Bản PDF để in
Tập truyện "Tuổi Trưởng Thành"
của Nguyễn Ngọc Hoa
Lời trần tình của tác giả :Truyện ngắn trong tập truyện của chúng tôi kể lại những câu chuyện đã trải qua, chứng kiến, hay nghe thuật lại ở một quãng đời xa xưa. Các truyện ngắn ấy không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Mọi nhân vật đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào ở ngoài đời. Do đó, nhân vật xưng "tôi" không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự, và mơ ước thầm kín của bạn bè cùng thời. Mời quý thân hữu đọc truyện, thưởng thức câu chuyện kể lại, và xin đừng liên kết nhân vật trong truyện với bất cứ ai ở ngoài đời.
* * *
22. Quỳnh Châu và Em Tôi
Từ khi biết suy tư và băn khoăn về thân phận của mình, chưa có lúc nào tôi cảm thấy lo âu và bi quan về tương lai bằng thời gian này. Hiệp định Paris 1973 ký kết tháng Giêng năm trước đã trở thành mớ giấy lộn vì phe Cộng công khai vi phạm mọi điều khoản có thể mang lại hòa bình. Thay vì tiến đánh lẻ tẻ chiếm đất dành dân như ban đầu, họ mở những cuộc tấn công qui mô vào một số tỉnh xa Sài gòn. Quân dân ta anh dũng chiến đấu một cách khó khăn vì thiếu thốn vũ khí và trang bị. Hoa kỳ, sau khi rút quân ra khỏi nước và nhận lại tù binh, dửng dưng bất động, và Quốc hội Mỹ tranh luận việc cắt giảm quân viện cho Việt nam. Trong buổi cà-phê sáng Chủ Nhật ở quán Cà-phê Nhân, sau khi nghe tôi than thở về hiện tình đất nước, thằng Thống gượng cười lảng qua chuyện khác, dường như đang nghĩ tới cuốn sách của Leo Tolstoy (1828-1910),
“Thôi không nói chuyện Chiến tranh và Hòa bình nữa, buồn bỏ mẹ! Giờ mày khai thực với tao, sao cả tháng nay mày nằm riết ở nhà, để tao lang thang một mình?”
Những ngày hè, ban đêm hai thằng cùng nhau đến nhà bạn bè thân quen hoặc rủ nhau đi uống cà-phê, chỉ về đến nhà khi còi giới nghiêm vừa hụ, và đùa với nhau, “Mình mà về nhà sớm quá, em út nó khi dể – anh hết chỗ đi chơi hay sao mà phải chui đầu về nhà sớm?” Tôi nghiêm mặt,
“Tao cố viết cho xong cuốn Giải tích Mạch Điện để kịp đưa nhà in và phát hành trước khi niên học mới bắt đầu nên đành để ‘bạn ta’ cô đơn chiếc bóng.”
“Chớ lấy vải thưa mà che mắt thánh, không phải mày làm việc để tìm quên nỗi buồn con Châu sắp trở lại Mỹ hay sao?” nó cười khà khà nhái bài ca tạm biệt “Auld Lang Syne” thường hát để kết thúc buổi sinh hoạt cộng đồng trước khi chia tay, “Ò e Rô-be đánh đu, Tặc-dăng nhảy dù, Zô-rô bắn súng. Chết cha con ma nào đây, thằng Tây hết hồn, thằn lằn cụt đuôi.”
Quỳnh Châu là cô bạn nhỏ thân thiết gần mười năm nay của tôi. Ngày mới về Sài gòn học, tôi dạy kèm cho nàng, cô nữ sinh Gia Long hiền lành thùy mị và biết vâng lời, và đứa em trai là thằng Bằng. Nhưng ngoài giờ học, tôi luôn luôn thấy mình vụng về lúng túng và không biết nói năng sao cho thích hợp trước mặt nàng. Tôi chơi thân với anh nàng là thằng Cao học kỹ sư công nghệ và học chung các lớp khoa học cơ bản với tôi. Ba nàng là một công chức bộ Quốc gia Giáo dục, một người cha gương mẫu hết lòng lo cho con cái, xem tôi như người nhà, và những ngày cúng giỗ hay hội họp gia đình đều mời đến dự.
Tốt nghiệp kỹ sư, thằng Cao sang Đức du học. Sau khi đậu Tú tài, Quỳnh Châu theo gót anh sang Hoa kỳ học tại Đại học Stanford, một đại học tư nổi tiếng ở bắc California. Nàng tốt nghiệp cử nhân khóa mùa xuân năm nay, được cấp học bổng để học cao học tại Đại học Nữu Ước, một đại học tư nổi tiếng khác, về nhà nghỉ hè, và đang sửa soạn trở lại Hoa kỳ.
* * *
Ngày cuối cùng của tháng Tám, Nhật Lệ từ Nha Trang vào; em nói cười ríu rít,
“Mai ngày rằm tháng Bảy là lễ Vu lan xá tội vong nhân và cũng là lễ báo hiếu, em giao hết việc cho anh Khanh để vào với mẹ. Mỗi lần gặp lại người thân, em thấy mình có thêm một lần may mắn, vì biết đâu ngày mai không còn gặp nhau.”
“Anh cũng nghĩ như em, nhưng đừng nói vậy với mẹ – mẹ la anh em mình nói gở cho coi.”
“Em nhắc anh một điều: mẹ sẽ thất vọng nếu kỳ này chị Châu trở lại Mỹ và không bao giờ gặp lại anh. Mẹ biết anh có một ngàn lý do để do dự và ngần ngại, nhưng anh định chờ cho đến bao giờ?”
Tôi trầm ngâm một lát rồi lắc đầu,
“Thực sự, anh và Châu chưa có gì đáng nói. Tụi anh liên lạc thường xuyên, nhưng đối xử với nhau như anh em trong tình bằng hữu và không hề ra khỏi giới hạn đó.”
“Về mặt tâm lý phụ nữ, ông anh em khù khờ như một thanh niên mới lớn,” Nhật Lệ nở nụ cười bí mật, “Không vào hang hùm sao bắt được cọp con, cứ thôi thôi, ngảnh mặt làm thinh thì làm sao nàng biết được lòng mình mà đáp lại?”
“Để anh xem,” tôi ngần ngừ.
“Xem gì nữa, anh phải theo lời thơ Xuân Diệu ‘Giục Giã,’ mau với chứ, vội vàng lên với chứ, và nhớ lời thánh kinh dạy,
Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho.
Bởi vì, hễ ai xin thì được; ai tìm thì gặp; ai gõ cửa thì được mở.”
(Matthew 7:7-8)
Sau hai đêm trằn trọc, tôi đi tới quyết định và đến thăm Quỳnh Châu. Nhà nàng là một biệt thự cổ trên đường Hồng Thập Tự, hai đứa ngồi cạnh nhau trong phòng học, và nàng tíu tít kể chuyện mấy người bạn gái, những người thân, và thằng Bằng “ngang chàng giống như anh.” Khi nàng để ý, “Sao hôm nay anh ít nói và không vui như mọi lần?” tôi thu hết can đảm nắm tay nàng – lần đầu tiên,
“Châu à, hay em đừng đi Mỹ nữa.”
“Dạ,” lời nói của nàng nhẹ như gió thoảng.
“Và ở nhà với anh.”
“Dạ,” bàn tay nàng nắm chặt hơn.
“Và hai đứa mình sẽ thành vợ chồng.”
“Dạ,” tôi nghe tiếng nàng nức nở.
“Em đồng ý không?”
“Dạ. Em đợi giờ phút này từ nhiều năm nay, anh biết không? Em biết anh thương em từ dạo em còn bé tí, anh Cao nói anh mất học bổng du học vì không muốn sớm xa em.”
Hồi đó tôi được chọn cấp học bổng du học Gia Nã Đại. Các sinh viên được tuyển chọn chia thành hai nhóm: nhóm học tiếng Pháp được “bốc” đi ngay sang Montréal, Québec trước Giáng sinh cho kịp nhập học khóa mùa xuân, và nhóm học tiếng Anh ở lại học Anh văn ở hội Việt-Mỹ sáu tháng và sang học khóa mùa thu năm tới. Mặc dù Anh văn là Sinh ngữ II (tức là ngoại ngữ phụ), tôi chọn học tiếng Anh, nán ở lại Sài gòn, và tiếp tục dạy Quỳnh Châu thêm nửa năm. Trong thời gian ấy trục trặc về giấy tờ phát sinh khiến học bổng bị thu hồi vào ngày chót, và từ đó các bạn dệt ra cái giai thoại tôi không được đi du học vì . . . mê gái – sắc bất ba đào dị nịch nhân (nhan sắc đàn bà không có sóng mà vẫn đánh đắm được người).
Nhìn nụ cười sung sướng trên khuôn mặt đẫm nước mắt của Quỳnh Châu, tôi lắp bắp biện hộ cho lời cầu hôn muộn màng của mình,
“Thuở ấy, bọn sinh viên tỉnh lẻ về Sài gòn học như anh có hai điều tối kỵ về liên hệ tình cảm. Thứ nhất là cô học trò dạy kèm; đó là một phương tiện sinh sống và hơn nữa, tự ái và đạo đức của người con trai không cho phép lợi dụng hoàn cảnh thuận lợi để chiếm quả tim cô bé. Thứ hai là em gái bạn; nếu chuyện không thành thì không những đau khổ vì tình mà còn mất luôn bạn. Do đó, đối với em anh chỉ có một cơ hội duy nhất – đề nghị hôn nhân như bây giờ.”
“Em biết và thương anh cũng vì cái tính quân tử gàn đó,” nàng nói không đắn đo; tôi tự hỏi làm sao nàng biết được điều đó.
“Ngoài ra, có một thời gian dài anh sống bụi đời lung tung lang tang và thấy mình không xứng đáng với một thiếu nữ trong sạch thùy mị nết na như em.”
Quỳnh Châu ngả đầu lên vai tôi,
“Lúc anh bỏ nhà ra đi, mẹ biết anh vẫn dạy thằng Bằng học; mẹ đến thăm ba má, gửi lại một số tiền, và nhờ tìm cách đưa cho anh. Nhưng thấy anh khí khái, ba không có cơ hội đưa tiền và càng nể trọng anh. Chàng Lệnh Hồ Xung đi tiếu ngạo giang hồ lại được điểm với ông nhạc tương lai,” nàng gọi mẹ bằng “mẹ” một cách tự nhiên.
“Mẹ quen với ba má mà anh nào có hay!”
“Tuần vừa rồi mẹ đến chơi với ba má. Ba người bàn chuyện và quyết định rằng một tháng kể từ lúc anh ngỏ lời xin bàn tay của em – tức là hôm nay – mẹ sẽ xin em về, cưới hỏi cùng ngày. Một tháng vừa đủ để hai nhà sửa soạn lễ cưới và mời họ hàng và bạn bè, không cần chọn ngày lành tháng tốt. Mẹ nói thời buổi loạn lạc, ngày nào còn sống và yêu thương và đùm bọc lẫn nhau là ngày tốt, thần thánh ma quỷ phải chịu phép thôi.”
“Vậy sao? Anh phải chờ đến một tháng nữa hở?”
“Em bây giờ là của anh. You may now kiss the bride (Bây giờ anh có thể hôn cô dâu)!”
Theo tục lệ tây phương, đó là câu nói mục sư hay linh mục chủ lễ nói với chú rể khi hoàn thành lễ cưới trong nhà thờ. Chúng tôi trao nhau nụ hôn đầu tiên, Quỳnh Châu vụng về nhưng nồng nhiệt và say đắm; nàng thủ thỉ,
“Hôm tháng Hai em lên Nữu Ước phỏng vấn tuyển chọn vào chương trình cao học; lúc đó nhằm tuần lễ thời trang mùa xuân. Mấy cô bạn dẫn em đi xem, em thấy kiểu áo cưới của Mỹ thật đẹp và rất ưng ý. Nếu anh đồng ý, em sẽ nhờ bạn mua kiểu áo thời trang mùa thu gửi gấp về cho kịp. Anh thấy sao?”
“Em muốn là Trời muốn, không cần phải hỏi.”
“Giờ em mới biết thêm anh có tài nịnh đầm. Nhưng chỉ được nịnh vợ mình thôi nghen.”
* * *
Quỳnh Châu dịu dàng và duyên dáng, hòa hợp tuyệt hảo với gia đình tôi, và thương yêu và chiều chuộng tôi rất mực. Sau đám cưới ở Sài gòn, chúng tôi ra Nha Trang hưởng tuần trăng mật và thăm em Định, nay là Ni cô Đức Thiện, vì em không thể về Sài gòn dự đám cưới; Quỳnh Châu rủ em Bình đi theo “cho có bạn.” Vợ chồng Nhật Lệ tổ chức một tiệc cưới thứ hai, mời bạn bè và họ hàng ở thành phố duyên hải hiền hòa một thời là quê nhà của tôi.
Trong tiệc cưới ở Đại Khách sạn Nha Trang trên đường Duy Tân dọc theo bãi biển, các thứ nước trái cây ép được dọn ra thay cho rượu, và khách khứa trầm trồ ngợi khen các món ăn chay sửa soạn công phu và tỉ mỉ. Thiệp mời ghi, “Xin miễn tặng quà cưới. Yêu cầu mang theo hiện kim để tham dự cuộc đấu giá y phục thời trang.” Bốn người mẫu là cô dâu và ba cô em chồng lên sân khấu trình diễn bốn bộ y phục thời trang mùa thu 1974 ở Nữu Ước để quan khách thưởng lãm và đặt giá, cuộc đấu giá gây quỹ giúp nhà nuôi trẻ mồ côi của các sư cô chùa Pháp Hải ở Ninh Hòa được hưởng ứng nồng nhiệt và thành công mỹ mãn.
Tiệc tan, Quỳnh Châu ôm vai tôi, ra hiệu cho Nhật Lệ dắt tay hai em lại gần, và cười chúm chím,
“Em biết không có gì qua được mắt anh. Nhưng đợi đầy đủ mấy chị em, nhất là cô Tám (Định) . . . à cô Đức Thiện, mới nói cho anh biết.”
“Chuyện bắt đầu từ ngày Vu Lan hai năm trước, sau khi lễ chùa mẹ than phiền, ‘Thằng Ba Hoa lủi thủi một mình đơn côi độc mộc, thiệt tội,’ và hai mẹ con đi thăm ba má chị Châu. Nhờ đó, em liên lạc với chị và biết anh vẫn thư từ sang Mỹ đều đặn, thương chị mà chỉ nói bóng nói gió, và giữ khoảng cách an toàn trên xa lộ,” Nhật Lệ vừa nói vừa cười.
“Anh nhớ không, ôông dôông (ông chồng) yêu quý?” Quỳnh Châu nói khẽ vào tai tôi.
“Em trở lại Sài gòn Tết năm đó, con Tám là đứa gần gũi với anh nhất tiết lộ một chuyện khó tin mà . . . có thực. Mỗi lá thư cho chị Châu, anh viết đến hai lần. Lần đầu, bắt đầu bằng ‘Em yêu thương ngàn đời’ và viết dài lòng thòng trút hết nỗi niềm tâm sự yêu thương nhung nhớ. Lần thứ hai, lời mở đầu thành ra ‘Quỳnh Châu em,’ tiếp theo bằng lời lẽ nghiêm trang đạo mạo như ông cụ non. Và anh gửi cho chị lá thư thứ hai. Do đó ba chị em bèn lập kế hoạch hành động: Chỉ có con Tám mới dám xăm mình mở tủ của anh; nó có nhiệm vụ lấy lá thư thứ nhất, đưa cho con Bảy (Bình) đi photocopy và gửi cho chị Châu, và để thư vào chỗ cũ. Nhờ đó, chị Châu hiểu thấu lòng anh và yên tâm chờ ngày theo chàng về dinh,” Nhật Lệ nở một nụ cười mãn nguyện.
Thương quá em tôi! Vậy mà tôi cứ ngỡ cái diễm phúc kết duyên với người yêu tình ngỡ đã phôi pha, nhưng tình vẫn còn đầy là do phúc phần may mắn Trời cho. Tôi rưng rưng nước mắt. Hạnh phúc, tình thương, và niềm tin yêu ngập tràn trong tim, tôi không mơ ước gì hơn.
Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 25 tháng Tư, 2018
Trở về đầu trang