Bản PDF để in
Tập truyện "Tuổi Trưởng Thành"
của Nguyễn Ngọc Hoa
Lời trần tình của tác giả :Truyện ngắn trong tập truyện của chúng tôi kể lại những câu chuyện đã trải qua, chứng kiến, hay nghe thuật lại ở một quãng đời xa xưa. Các truyện ngắn ấy không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Mọi nhân vật đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào ở ngoài đời. Do đó, nhân vật xưng "tôi" không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự, và mơ ước thầm kín của bạn bè cùng thời. Mời quý thân hữu đọc truyện, thưởng thức câu chuyện kể lại, và xin đừng liên kết nhân vật trong truyện với bất cứ ai ở ngoài đời.
* * *
17. Trò và Thầy
Hai năm đầu tiên học cao học ở Đại học Khoa học Sài gòn, tôi thường bị nhân viên phụ việc phòng thí nghiệm xì nẹc quát tháo ra oai và kiếm cớ xài xể vì tôi chỉ là sinh viên thường mà không tỏ vẻ khúm núm hay kính cẩn gọi họ bằng “thầy” hay “cô.” Sau khi trở thành ứng viên tiến sĩ kỹ sư, tôi được giáo sư bảo trợ luận án là thầy Phong chỉ định giảng dạy môn Xxxx liên hệ mật thiết đến ngành khảo cứu, nhờ dạy thay các lớp khác khi thầy bận việc hay đi xa, và được xem như nhân viên giảng huấn của ban Điện tử. Quyền lợi duy nhất tôi có thể hưởng là mang xe gắn máy vào khuôn viên trường, nhưng không dễ dầu gì mà qua được cửa ải ông gác-dang (hay cai trường) già. Ông đích thân canh giữ sợi dây xích giăng ngang cổng và chỉ mở ra cho giáo sư và nhân viên, sinh viên phải gửi xe trên lề đường Cộng Hòa để người nhà ông giữ lấy tiền. Tôi biết mình không thể chứng minh nhiệm vụ giảng viên, nhưng lần nào vào trường cũng bướng bỉnh ngừng xe ở cổng, hất hàm tỏ ý muốn đưa xe vào, và chịu cho ông mắng mỏ,
“Anh kia không được mang xe vào. Mang ra kia gửi!”
Một hôm trong lúc tôi đợi ông xỉ vả, ba cô nữ sinh viên ban Điện tử đi qua lễ phép cúi đầu chào tôi, và một cô nói rối rít,
“Thưa thầy, hôm nay thầy dạy lớp em hay có hẹn gặp thầy Chung?” và quay sang ông cai, “Bác ơi, sao không mở cổng cho thầy con vào? Đừng để thầy con trễ hẹn với giáo sư Khoa trưởng.”
“Tôi dạy lớp các chị. Dạy học quan trọng hơn nên muốn gặp tôi ông Chung phải đợi đến chiều mai,” tôi mừng thầm, nhưng làm ra vẻ lạnh lùng.
Ông cai đổi ngay thái độ, làm bộ lúng túng xin lỗi, và săn đón mời tôi vào. Cô học trò cứu bồ là Hồng Uyên, cô sinh viên đẹp và học giỏi nhất lớp Xxxx. Thân hình cao và đầy đặn, mái tóc dài xõa ngang vai, và giọng nói miền Nam duyên dáng, cô thường nán lại cuối giờ học và ghé qua nơi tôi làm việc là văn phòng thầy Phong để hỏi thêm bài vở. Tôi nhìn cô với đôi mắt biết ơn và tự hỏi làm sao cô biết tôi có hẹn với giáo sư Chung để tường trình sự tiến triển của luận án.
Dưới danh nghĩa thầy trò, thầy Phong và tôi thực ra là đôi bạn thân. Từ ngày đầu tiên, thầy chỉ đồng ý hướng dẫn luận án với điều kiện tôi phải xem thầy là một cộng tác viên để chia sẻ kiến thức. Sát cánh làm việc với nhau ở Đại học Y khoa và Đại học Khoa học Kỹ thuật (ĐHKHKT) Minh Đức, hai thầy trò gần gũi và hay thố lộ tâm sự riêng tư. Sinh viên Đại học Khoa học Sài gòn hay kháo nhau chuyện “hai ông thầy” chiều chiều dắt nhau đi nghỉ giải lao. Đầu óc bơ phờ dính đầy phấn viết từ phòng làm việc đi ra, thế nào cũng có một thầy áo sút ra ngoài quần hoặc cà vạt trễ xuống thấp hay lệch qua một bên. Dẫn nhau ra quán sinh tố lề đường gần trường Pétrus Ký, hai thầy gọi hai chai Coca-Cola lạnh, cầm nguyên chai ngửa cổ tu một hơi, và trả tiền rồi trở lại làm việc.
Khi việc khảo cứu vượt qua những bước khó khăn ban đầu và phòng Máy Điện ở ĐHKHKT Minh Đức hoàn thành, tôi đinh ninh sẽ có một ít thì giờ rảnh rỗi để . . . không làm gì cả thì một công việc mới lại xuất hiện. Bác Trân, một chức sắc trong hội Quảng Bình Tương tế, đến tìm tôi; bác là một kỹ nghệ gia nổi tiếng từ thời Đệ nhất Cộng hòa và làm chủ công ty Phạm Trân sản xuất và xuất cảng tôm đông lạnh ở Bình Thới. Bác mở lời,
“Công ty đang dự trù một chương trình khuếch trương quy mô, bác mời con giúp một tay.”
“Thưa bác, ngoài một việc cố vấn kỹ thuật bên lề, con dạy hai trường đại học và học tiến sĩ toàn thời gian nên không còn có chút thì giờ nào,” tôi ngần ngại.
“Con đừng lo, bác sẽ dàn xếp để chỉ cần con đến văn phòng một tuần một buổi và cho ý kiến về các vấn đề kỹ thuật lúc bác cần tới thôi.”
“Dạ, xin bác nói rõ hơn về công việc phải làm,” tôi hỏi cho có lệ, nghĩ rằng mình sẽ không nhận làm.
Bác Trân nghiêm nghị giải thích,
“Hiệp định Paris 1973 với mục đích chấm dứt chiến tranh và tái lập hòa bình ký kết hồi đầu năm nay, và chính phủ đang ráo riết đấu tranh về mặt chính trị với ‘phe bên kia.’ Bác là nhà kinh doanh và cần trù tính làm sao để công ty hoạt động hữu hiệu trong nền kinh tế hậu chiến, khi hòa bình trở lại. Bác muốn con giúp sửa soạn cho những năm sắp tới.”
“Bác hiểu xa trông rộng, con sợ không theo kịp. Hiện tại con chỉ mong làm nghề dạy học và truyền kiến thức khoa học và kỹ thuật cho thế hệ đàn em,” tôi cúi đầu.
“Hiện tại cũng phải lo, tương lai cũng phải tính! Trước mắt, bác định làm hai chuyện. Một là điện hóa hệ thống làm lạnh trong nhà máy, tức là dùng động cơ điện để thay thế các động cơ ép hơi chạy đi-ê-zen (diesel) lỗi thời. Hai là phát triển kế hoạch lâu dài để nuôi, khai thác, và sản xuất tôm đông lạnh có khả năng cạnh tranh về phẩm chất và giá cả trên thị trường quốc tế.”
“Con nhận lời làm cho bác nếu được trao toàn quyền trong hai dự án đó,” tôi quyết định.
* * *
Sau một tuần lễ miệt mài làm việc, tôi và thầy Phong tự thưởng mình bằng bữa ăn tối thịnh soạn ở nhà hàng Thanh Bạch trên đại lộ Lê Lợi và sau đó chầu cà-phê Đa La cạnh sân vận động Cộng Hòa. Cả buổi tối lòng vòng tâm sự, ngập ngừng mãi thầy mới đi vào chuyện chính: Trước đây thầy đã đem lòng yêu thương Hồng Uyên, nhưng khoảng cách thầy trò không cho phép ngỏ lời với cô sinh viên tuyệt đẹp. Nay những lần giáp mặt chuyện trò khi nàng tới văn phòng khiến thầy điêu đứng, mất ăn bỏ ngủ vì tình cảm dồn nén trong tim trổi dậy và bùng lên mãnh liệt. (Tôi biết ai đã cho nàng biết thời khóa biểu của tôi.) Thầy khẩn khoản,
“Mọi việc nhờ Ba Hoa. Chỉ có anh mới giúp được tôi.”
Thầy Phong là con một, ông bà cụ đã qua đời nên thầy là kẻ tứ cố vô thân. Thầy du học và làm việc ở ngoại quốc hơn mười năm nên khi về nước không có mấy bạn bè thân thiết. Tôi cười chúm chím,
“Em sẽ cố gắng, dù việc này coi bộ khó . . . gần bằng thiết kế ăng-ten truyền sóng ti-vi.”
“Để đền đáp lại, tôi sẽ làm mai cho anh. Anh thấy chị Mỹ Lượng thế nào?” Mỹ Lượng là giáo sư môn Yyyy ở Đại học Khoa học Sài gòn; nàng học cùng trường với thầy ở Úc và đậu Tiến sĩ Sinh học chuyên về sinh vật sống ngoài biển.
“Lúc còn làm việc ở Đại học Y khoa Minh Đức, em gặp luôn vì cô ấy cũng dạy Yyyy bên đó. Bề ngoài trông rất được, thẳng tính nghĩ sao nói vậy, và thấy sai là phản đối tới cùng giống như em. Em với Mỹ Lượng quen thân, thầy khỏi cần giới thiệu.”
Vấn đề trước tiên là làm sao “tỏ tình” giùm cho thầy Phong. Địa vị, danh tiếng, và tài ba của thầy có thể đánh gục bất cứ chàng trai nào; nhưng nếu Hồng Uyên đã có ý trung nhân hay cảm thấy bị sách nhiễu và khước từ, hai thầy trò chỉ có nước mang mặt mo ra đường. Tôi kín đáo đề cập tới tình cảm sâu đậm của thầy mỗi lần nàng đến văn phòng hỏi bài. Đồng thời, cuối tuần tôi hẹn gặp Mỹ Lượng và có khi lái xe Fiat của cha đón nàng ở nhà riêng, một căn biệt thự nhỏ trong cư xá giáo sư đại học trên Thủ Đức.
Khi thời cơ chín muồi, tôi bộc bạch tâm sự của thầy Phong với Hồng Uyên. Từ không tin đến ngạc nhiên và ngỡ ngàng, nàng xin cho một thời gian để suy nghĩ. Một tháng sau, tôi hân hoan báo tin tình yêu của thầy được đáp ứng. Thầy nài nỉ tôi xúc tiến giai đoạn kế tiếp – hôn nhân. Tôi làm chủ hôn đứng ra cưới vợ cho thầy; đám cưới ít người nhưng tưng bừng và vui nhộn, phù dâu và phù rể là bạn học của cô dâu, và cánh họ đằng trai gồm có Mỹ Lượng và tôi và vài sinh viên cao học khác. Tôi nâng ly chúc mừng cô dâu chú rể và đùa bỡn,
“Xin thầy và chị Hồng Uyên cứ giữ cách xưng hô với tôi như cũ, đừng thay đổi. Chứ không sẽ đưa tới một nghịch lý rất tức cười.”
“Tại sao vậy?” đám tiệc nhao nhao.
“Này nhé, tôi là học trò thầy Phong, gọi bằng ‘thầy’ và xưng ‘em.’ Hồng Uyên là vợ thầy, tôi phải gọi bằng ‘cô,’ nhưng ‘cô’ lại là học trò của tôi. Nàng gọi tôi bằng ‘thầy’ và xưng ‘em’; nếu gọi theo vợ, thầy Phong phải gọi tôi như thế nào?”
Ngoài cuộc hẹn tối thứ Bảy, đôi khi trong tuần Mỹ Lượng đến văn phòng thầy Phong tìm tôi chuyện vãn rứt không ra. Một buổi tối gần Tết, tôi đưa nàng về nhà và ngạc nhiên thấy ông cụ nàng ngồi đợi, mặt giận hầm hầm, và không thèm đáp lại lời chào “Kính cụ” của tôi. Cụ chỉ tay bảo tôi ngồi, ra lệnh cho nàng đi nấu nước trà mời khách, và không khách sáo,
“Anh tốt nghiệp tiến sĩ ở nước nào và về năm nào?”
“Thưa cụ, con không đi du học ở nước nào cả và cũng chưa tốt nghiệp tiến sĩ,” tôi trả lời nhũn nhặn.
“Thế anh lấy tư cách gì để hẹn hò và đưa con gái tôi đi chơi?” tôi đã nghe tiếng “ông cụ Bắc kỳ khó nhất Sài gòn” này.
“Thưa cụ, con nghĩ tư cách là lối cư xử và cách ăn ở ở đời của mỗi người. Về mặt này thì bảo đảm con là người đàng hoàng tử tế, không thua kém ai ở nước Việt nam này,” tôi cười thầm.
“Anh cãi chày cãi cối cãi tay đôi tay ba với tôi hở?” cụ gầm lên.
Giữa lúc ấy, Mỹ Lượng mang trà từ nhà bếp lên,
“Bố nhầm rồi, có phải anh Ba Hoa đưa con đi chơi đâu! Anh ấy làm giám đốc trong công ty tôm đông lạnh thuê con nghiên cứu phương pháp sản xuất tôm dài hạn. Tối nay là buổi thảo luận cuối cùng trước khi ký hợp đồng.”
* * *
Chuyện kể rằng sau tháng Tư 1975 chính phủ Việt Cộng “tiếp quản” một chiếc tàu nghiên cứu khoa học và giao cho Ủy ban Khoa học thành phố “quản lý”; ủy ban này do Trần Trọng Tân là một ủy viên trung ương đảng cầm đầu. Chiếc tàu được gọi là “tàu bà Mỹ Lượng” vì “bà” được giao phó nhiệm vụ dùng nó đi khảo sát phiêu sinh vật ở cửa biển rừng Sát hầu tìm ra phương pháp hiệu quả hơn để nuôi tôm và các loại hải sản khác. Cán bộ “tiếp quản” ra tay tháo gỡ các dụng cụ khoa học và thiết bị đặc biệt mang ra Bắc, và sau một năm con tàu vô dụng chưa một lần rời bến bị thu hồi và canh giữ cẩn mật – để các “tên” kỹ sư và khoa học gia “Ngụy” bị bắt buộc phải làm việc cho ủy ban không thể lấy trộm đi vượt biên!
Không ai nói đến sở hữu chủ chiếc tàu là bác Trân, người bỏ tiền ra mua và trang bị nó để sử dụng vào dự án nghiên cứu tôi và Mỹ Lượng soạn thảo. Hai đứa có nhiều điểm tương hợp, kể cả sự kiện cùng sinh năm con Chuột, nhưng không có liên hệ tình cảm lứa đôi. Tôi tuổi Mậu Tý, và nàng sinh năm Bính Tý sớm hơn một con giáp, tức là 12 năm. Đối với tuổi đời của chúng tôi, đó là một cách biệt lớn.
Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 20 tháng Mười Hai, 2017
Trở về đầu trang