Trở về trang Mục Lục

Bản PDF để in

Tập truyện "Tuổi Trưởng Thành"
của Nguyễn Ngọc Hoa

Lời trần tình của tác giả :Truyện ngắn trong tập truyện của chúng tôi kể lại những câu chuyện đã trải qua, chứng kiến, hay nghe thuật lại ở một quãng đời xa xưa. Các truyện ngắn ấy không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Mọi nhân vật đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào ở ngoài đời. Do đó, nhân vật xưng "tôi" không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự, và mơ ước thầm kín của bạn bè cùng thời. Mời quý thân hữu đọc truyện, thưởng thức câu chuyện kể lại, và xin đừng liên kết nhân vật trong truyện với bất cứ ai ở ngoài đời.

* * *

21. Tùy Người Đối Diện

Buổi sáng Chủ Nhật cuối hè trời quang đãng và không khí mát mẻ sau trận mưa đêm, tôi ra quán Cà-phê Nhân trên đường Lý Thái Tổ sớm hơn thường lệ và chờ thằng Thống. Nhẩn nha đọc báo, tôi kiên nhẫn đợi cà-phê nhỏ từng giọt từ chiếc phin lọc xuống tách. Nó là bạn đồng nghiệp thân nhất ở Đại học Khoa học Kỹ thuật Minh Đức, và hai thằng là nhân viên giảng huấn ở Đại học Kỹ thuật (“ĐHKT”) thuộc viện Đại học Bách khoa Thủ Đức: Tôi dạy Ngành Điện (trường Cao đẳng Điện học trước), và nó dạy Ngành Hóa (trường Cao đẳng Hóa học trước). Bạn tôi thân hình nhỏ bé, nước da ngăm đen, giọng nói oang oang, và tính thẳng thắn, thấy việc bất bình là cự thẳng tay.

Không chào hỏi, thằng Thống kéo ghế ngồi đối diện với tôi. Tôi bỏ tờ báo Chính Luận xuống,

“Mày tiếu ngạo giang hồ ở Đà Lạt cả tuần lễ nay, có gì vui không?”

“Tao lên thăm thằng Dương, nó chơi với tao từ thuở học tiểu học. Nó dẫn tao đi xem nha Địa dư trên đường Yersin, nơi nó làm việc; đó là một công trình kiến trúc cổ điển tuyệt đẹp và quý giá. Ngoài ra, nó bắt tao đứng trước chợ Hòa Bình, trên bờ hồ Xuân Hương, và trong nhà Thủy tạ chụp vài ba tấm hình để cho khoe với hậu thế ‘ta đã đến nơi này.’ Chỉ có vậy!”

“Buồn . Một chàng giáo sư cất công từ Sài gòn lên và ‘nằm vùng’ ở xứ hoa anh đào cả tuần lễ, khi giã từ lại không mang theo chút tình cảm vấn vương nào.”

Thằng Thống bật cười,

“Có chuyện ‘khỉ đồng bằng ăn chuối,’ nhưng bực mình nhiều hơn vui.”

“Chuyện gì xảy ra?”

“Thằng Dương làm công chức tỉnh lẻ, hãnh diện cặp bồ với đứa con gái đầu lòng của ông Hàm quan đầu tỉnh và kéo tao theo để gán ghép cho con em. Hai thằng được mời vào tư dinh ăn cơm tối, gia đình võ biền ít học nên ai nấy đều khen dồi con nhỏ học giỏi – mới đỗ Tú tài IBM, ABC khoanh mà tâng bốc lên thấu trời xanh. Tao nực nhất khi thấy con nhỏ õng a õng ẹo làm ra vẻ tiểu thư đài các: khi ăn tráng miệng, nó lấy dao ăn cắt chuối và xâm bằng nỉa, giống như . . . Tây nhà quê!”

Thằng Thống không biết dượng Hàm cầm đầu tỉnh Tuyên Đức và thành phố Đà Lạt là chồng o Năm tôi, o là em họ của cha. Không gặp o dượng vài năm nay, nhưng tôi biết gia đình o dượng khó có thể cư xử như nó mô tả. Sáng nay không phải lúc để cãi vã, tôi cười cười,

“Con nhỏ đó có đẹp không?”

“Người ngợm cao ráo sạch sẽ và mặt mày trắng trẻo dễ coi, không đến nỗi nào. Khi biết ngày trước tao thi không đậu vào ‘trường kỹ sư Phú Thọ,’ tức Đại học Kỹ thuật mình, và nay lại dạy ở đó, nó làm bộ ngây thơ . . . cụ phang ngay một quả, ‘Tui nghe nói sinh viên Phú Thọ một nửa tuyệt giỏi và nửa kia con ông cháu cha được gửi gắm hay đút lót để vào – có đúng không anh?’ Đáng giận đời không?”

Thấy thằng Thống ấm ức, tôi không khỏi cười thầm, nhưng cố giải thích,

“Gửi gắm hay đút lót trong xã hội Việt nam nơi nào không có? Nhưng tao tin chuyện đó rất ít xảy ra ở Phú Thọ; mấy đứa vào được bằng lối phi pháp sẽ học không nổi và bị cho xoọc-ti lát (sortie latérale, ra trường ngang hay bị đuổi học) ngay năm đầu tiên, và vì vậy ngu gì mà phí phạm thế lực hay tiền bạc một cách vô lối? Khi trong tay đã sẵn đồng tiền, người ta gửi cậu ấm hay cô chiêu đi ngoại quốc du học tự túc, dính dáng tới ‘kỹ sư trường đua’ làm gì cho mệt?”

“Bất chợt bị nó hỏi móc lò và không kịp nghĩ ra cách trả lời, tao tức cành hông,” nó thở ra.

“Mày nhớ bốn giờ chiều mai họp về vụ đề thi tuyển đấy nhé. Thư mời họp dặn mang theo mền gối để ngủ qua đêm vì có thể bị cô lập để bảo mật,” tôi nhắc nhở bạn và để đổi đề tài.

Đó là cuộc họp chọn giảng viên ra đề thi cho kỳ thi tuyển vào các Ngành (ban kỹ sư các trường cao đẳng trước) của ĐHKT, lần đầu tiên tổ chức dưới danh nghĩa Bách khoa Thủ Đức. Tháng trước, ĐHKT thực hiện một thay đổi nhỏ (nhưng có hiệu quả lớn lớn) trong thủ tục nhận đơn xin dự thi: thay vì theo thể lệ hành chánh hiện hành và đòi hỏi bản sao bằng Tú tài phải thị thực ở phường hay quận, nhân viên ĐHKT so bản photocopy với bản chính rồi ký tên và đóng dấu kiểm nhận tại chỗ, tiết kiệm thì giờ và tiền bạc cho gần một trăm ngàn thí sinh. Ngành Điện nhận trên 12,000 đơn thi vào ban Điện (tuyển 35 sinh viên) và khoảng 7,000 đơn thi vào ban Điện tử (tuyển 15 sinh viên). Tôi ví von với các bạn đồng nghiệp,

“Thi đậu vào ban Điện ngày nay còn gay go hơn ngày xưa lều chõng đi thi và đậu đầu kỳ thi Đình. Hồi đó, Trạng nguyên, Bảng nhãn, và Thám hoa không ai phải đánh bại đến hơn mười hai ngàn nho sinh khác để đỗ đạt như sinh viên trường mình.”

Kỳ thi tuyển là công tác chung của ĐHKT và Đại học Cơ bản (“ĐHCB”) vì trường sau có nhiệm vụ giảng dạy kiến thức khoa học tổng quát cho sinh viên đệ nhất và đệ nhị niên. Giảng viên ĐHCB chiếm hơn một nửa số người tham dự buổi họp; hai trường hợp chung lại và chia thành hai nhóm: nhóm ra đề Toán và nhóm kia ra đề Vật lý. Mỗi nhóm bốc thăm lấy ra mười người, những người này được đưa ngay vào một nơi biệt lập, không có phận sự không được lai vãng. Tôi và thằng Thống may mắn lọt sổ và thơ thới ra về. Đằng sau hậu trường, toán Vật lý hoạt động như sau:

1. Chọn sách và chương dùng ra đề thi. Cả toán thảo luận để chọn một trong ba bộ sách giáo khoa Vật lý lớp 12 thông dụng nhất bán trên thị trường và lựa ra mười chương trong bộ sách đó.

2. Ra đề thi. Mỗi giảng viên bốc thăm nhận lãnh chương mình sẽ ra đề thi, soạn câu hỏi, viết ra tất cả các cách giải, và đề nghị thang điểm cho mỗi cách giải.

3. In đề thi. Trưởng toán thu góp mười câu hỏi, đánh máy và quay ronéo in ra, cho vào phong bì và niêm phong, và hủy bỏ các bản nháp và bản in hư.

Tương tự như kỳ thi Tú tài, kỳ thi tuyển được tổ chức nghiêm ngặt tại một số trường trung học công lập ở Sài gòn. Trong phòng thi, thí sinh được cung cấp giấy thi và giấy nháp. Mỗi tờ giấy thi có ô vuông trên đầu trang để thí sinh ghi tên tuổi, ngày sinh, v.v. Phần này gọi là “phách” sẽ được rọc đi cất riêng sau khi ghi mã số vào phần phách và phần bài thi bên dưới, để giám khảo chấm bài không thể biết tên tuổi của người viết bài. Tôi và thằng Thống được chỉ định chấm thi môn Vật lý ở “trung tâm” đặt ở Giảng đường II của Đại học Văn khoa Sài gòn trên đường Cường Để.

Nhóm chấm thi của tôi gồm chừng mười lăm giám khảo, trong đó có thầy Đức là một giáo sư kỳ cựu của ĐHCB. Thầy tốt nghiệp ở ngoại quốc về, ngày trước có dạy tôi, và rất được học trò kính sợ. Buổi đầu tiên, thầy than phiền đề thi quá khó so với trình độ thí sinh và ngao ngán lắc đầu,

“Nếu đưa cho tôi bài giải mẫu và bảo tôi chép thì tôi chép kịp giờ. Nhưng nếu bắt phải hiểu thì tôi chịu thua.”

Để tránh thiên lệch do ý kiến cá nhân của giám khảo, mỗi bài thi được chấm hai lần rồi lấy điểm trung bình. Nếu điểm số của hai lần chấm chênh lệch quá xa, bài thi phải “đưa ra hội đồng,” tức là đưa ra cho cả nhóm thảo luận và định đoạt điểm số cuối cùng. Sáng ngày chấm thi thứ ba, tôi làm giám khảo 2 chấm lại một xấp bài thi đã chấm rồi và gặp một bài thi làm đầy đủ và trình bày mạch lạc, nhưng chỉ được có 2 điểm (2/20). Tôi đọc đi đọc lại kỹ càng và thấy bài thi đúng hoàn toàn nhưng không dùng phương pháp giải trong những bài giải mẫu, và giám khảo 1 không hiểu, cho là sai, và chỉ cho điểm tối thiểu.

Buổi trưa tôi rủ thằng Thống đi ăn ở quán cơm bình dân đối diện với rạp xi-nê Casino Đa Kao trên đường Đinh Tiên Hoàng. Tôi đề cập đến bài thi vừa gặp và băn khoăn không biết phải làm sao; nó lớn tiếng khuyên,

“Vụ này mày không thể nhắm mắt cho điểm theo đuôi thằng giám khảo 1 và đành lòng để một đứa sinh viên xuất sắc bị hỏng oan. Phải làm tròn nhiệm vụ của mình, nhất định phải đưa ra hội đồng. Nó ngu dốt và chấm bài sai – bị mất mặt cũng đáng đời.”

Tôi không cho thằng Thống biết giám khảo 1 ấy là thầy Đức. Trước sau gì vụ chạm trán trong phòng chấm thi chiều nay cũng lộ ra ngoài.

* * *

Một tuần lễ trước khi sinh viên nghỉ Tết, tôi đi Đà Lạt dạy giảng khóa Xxxx ở phân khoa Khoa học của viện Đại học Đà Lạt thay cho thầy Phong. Buổi tối cuối cùng ở Đà Lạt, tôi được người bà con là chú Tôn mời ăn tối ở nhà hàng Paradis (Thiên đàng) của chú ở khu chợ Hòa Bình. Ngoài chú thím và cô em họ Thúy Miên còn có một thiếu nữ khoảng mười tám, mười chín tuổi xinh xắn và dáng điệu rụt rè. Tôi nhìn kỹ và nhận ra,

“A, Thanh Hà đây mà. Dễ đến mười năm rồi anh mới gặp lại em! Ngày đó em còn bé tí ti, bây giờ thành một trang mỹ nhân, gặp ngoài đường còn lâu anh mới dám nhận họ hàng.”

“Thầy . . . à anh đừng nói quá, em không dám.”

Thanh Hà ấp úng nói trong miệng. Em là con thứ hai của dượng Hàm và o Năm, ngày trước o dượng ở cạnh nhà tôi ở Ban Mê Thuột, và từ khi rời thành phố bùn đỏ bụi hồng về Sài gòn học tôi chưa gặp lại em. Thím Tôn trợn mắt,

“Anh em tụi bây chi lạ rứa? Anh dạy trường kỹ sư điện, em cũng học trường đó, mà sáu tháng rồi chưa gặp mặt nhau. Anh chị Hàm biết được chuyện ni, hai đứa bây bị rầy rà cho coi.”

“Dạ, em Hà mới vào và còn học bên Đại học Cơ bản nên con không biết. Thiệt bậy!” tôi tần ngần.

Ba Hoa biết không, con Hà học giỏi số một. Đậu Bac (Tú tài Pháp) với mention Très Bien (hạng Ưu), Tú tài Việt đoạt Tối Ưu, và thi vô kỹ sư điện giật giải khôi nguyên.”

Thật không ngờ! Cô em họ ăn chuối bằng dao nỉa của tôi chính là người sinh viên tuyệt giỏi đậu thủ khoa vào ban Điện. Nhờ tôi điếc không sợ súng đứng ra phê bình giám khảo 1 đã chấm bài sai, tranh luận sôi nổi với thầy Đức và các giám khảo do cảm tình riêng hết lời bênh vực thầy, và rốt cuộc thuyết phục được hội đồng cho bài thi được xét lại điểm số tối đa (20/20). Thanh Hà trở nên dạn dĩ,

“Ba me dặn vào trường phải tìm thăm anh ngay. Nhưng sau khi nghe chuyện phiền hà anh gặp, em không dám sang trường nhận anh em vì sợ anh mang tiếng oan.”

“Em đừng lo, rắc rối lôi thôi xảy ra cho anh như cơm bữa, nhằm nhò gì ba chuyện lẻ tẻ!”

“Anh quen thân với ông Thống bên Ngành Hóa, phải không?” như chợt nhớ ra, Thanh Hà cười khúc khích, “Hồi hè, ông ta lên đây được anh Dương là ý trung nhân của chị Thanh Hương dẫn đến nhà ăn tối và đánh tiếng đến coi mắt em. Ông ta lùn xủn đen đúa mà huênh hoang chê bai hết người này sang người khác. Sợ ba me la là con gái không nên nết nên em không dám phê bình thẳng mà kiếm cách làm cho ông ta nản lòng và rút lui. Hú hồn!”

Thằng Thống và Thanh Hà gặp nhau mà mỗi người nhìn người kia bằng một lăng kính tương phản và do đó thấy đối tượng không hợp ý. Đúng là “xấu đẹp tùy người đối diện”! Lối nói này xuất hiện nhan nhản trong mục Tìm Bạn Bốn Phương trên báo và thường đi cùng với “thích màu trắng và màu tím, yêu nhạc họ Trịnh và giọng ca Khánh Ly, . . .” Nó diễn tả câu châm ngôn "Beauty is in the eye of the beholder" trong Anh ngữ một cách tuyệt hảo. Sao bây giờ tôi mới nghĩ ra kìa?

Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 4 tháng Tư, 2018

Trở về đầu trang