Bản PDF để in
Tập truyện "Tuổi Trưởng Thành"
của Nguyễn Ngọc Hoa
Lời trần tình của tác giả :Truyện ngắn trong tập truyện của chúng tôi kể lại những câu chuyện đã trải qua, chứng kiến, hay nghe thuật lại ở một quãng đời xa xưa. Các truyện ngắn ấy không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Mọi nhân vật đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào ở ngoài đời. Do đó, nhân vật xưng "tôi" không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự, và mơ ước thầm kín của bạn bè cùng thời. Mời quý thân hữu đọc truyện, thưởng thức câu chuyện kể lại, và xin đừng liên kết nhân vật trong truyện với bất cứ ai ở ngoài đời.
* * *
16. “Gói Vàng” Đêm Trừ Tịch
Nếu không kể tôi là Quảng Bình “lai Huế,” lớp kỹ sư điện khóa tôi chỉ có một sinh viên người Huế là thằng Kim người dong dỏng cao, mặt trái xoan trắng trẻo, và nụ cười miếng chi. Nó thích đùa dai và ham bày trò chơi khăm trẻ không tha già không bỏ. Quê quán của bạn bè là đề tài trêu chọc hàng ngày của nó: thằng Diễn Phan Rang “đồng khô cỏ cháy,” thằng Đắc Phan Thiết “nặc mùi nước mắm,” thằng Đăng “nhe treng eng coong ké” (Nha Trang ăn con cá), thằng Huỳnh Bình Định “no hair,” và thằng Tảo Quảng Nam “cu nu cúm núm” (tiếng Quảng là khúm núm) vì thằng này nhút nhát và hay cả thẹn. Thằng Ngâu người Việt gốc Hoa đặc biệt trở thành “Ngầu Pín” do chữ “ngưu bín” trong danh từ Hán Việt. “Ngưu” (còn đọc là “ngâu,” tên của thằng bạn) là con bò, “bín” là cái bím tóc hay đuôi sam, và “ngưu bín” là cái bộ phận . . . đong đưa như cái bím của con bò đực; trên đường Lý Thái Tổ gần Ngã Bảy Sài gòn có quán phở chuyên bán phở ngầu pín. Dĩ nhiên quê của thằng Kim đứng hạng nhứt,
Quảng Nam hay cãi
Quảng Ngãi hay lo
Bình Định hay co
Thừa Thiên lủm hết.
“Lủm” là thảy vào miệng ăn gọn gàng. Thằng Kim chơi thân với thằng Hữu và học hành chăm chỉ nên được mệnh danh là “con mọt sách,” ra trường đậu thủ khoa, vừa tốt nghiệp Kỹ sư Điện vừa đậu bằng Cử nhân Toán ở Đại học Khoa học Sài gòn, và được giữ lại trường dạy. Hai năm sau tôi mới trở về trường làm giảng nghiệm viên ban Điện như nó. Thằng Đăng Nha Trang, đậu bằng Cao học Kinh doanh Đà lạt, cũng về trường dạy trong ban Tu huấn Chuyên viên Điện.
Trường Cao đẳng Điện học nay là một phần của Đại học Kỹ thuật (trước là Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật) thuộc viện Đại học Bách khoa Thủ Đức (“ĐHBKTĐ”). Song song với công tác giảng dạy, tôi được cử làm Trưởng phòng Giáo sư vụ có nhiệm vụ giúp đỡ các giáo sư và giúp họ soạn thảo giảng khóa để chuyển sang hệ thống tín chỉ như đại học Hoa kỳ. Trong nhiệm vụ này, tôi miễn cưỡng vuốt râu hùm và đụng độ với một giáo sư cao cấp kỳ cựu ngày trước có dạy tôi.
Số là sinh viên đệ nhất và đệ nhị niên kỹ sư của năm trường Công chánh, Công nghệ, Điện học, Hóa học, và Hàng hải học chung và học kiến thức tổng quát dưới sự giảng dạy của ban Cơ bản, nay là Đại học Cơ bản ĐHBKTĐ, và họ học môn toán chính với giáo sư Thế. Thầy Thế nổi tiếng dạy giỏi và rất đắt khách trong các lớp tư dạy luyện thi Tú tài và vào các trường chuyên khoa và vì vậy thường bỏ lớp ở trường kỹ sư, không dạy mà không báo trước, khiến sinh viên ngồi trong giảng đường hay đứng ngoài hành lang chờ cả buổi và không dám ra về. Suốt một lục cá nguyệt, tôi viết văn thư lần lượt bày tỏ quan tâm, yêu cầu, khuyến cáo, và cảnh cáo, nhưng thầy không đếm xỉa tới một giảng nghiệm viên thấp kém, cứ dửng dưng bỏ lớp và bỏ bê sinh viên, và vẫn coi thiên hạ như pha. Không còn cách nào khác, tôi đề nghị với anh Bá Giám đốc trường,
“Mình cần đưa sinh viên về trường dạy lấy, chứ không rồi đây kỹ sư điện ra trường mà chỉ giỏi toán hơn . . . học trò trung học, chúng mình mặt mũi nào mà nhìn thiên hạ? Kim là kỹ sư có bằng Cao học Toán, còn ai thích hợp hơn để dạy toán áp dụng trong ngành kỹ sư?”
Anh Bá chấp thuận ngay, và cả bốn trường kia theo gót “rút” sinh viên về và nhờ thằng Kim dạy. Ngoài vinh dự được mời thay thế "cây đại thụ của ngành Toán học Áp dụng Việt nam," nó hưởng thù lao hậu hỉ vì dù sinh viên học chung, năm trường trả lương giờ phụ trội riêng rẽ.
* * *
Một tuần lễ sau ngày đám cưới của nó và Thanh Hiền con bác Luận, thằng Hữu đến tìm tôi,
“Hôm làm phù rể cho tao, thằng Kim gặp con Minh Hảo phù dâu, và thằng khỉ mết con nhỏ mà không dám nói. Vợ tao nhờ mày làm nhịp cầu Ô thước cho hai đứa gặp gỡ và tìm hiểu nhau.” Minh Hảo là con gái thứ nhì của bác Vinh, thông gia với bác Luận.
“Tại sao biểu tao làm trò . . . bỉ ổi đó?” tôi cười khì khì.
“Thằng Kim nhát gái số một, và tiếng tăm và chức vụ của ông tướng Vinh làm nó sợ teo cha nó . . . con chiêm chân chính không bao giờ biết đến nói dối. Con Hảo thì kín cổng cao tường chưa bao giờ đi chơi với bạn trai. Nếu mày không cứu bồ thì là sao ‘đôi trẻ’ nên duyên vợ chồng, và thằng Kim có . . . máy mà may, khỏi chơi trò may tay hại sức khỏe?”
Thằng Kim và Minh Hảo hẹn đi chơi với nhau và khi nào cũng khiến tôi đi theo để xin phép giùm và làm bình phong che mắt bác Vinh gái. Gia đình bác Vinh ở trong cư xá bộ Tổng Tham mưu, ra vào có lính gác kiểm soát chặt chẽ. Tôi và thằng Kim hẹn gặp ở trạm gác, cùng vào nhà bác Vinh đón nàng, và tàn cuộc cùng đưa nàng về. Nó có cái áo mưa bằng ni-lông (nylon) mỏng xếp gọn gàng để dưới yên chiếc xe Honda đam (Dame, kiểu đàn bà); nó ngượng nghịu giải thích với tôi,
“Tao đi dạy nhiều và ngại nhất là mưa ướt áo quần và sách vở nên lúc nào cũng sẵn sàng ‘ứng chiến’!”


Hôm ấy là tối ba mươi Tết, như thường lệ, tôi lò dò theo hộ tống thằng Kim và Minh Hảo đi chợ Tết. Gần mười một giờ đêm, hai thằng đưa Minh Hảo về nhà, và nàng mời chúng tôi vào phòng khách, mục đích chính là để tôi giải thích lý do về trễ với bác gái. Nàng chưa kịp ngồi thì người nhà vào trình, “Bà muốn gặp cô”; hai đứa chơ vơ chờ đợi. Phòng khách nhà nàng không rộng nhưng chưng bày đủ loại lan quý: từ lan rừng Đà Lạt đến các loại lan trồng mua ở Đài Loan, Đại Hàn, và Nhật Bản.
Đột nhiên, thằng Kim ôm bụng nhăn nhó, “Chắc là cua rang muối ở Hải Ký Mì gia trên đường Nguyễn Tri Phương làm không chín”; bao tử và ruột già của nó trở chứng vào lúc bất ngờ nhất. Nó nhìn quanh và chợt thấy chồng nhật báo Tiền Tuyến trên bàn xa-lông, “Canh chừng cho tao; tao ngồi ở góc kia và sẽ làm lẹ, xong ngay bây giờ.” Năm phút sau, nó lẹ làng dấu gói báo sau bụi lan Nhật, vừa lúc Minh Hảo trở ra với bác gái. Hai thằng nấn ná nói chuyện, ăn mứt bánh bác làm lấy ở nhà, chúc Tết, và xin phép ra về trước giao thừa.
Ra Tết, thằng Kim và Minh Hảo không gặp lại nhau. Gặp nhau hàng ngày, tôi và thằng KIm không nhắc tới nàng hay chuyện xảy ra đêm trừ tịch. Ngôn từ của thằng Kim dần dần đổi khác; nó tỏ ra có cảm tình với “anh em bên kia,” quy lỗi cho chính phủ về mọi thảm cảnh chiến tranh, và chỉ trích chính sách của Hoa kỳ trên toàn thế giới. Trong phiên họp hàng tuần của ban giảng huấn, nó gay gắt phát biểu quan điểm chính trị và chỉ ngưng khi thằng Đăng, cũng là sĩ quan biệt phái sau khi thụ huấn quân sự ở Trường Bộ Binh ở Thủ Đức như nó, chận lại và yêu cầu theo đúng chương trình nghị sự.
* * *
Cuối tháng Tư 1975, tôi di tản khỏi Sài gòn bằng tàu Hải quân, đầu tháng Năm được đưa tới trại tạm trú Orote Point trên đảo Guam, và gặp lại bạn là Toàn, giảng viên dạy toán ở Đại học Cơ bản ĐHBKTĐ và Đại học Khoa học Kỹ thuật Minh Đức. Vợ chồng Toàn và đứa con nhỏ di tản bằng tàu Việt nam Thương tín rời bến tàu Sài gòn sáng ngày 30 tháng Tư với sứ vụ lệnh do vị Tổng thống lâm thời cấp trước khi ông hàng giặc. Toàn giới thiệu người bạn quen biết ở Sài gòn, đi cùng tàu, và đang ở chung lều,
“Kích đậu bằng Master (Cao học) Kinh tế bên Úc và làm Giám đốc sở Xxxx bộ Kinh tế. Kích là em rể của Kim bên trường Điện đó.”
Tôi biết cô em kế thằng Kim là Mỹ Diễm được học bổng Colombo du học ở Úc, tốt nghiệp về nước, và lập gia đình với một người bạn học cùng trường. Nhìn chàng thanh niên trạc tuổi tôi ngồi ủ rũ, tôi ngạc nhiên,
“Ủa, vậy chớ bà xã ở đâu? Hình như hai người đã có con rồi, phải không?”
“Dạ, tụi em có đứa trai sáu tháng. Cả tháng trước, em và Mỹ Diễm thảo luận về việc đi hay ở. Nàng nghe lời anh Kim ôm con ở lại, em nhất định ra đi. Đành rủ áo chia tay, nhảy xuống tàu, và giờ bơ vơ một mình!”
Sáu tuần sau, tôi được chuyển vào đất liền tới Trại Pendleton ở California; trại tỵ nạn này gồm năm trại, mang số từ 1 đến 5. Tôi ở Trại 3, Trại 2 phía bên kia đường dành riêng cho những người yêu cầu được trả về Việt nam. Hàng đêm những người này, phần lớn là đàn ông trẻ, tụ tập la hét, khua động mọi thứ có thể gây tiếng động ồn ào, và hô khẩu hiệu hoan hô, đả đảo, và đòi sớm được hồi hương. Thằng Kích chạy lui chạy tới hô hào hăng say nhất.
Cuối tháng Tám, tôi xuất trại đi định cư ở tiểu bang North Dakota. Khi cuộc sống tạm ổn định, qua trung gian của bà con bên Pháp, tôi liên lạc với thằng Kim và thỉnh thoảng gửi cho nó một ít tiền. Đều đặn như thế hơn một năm, thư của nó đổi giọng,
Bạn cần nỗ lực gia tăng số tiền gửi về để cấp học bổng cho sinh viên, giúp trường mua dụng cụ, và giúp nhà nước kiến thiết quốc gia . . .
Tôi giận run và viết trả lời,
Mày là bạn tao, tao gửi tiền giúp bạn chứ không lý tới nhà nước của mày. Hiển nhiên, giống như trong hai năm cuối cùng tao ở Sài gòn, mình đi hai con đường khác nhau . . .
* * *
Bốn mươi năm sau, tôi gặp lại thằng Đăng khi nó sang Hoa kỳ du lịch; nó kể chuyện trường Điện sau năm 1975,
“Khoảng bốn hay năm năm sau ngày ‘giải phóng,’ khi tụi nó đưa đủ người ngoài Bắc vào, giảng viên dưới chế độ ‘Mỹ Ngụy’ nếu còn ở lại thì cũng bị cho nghỉ việc. Duy có thằng Kim được giữ lại dạy, cho phép trình luận án Tiến sĩ Đệ tam cấp, và nâng lên thành ‘Phó Giáo sư.’”
“Sao nghe nói nó cũng bị tù cải tạo như các sĩ quan biệt phái khác?”
“Tháng Sáu 1975, nó đi trình diện và bị đưa vào trại Trảng Lớn ở Tây Ninh cùng với mình. Nhưng không tới hai tháng nó được tha và cho về trường dạy lại, trong lúc mình phải bóc thêm ba cuốn lịch nữa mới được thả và bị bắt buộc về nguyên quán Nha Trang sinh sống.”
Tôi thắc mắc,
“Tại sao thằng Kim được đối xử dễ dãi như vậy?”
“Trước khi ‘ra trại,’ nó khoe nhờ em rể là thằng Kích ‘có công với Cách mạng’ can thiệp cho nó về sớm.”
“Tôi gặp thằng Kích khi nó di tản sang Mỹ bằng tàu Việt nam Thương tín; chiếc tàu đó quay trở lại Việt nam vào đầu tháng Mười với hơn 1,650 người đòi về. Số phận của họ ra sao, Đăng biết không?” tôi nhớ lại và băn khoăn.
“Mọi người trở về đều được đón tiếp bằng chiếc còng số 8. Tàu cập bến Nha Trang, công an chờ sẵn, lột sạch quần áo để khám xét, tịch thu vật dụng cá nhân và đồ trang sức, và đưa tất cả, ngoại trừ một em bé trai bảy tuổi, tống giam vào trại tù A20 Xuân Phước ở Phú Yên theo danh xưng ‘tù chính trị.’”
Tôi không biết ngày đó thằng Kim hay thằng Kích, hay cả hai, là Việt Cộng nằm vùng. Nhưng tôi biết thằng Kim phóng uế ở nhà bác Vinh, người bị đồn đại là tham nhũng và buôn lậu bạch phiến, không phải do tính nghịch ngợm cố hữu mà có thâm ý phỉ báng một nhân vật nhiều quyền lực hàng đầu trong chính phủ. Nó không dè tôi khéo xoay xở, lén lấy chiếc áo mưa của nó bọc ngoài cái gói vàng . . . khè, và để lại dưới yên chiếc xe Honda. Vật hoàn cố chủ, chắc nó thất vọng lắm.
Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 6 tháng Mười Hai, 2017
Trở về đầu trang