Trở về trang Mục Lục

Bản PDF để in

Tập truyện "Tuổi Trưởng Thành"
của Nguyễn Ngọc Hoa

Lời trần tình của tác giả :Truyện ngắn trong tập truyện của chúng tôi kể lại những câu chuyện đã trải qua, chứng kiến, hay nghe thuật lại ở một quãng đời xa xưa. Các truyện ngắn ấy không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Mọi nhân vật đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào ở ngoài đời. Do đó, nhân vật xưng "tôi" không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự, và mơ ước thầm kín của bạn bè cùng thời. Mời quý thân hữu đọc truyện, thưởng thức câu chuyện kể lại, và xin đừng liên kết nhân vật trong truyện với bất cứ ai ở ngoài đời.

* * *

4. Người Em Xó Chợ

Cuối năm 1970, do những bất ổn chính trị, các cuộc biểu tình chống chính phủ của sinh viên Sài gòn xảy ra hàng ngày và thường xuất phát từ Đại học xá Minh Mạng. Cảnh sát và ban quản đốc Đại học xá thường xuyên bố ráp các phòng ngủ, vây bắt các phần tử bị cho là bất hảo, và đồng thời trục xuất những kẻ ở lậu như tôi. Tôi trở thành dân bụi đời, một kẻ lang thang không nhà thực sự.

Mỗi ngày giang hồ bắt đầu khoảng sáu giờ sáng, tôi ôm chiếc cặp da đựng sách vở và mọi thứ cần dùng trong ngày đến tiệm giặt ủi quen, nơi tôi để áo quần đủ dùng cả tuần, thay bộ quần áo đang mặc. Đến văn phòng ở phòng thí nghiệm Vật lý, tôi đóng cửa, đánh răng rửa mặt, và “tắm khô,” tức là dùng khăn thấm nước lau mình mẩy. Xong còn sớm, tôi ra Ngã Tư Bảy Hiền ăn sáng ở quán hủ tiếu bình dân, nhẩn nha uống cà-phê bít tất (pha bằng túi vải giống như chiếc bít tất), và hăng hái góp chuyện với bác tài tắc-xi, anh xích lô máy, chú xe ba gác, thím lao công, v.v. trong lúc họ đợi tới giờ đi làm việc.

Tôi dạy trung học, làm giảng viên đại học, và học cao học – cả ba đều là nhiệm vụ toàn thời gian. Thời khóa biểu của tôi kín mít, không chừa nhiều khoảng trống cho mục ngủ nghê. Ban đêm, tôi thường ở văn phòng làm việc và học bài đến khi hai mí mắt ríu lại, lấy thùng các-tông (tiếng Pháp “carton”) trải ra sàn nhà, dùng cặp da làm gối, và ngủ một lèo đến khi xe cộ chạy ồn ào ngoài đường đánh thức dậy. Đôi khi tôi đi chơi đêm, tới nhà bạn, ngồi nói chuyện kề rề đến gần giờ giới nghiêm, và được chủ nhà hiếu khách khẩn khoản mời, “Khuya rồi, mày ngủ lại đây đi; chật bụng chớ chật chi nhà!”

Một tối gần cuối năm âm lịch, tôi đến nhà bạn ở đường Cống Quỳnh, ngồi nán lại đến gần nửa đêm mà nó vừa nói chuyện vừa nhìn đồng hồ đuổi khách, và đành đứng dậy từ giã. Tôi ra tới chợ Thái Bình, phía bên kia bùng binh là rạp hát Khải Hoàn, còi giới nghiêm hụ vang rền, và cảnh sát dã chiến tuôn ra bố trí đầy đường và hỏi giấy tờ và bắt giữ những kẻ vi phạm. Tôi tấp xe gắn máy vào trong chợ và tự nhủ, “Sạp gỗ trong nhà lồng chợ hay sàn xi-măng ở văn phòng có khác gì nhau!”

Tôi tìm một sạp hàng khuất ánh đèn phía sau chợ để ngả mình, ngủ chập chờn trong tiếng muỗi vo ve, và choàng tỉnh dậy khi có tiếng xôn xao chung quanh. Một đám hơn mười đứa trẻ bụi đời áo quần xốc xếch tóc rối bù dương mắt thao láo nhìn tôi. Thằng lớn nhất trong bọn, khoảng mười bảy, mười tám tuổi, bước tới nhìn kỹ rồi la lên,

“Ồ, ông thầy Ba Hoa đây mà! Sao ông ngủ đây? Còn nhớ tui không?”

“Mày là thằng Phúc nghịch phá như quỷ sứ; hồi đó tao khổ đời vì mày, sao không nhớ?” nụ cười láu lỉnh và đôi mắt tinh ranh của nó thật khó quên.

“Ê tụi bây, ổngsư phụ tao. Con Định đi nấu nước pha trà cho tao mời ổng,” nó ra lệnh cho đứa con gái duy nhất trong bọn chừng mười ba, mười bốn tuổi.

Cuộc gặp gỡ bất ngờ khơi lại cho tôi chuỗi ngày mới tập tễnh đi dạy học. Ban đầu tôi đi dạy thay để trám chỗ ở trường tư cho anh Hán và bạn anh khi các anh đau ốm, bận việc nhà, hay đi chấm thi; trường tư Sài gòn không cho phép để lớp học vắng thầy giáo. Nhờ đó, tôi được cha Vân hiệu trưởng trường công giáo tư trên đường Trương Minh Ký Phú Nhuận chú ý và yêu mến.

Một tuần lễ sau khi bỏ nhà đi bụi đời và không còn khoản trợ cấp hàng tháng của gia đình, tôi đi dạy thay cho một anh giáo sư bị cúm, vào phòng giáo sư rửa tay, và thấy cha Vân đợi sẵn. Nụ cười của cha hiền hòa,

“Cha quen anh hai năm nay, ai cũng nói anh học giỏi, và bọn học trò phục anh sát đất và ca ngợi kiến thức rộng rãi và trí nhớ như in của anh. Tuần trước, một giáo sư đệ nhị cấp bị gọi đi lính, cha mời anh hợp tác để thay thế; đây là thời khóa biểu những giờ trống.”

“Cha cho con dạy Toán và Vật lý cho sáu lớp 10 ban B (Khoa học Toán) này,” lòng mừng khấp khởi, tôi chọn dạy lớp không đi thi.

“Trong sáu lớp thì năm lớp là nữ sinh, chúng nó hiền và ít phá phách hơn bọn con trai. Cha sẽ trông chừng để học trò khỏi thấy anh trẻ tuổi mà dể ngươi.”

Buổi dạy đầu tiên của tôi lại là lớp nam sinh, trong đó thằng Phúc có tiếng nghịch ngợm nhất trường. Cha Vân đưa tôi vào lớp giới thiệu rồi ra ngoài, lảng vảng ở cửa sau canh chừng. Gần cuối giờ, tôi quay lưng về phía học trò viết trên bảng đen thì một tờ giấy xếp hình máy bay mũi nhọn từ dưới lớp phóng lên lưng tôi. Thằng Phúc bị cha bắt tại trận, xách tai lôi ra khỏi lớp, và bắt quỳ dưới cột cờ trong sân trường.

Đó là chuyện hơn hai năm trước. Giờ đây nó là thanh niên dày dạn phong sương, trên trán đã có vết nhăn. Đưa cho tôi ly trà nóng, thằng Phúc cười nụ,

“Trong mấy ông thầy hồi đó tui phục ông nhứt nên hay chọc phá cho ông chú ý.”

“Sao chưa hết nửa năm lớp 10 mày lại bỏ học?”

“Hồi đó, tía tui làm trung sĩ và má tui bán hàng ngoài chợ Ông Tạ, dư sức nuôi tui và con em đi học. Rồi ổng đánh trận chết mất xác đâu dưới miệt Sóc Trăng, bả buồn bã đau ốm, và tui phải ở nhà giúp bả buôn bán. Con em tui mười một tuổi học lớp 6, cùng tuổi với con Định này,” nó hất hàm về phía con Định.

Thằng Phúc nhớ về quá khứ,

“Lúc hoạn nạn, có ông bạn lính của tía tui bị Việt Cộng bắn què chân được giải ngũ và đem lòng yêu thương và an ủi má tui nên bả cũng nguôi ngoai. Dọn về ở với bả, thằng chả mới lòi mặt xỏ lá ba que. Suốt ngày uống rượu, theo bả nã tiền để đánh bạc và dê gái, và khi bả không xỉa tiền ra uýnh bả mềm người và kiếm cớ dợt anh em tui méo miệng luôn. Tui nực nhất là chả hay bốc hốt con em, nó sợ són đái mà không dám méc.”

“Quỷ sứ ôn hoàng dịch lệ sao trời không đánh chết nó?” con Định động lòng lên tiếng.

“Một bữa tui về nhà sớm thấy thằng chả nhấp nhỏm trên người con em, nó nằm sải tay xụi lơ trên sàn nhà. Sẵn có cây gậy chống của chả để bên cạnh, tui cầm lên phang tới tấp lên lưng chả cho nó vùng ra. Chả vừa mặc quần vừa chửi thề, ‘Đ.m. thằng chó đẻ, tao mà không cắt cổ mày thì tao làm con chó ăn cứt cho mẹ con con đĩ thúi.’ Tui nổi máu khùng, vung gậy nện tới tấp lên đầu và thân hình chả, và dừng lại thì chả đã thành cây thịt mềm xèo. Tui sợ lính bắt và làm má tui liên lụy nên trốn đi bụi đời.”

Đôi mắt đỏ hoe, thằng Phúc nhìn con Định,

“Tại vậy mà thấy nó sống lang thang, tui kéo về đây. Đứa nào loạng quạng đụng tới nó phải bước qua xác tui. Ông thầy ơi, hay là ông làm đại ca của tụi tui đi?”

Xúc động về chuyện đời đau thương của thằng Phúc, tôi trầm ngâm,

“Ngoài mớ kiến thức trong sách vở, tao có tư cách gì mà làm đại ca tụi mày?”

“Vậy tụi tui kêu ông bằng sư phụ, và lâu lâu ông ghé thăm tụi tui nghen,” nó siết chặt tay tôi.

“Kêu bằng ‘sư phụ’ cũng được, nhưng ‘anh’ dễ nghe hơn.”

“Đúng rồi, tui kêu bằng ‘anh’ – anh Ba Hoa, nghe hay quá!” con Định reo lên.

Dáng dấp và khuôn mặt con Định giống em Bình một cách lạ lùng, từ đôi mắt bồ câu đen nhánh đến chiếc mũi dọc dừa duyên dáng, khiến lòng tôi nảy sinh một mối quyến luyến sâu đậm. Đêm đi chơi khuya, tôi không còn đến nhà bạn chực ngủ “ké” mà ra chợ Thái Bình ngủ chung với đám trẻ bụi đời. Sáng sớm, khi sinh hoạt đường phố bắt đầu, tôi sửa soạn rời “phòng ngủ” và thấy đôi giày của mình được đánh bóng và để ngay ngắn dưới đất, và chiếc xe gắn máy dựng gần đó lau chùi láng coóng. Con Định cắm cúi làm cả đêm trong lúc tôi ngủ; tôi la nhiều lần biểu đừng làm, nó dạ dạ rồi cứ làm như thường.

Trước khi chia tay, tôi dẫn nó đi ăn sáng ở xe mì có mặt kính đủ màu cẩn hình Lưu Bị, Quan Công, và Trương Phi trong sự tích Tam Quốc Chí của ông Tàu già trên lề đường Nguyễn Trãi; nó vui vẻ cười nói huyên thuyên. Một hôm thấy tôi dùng diêm quẹt để hút thuốc, nó cười khúc khích,

“Vậy chớ cái hộp quẹt máy Zippo của anh đâu?”

Zippo

Bật lửa Zippo bật nắp lên nghe tiếng “cắc” lạ tai là dụng cụ không thể thiếu của dân hút thuốc lá sành điệu, thiếu nó là mất mặt . . . anh hùng ngay. Thường bán trong các PX (Post Exchange, tức là cửa hàng quân tiếp vụ Mỹ) và “nhảy dù” ra ngoài theo nhiều lối khác nhau, Zippo dễ đánh lửa, bật lửa cháy ngay, và giữ ngọn lửa dù có gió thổi. Tôi chép miệng tiếc rẻ,

“Hôm kia tao đi ăn với bạn ở nhà hàng Thanh Bạch trên đường Lê Lợi, mấy thằng nhỏ tới nài nỉ mời đánh giày mà tao lắc đầu. Tụi nó xẹt qua xẹt lại một hồi, cái Zippo không cánh mà bay. Mày không được cười!”

“Em cười cái thằng dám xăm mình thổi Zippo của sư phụ anh Phúc,” nó bụm miệng.

Hai hôm sau, vừa thấy mặt tôi, thằng Phúc đem ra một bịch vải lớn, đổ ra trên sạp gỗ cả năm sáu chục cái bật lửa,

“Cái nào của sư phụ thì lấy đi. Còn lại, tui trả cho tụi nó.”

Tôi và con Định tẩn mẩn lựa từng cái đưa lên ánh đèn đường xem kỹ; rốt cuộc tìm ra cái bật lửa của tôi. Con Định thắc mắc,

“Làm sao biết được Zippo của anh?”

“Mày coi đây,” tôi chỉ vào hàng chữ ở mặt sau, “Hãnh diện vô vàn - NL & B.

Chiếc bật lửa là quà tặng của hai em Nhật Lệ và Bình hôm dự lễ tốt nghiệp của tôi, dòng chữ này chắc hẳn đã khắc ở một cái quán khắc chữ lề đường nào đó trên đại lộ Lê Lợi hay khúc đường Lê Lai gần chợ Bến Thành. Lần đầu tiên, con Định hỏi về gia đình tôi,

“Anh thương hai chị đó lắm, phải không?”

“Nhật Lệ thua tao một tuổi, trước đây xuýt làm vợ tao, và mới được ông bà già nhận làm con nuôi. Con Bình mười bốn tuổi là đứa em gái ruột duy nhất, ngó y hệt như mày, chỉ lớn hơn một chút.”

“Vì em giống chỉ mà anh thương em, phải không?” nó nói như chực khóc.

“Trong nhà tao thứ ba, Ba Hoa; trước khi có con Tư Lệ, con Bình là thứ sáu, nhưng giờ thành Bảy Bình,” tôi không trả lời thẳng câu hỏi của nó.

“Anh kêu em là con Tám Định được không?” giọng nói ngập nước mắt.

Mắt tôi cũng ướt đẫm. Thương quá người em xó chợ cùng tôi chia sẻ vui buồn trong những ngày lêu bêu trên dòng đời độc ác vô thường. Tôi ôm em vào lòng, ngửi mùi hương đường phố trên tóc em, và giận mình bất lực, không làm được gì cho em.

Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 26 tháng Bảy, 2017

Trở về đầu trang