện ngắn ấy không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Mọi nhân vật đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào ở ngoài đời. Do đó, nhân vật xưng "tôi" không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự, và mơ ước thầm kín của bạn bè cùng thời. Mời quý thân hữu đọc truyện, thưởng thức câu chuyện kể lại, và xin đừng liên kết nhân vật trong truyện với bất cứ ai ở ngoài đời.
* * *
3. Nhìn Từ Trong Tháp Ngà
Cuối hè 1970, sau khi tốt nghiệp kỹ sư điện, cuộc sống của tôi không một mảy may thay đổi: vẫn sống lang thang không nhà, vẫn là anh sinh viên quèn đi dạy học mưu sinh, và vẫn bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình. Sau bốn tuần Huấn luyện Quân sự Học đường ở quân trường, tôi lại thăm anh Hán và lấy thư vì tôi dùng nhà anh làm địa chỉ liên lạc. Anh mừng rỡ,
“Mấy hôm nay muốn tìm cậu mà chẳng biết cậu tiếu ngạo giang hồ nơi nao. Cậu hết tiền tiêu rồi phải không?” Thường tôi đến tìm anh khi cần tiền.
“Mấy tuần nay em nằm trong Quang Trung ăn cơm cá mối nhà bàn mệt nghỉ luôn. Có chuyện gì không anh?”
“Tuần trước ông Phong giáo sư đỡ đầu của cậu bên Khoa học lại tìm cậu; tôi chả biết cậu ở đâu mà nói. Ông ta để giấy lại cho cậu đây.”
“Ông ấy cần gặp em, nhưng không nói có chuyện gì,” tôi mở thư thầy Phong ra đọc.
“Cậu cứng đầu và hay cãi bướng, cho tôi khuyên một điều: Ở Việt nam, muốn trình luận án thành công, cậu phải nhịn nhục đối với thầy đỡ đầu, và đôi khi quỵ lụy điếu đóm cho . . . phải đạo thầy trò.”
“Dạ, em sẽ nhớ lời anh,” tôi biết anh không hề tin lời tôi.
Tôi đến nhà thầy Phong và gặp một người đàn bà ngoại quốc trạc ba mươi tuổi, thân hình dong dỏng cao và chắc chắn, mái tóc cắt ngắn, và khuôn mặt thanh tú có vẻ buồn bã. Bà đứng ở cửa và nói bằng tiếng Anh, giọng nói không mấy thân thiện,
“Anh Phong vắng nhà, không biết lúc nào về.”
“Cô là . . .? Em có thể nhà vào đợi thầy không?” tôi dè dặt.
“Tôi là Emily, vợ anh Phong. Anh có thể vào phòng khách ngồi đợi,” cô Emily hơi đổi thái độ khi thấy tôi nói tiếng Anh lưu loát.
“Chào em, em tên gì?” tôi cởi giày để bên ngoài và vẫy tay với chú bé ở trần đi chập chững trên sàn gạch hoa sạch bóng.
“Cháu là Oliver, mới hai tuổi mà nghịch phá như giặc,” mặt cô tươi lên một chút.
Cô Emily cầm tay thằng Oliver lôi lệt xệt và đưa tôi vào phòng khách. Nhớ đến lời khuyên của anh Hán, tôi đi một đường nịnh đầm,
“Hôm nay em được may mắn được gặp một người đàn bà đẹp và một chú bé thật dễ thương. Ở bên Úc, cô và thầy gặp nhau ở đâu?”
“Tôi gặp anh Phong khi học ở Đại học Melbourne. Tôi tốt nghiệp về âm nhạc và đi dạy trung học trong thời gian anh ấy học tiến sĩ,” cô bắt đầu cởi mở.
“Melbourne, thủ phủ và thành phố đông dân nhất của tiểu bang Victoria, thì em biết vì có bạn du học ở đó. Cô theo thầy về đây bao lâu rồi?”
“Mười tám tháng dài! Tôi vỡ mộng, nhớ nhà mà không về thăm vì không muốn để anh Phong ở một mình. Tôi mê âm nhạc mà ở Sài gòn chỉ có thể đi dạy Anh văn,” bỗng nhiên cô tâm sự.
“Em không biết nhiều về âm nhạc, nhưng ngày trước được bạn Mỹ dạy một số bản nhạc đồng quê, điển hình là bài ‘Five Hundred Miles’ (Năm Trăm Dặm Anh) diễn tả tâm trạng của một kẻ đi xa nhà. Cô biết bài đó không?”
Câu hỏi của tôi vô tình gãi đúng tâm trạng của cô, cô lấy cây đàn ghi-ta (guitar), so giây rồi cất tiếng hát nức nở,
If you miss the train I'm on, you will know that I am gone
You can hear the whistle blow a hundred miles
A hundred miles, a hundred miles, a hundred miles, a hundred miles
You can hear the whistle blow a hundred miles.
(Nếu em nhỡ chuyến tàu này, em sẽ biết tôi đã đi rồi
Em có thể nghe tiếng còi tàu xa một trăm dặm
Một trăm dặm, một trăm dặm, một trăm dặm, một trăm dặm
Em có thể nghe tiếng còi tàu xa một trăm dặm.)
Mãi nói chuyện và nghe cô hát, tôi không để ý thầy Phong đã về từ lúc nào; thầy bắt tay tôi,
“Tôi đọc hồ sơ, biết anh học giỏi và có nhiều tài, và bây giờ càng thấy mình chọn đúng người. Anh nghe nói Đại học Minh Đức bao giờ chưa?”
“Dạ, em đọc báo thấy viện đại học tư đó mới thành lập và có năm phân khoa – Kỹ thuật Canh nông, Khoa học Thực dụng, Kinh tế Thương mại, Triết học, và Y khoa. Đó là đại học tư đầu tiên có trường y khoa dạy bác sĩ và trường kỹ thuật đào tạo kỹ sư, đặc biệt chương trình y khoa kết hợp hai ngành Đông và Tây y.”
“Tôi nhận làm Trưởng ban Vật lý cho Đại học Y khoa Minh Đức. Trường mới mở cần thiết lập phòng thí nghiệm Vật lý để sinh viên thực tập, và xem ra không ai có khả năng đảm nhiệm chức Trưởng phòng hơn anh.”
Một chức vụ quan trọng bỗng dưng dâng tận miệng anh kỹ sư mới ra lò như tôi. Tưởng chừng như sắp trúng lô độc đắc cuộc xổ số kiến thiết quốc gia chiều thứ Tư và chiều thứ Sáu hàng tuần trên đài phát thanh với giọng ca của Trần Văn Trạch (1924- 1994),
Kiến thiết quốc gia
Giúp đồng bào ta
Xây đắp muôn người
Được nên cửa nhà.
Nhưng khoan đã, đây là một đại học tư mới mở! Tôi dằn nỗi háo hức,
“Xin thầy cho em biết thêm về công việc phải làm.”
“Anh sẽ làm giảng nghiệm viên, thiết trí phòng thí nghiệm cũng như nghiên cứu và chế tạo các dụng cụ thí nghiệm cần thiết, và phụ trách giảng dạy thực tập cho sinh viên năm thứ nhất của cả hai phân khoa Y khoa và Khoa học Thực dụng.”
“Dạ còn vấn đề thù lao?” tôi đánh bạo hỏi chuyện tiền nong.
“Y khoa Minh Đức trả lương cho nhân viên giảng huấn ngang hàng với các đại học công. Căn cứ theo khả năng và kinh nghiệm, tôi đã đề nghị cho anh hưởng thêm mười phần trăm. Ngoài ra, trường hoạt động theo lối Mỹ; anh làm việc chín tháng, hè được nghỉ, rất tiện dồn nổ lực vào luận án tiến sĩ kỹ sư của anh.”
“Dạ khi nào thầy cho em bắt đầu?” thời buổi này tìm đâu ra việc làm ngon lành hơn.
* * *
Viện Đại học Minh Đức và năm phân khoa mở cửa trong khuôn viên của một trung tâm công giáo trên đường Lê văn Duyệt nối dài qua Ngã Tư Bảy Hiền và chung cơ sở với trường trung tiểu học từ lớp Năm (lớp 1) đến đệ nhất (lớp 12), ký túc xá, nhà thờ, và tu viện đã có từ trước. Phòng thí nghiệm Vật lý trường Y khoa với hai mươi bàn thí nghiệm nằm trên lầu hai của tòa nhà bốn tầng rất lớn quét vôi màu trắng. Ban Vật lý còn có hai giảng nghiệm viên khác vừa tốt nghiệp Cử nhân Vật lý ở Đại học Khoa học Sài gòn và thư ký lo việc giấy tờ sổ sách.
Chương trình thực tập dạy cho sinh viên kiểm chứng những định luật vật lý căn bản đã học ở trung học bằng cách làm thí nghiệm. Tôi để ra hai tuần lễ lục lạo chợ bán đồ lạc-xon (tiếng Pháp “à la solde”) trên đường Tôn Thất Thiệp và các tiệm đồ sắt và đồ điện trong Chợ Lớn, lùng mua dụng cụ hay vật liệu có thể dùng được, và thấy rằng với thì giờ và ngân sách hạn hẹp, giải pháp duy nhất là chế tạo lấy các thí nghiệm cần dùng. Biết mình không đủ khả năng và dụng cụ để thực hiện điều này, tôi lo lắng mất ăn mất ngủ mà vì tự ái không muốn phụ lòng tin tưởng của thầy Phong, tôi không nói ra.
Thằng Song, người bạn thân tốt nghiệp trước tôi một năm, làm Trưởng ty Điện lực ở một thành phố miền Cao nguyên, về Sài gòn họp, và đến quán Cà-phê Nhân trên đường Lý Thái Tổ, nơi hẹn gặp gỡ của đám bạn cũ sau khi ra trường mỗi đứa đi tứ tán một phương. Nghe kể về vấn đề “nan giải” của tôi, nó cười ngất,
“Mày trở thành anh giáo sư trong tháp ngà và mất sáng kiến bình thường từ hồi nào vậy? Hôm nay chịu khó chi chầu cà-phê rồi anh mày mách nước cho.” “Tháp ngà” của giới trí thức là thế giới riêng rẽ và tách biệt với xã hội, nơi họ nảy sinh những ý tưởng hay giải pháp lý thuyết không phù hợp với thực tế.
“Vậy phải làm sao?” tôi quên mất mình vừa bị bêu diếu.
“Mày nhớ thằng Thân học cán sự điện ra trường một lần với tao không?”
“Lạ gì thằng Thân người Huế, gặp tao kêu anh xưng em ngọt xớt mặc dầu tuổi thật nó lớn hơn tao nhiều!”
“Thằng đó nghề chuyên môn rất giỏi, nổi tiếng khéo tay, và chế tạo vật dụng tinh xảo số một. Nó ở lại trường Điện dạy trong ban Tu huấn Chuyên viên Điện.”
Ban Tu huấn này đào tạo cán sự điện và thợ điện chuyên môn và được trang bị đầy đủ với những dụng cụ và máy móc tối tân nhất. Thằng Song cười khà khà,
“Bọn Minh Đức hên lắm mới kéo được mày về làm giáo gian. Các thí nghiệm đó mày có thể thuê thằng Thân làm với giá rẻ mạt.”
“Làm đồ đạc thì tiền trao cháo múc, tụi tao có xin xỏ ai đâu,” tôi nhăn nhó không đồng ý.
“Từ từ anh mày nói cho nghe. Trước hết mày phải thiết kế, vẽ kiểu, và chỉ định các đặc điểm kỹ thuật. Thằng Thân là đứa thích xoay xở buôn bán mà đối với mày lại phục lăn phục lóc nên thế nào cũng nhận làm. Nó sẽ vào trường làm ban đêm hay ngày nghỉ cuối tuần, thì giờ chùa vì nằm nhà nghe vợ cằn nhằn không đẻ ra tiền, máy móc dụng cụ và điện nước của chính phủ cũng chùa, và do đó nó không thể ra giá cao với đại ca Ba Hoa.”
Tôi thiết kế và theo dõi và kiểm soát việc chế tạo các thí nghiệm, nhưng thầy Phong điều đình giá cả, giao kết, và tiếp nhận các thí nghiệm. Không tới ba tháng sau ngày tôi nhận việc, phòng thí nghiệm Vật lý sẵn sàng nhận sinh viên vào thực tập. Bất ngờ, phân khoa Khoa học Thực dụng thông báo sẽ thiết lập phòng thí nghiệm riêng, không gửi sinh viên đến trường Y khoa thực tập. Thầy Phong bối rối, nhân viên cũng như ngân sách đã dự trù cho việc giảng dạy sinh viên cả hai phân khoa.
* * *
Khoảng gần Tết, thằng Song về Sài gòn họp, và thằng Thân khẩn khoản mời tôi và nó vào Chợ Lớn hưởng thú “nhất dạ đế vương” theo kiểu người Hoa. Sáng hôm sau đưa chúng tôi về bằng chiếc xe LaDalat mới toanh, thằng Thân thú nhận,
“Nhờ anh Ba Hoa em mới sắm được chiếc xế tứ này.” LaDalat hãng Citroën của Pháp mới bán ra thị trường là loại xe hơi đầu tiên sản xuất tại Việt Nam.
“Thật không? Sau khi mua xe, ông còn đủ tiền để bao tụi này ăn chơi líu lo từ hôm qua đến giờ sao?” tôi lắc đầu không tin.
“Một mình Y Khoa Minh Đức của anh thì không đủ. Nhưng em bán được toàn bộ thí nghiệm cho trường Khoa học Thực dụng,” nó cười hóm hỉnh.
“Tao nói có sai đâu, mày nhìn sự việc từ trong tháp ngà nên không thấy lẽ thường tình!” thằng Song cười lớn.
Bây giờ tôi mới hiểu tại sao Khoa học Thực dụng tách riêng, nhưng thấy vui trong lòng vì biết công trình của mình trở nên hữu ích cho nhiều người hơn. Và tôi vẫn có thể tự hào mình là người đầu tiên và duy nhất đã thiết lập phòng thí nghiệm Vật lý made in Vietnam.
Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 12 tháng Bảy, 2017