Bản PDF để in
Tập truyện "Tuổi Trưởng Thành"
của Nguyễn Ngọc Hoa
Lời trần tình của tác giả :Truyện ngắn trong tập truyện của chúng tôi kể lại những câu chuyện đã trải qua, chứng kiến, hay nghe thuật lại ở một quãng đời xa xưa. Các truyện ngắn ấy không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Mọi nhân vật đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào ở ngoài đời. Do đó, nhân vật xưng "tôi" không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự, và mơ ước thầm kín của bạn bè cùng thời. Mời quý thân hữu đọc truyện, thưởng thức câu chuyện kể lại, và xin đừng liên kết nhân vật trong truyện với bất cứ ai ở ngoài đời.
* * *
20. Ngả Đường Đời Thánh Hóa
Trong mắt tôi, em Bình là cô nữ sinh Gia Long e lệ rụt rè ít nói. Ngày em đậu hạng Bình Khóa I kỳ thi Tú tài tổ chức vào ngày thứ Tư và thứ Năm cuối cùng của tháng Sáu năm nay, tôi chợt nhận ra em đã là một thiếu nữ chững chàng với mái tóc dài xõa ngang lưng, chiếc mũi dọc dừa, và nụ cười duyên dáng. Kỳ thi quan trọng đầu đời của em được cho theo lối trắc nghiệm lần đầu tiên ở Việt nam, lối thi đã dùng từ lâu ở các nước tân tiến, và bị gọi là “Tú tài IBM” vì bài thi chấm bằng máy điện toán của hãng IBM – International Business Machines Corporation.
Bữa tiệc mừng Bình thi đậu là một dịp sum họp gia đình của anh em tôi. Vợ chồng Nhật Lệ ở Nha Trang vào dự và đưa em Định vào theo vì tháng trước vừa bãi trường em được mẹ đưa ra Nha Trang nghỉ hè với anh chị. Sau bữa ăn thịnh soạn, các em quây quần quanh tôi; Nhật Lệ mở đầu,
“Anh giáo sư của tụi em đã tính cho cô Tú Bình học ngành nào chưa?”
“Bọn con gái tụi bây làm gì cũng suy nghĩ và bàn bạc chín chắn, anh muốn nghe ý kiến của con Bình trước,” tôi dè dặt.
“Chị Tư (Lệ) biểu em nộp đơn xin học bổng Colombo đi Úc du học, nhưng mật ít ruồi nhiều, em đậu Bình mà Ưu và Tối Ưu lền khên chật bảng nên khó lòng được chọn. Vậy mà thành may, vì thực sự em không có lòng nào xa mẹ và anh chị em trong thời buổi này.”
Hoàn cảnh chính trị bấp bênh hiện tại là điều ai cũng quan tâm, băn khoăn, và lo lắng. Tương lai đất nước thật mờ mịt, Hiệp định Paris 1973 được ký kết hơn một năm nay mà tiến triển duy nhất là Hoa Kỳ rút quân an toàn ra khỏi nước và chấm dứt việc tham dự trực tiếp vào cuộc chiến. Ở Trại Davis trong căn cứ không quân Tân Sơn Nhứt, phái đoàn Việt Cộng trong ban Liên hợp Quân sự Hai Bên hàng ngày ra rả đưa ra những yêu sách quá quẩn và tuyên truyền rỗng tuếch. Phe Cộng trì hoãn tối đa việc thi hành các điều khoản của hiệp định với mục đích kéo dài thời gian để tiến đánh chiếm đất giành dân, tiếp viện võ khí và trang bị từ ngoài Bắc vào, và chuẩn bị thôn tính miền Nam. Hàng đêm, sau khi uống hai viên thuốc an thần, tôi đi vào giấc ngủ chập chờn và mơ thấy mình khóc la nhìn những tên Việt Cộng đội nón cối mang dép râu vác AK-47 tiến vào thành phố.
Tôi cười nụ và lấy giọng lạc quan nhất,
“Con Bình học ban C (Văn chương và Sinh ngữ) nên đường nào cũng đến . . . La Mã, học xong đại học chỉ có con đường đi dạy học. Anh đề nghị nộp đơn thi vào đại học sư phạm, đậu thì học bốn năm ra giáo sư trung học đệ nhị cấp, nếu không thì sang Đại học Văn khoa học lấy bằng Cử nhân rồi cũng xin đi dạy.”
“Sinh viên Đại học Sư phạm Sài gòn lúc đi học được cấp học bổng và khi tốt nghiệp bổ đi dạy ở các trường trung học công lập nên ai cũng đổ xô vào thi, con Bảy (Bình) làm sao chen chân vào lọt?”
“Tụi bây nghe nói trường Đại học học Giáo dục Thủ Đức bao giờ chưa?”
“Dạ chưa,” cả Nhật Lệ lẫn Bình đều lên tiếng.
“Anh phải kể dông dài một chút về lịch sử của trường này,” tôi chậm rãi thuật lại.
Năm 1962, ban Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật trực thuộc Nha Kỹ thuật Học vụ được thành lập để đào tạo giáo sư cho các trường trung học kỹ thuật như trường Cao Thắng ở Sài gòn. Mười năm sau, ban này phát triển thành Trung tâm Giáo dục Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ và có cơ sở riêng ở Thủ Đức. Năm 1974, trung tâm trở thành Đại học Giáo dục theo kiểu mẫu Hoa kỳ và một phân khoa của viện Đại học Bách khoa Thủ Đức (“ĐHBKTĐ”). Tôi kết luận,
“Năm nay trường tuyển sinh viên trong nhiều ngành học, có cả ban Anh văn cho con Bình nhà mình.”
“Dù là ngành mới và trường mới, nhưng chưa chắc số học sinh dự thi ít hơn, hay tỉ lệ thí sinh phải ‘vật lộn’ để ‘vượt vũ môn’ cao hơn bên Sư phạm Sài gòn. Con Bảy được lợi thế gì?” Nhật Lệ nghi ngờ.
“Nếu thi đậu, bốn năm nữa tốt nghiệp nó sẽ là đồng môn Bách khoa Thủ Đức với anh.”
“Không phải anh là kỹ sư điện trường Cao đẳng Điện học hay sao?” Bình chúm môi hỏi.
“Trường Điện của anh nay là Ngành Điện của Đại học Kỹ thuật, và đại học đó cũng là một phân khoa của Bách khoa Thủ Đức!”
Trong mấy năm cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, ngay khi cuộc hòa đàm còn diễn ra ở Paris, chính phủ ráo riết thiết lập viễn đồ tái thiết đất nước. Trong kế hoạch to tát và lâu dài ấy, một mô hình cơ sở giáo dục mới được đề xướng – đại học bách khoa – để đào tạo chuyên viên có khả năng lãnh đạo và phục vụ dân chúng khi hòa bình được tái lập. Đó là một đại học giảng dạy nhiều ngành và chú trọng đến các ngành cần thiết cấp bách như kỹ thuật, nông nghiệp, giáo dục, kinh tế, và kiến thiết. Do đó, từ năm 1973 đến 1974, viện ĐHBKTĐ thành hình; gọi là “Thủ Đức” vì dự trù các phân khoa sẽ gom chung lại trong làng đại học ở Thủ Đức, một khuôn viên rộng 600 mẫu tây nằm cạnh xa lộ Biên Hòa và xa lộ Đại Hàn. Viện đại học gồm có bảy phân khoa, trong đó bốn phân khoa đã hiện hữu và hoạt động và ba phân khoa mới trên đường thành lập:
1. Đại học Giáo dục. Trước là ban Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật, rồi Trung tâm Giáo dục Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ.
2. Đại học Kỹ thuật. Trước là Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật (gồm các trường Cao đẳng Công chánh, Cao đẳng Điện học, Quốc gia Kỹ sư Công nghệ, Việt nam Hàng hải, và Cao đẳng Hóa học), rồi Học viện Quốc gia Kỹ thuật.
3. Đại học Khoa học Cơ bản. Trước là ban Cơ bản của Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật, ban này có nhiệm vụ giảng dạy kiến thức khoa học tổng quát cho sinh viên đệ nhất và đệ nhị niên kỹ sư của các trường cao đẳng.
4. Đại học Nông nghiệp. Trước là Trung tâm Quốc gia Nông Lâm Súc, rồi Học viện Quốc gia Nông nghiệp.
5. Đại học Kinh Thương. Mới, “Kinh Thương" là viết tắt của "Kinh tế và Thương mại."
6. Đại học Thiết kế Thị Thôn. Mới, "Thị Thôn" là viết tắt của "Thành thị và Nông thôn."
7. Đại học Cao cấp. Mới, có nhiệm vụ phối hợp các chương trình cao học và cấp bằng Cao học và Tiến sĩ.
Hiểu ra cơ cấu tổ chức của viện đại học mới, Bình náo nức,
“Em sẽ cố gắng đậu vào Đại học Giáo dục. A ha, anh Ba (Hoa) và cô Bảy đều xuất thân từ cùng một lò!”
“Để giúp mày ôn lại Anh ngữ để đi thi, kể từ hôm nay, sau bữa ăn tối hai anh em mình chỉ nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh không thôi nghen,” tôi hăng hái không kém.
“Anh Ba và chị Bảy cho em dự phần học tiếng Anh với,” Định bỗng xen vào, giọng nói em nhạt nhòa nước mắt.
Tôi chợt để ý, khác với ngày thường, từ hồi tối đến giờ Định chưa nói câu nào mà đứng ngồi không yên và thỉnh thoảng nhìn Nhật Lệ như muốn thúc giục điều gì. Tôi kéo tay em lại gần,
“Mày muốn tập nói tiếng Anh với anh và con Bình thì càng hay chớ sao lại buồn thiu như cơm hẩm vậy?”
“Bởi vì . . . em sẽ không được anh dạy thi vào đại học,” em tức tưởi.
“Hả, mày nói cái gì? Bộ tính bỏ anh đi đâu?” tôi la lớn.
Nhật Lệ vội vàng đỡ lời cho Định,
“Mẹ giao cho em nhiệm vụ bàn với anh chuyện này, nhưng mải nói chuyện học của con Bảy, em chưa có dịp nêu lên.”
“Nói đi, anh nghe,” tôi dịu giọng.
“Hè năm trước, khi con Bảy và con Tám (Định) về Nha Trang nghỉ hè, mẹ đưa tụi em đi thăm Ni sư Nhuận Chân ở chùa Pháp Hải Ninh Hòa, chùa điều hành một nhà nuôi trẻ em mồ côi hay thất lạc gia đình vì chiến tranh. Con Tám xin ở lại chùa, giúp săn sóc các em, và cuối hè tỏ ý muốn quy y và hiến mình cho đạo pháp. Cả năm qua, em và mẹ khuyên nó bỏ ý định đi tu, nhưng đã không lay chuyển được nó mà mình thì bị xiêu lòng.”
Trong hệ thống đẳng cấp của giáo hội Phật giáo, danh xưng “Ni sư” được tấn phong cho các vị xuất gia phái nữ có tuổi đời và tuổi đạo ngang hàng với “Thượng tọa,” “Sư cô” là “Đại đức,” và “Sư bà” (hay “Ni trưởng”) là “Hòa thượng” bên phái nam. Ngoài ra, “Sa di” (nam) hay “Sa di ni” (nữ), hoặc “Chú” (nam) hay “Ni cô” (nữ) dùng cho những vị trẻ tuổi mới xuất gia. Tôi chép miệng thở ra,
“Con Định hiền lành và thương người, nhưng đừng tưởng nó mềm yếu mà lầm to. Nó kiên quyết và can trường không ai bằng – anh biết lắm.”
Nhật Lệ gật đầu và vỗ nhẹ vào lưng bàn tay tôi,
“Trong chuyến ra Nha Trang vừa rồi, con Tám đã được Ni sư đồng ý thu nhận. Nhưng còn một chặng cuối cùng: Ai cũng biết anh thương nó nhất nhà, không biết anh có đồng ý không?”
“Nếu anh không cho, em sẽ ở bên anh và chị Quỳnh Châu suốt đời để anh khỏi lo buồn vì em,” cô em gái mười bảy tuổi tựa mặt vào vai tôi khóc thút thít.
“Anh không muốn xa mày nhưng không thể ích kỷ ngăn cản mày thực hiện sứ mạng Trời Phật kêu gọi,” tôi ôm đầu Định, nước mắt tôi nhỏ xuống mái tóc đen huyền.
“Thật sao anh?” em ngẩng đầu lên.
“Ờ, mà anh nói cho mày biết một chuyện.”
“Dạ,” em nói thật nhỏ.
“Anh không gọi mày bằng ‘thầy’ hay ‘sư cô’ đâu đó.”
* * *
Bình thi đậu vào Đại học Giáo dục Thủ Đức và trở thành một giáo sinh ban Anh văn, Định thế phát xuất gia thành Ni cô Đức Thiện tu tập và phụng sự chúng sinh ở Ninh Hòa, và công ty xây cất của vợ chồng Nhật Lệ ở Nha Trang không những hoạt động vững vàng mà còn dự định phát triển để đáp ứng với nhu cầu kinh tế hậu chiến. Nhưng rồi cơn ác mộng hàng đêm của tôi trở thành sự thực – cuối tháng Tư 1975, Sài gòn thất thủ. Gia đình tôi ở Sài gòn di tản ra khỏi nước và định cư ở một tiểu bang miền Bắc Hoa kỳ.
Từ ngày bỏ nước ra đi, tôi hỏi thăm rất nhiều người, nhưng không ai biết tin tức của Nhật Lệ hay Đức Thiện. Cho đến mười năm sau, tôi gặp lại thằng Hiệu bạn đồng khóa kỹ sư điện vừa định cư ở Texas sau chuyến vượt biên gian khổ. Ngày mất nước, nó đang làm việc ở ty Ốc Lộ Công quản Hỏa xa ở Nha Trang. Nó rưng rưng nước mắt thuật lại số phận của các em tôi.
Đầu tháng Tư 1975, viên Bí thư tỉnh ủy Khánh Hòa vào “tiếp quản” Nha Trang và dẫn một toán vũ trang đến vây chặt nhà Nhật Lệ đòi phải giao nộp nhà cửa, tiền bạc, nữ trang, và mọi tài sản khác cho “cách mạng.” Vợ chồng em phản đối tới cùng và bị chúng trói ké lại để tra tấn khảo của. Giữa lúc đó, Đức Thiện xuất hiện; ni cô chạy về nhà anh chị lánh nạn vì giặc chiếm chùa và đuổi tăng ni “về quê quán.” Bất chấp lời đe dọa của mấy tay súng “cách mạng” dữ dằn hung ác, cô sấn tới cởi trói cho anh chị và bị một tên nổi nóng lia ngay một loạt đạn vào người. Thấy xác em nằm trên vũng máu, vợ chồng Nhật Lệ đau đớn rít lên nhào tới và dùng thân mình làm bia cho họng súng liên thanh.
Khi cơn đau tê dại rã đông, tôi tự trách mình, giá như ngày đó tôi không đồng ý cho em Định đi theo ngả đường đời em lựa chọn thì biết đâu ngày nay em sẽ ở bên tôi. “Không phải dzậy,” em hiện ra trong một giấc mơ, “khi nào mà em không ở bên anh?” Từ đó, ngày rằm và mồng một tôi thắp một cây hương cắm lên bàn thờ, nhìn hình em, và nói thầm, “Mày là đứa ngon lành nhất nhà, anh không bì kịp đâu.”
Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 21 tháng Ba, 2018
Trở về đầu trang