Bản PDF để in
Tập truyện "Tuổi Trưởng Thành"
của Nguyễn Ngọc Hoa
Lời trần tình của tác giả :Truyện ngắn trong tập truyện của chúng tôi kể lại những câu chuyện đã trải qua, chứng kiến, hay nghe thuật lại ở một quãng đời xa xưa. Các truyện ngắn ấy không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Mọi nhân vật đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào ở ngoài đời. Do đó, nhân vật xưng "tôi" không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự, và mơ ước thầm kín của bạn bè cùng thời. Mời quý thân hữu đọc truyện, thưởng thức câu chuyện kể lại, và xin đừng liên kết nhân vật trong truyện với bất cứ ai ở ngoài đời.
* * *
15. Chỉ Đúng Ở Nơi Khác
Những buổi sáng mùa hè nhàn rỗi, tôi hay ra Bưu điện Sài gòn gửi thư rồi đi vòng qua đường Nguyễn Hậu, vào cửa hông, và tìm thằng Hữu rủ ra đường Nguyễn Du uống cà-phê vỉa hè dưới bóng mấy cây me già. Nó học cùng lớp kỹ sư điện với tôi và ra trường làm việc ở Tổng nha Bưu điện. Trụ sở của Tổng nha là dinh thự đồ sộ nằm trọn trong khu vực có ba cạnh là đường Nguyễn Hậu, Hai Bà Trưng, và Nguyễn Du. Sảnh đường ở mặt tiền nhìn ra công trường Hòa Bình và nhà thờ Đức Bà là nơi cung cấp dịch vụ bưu điện cho công chúng vùng Sài gòn. Trong vòm vách hình bán nguyệt phía trên cửa ra vào chính, ba chữ PTT gắn chung quanh chiếc đồng hồ hình tròn cho thấy tên của sở bưu điện thời Pháp thuộc – “Postes, télégraphes et téléphones” (Bưu tín, điện tín và điện thoại).
Cuối hè, tôi về Nha Trang thăm nhà hai tuần và khi trở lại thấy thằng Hữu khác hẳn ra. Vốn lè phè về trang phục mà nay áo quần tươm tất thẳng thớm, giày da đánh bóng, và đầu tóc hớt chải ngay ngắn. Ngôn từ trở nên chững chạc, không còn phát ngôn bừa bãi. Rõ ràng nó đang yêu, được yêu, và được người yêu khuyên bảo cẩn thận. Nếu không phải là Thanh Hiền, con bác Luận trong cư xá Bắc Hải tôi giới thiệu cho nó, thì còn ai vào đó? Mừng cho bạn, nhưng tôi vờ chế giễu,
“Gông mang vào cổ rồi em ơi, đời mày khốn khổ từ đây! Tao còn được rủ mày đi uống cà-phê mấy lần nữa?”
“Hết tuần này là thôi,” nó trả lời tỉnh bơ.
“Nàng đã ra tối hậu thư hả? Vậy là mày hết còn dở trò trốn sở ra ngồi lề đường ăn tục nói phét và đàn đúm với thằng thầy giáo tứ thời rảnh việc như tao!”
“Không có. Bắt đầu tuần tới, muốn tìm tao mày phải vào trong Chợ Lớn uống cà-phê bít tất ở tiệm mì các chú và tán gái bằng tiếng Quảng Đông nị hẩu lèng, ngộ ái nị (cô đẹp lắm, tôi yêu cô). Lúc trước Tổng nha Bưu điện gồm nha Viễn thông, nha Bưu điện Nam phần, và nha Bưu điện Trung phần, nay vừa tách đôi thành Tổng cục Bưu điện và Công ty Viễn thông Việt nam. Phần việc của tao chuyển sang công ty viễn thông và dời về tòa nhà Bưu điện Chợ Lớn.”
Thằng Hữu tung ra “quả bom” tôi trông chờ,
“Trong khi thằng giáo gian tín đồ trung kiên của đạo độc thân dzọt về Nha Trang, tao hết gần mực thì đen nên quyết định lập gia đình.”
“Mày nói để giật le anh em chứ sức mấy mà được quyền quyết định,” tôi cười khà khà.
“Thì con Hiền biểu tao nói dzậy,” nó làm ra vẻ đùa bỡn.
“Nhưng nói trước tao không làm phù rể cho mày đâu nhé. Mệt người mà chẳng ăn cái giải gì.”
“Đừng lo, vợ tao là dân Quảng Bình như mày; nó tin dị đoan và cho rằng mày đã mất mai xưa nên đã dặn không được kêu mày làm phù rể.”
“Mai xưa” (có người nói là mày xưa) là buổi ban đầu, dân miền Trung dùng để chỉ sự may mắn do người mở hàng đầu tiên trong ngày đưa lại. Thanh Hiền ám chỉ chuyện tôi làm phù rể cho thằng Chí “máy hư,” và cuộc hôn nhân đó không thành tựu. Tôi thở phào khoan khoái,
“Mày tóm cổ được thằng nào bắt làm phù rể chưa?”
“Vất vả lắm tao mới chớp được ba thằng ít cà chớn nhất và đã được cô nàng ô-kê (okay) cả hai tay: ngoài thằng Kim và thằng Diễn lớp mình, tao kéo thêm thằng Túc học trung học với tao ở Jean Jacques Rousseau.”
Ngày học ở trường Điện, thằng Kim “con mọt sách” còn có tên là “nhà khoa học,” không phải vì nó giỏi khoa học nhất lớp mà vì nó đã học một năm và đậu “chứng chỉ” (tức là lớp) Toán Đại cương ở Đại học Khoa học Sài gòn trước khi thi đậu vào trường. Thằng Diễn thì bị gọi là “đồng khô cỏ cháy” một phần vì quê nó ở Phan Rang, nơi có nhiệt độ cao, mưa ít, và không khí khô, và một phần do hình dạng bên ngoài của nó: dáng người nhỏ thó, tóc quăn, và da mặt sạm đen. Thằng này giỏi thơ văn và thường gửi bài đăng báo nên được mệnh danh là “văn sĩ” của lớp. Tôi mừng rỡ,
“A, có phải thằng Túc dân y khoa trước ở Đại học xá Minh Mạng?”
“Đích thị! Ngày đó mày chơi thân với nó lắm mà.”
Hồi đó, thằng Túc có tiếng học giỏi, nhưng nghịch ngợm và đùa dai không ai bằng. Nó chơi thân với thằng Thịnh người Huế học Dược, hai thằng đi đâu cũng có nhau, nhưng lại khắc khẩu cãi vã suốt ngày, và thằng Thịnh thường chịu thiệt thòi. Tôi nhớ lại,
“Thằng Túc chuyên môn chơi khăm khiến cho vợ thằng Thịnh là Nhật Hạ bị mắc lỡm mấy bận. Thí dụ, trong buổi tiệc đám hỏi của thằng Thịnh có đầy đủ bà con hai họ, nó vờ cãi lẩy rồi đẩy nhẹ một câu, ‘Ông mà công bố hồ sơ bệnh lý của mày thì mày . . . sướng chết luôn.’ Sau đó nó về Đại học xá trốn biệt. Cả tháng sau, đợi thằng Thịnh năn nỉ ỉ ôi phờ râu ra, nó mới ra mặt giải thích, ‘Ô hay, hồ sơ bệnh lý của chàng trong sạch tuyệt hảo, không sướng chết luôn thế nào được?’ Nó có nói ngoa đâu, thiên hạ đa nghi như Tào Tháo thì rán chịu. Thằng Thịnh giận uất người nhưng chỉ biết than, ‘Cụ mi chơi tau!’”
Thằng Hữu ôm bụng cười như nắc nẻ,
“Nghe nói con Nhật Hạ là chúa cả ghen, và vì vậy đời thằng Thịnh te tua như cái mền rách. Phải không?”
“Sau khi lấy nhau, hai đứa thuê nhà ở đường Bà Hạt. Một hôm thằng Túc đến chơi và hỏi cắc cớ, ‘Hình như chị mới ốm dậy?’ Nhật Hạ bảo là không và căn vặn cho bằng được là tại sao. Được thể, nó tung ra một quả hỏa mù, ‘Thấy hình như chị gầy ra so với tuần trước.’ Nhật Hạ càng thêm hồ nghi, nó bèn ngây thơ . . . vô số tội hỏi tiếp, ‘Chứ không phải tuần trước thằng Thịnh chở chị chạy qua bùng binh chợ Bến Thành à?’ Cũng không phải. ‘Chị có cái áo dài lụa màu mỡ gà?’ Lại càng không phải. Đến đây nó vờ bối rối, xin lỗi lia lịa, và cam đoan đã nhớ nhầm khiến Nhật Hạ càng yên chí là có thực.”
Thằng Hữu nghiêm mặt,
“Thằng khỉ đó bị gọi là Túc ‘lươn lẹo’ cũng đáng đời!”
“Hà hà, thằng Thịnh không dưng bị vợ hành hạ hoạnh họe hạch hỏi, ‘Cái cô mập mập mặc áo dài màu mỡ gà anh chở đi ngoài đường là ai?’ Cuộc đời đúng là bể khổ,” tôi nín cười.
“Rốt cuộc làm sao thằng Thịnh thoát khỏi tai ách?”
“Biết rằng có kêu thằng Túc tới giải thích cũng chẳng nên cơm cháo gì nên thằng Thịnh cậy tao tới làm chứng cho con tim chân chính không bao giờ biết đến nói dối. Từ đó, cuộc đời thằng Thịnh dễ thở hơn vì cô vợ bớt thói ghen tương vô cớ.”
* * *
Tôi đi đám cưới phía họ nhà gái; tiệc cưới là một buổi tiếp tân sang trọng ở vườn sau nhà bác Luận. Dưới ánh đèn mờ mờ, tôi và ba thằng phù rể rút về góc vườn vắng ngồi khuất sau hòn non bộ uống bia “33” và thi nhau kể thành tích thời đi học chọc phá bạn bè. Khi câu chuyện bước qua lãnh vực tử vi, tướng số, và các tướng kín của phụ nữ, thằng Kim bô bô với thằng Túc,
“Thằng Huỳnh trưởng lớp đệ tứ niên của tụi tao người Bình Định, cái xứ mà theo lời thằng Ba Hoa ‘phụ nữ không có lông đuôi’ Mẽo nói là ‘no hair.’ Sách tướng số dạy rằng vô mao bần chí tử, giống như câu ca dao xứ Nẫu,
Đàn bà không có âm mao,
Chẳng tốn danh thể, cũng hao của tiền.”
“Cứ nghe ai nói tới ‘no hair’ là thằng Huỳnh nổi khùng làm dữ và do đó trở thành cái bia cho cả lớp chọc ghẹo. Tao với thằng Hữu treo giải, đứa nào nghiển ra chuyện ‘Bình Định vô mao’ hay nhất sẽ được tặng một cặp vé xi-nê rạp Mini Rex ngồi trên lầu (giá cao hơn),” tôi khề khà kể tiếp.
Để dự thi, trong giờ nghỉ thằng Kim “nhà khoa học” dùng phấn viết lên bảng bài “Thí nghiệm về con vật X” bằng tiếng Pháp,
Lấy một thùng tô-nô (tonneau) và đổ dung dịch thuốc mọc tóc đầy thùng, loại thuốc quảng cáo trên báo hàng ngày bảo đảm thoa đâu mọc đấy, không mọc không lấy tiền. Nhúng toàn thân con vật X vào thùng, đợi 24 tiếng đồng hồ, và lấy ra quan sát. Người ta nhận thấy râu tóc lông lá mọc um tùm khắp cơ thể con X, ngoại trừ một vùng nhỏ có bán kính chừng 5 phân chung quanh “vị trí chiến lược” – láng coóng và không có môt sợi lông nào. Kết luận: một, con X thuộc giống cái; và hai, nó sinh ra và lớn lên ở Bình Định.
Thằng Diễn “văn sĩ” không chịu lép vế. Trong một lúc xuất thần, nó sáng tác chuyện cổ tích “Trọng Thủy, Mỵ Châu, và Chiếc Áo Lông Ngỗng” và đoạt giải một cách dễ dàng,
Trọng Thủy lấy trộm lãy nỏ thần của An Dương Vương, xin phép về thăm nhà, và dặn Mỵ Châu nếu có binh biến loạn lạc, nàng mặc chiếc áo lông ngỗng, đi đến đâu bứt lông rắc đến đó, và để lại dấu cho chàng tìm.
Triệu Đà nắm được lãy nỏ thần liền kéo quân sang đánh Âu Lạc. An Dương Vương thua to, vội vã nhảy lên mình ngựa, đèo theo Mỵ Châu sau lưng, rồi thoát ra khỏi thành phi một mạch về hướng nam. Trọng Thủy theo dấu lông ngỗng thúc quân đuổi theo bén gót.
An Dương Vương cỡi ngựa chạy miết dọc theo bờ biển và khi đến Bồng Sơn là địa đầu của tỉnh Bình Định thì áo Mỵ Châu hết sạch lông ngỗng. Vốn thông minh, nàng nghĩ ra ngay cách thay thế lông ngỗng. Tới Quy Nhơn, nhờ thần Kim Quy hiện ra chỉ điểm, An Dương Vương hiểu ra cớ sự và tuốt kiếm chém chết con gái yêu. Lúc ấy, Mỵ Châu vừa bứt sợi lông cuối cùng trên người.
Thằng Hữu Lăng xăng chạy lui chạy tới và liền miệng giục người nhà bác Luận tiếp tế “nước sinh tố” cho chúng tôi. Theo định luật bảo toàn khối lượng, bia vào thì sẽ đến lúc thặng dư phải bài tiết ra ngoài. Thằng Diễn tửu lượng và thận yếu đang lo thì thằng Túc và thằng Kim cùng chỉ tay vào hồ cá vàng ở bên cạnh. Thế là cả bọn giải quyết vấn đề thủy lợi một cách tiện lợi và thơ thới hân hoan, chỉ cần thận trọng điều chỉnh lưu lượng để tiếng lóc róc không vang lên quá lớn khiến khách khứa chú ý.
Cuối tuần sau, có vợ chồng thằng Hữu về thăm, bác Luận mời tôi sang nhà ăn tối. Thằng Hữu lấy điểm với nhạc gia, chép miệng tiếc rẻ,
“Gần hai chục con cá vàng ba tâng tiu yêu mến bỗng dưng lăn đùng ra chết sạch. Không hiểu có bệnh dịch hay nhiễm chất độc gì không.”
“Thật khó hiểu. Ba cẩn thận bắt hứng nước mưa chứa trong bể riêng để nuôi cá, chứ không dùng nước máy hay nước non bậy bạ khác,” bác Luận cũng thắc mắc.
“Thưa bác, các nhà khoa học bên Mỹ mới khám phá ra một hiện tượng ô nhiễm môi sinh gọi là mưa acid. Con nghĩ đó là thủ phạm.”
Tôi đã chuẩn bị lời giải thích và nói chậm rãi như giảng bài trong lớp,
“Tiêu thụ và đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch như than đá và các sản phẩm dầu hỏa sản xuất và phóng thích các khí sulfur dioxide (SO2) và nitrogen oxides (NOX) vào khí quyển, và gió thổi đưa những khí này sang các vùng khác trên quả đất. Khí SO2 và NOX tác dụng với nước và oxy tạo thành acid sulfuric và acid nitric. Hai loại acid nguy hiểm đó trộn lẫn với nước mưa và tạo thành mưa acid gây ảnh hưởng độc hại cho người và vật trên mặt đất.”
“Từ nay bác sẽ biểu tụi nó thôi hứng nước mưa đổ vào hồ nuôi cá,” bác Luận tin lời tôi.
“Mày ăn nói thật thông thái, hèn gì làm giáo sư đại học cũng phải,” thằng Hữu cười nụ.
Câu nói của thằng Hữu, cây khôi hài của lớp, tôi biết không phải là lời khen ngợi. Thật ra, các điều tôi nói đều đúng đối với . . . phía bắc của vùng Bắc Mỹ, nơi có rất nhiều nhà máy phát điện lớn đốt than, xe hơi và các dụng cụ nặng chạy xăng và đi-ê-zen (diesel), lò luyện thép, nhà máy lọc dầu, và xưởng kỹ nghệ. Nhưng không hẳn chính xác khi áp dụng cho bể nước nuôi cá ở Sài gòn.
Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 29 tháng Mười Một, 2017
Trở về đầu trang