Bản PDF để in
Tập truyện "Tuổi Trưởng Thành"
của Nguyễn Ngọc Hoa
Lời trần tình của tác giả :Truyện ngắn trong tập truyện của chúng tôi kể lại những câu chuyện đã trải qua, chứng kiến, hay nghe thuật lại ở một quãng đời xa xưa. Các truyện ngắn ấy không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Mọi nhân vật đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào ở ngoài đời. Do đó, nhân vật xưng "tôi" không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự, và mơ ước thầm kín của bạn bè cùng thời. Mời quý thân hữu đọc truyện, thưởng thức câu chuyện kể lại, và xin đừng liên kết nhân vật trong truyện với bất cứ ai ở ngoài đời.
* * *
19. Người Thiếu Nữ Tuổi Canh Dần
Tôi trở lại Nha Trang lần này, đầu năm 1974, lấy tiếng giúp mẹ dọn nhà, nhưng kỳ thực để từ giã thành phố hiền hòa mang nhiều kỷ niệm của dạo vào đời. Cha vừa hồi hưu sau một thời gian phục vụ ở bộ Tư lệnh Quân đoàn II, cha mẹ sẽ cùng hai đứa nhỏ nhất còn ở nhà là thằng Lâm và thằng Trọng vào Sài gòn ở, và nơi đây sẽ không còn là “quê nhà” của tôi. Một buổi chiều nắng nhạt nhòa, tôi lang thang ngoài bãi biển rồi thơ thẩn tản bộ dọc theo đường Duy Tân, bỗng nghe tiếng gọi đằng sau lưng,
“Ê, Ba Hoa, mày ra đây hồi nào? Vợ con đâu mà đi một mình?”
“A, cái thằng Hiệu này hay quá hé. Tao giống như nàng Thị Lộ bán chiếu gon, vợ còn chưa có – hỏi chi con; không đi một mình thì đi với ai?” tôi quay lại, cười hăng hắc, và ôm chầm thằng bạn đồng khóa kỹ sư điện, “Nhà mày ở Tuy Hòa mà ra đây làm gì?”
“Tao đổi ra làm việc ở ty Ốc Lộ Nha Trang gần một năm nay.”
“Hèn chi! Bỗng dưng mày tuyệt tích giang hồ, anh em không ai biết mày đi đâu.”
Thằng Hiệu mời tôi về nhà, một biệt thự nhỏ trong cư xá Hỏa xa, và bảo cô bé người làm nấu nước pha trà. Tôi làm bộ lẩm bẩm, “Một cây mê ‘33’ uống như hũ chìm mà bây giờ ‘tu đậy’ chuyển qua thú chơi trà, chắc Nha Trang hết bia!” Nó vờ không nghe thấy và gọi vợ ra chào tôi; chị ăn mặc đơn giản, không trang điểm, nét mặt mộc mạc, và nói rặt giọng “Nẫu” Phú Yên, chấm dứt mỗi câu nói bằng hai tiếng “dẫy ngheng” (thế nhé) thật thà chân chất. Vợ chồng nó nói ríu tít bàn về các món ăn nấu đãi tôi, nghe giống như bài thơ “tiếng Nẫu,”
Phia rầu! Bà nấu nầu phai,
Ăn cho phẻ phẩu đở mai đi làm.
Không đi thì ổng càm ràm,
Bả mò xuống bíp mà làm cho mau,
Gấu kia táng cấu thiệt đau,
Sưng bằng trái ẩu . . . thâu rầu chưng tui,
Cửa nhà mà đở tấu thui,
Thắp đèn hột dịt lên coi, nheng bà!
(Nguyễn Thành Lãm) |
(Khuya rồi! Bà nấu nồi khoai,
Ăn cho khỏe phổi để mai đi làm.
Không đi thì ổng càm ràm,
Bà mò xuống bếp mà làm cho mau,
Gối (đầu gối) táng (cái) cối thiệt đau,
Sưng bằng trái ổi . . . thôi rồi chân tôi,
Cửa nhà mà để tối thui,
Thắp đèn hột vịt lên coi, nghen bà!)
|
Thấy nét mặt ngơ ngác và tọc mạch của tôi, thằng Hiệu cười chữa thẹn,
“Tao đã xem cuộc đời như đã đi đong – c’est fini, thế là hết – và về quê lấy vợ cho ông ba bà má vui lòng. Bà xã tao người ngoài làng và không hề thắc mắc về thế giới của tao ở Sài gòn.”
“Vợ chồng do duyên số trời định, cưỡng lại cũng không được. Chỉ tội nghiệp cho Ngọc Thanh số con cọp mà lại bị con . . . chim tiểu giải phá bĩnh nên có duyên mà thành không nợ.”
“Đúng vậy. Ước gì tao quên được đêm Giáng sinh năm trước,” nó không còn cười, giọng nói buồn tênh.
* * *
Ngọc Thanh là cô trình dược viên trẻ đẹp, giỏi tiếng Pháp, và duyên dáng quen với chú Long em họ của mẹ khi chú thực tập và làm nội trú ở các bệnh viện Sài gòn trong năm cuối cùng chương trình y khoa. Chú tốt nghiệp bác sĩ, mối liên hệ tình cảm giữa hai người thêm khắng khít, và nàng thường đến nhà tôi thăm chú vì chú cho nàng địa chỉ ở đó. Hẹn hò đi chơi với nàng, chú bắt tôi chở đi vì chú ở trong tình trạng quân dịch bất hợp lệ, cần ngồi ở yên sau xe gắn máy và thận trọng trông chừng, và nếu có quân cảnh kiểm soát giấy tờ đằng trước thì kịp thời nhảy ào xuống, biến vào ngõ hẻm trước khi bị chận lại. Tôi mến Ngọc Thanh, xem nàng là thím dâu tương lai, và sẵn lòng làm đầu tàu trả hết các chi phí trong cuộc đi chơi, kể cả mua hoa để chú Long tặng nàng. Chắc hẳn mẹ sẽ vui lòng lắm.
Ngọc Thanh là con út trong gia đình 12 người con, ở nhà tên là “Bé,” và gọi tôi và chú Long bằng “anh” và xưng tên. Một hôm, nàng khẩn khoản mời chúng tôi đến nhà ăn cơm tối. Nhà nàng là ngôi biệt thự trên đường Hồng Bàng, sân rộng có nhiều cây cao nhưng vườn tược bỏ phế không chăm sóc. Sau bức mành mỏng ngăn cách phòng ăn và phòng thờ, đèn đuốc sáng choang và khói hương nghi ngút trên các tran thờ – tran Ông thờ Quan Công (và Lưu Bị và Trương Phi), tran Bà thờ Phật Quan âm, và tran thờ Phật Thích ca. Nhìn bác Kế cha nàng, không ai có thể ngờ được trước đây không lâu bác là một tướng lãnh quyền uy nhất nước và nắm giữ những chức vụ tối quan trọng trong quân lực và nội các. Bác nói rất ít, lặng lẽ ăn, và không mấy quan tâm đến tôi hay chú Long.
Thù tiếp chúng tôi là anh Qui Nhơn anh rể của Ngọc Thanh, một sĩ quan Nhảy Dù ăn nói lớn tiếng, trong lúc nàng và bác gái bận rộn dưới nhà bếp. Mỗi khi nàng lăng xăng mang đồ ăn lên phòng ăn, anh không quên níu kéo lại để nàng nói vài lời với một người khách trẻ tuổi khác là thằng Mẫn; không hiểu tại sao thằng này lại có mặt trong buổi tiệc thay vì vợ anh, chị của Ngọc Thanh. Anh giới thiệu thằng Mẫn là em chú bác anh, học năm cuối trường Kiến trúc, và là “người nhà” thường lui tới thăm viếng hai bác. Trên đường về, chú Long than,
“Con Bé diện sang dễ sợ. Toàn hàng vải mua bên Pháp, mắt tiền ghê gớm lắm!”
“Chú may mắn có vợ đẹp biết ăn mặc sang; vợ bác sĩ chớ cứt sao?” tưởng chú khoe về người vợ sắp cưới, tôi tán đồng.
“Nhưng đồng lương mình có chừng có mực, kham chi nổi? Chắc mình sang số de quá cụ mi ơi!” tôi đã quên chú là kẻ bủn xỉn nhất hạng; “sang số de” là đổi số thanh chuyền cho xe hơi “de” (tiếng Pháp “en arrière”) hay lùi lại.
Khi Ngọc Thanh đến nhà tôi tìm chú lần thứ ba mà không gặp và gạt lệ ra về, tôi đi tìm chú. Chú viện dẫn lý do khác,
“Cái khổ đời là con Bé sinh năm Canh Dần (1950). Ông bà mình nói đàn bà tuổi con Cọp cao số, khó lấy chồng, có số sát phu, hay ít nhất cũng lấn át chồng. Huống chi là Canh Dần, sách tử vi răn Canh cô Mậu quả; dữ dằn lắm cụ mi ơi.”
“Vậy là Ngọc Thanh nhỏ hơn cháu hai tuổi. ‘Can’ và ‘Mậu’ là hai chữ trong hàng Can; Canh cô Mậu quả là sao?”
“‘Cô’ nghĩa là mồ côi hay cô độc, và ‘quả’ nghĩa là góa chồng. Lấy nhằm con ‘Canh’ hay con ‘Mậu’ thì hắn sẽ sớm góa chồng sống một mình, tức là mình đi tàu suốt về chầu tiên tổ.”
Tự nhắc nhở chú Long là bậc trưởng thượng, tôi cố dằn lòng,
“Bác sĩ gì mà tin dị đoan như mụ đàn bà nhà quê, bộ con gái tuổi Dần trong thiên hạ đành ở vậy suốt đời hay sao? Chú đã biết tuổi của Ngọc Thanh từ lúc mới quen, đâu phải bây giờ mới hay.”
“Lỗi tại con Bé hết cả! Nghe nó nói, mình đinh ninh gia đình nó giàu có và ông già còn nhiều uy lực và thanh thế để mình nương tựa cậy nhờ về sau. Đến khi tới nhà nó mình mới ngã ngửa ra! Ông già thì bất lực, sợ sệt, và mê tín, và gia sản chẳng có gì đáng kể. Mình tiến tới với con Bé thì lợi lộc chi?”
“Chú cao bay xa chạy, cháu ăn nói làm sao đây?”
“Mình biết thế nào cụ mi cũng có cách,” chú cười hì hì.
Không cần giải thích Ngọc Thanh cũng hiểu. Từ đó, nàng đến nhà tôi hơn thường xuyên hơn, mang theo quà cho Bình và Định, và chuyện trò thân thiết với hai em. Tình cờ, một hôm thằng Hiệu ghé lại chơi và được giới thiệu với “cô em họ” tôi. Đôi mắt nó chợt sáng rỡ vì đã tìm thấy người trong mộng; nó bị coup de foudre, tiếng sét ái tình, đánh gục từ phút gặp gỡ đầu tiên.
* * *
Đêm Giáng sinh ấy, cuộc hòa đàm ở Paris sắp kết thúc, phe bên kia long trọng cam kết tôn trọng hưu chiến, và tổng trấn Sài gòn - Gia Định tạm thời đình chỉ lệnh giới nghiêm một đêm để công chúng thoải mái mừng đêm Chúa ra đời. Đức Tổng Giám mục địa phận Sài gòn sẽ cử hành lễ nửa đêm ở nhà thờ Đức Bà, một truyền thống dân Sài gòn chịu thiếu thốn đã lâu. “Sài gòn không giới nghiêm,” ai nấy đều nao nức bảo nhau, tưởng chừng như hòa bình sắp đến thực sự. Mới chập tối, mọi người kéo nhau đổ xô ra đường, trung tâm thành phố tràn ngập một biển người, và xe cộ không sao di chuyển được. Trong số những người “xuống đường” ấy có anh em tôi, Ngọc Thanh, và thằng Hiệu. Lần đầu tiên hai em tôi được đi chơi đêm như người lớn và được rủ thêm bạn là Thanh Cúc và Thanh Viên con bác Luận ở gần nhà.
Chen chúc đi giữa lòng đường trên đại lộ Lê Lợi, chúng tôi gặp thằng Mẫn đi solo. Nó niềm nở thăm hỏi Ngọc Thanh, xin nhập bọn, và hùng dũng mời cả bọn đi uống nước và xem lễ xong đi ăn khuya. Loanh quanh một hồi, Ngọc Thanh than khát nước và đề nghị một chầu nước mía Viễn Đông ở góc đường Lê Lợi – Pasteur. Dĩ nhiên chúng tôi không thể bỏ sót gánh phá lấu là thịt và lòng heo ướp ngũ vị hương, um khô, và khi bán cắt thành từng miếng ghim trên đầu tăm nổi tiếng của chú chệc già. Còn chiếc xe “xắp xắp” đẩy đi bán đu đủ bò khô gan cháy ngon tuyệt của chú chệc trẻ nữa, chú này cầm chiếc kéo lớn nhấp nhấp thành tiếng lớn để rao hàng. Thằng Mẫn móc ví chi tiền mà mặt mày tươi rói vì có dịp chứng tỏ với nàng ta đây là kẻ hào hoa.
Kỷ niệm cũ sống dậy trong lòng, thằng Hiệu tức tối,
“Ngọc Thanh càng kiếm cách hành thằng Mẫn thì thằng tao càng xốn xang bực dọc vì bị nàng bỏ quên, không thèm đoái hoài tới. Tụi tao quen nhau gần một năm, trái tim tao đã trao trọn cho nàng nhưng chưa có dịp ngỏ ý vì lúc nào nàng cũng vui nhộn và hồn nhiên, mở lời thật khó khăn. Đêm đó là cả một cơ hội bằng vàng để thực hiện điều này thì thằng quái gở kia hiện ra phá thối.”
“Ừ, suốt buổi tối tao thấy mày trầm mặc kém vui.”
“Vào khoảng hai giờ sáng, bọn mình đi ăn khuya ở quán miến gà ở ngõ hẻm đường Phan Đình Phùng. Để trả thù tao ‘làm’ hai tô miến lớn và gọi liên tiếp sáu, bảy chai bia ‘33’ uống tì tì cho bõ ghét.”
“Sau cùng mày lấy xe Honda đưa Ngọc Thanh về nhà, phải không?”
“Phải, vì thế đời tao mới khốn nạn.”
Tiếng nói trầm xuống, thằng Hiệu như muốn khóc,
“Trong lúc hừng chí ăn uống, tao quên mất một điều sơ đẳng: đồ ăn và thức uống, nhất là bia, vào cơ thể mà không bài tiết được sẽ khó chịu vô cùng. Cơn khó chịu ấy cắc cớ nổi lên khi Ngọc Thanh nhìn đồng hồ và muốn về nhà. Mày nghĩ xem, không lý lúc ấy tao từ chối, để thằng Mẫn nham nhở đưa nàng về? Tao bặm môi nghiến răng rán nín; mỗi phút đi qua dài bằng cả thế kỷ. Về tới trước cửa nhà nàng, nàng giữ tao lại nói chuyện như thường lệ. Đêm nay, nàng mong đợi cú déclaration (lời tỏ tình) của tao. Tao toan từ giã mấy lần, nhưng nét mặt nũng nịu đáng yêu của nàng khiến tao dứt đi không đành.”
“Tôi nghiệp cho bạn ta chưa!”
“Cuối cùng, khả năng chịu đựng của tao đến tích tắc tối hậu. Ở bụng dưới nhói lên một phát điếng người rồi một luồng nước ấm tuôn ra. Tao thấy ướt nhẹp ở hai ống chân và cả đôi bàn chân. Ngọc Thanh không thể không trông thấy. Dưới ánh sáng của ngọn đèn trước cửa, hiện rõ con người bần tiện của tao – một thằng nhà quê tham ăn khát uống, muối mặt lợi dụng sự rộng rãi của tình địch để ăn cài, và không biết lượng sức mình để rồi đái vãi ra quần như đứa con nít lên ba. Thật nhục nhã, tao không xứng đáng với một thiên kim tiểu thơ như nàng! Đó là lần cuối cùng tao gặp Ngọc Thanh, và từ đó không rớ tới bia hay rượu.”
Tôi không cho thằng Hiệu biết khi đến nhà tôi đưa thiệp báo hỉ cho biết sẽ thành hôn với thằng Mẫn, Ngọc Thanh rơm rớm nước mắt,
“Bé hàng tháng dự các buổi huấn luyện y khoa, hàng ngày tiếp xúc với bác sĩ và nhà thương, và quen thuộc với cơ thể học; cái ‘tai nạn’ nhỏ nhặt kia nhằm nhè gì mà anh Hiệu phải xa Bé?”
Tôi không tin ông Trời bất công bắt phụ nữ tuổi Dần phải chịu lận đận đôi ba lần hay lấy chồng không như ý thì hậu vận mới suôn sẻ. Nhưng tại sao lại xảy đến cho một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn như Ngọc Thanh?
Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 24 tháng Giêng, 2018
Trở về đầu trang