![]() |
||
HẠNH PHÚC XÓT XA
Thơ chuyển từ truyện HẠNH PHÚC XÓT XA
của tác giả PHẠM TÍN AN NINH.
Người chuyển thơ NGUYỄN SÁU.
Một câu chuyện đầy bi thương,
Trong nhiều chuyện kể trên đường vượt biên.
Bao nhiêu tủi nhục oan khiên,
Muốn quên để được bình yên tâm hồn.
Nhưng đâu có dễ quên luôn,
Vì điều oan trái mãi còn theo ta.
Trong bài HẠNH PHÚC XÓT XA,
Thật là khéo léo viết ra sự tình.
Cám ơn PHẠM TÍN AN NINH,
Có nhiều bài viết tâm tình rất hay!
***
Nhận thiệp cưới qua đường bưu điện,
Tôi ngạc nhiên, không nhận diện được ai.
Từ nhà gái, cho đến họ nhà trai,
Hỏi vợ con, cũng không ai biết được.
Toàn tên lạ, mà không hề biết trước
Nên nghĩ là, có mưu chước gì đây?
Có phải chăng chỉ vì muốn phô bày,
Chứng tỏ gia tộc ở đây cũng nhiều.
Nhìn vào niên giám, gởi thiệp mời liều,
Cho có người dự, càng nhiều càng hay.
Hay chỉ một lần có dịp bắt tay,
Là nhất định mời ngay bằng mọi giá!
Địa điểm cưới không xa nhà tôi quá,
Nhà hàng Tàu sang cả ngoại thành Oslo.
Hơn tháng nữa, còn thong thả để lo,
Nhưng đúng vào ngày tôi dành cho cháu.
Hứa con rồi, vì cơ hội quý báu,
Ngày thôi nôi của cháu ở London.
Chuyện gia đình, phải được ưu tiên hơn,
Vé đã đặt rồi, không còn thay đổi.
Con gái cũng lấy phép dành giờ rỗi,
Đón tiếp chúng tôi, cho trọn nghĩa tình.
Tôi đâu có thể thay đổi chương trình,
Dù có thân thiết gia đình, cũng thôi.
Huống hồ đây tôi không hề biết tới,
Nhưng phân vân, chờ thơ thới tính sau.
Bà Xã tôi thì quyết định thật mau,
Vất thiệp vào kệ, càu nhàu “forget it”.
Và rồi sáng thứ bảy tuần sau đấy,
Khi tôi đang loáy hoáy xếp đồ.
Bỗng nghe tiếng điện thoại gọi vô,
Tôi nghe, không biết cô là ai hết.
Người bên kia trả lời “Em là Bích”,
Rất lịch sự, và nêu đích tên tôi.
Ngạc nhiên quá, tôi suy nghĩ một hồi,
Rồi trả lời “thật tình tôi không nhớ”.
Lê Thị Bích Kiều, Anh quên rồi hở?
Ngày mới đến, anh giúp đỡ em nhiều.
Vào quốc tịch, em bỏ mất chữ Kiều,
Bây giờ là Yvonne Bích trên thiệp cưới.
Chắc Anh Chị đã nhận thiệp em gởi?
Tôi nhớ liền, không cần đợi nghĩ suy.
Trường hợp cô, thật đặc biệt quá đi,
Hai lăm năm tôi còn ghi nhớ mãi.
Rồi hẹn tôi “chiều nay em ghé lại”,
Không biết Anh Chị trở ngại gì không?
Thăm Anh Chị, và cũng luôn công,
Nhờ chút việc, xin vui lòng chờ em.
***
Ở trại tỵ nạn tôi có được diễm phúc,
Được làm phụ giáo, lúc còn ở Phi,
Trong nhiều lớp dạy tiếng Na Uy,
Nên được Thầy Cô kiên trì chỉ dạy
Để làm thông dịch tạm thời tại trại.
Cho đến khi rời trại Bataan ở Phi,
Cũng đã bì bõm nói tiếng Na Uy,
Được làm thông dịch tức thì tại đây.
Là thông dịch, nhưng chỉ giúp kê khai,
Giấy tờ cần thiết những ai không rành.
Nhờ đó ngôn ngữ tôi được tiến nhanh,
Giúp tôi chính thức thành “thông dịch viên”.
Công việc thì nhàn, mà lại có tiền,
Nhưng cũng không ít buồn phiền xót xa.
Khi nghe những bất hạnh được kể ra,
Tôi phải thông dịch thật là khổ tâm.
Phần không đủ tiếng, phần sợ hiểu lầm,
Những khi Bác Sĩ tâm thần nhủ khuyên.
Ông cho đối thoại là việc ưu tiên,
Giúp cho người bịnh bình yên tâm hồn.
Tôi nghĩ khả năng không thể làm tròn,
Nhưng bên xã hội chẳng còn có ai.
Và Bác Sĩ Hauff cũng cho không trở ngại.
Nên tôi đành phải ở lại làm thôi.
Một hôm bà Kari Mette bên xã hội,
Muốn cùng tôi, vội đi đón một người.
Cô gái Việt tuổi vừa mới đôi mươi,
Ngồi xe lăn, với dáng người tiều tuỵ.
Choàng khăn mỏng, bên gói đồ hành lý,
Khi nhận hoa, cô lí nhí “cám ơn bà”.
Đi theo bà Kari, tôi đẩy cô ra,
Xe cứu thương chờ cô ta sẵn đó.
Phụ đưa lên xe, nên tôi mới rõ,
Cô gái kia đã có mang thai.
Tôi được chỉ định đi theo xe này,
Đưa chúng tôi về ngay đến nhà thương.
Nghe bà Kari kể, tôi mới tỏ tường,
Bị hải tặc bắt trên đường vượt biên.
Chúng hãm hiếp và đem cô nhốt riêng,
Trên một hoang đảo thuộc biển Thái Lan.
Gần một năm chúng hành hạ dã man,
Mới được tuần cảnh cứu mang vào bờ.
Và được Na Uy nhận, thật bất ngờ,
Nên được đi thẳng, không chờ qua Phi.
Do sức khoẻ yếu có thể lâm nguy,
Vì nhân đạo, nên Na Uy sẵn sàng.
Đem cô sang, và chăm sóc đàng hoàng,
Để xoa dịu bớt phũ phàng nhớp nhơ.
Ưu tiên của nhà thương bây giờ,
Là lo sức khoẻ, để chờ cô sinh.
Trả lời Bác Sĩ về chuyện của mình,
Cô hơi ngần ngại, và nhìn vào tôi.
Biết là có tôi làm cô bối rối,
Nên bảo cô, cứ nói đừng ngại ngần.
Vì việc bảo mật là việc rất cần,
Của người thông dịch đa phần phải tuân.
Sau khi y tá tắm thay áo quần,
Nhìn cô rạng rỡ, có thần sắc hơn.
Dặn dò cô và giúp chọn thực đơn,
Mừng cô nay đã qua cơn hãi hùng.
Kể từ hôm ấy, tôi gặp vô chừng,
Ngoài thông dịch, chẳng đặng đừng người thân.
Vợ chồng tôi luôn thăm hỏi ân cần,
Báo, thức ăn Việt, nhiều lần mến trao.
Sau một tuần, sức khoẻ tăng cao,
Nhưng trong giấc ngủ cứ vào giữa đêm.
Giật mình la hét, chưa thấy giảm thêm,
Bác Sĩ khuyên đọc sách, xem TV nhiều.
Với bé trong bụng, cần được thương yêu,
Vì là máu mủ, là điều thiêng liêng.
Khi nào cô cảm thấy lòng bất yên,
Thì nên thành thật nói liền ông nghe.
Hồ sơ di trú, được làm rất lẹ,
Trưởng phòng cảnh sát đến ngay nhà thương.
Thông qua lý lịch tôi được tỏ tường,
Sinh quán, gia cảnh, đoạn trường vượt biên…
***
Cô là Lê Thị Bích Kiều,
Cư dân Đà Lạt, nơi nhiều mù sương.
Mẹ là cô giáo yêu thương,
Cha làm cấp Tá, chiến trường miền Trung.
Bảy lăm mất biệt hành tung,
Gia đình trông ngóng, vô cùng xót xa.
Lớn lên, thiếu vắng tình Cha,
Miền Nam thất thủ, thật là khó khăn.
Gia đình lâm cảnh thiếu ăn,
Cô đành nghỉ học, lăn vào giúp Me.
Bán buôn vặt vãnh vỉa hè,
Tương lai nghèo đói, cứ đè triền miên.
Vượt biên là chuyện ưu tiên,
Mẹ con tom góp, có tiền để lo.
Dây chuyền, nhẫn cưới Ngoại cho,
Đều đem đi bán, mua vô cây vàng.
Thiếu tiền, nhưng cũng tính càn,
Xin đóng một nửa, nhờ mang đi dùm.
Sau bao nhiêu chuyến lùm xùm,
Vì còn lo ngại, cuối cùng lại thôi.
Lần này thì mạnh dạn hơn,
Vì người bạn đã hứa hôn đi cùng.
Đúng như ý, chẳng ngại ngùng,
Hai nhà là bạn, học chung quân trường.
Để cho kết chặt tình thương,
Vội vàng lễ hỏi, lên đường cùng nhau.
Rạch Giá là điểm khởi đầu,
Trên thuyền bốn bảy người, cầu bình an.
Ba ngày, gặp cướp Thái Lan,
Hai ghe nhanh chóng cập ngang thuyền này.
Hai mươi tên qua thuyền ngay,
Với nhiều vũ khí tỏ bày quyền uy.
Tài công bị giết tức thì,
Một thanh niên nữa, chỉ vì không nghe.
Chia nhau lục soát khắc khe,
Phá hư máy, rồi về ghe chúng liền.
Không quên bắt đi khỏi thuyền,
Khoảng mười cô gái, mới phiền làm sao!!
Hôn phu Kiều, nhảy xông vào,
Liền bị chúng bắn, xô nhào biển khơi.
Các cô kêu khóc vang trời,
Thay nhau chúng hiếp, than ôi tội tình!
Riêng Kiều bị trói một mình,
Ở đàng sau lái, thất kinh điếng người…
Người cảnh sát hỏi
Sao cô lại được chúng tha?
Làm gì có chuyện buông tha.
Vì tên thuyền trưởng dành ra cho mình.
Thấy tôi có chút ngoại hình,
Hắn còn đang bận, cố tình dành riêng.
Hắn đâu có để tôi yên,
Đêm về là hắn “tính liền”, đâu tha.
Nghĩ đến những chuyện xảy ra,
Người yêu bị giết, tiếng la hãi hùng…
Hờn căm lên đến tột cùng,
Nằm im phó thác, vẫy vùng ích chi.
Và “đời con gái” mất đi…
Điều tôi trân quí, từ khi vào đời.
Đến khi thoả mãn xong rồi,
Hắn ta đem cháo gọi mời tôi ăn.
Mặc dầu đói, chẳng muốn ăn,
Và tôi ngất lịm trong khoang cả ngày.
Khi nghe chúng gọi inh tai,
Giật mình mới biết ghe ngay sát bờ.
Là một hoang đảo xa mờ,
Ngạc nhiên hơn nữa, các cô đâu rồi???
Không lẽ bọn nó thả trôi?
Tôi càng kinh hãi, nhưng thôi cũng đành.
Kết thúc cuộc sống cho nhanh,
Còn hơn tủi nhục, đang dành cho tôi.
Sống mà như đã chết rồi,
Chìm trong vô vọng, biển trời bao la…
Mọi người xúc động, xót xa,
Nhìn anh Cảnh Sát muốn sa lệ sầu.
Còn Kiều đẫm lệ từ lâu,
Tôi đi lấy nước, giấy lau giúp nàng.
Tạm ngưng câu chuyện dở dang,
Tránh cho người kể, còn đang sụt sùi.
Và anh với giọng bùi ngùi,
Đặt thêm câu hỏi, để nguôi nỗi sầu.
Cô sống ra sao bấy lâu?
Trước khi có phép nhiệm mầu cứu cô?
Khi tên thuyền trưởng cõng vô,
Vào trong hang đá, đủ đồ ở đây.
Chắc do cướp được lâu nay,
Áo quần, thực phẩm, cũng đầy đủ ghê.
Năm ba hôm chúng ghé về,
Nghỉ ngơi, chia chác, lề mề no say.
Tên thuyền trưởng thì tối ngày,
Mặc quần short ngắn, tóc dài ngang lưng.
Da đen ngăm, xăm tứ tung,
Nhìn vào lộ nét hung tàn khiếp kinh.
Với tôi, hắn cố gây tình,
Thường luộc tôm cá, để mình tôi ăn.
Rượu vào, hắn rất hung hăng,
Như con hổ đói đang săn con mồi.
Nên tôi chỉ biết bặm môi,
Mặc tình cho hắn hành tôi tới cùng.
Tâm tôi thì quá lạnh lùng,
Rã rời thân xác, vô cùng đớn đau.
Chỉ mong chúng lại đi mau,
Để tôi tạm nghỉ, nát nhàu hồng nhan!
------
Một mình còn lại trong hang,
Chung quanh vắng lặng, chứa chan nỗi sầu.
Chỉ nghe sóng biển rì rào,
Như lời than oán của bao oan hồn.
Bỗng dưng tôi thấy bồn chồn,
Muốn tìm ra biển, thả hồn bay cao.
Người yêu trôi giạt phương nào?
Các cô gái nữa, ra sao bây giờ???
Và trong giây phút thẫn thờ,
Nhận ra cái chết vật vờ đâu đây.
Chỉ cần lội xa nơi nầy,
Là được sóng biển cuốn ngay tức thì.
Để nhơ nhớp được rửa đi,
Gặp người yêu sớm, còn gì phân vân…
Nhưng rồi tôi lại chùn chân,
Vì bao hình ảnh người thân quê nhà.
Bỗng dưng lại chợt hiện ra,
Với đôi mắt lệ, Mẹ già đang lo.
Mong con tìm được tự do,
Mai này có dịp giúp cho gia đình…
Bà đâu có biết con mình,
Hiện trên hoang đảo, cực hình đớn đau.
Không còn nghĩ đến ngày sau,
Dưới tay hải tặc, còn đâu ngày về…
Tôi nghe sóng biển vỗ về,
Và làn gió nhẹ, mân mê thân tàn.
Lên bờ, rảo bước lang thang,
Một thời thơ ấu, miên man tìm về…
------
Thật là hạnh phúc tràn trề,
Ngày Ba mãn khoá, lời thề còn vang.
Mẹ Cha trong giấc mộng vàng,
Yêu thương đầm ấm, thênh thang vào đời.
Bao nhiêu bè bạn cùng thời,
Hồn nhiên vui sống, dưới trời tự do.
Không hề có chút buồn lo,
Những người bạn ấy, bây giờ ra sao?
Hồn tôi như đang lạc vào,
Khung trời Đà Lạt, với bao thâm tình.
Thế rồi tôi bỗng giật mình,
Chạm vào tảng đá, biết mình đang mơ.
Trở về thực tế bây giờ,
Đang trên hoang đảo, thân nhơ nhớp đầy…
Cô bật khóc, khi nói đến đây,
Khi tôi dự tính đưa tay xin ngừng.
Để tôi dịch lại không quên,
Thì anh Cảnh Sát đứng lên ra ngoài.
Bảo tôi cũng bước ra ngay,
Muốn cho không có một ai làm phiền.
Để cô được khóc tự nhiên,
Vơi đi bao nỗi ưu phiền trong cô.
Lát sau, anh quay trở vô,
Nhờ tôi dịch lại cho cô rõ ràng.
Nếu cần Mẹ và Em sang,
Thì anh cũng sẽ sẵn sàng trình lên.
Để cô được phép ưu tiên
Làm đơn bảo lãnh, qua liền không lâu.
Nghĩ suy, rồi cô lắc đầu,
Em không muốn Mẹ rõ câu chuyện này.
Nhất là về vụ mang thai,
Mặc dù rất nhớ, lúc này chưa nên.
Điều cô mong muốn trước tiên,
Muốn phòng xã hội cho tiền cô vay.
Gởi về giúp Má cô ngay,
Bà đang mong đợi từng ngày tin con.
Anh Cảnh Sát hứa lo tròn,
Rồi anh từ giã, và còn chúc cô
“Sớm bình phục, bớt sầu lo,
Hứa còn trở lại thăm dò thêm tin”.
Hôm sau, xã hội báo tin,
Nhờ tôi đến nhận mười nghìn Kroner.
Số tiền trợ cấp được kê,
Nhờ cô ký nhận, không hề cho vay.
Còn nhiều trợ cấp sau này,
Cần tôi chịu khó trình bày cùng cô.
Yên tâm, không cần phải lo,
Nhất là trợ cấp cho phần sinh con.
Dịp này tôi cũng đem cho,
Trái cây đặc biệt dành cho “bà bầu”.
Xoài chua, cô ước từ lâu,
Và tôi được thấy lần đầu cô vui.
Mong tôi thường hay tới lui,
Để cô chia xẻ ngọt bùi cùng tôi.
Từ khi cô biết được tôi,
Cũng là quân đội, đi tù tám năm.
Gia đình cũng lắm khó khăn,
Vượt biên may mắn gặp tàu Na Uy.
Mắt cô rực sáng tức thì,
Cô hồi tưởng lại thời kỳ Quốc Gia.
Một trời kỷ niệm hiện ra,
Cô say sưa kể về Cha của mình.
Một đời tận tuỵ hy sinh,
Cho quê hương thịnh, gia đình yên vui…
Khi tôi chuẩn bị ra về,
Cô trao địa chỉ, nhờ về gởi ngay.
Số tiền cô nhận hôm nay,
Để Em và Má đỡ hoài công lo.
Biết con đến bến tự do,
Là niềm hy vọng chung cho gia đình…
Cô lo chuẩn bị cho mình,
Tránh đi những chuyện thường tình thị phi.
Nhờ tôi dạy tiếng Na Uy,
Bảo rằng là muốn giết đi thì giờ.
Không còn suy nghĩ vu vơ,
Trong khi dưỡng bịnh, đợi chờ sinh con.
Nên tôi đồng ý hoàn toàn,
Cho cô tự điển, và còn tập trung.
Nói và viết câu thường dùng,
Đạt nhanh tiến bộ, rất mừng cho cô.
Một câu cô chú tâm vô,
Từ trong bài hát mà cô thích là:
“Ngày mai, tôi muốn đi thật xa”
Cô nhờ tôi dịch, để xoa nỗi sầu…
Tôi nào có biết được đâu,
Cô dùng câu ấy, nhu cầu tương lai…
Khi nghe sẽ sinh con trai,
Cô mừng vui lắm, nhưng quay thẫn thờ.
Khi sinh gần đến ngày chờ,
Tôi đưa ý kiến: Nên nhờ vợ tôi.
Giúp cho mọi chuyện êm trôi,
Vì bà sinh đẻ nhiều rồi, vẫn hay.
Sợ cô ngại, tôi nói ngay,
Vợ tôi không biết chuyện này, đừng lo.
Tôi sẽ cho biết lý do,
“Chồng cô còn kẹt, chưa cho qua cùng”.
Một hồi suy nghĩ lung tung,
Rồi cô khẽ gật, như chừng an tâm.
Cuối tuần, chúng tôi đến thăm,
Cho đồ em bé, thức ăn quê nhà.
Tôi liền kiếm cớ đi ra,
Để bàn về chuyện “đàn bà” dễ hơn.
Vợ tôi sinh, cũng cô đơn,
Vì đời lính chiến, tôi còn non sông.
------
Rồi vào một tối mùa đông,
Tuyết đang phủ kín, không gian mịt mờ.
Vợ chồng tôi đến đúng giờ,
Cô đang đau bụng, và chờ để sinh.
Tôi ra ngoài đợi một mình,
Vợ tôi ở lại, tâm tình cùng cô.
Sau ba mươi phút đợi chờ,
Tôi nghe tiếng khóc trẻ thơ chào đời.
Chấp tay thầm tạ ơn Trời,
Đã đem may mắn cho người cô đơn.
Tôi đang suy nghĩ miên mơn,
Thì nghe vợ gọi, tỉnh cơn mộng liền.
Vào phòng thấy bé nằm yên,
Trên ngực của mẹ, còn riêng cô thì,
Đôi dòng lệ đẫm ướt mi,
Không biết sung sướng, hay vì xót xa??
Tôi lên tiếng chúc cô ta,
Có nhiều nghị lực, vượt qua khổ sầu…
Chuyển qua khách sạn tuần sau,
Vì chưa tìm được chỗ nào cô đi.
Ở đây đầy đủ tiện nghi,
Và gần bịnh viện, cũng vì lý do.
Tiện cho y tá chăm lo,
Cả con cùng mẹ, sao cho “vuông tròn”.
Chuyện tôi thông dịch vẫn còn,
Nên còn được gặp mẹ con nhiều lần.
Bên xã hội rất ân cần,
Quà cho mang đến tận giường “bé bi”.
Nghe cô bập bẹ tiếng Na Uy,
Mọi người khâm phục, tuy còn khó nghe.
Khi Bác Sĩ Hauff hỏi dè,
Xem cô cần được chở che thêm gì?
“Tôi sẽ nói Ông nghe sau”
Trả lời bằng tiếng Na Uy thật tài!!
Rõ ràng cô muốn tự xoay,
Không cho tôi biết chuyện này cùng cô…
------
Vợ chồng tôi chuẩn bị đồ.
Mừng ngày “đầy tháng” cho cô vui mừng.
Chúng tôi ngạc nhiên vô cùng,
Biết cô vừa chuyển đến vùng thật xa.
Được bên xã hội bảo là,
“Không cho ai biết, dù là người quen”.
Vợ tôi không biết nguyên căn,
Nên bà thầm trách “Rằng cô hững hờ”.
Còn tôi chợt biết lý do,
Vì sao câu hát cô nhờ dịch ra
“Ngày mai tôi muốn đi thật xa”
Nên tôi thầm nghĩ, “Đúng là oan khiên”.
Từ hôm ấy, chẳng còn phiền,
Nên rồi tôi cũng mau quên chuyện này.
Không tìm hỏi thăm những ai,
Ở thành phố khác, mong ngày gặp cô.
Chuyện bất hạnh, và bất ngờ,
Trôi vào quên lãng, bao giờ không hay…
***
Bích Kiều đến đúng giờ hẹn,
Khi ta xi đỗ chẹn ngang nhà.
Vợ chồng tôi vội chạy ra,
Vì cùng muốn biết cô ta thế nào?
Hai lăm năm, biết bao mất mát,
Nhìn Bích Kiều không khác gì xưa.
Thêm mắt kiếng, càng dễ ưa,
Vội ôm chầm lấy, khi vừa xuống xe.
Lấy kiếng ra, lệ nhoè hoen mắt,
Hồi tưởng về khoảnh khắc ngày xưa.
Vợ tôi lên tiếng hỏi đùa,
Để tạo thân mật, và xua nỗi buồn…
“Mừng thấy Kiều vẫn luôn tươi trẻ,
Ông Xã đâu? Đang để nơi nào?
Không cho gặp mặt là sao?
Cho tôi xin gởi lời chào cùng anh”.
Tươi cười, cô nói nhanh cho biết,
Em độc thân đến “miết” bây giờ.
Hôm nay em đến để nhờ,
Anh Chị mai mối, có cơ hội nào?
Chúng tôi cùng cười trao thân mến,
Rồi dắt nhau ra đến vườn sau.
Hoa đang khoe sắc đủ màu,
Tâm hồn hưng phấn, nỗi sầu lìa xa.
Vào nhà, Tôi đem trà mời khách,
Để hai bà cùng cách nói hơn,
Mở đầu là chuyện phấn son,
Và rồi đến chuyện chồng con, gia đình…
Rồi chuyện bất bình tôi muốn biết,
Tại sao Kiều trốn biệt bấy lâu?
Làm tôi cứ nghĩ đâu đâu,
“Nàng Tiên nay đã vể chầu Thiên Cung?”
Ngày ấy em vô cùng bối rối,
Xin anh chị thứ lỗi giúp cho.
Vì em thật sự rất lo,
Sợ người ta biết, điều vô phúc này.
Em muốn không cho ai biết đến,
Tránh cho người thương mến đau lòng.
Là điều em luôn ước mong,
Mẹ luôn thanh thản, sống trong an hoà.
Với anh, em rất thương và quý,
Ngại làm điều phi lý dấu anh.
Thực tình em cũng không đành,
Phụ lòng anh chị đã dành cho em.
Tôi cười, nói hiểu em nhiều lắm,
Nhắc làm gì chuyện lẩm cẩm xưa.
Khi cô đi, tôi biết thừa,
Là cô trốn hết, không chừa một ai.
Tôi nhớ ngày tôi bày cô nói,
“Ngày mai tôi đi thật xa”
Là điều cô đã đề ra,
Nên tôi không có bôn ba kiếm tìm.
Đảo ở Alesund im lìm xa tít,
Rất thưa người, và ít khách ra.
Sống bình dị, không xa hoa,
Là nơi lý tưởng, để mà ẩn danh.
Quên quá khứ, nên đành xa lánh,
Không còn ai biết cảnh oan khiên.
Tâm em cảm thấy bình yên
Để làm bảo lãnh Má liền cho xong.
Sợ biết chuyện, Mẹ không chịu thấu,
Nên phải đành dấu Mẹ cùng Em
Để cho cuộc sống êm đềm.
Và còn con nữa, luôn đem tiếng cười…
Điều may mắn mọi người yêu mến,
Khi em vừa mới đến nơi này.
Là điều hạnh phúc lắm thay,
Cám ơn người đã dang tay đón chào…
Cuộc sống đã đi vào nề nếp,
Khi Mẹ, Em, được phép định cư.
Từ nay thôi hết ưu tư,
Bình yên vui sống, tâm tư vơi dần.
Đặt tên con là Trần Huy Bách,
Cha Trần Duy Trác, thách thức cao.
Nhưng em chẳng biết tính sao,
Muốn cho mọi chuyện đi vào lãng quên.
Trác là người em luôn nhớ đến,
Đáng làm cha thương mến cho con.
Một lòng em vẫn sắt son,
Người Cha duy nhất, để con tôn thờ…
Còn cha ruột, ôi nhơ nhớp quá!!
Nhắc làm chi, em đã cố quên.
Làm cho cay đắng thêm lên,
Thà quên đi quách, đừng nên đưa vào.
Sự thật này, làm sao em nói,
Cho Má nghe để khỏi đau buồn.
Nên em đành đấu kín luôn,
Và ân hận mãi, lệ tuôn nhạt nhoà.
Nhờ có Má ở nhà giúp đỡ,
Ba chúng em đã cố học lên.
Một phần sắp xếp Ơn Trên,
Đều xong đại học, thật hên vô cùng.
Hai em trai, Kỹ Sư trường khá,
Kiều thì Y Tá, đều đã đi làm.
Hết còn thấy cảnh thương tâm,
Ở nơi quê mẹ, những năm Cọng vào…
Sau sáu năm ở Alesund ẩn náu,
Về Trodheim vì hai Cậu học đây,
Bách Khoa Kỹ Thuật, trường hay.
Bách cũng tốt nghiệp ở đây năm rồi.
Mười sáu năm sau, Mẹ tôi mất,
Chúng tôi buồn chết ngất lịm đi.
Vì chưa đền đáp được gì,
Bà đột ngột mất, chỉ vì bịnh tim.
Vợ chồng tôi tỏ lời cảm phục.
Chúc cả nhà hạnh phúc bên nhau.
Và cùng dâng lời nguyện cầu,
“Hương Linh của Bác bình an nước Trời”.
Khuyên nhủ Kiều với lời trìu mến.
Xin thôi đừng nghĩ đến chuyện buồn.
Cũng đừng để lệ trào tuôn,
Chuyện dối gạt Má cứ luôn dày vò.
Bà Xã tôi xen vô lời trách,
Sao Kiều lại tìm cách đổi tên?
Bích Kiều tôi thấy rất hên,
Có tiệm uốn tóc lấy tên Bích Kiều.
Đời nàng Kiều rất nhiều nguy biến,
Trong truyện Kiều nổi tiếng nước ta.
Em cũng lắm chuyện xót xa,
Bỏ Kiều đi, còn lại là Bích thôi.
“Nàng Kiều nào với tôi đều chết”,
Tôi xen vào để hết cãi nhau.
Với tôi Bích là phần sau,
Hoàn toàn khác trước, nên đâu còn Kiều.
Từ bây giờ quên Kiều, gọi Bích,
Không sao anh, em thích gọi Kiều.
Những người đã biết em nhiều,
Hai Em em vẫn gọi Kiều đó anh.
Anh Chị vẫn luôn dành thương mến,
Kể từ ngày em đến nơi đây.
Chưa từng có chuyện đổi thay,
Gọi tên Kiều, để tỏ bày tình thương…
Nhìn đồng hồ trên tường, Kiều tiếp,
Vì lo không còn kịp thì giờ.
Trình bày mọi chuyện cần nhờ,
Vì nàng không thể thờ ơ việc này.
Mở cặp, cầm trên tay bức ảnh,
Chỉ cho tôi thấy cảnh hai con.
Chụp trong ngày lễ đính hôn,
Cô Dâu Việt, mắt to tròn, tươi vui.
Người con trai tươi cười là Bách,
Rất đẹp trai, phong cách thông minh.
Nhìn nhau với nụ cười tình,
“Thật xứng đôi”, tôi nhìn hình ngợi khen.
Cô Dâu vừa có bằng Dược Sĩ,
Con gái út, của một vị giáo sư.
Cũng vừa mới qua định cư,
Do con bảo lãnh, đi từ Miền Nam.
Gia đình năm con, đều tốt nghiệp,
Được kết sui, là việc rất vui.
Lòng em rất đỗi bùi ngùi,
Gia đình đơn chiếc, sợ sui gia buồn.
Có Anh Chị là nguồn duy nhất,
Biết rõ Em, và rất chân tình.
Em xem như người thân mình,
Nên xin Anh Chị thương tình giúp cho.
Đại diện gia đình để lo lễ cưới,
Nghĩ Anh Chị hợp với bên kia.
Ngang trình độ, dễ xẻ chia,
Để cho Cháu Bách được chia chút tình.
Và cho Em nữa, gia đình đơn lẻ,
Không có ai chia xẻ cùng mình.
Nên Em mạo muội thưa trình,
Để mong Anh Chị niệm tình giúp cho.
Âu cũng là chuyện do Trời định,
Chị chứng minh khi Bách chào đời.
Còn Anh duy nhất rõ tôi,
Là hai nhân chứng tuyệt vời đó Anh.
Mong Bách thấy một phần hạnh phúc,
Khi có Anh đứng chúc hai con.
Cũng là chút tình héo hon,
Cho Em nghĩ, Trác vẫn còn đâu đây…
Xin lỗi anh, Em gây tội lỗi,
Đặt ra điều nói dối khó tha.
Bách luôn nghĩ Trác là Cha,
Em thường thấy Cháu, thiết tha khẩn cầu.
Bách cũng tin Anh người duy nhất,
Ở Na Uy biết Trác mà thôi.
Là do lời nói của tôi,
Xin Anh Chị hiểu, để rồi minh xác.
Vậy nếu Bách hỏi tôi về Trác,
Tôi làm sao thối thác được đây?
Suy tư trong một vài giây,
Rồi Kiều lại bảo, với đầy tự tin.
Không sao hết, Anh vin vào Lính,
Cùng Ba Trác là tình chiến binh.
Và chỉ quen biết gia đình,
Khi Trác còn nhỏ, khó hình dung ra.
Em cố quên, nhưng mà rất khó,
Những hãi hùng không có phai mờ.
Vẫn còn mãi trong giấc mơ,
Em không biết đến bao giờ mới phai?
Em rất lo đến ngày lễ cưới,
Luôn suy tư như người mất hồn.
Lòng Em hết sức bồn chồn,
Nên chưa biết tính với con thế nào?
Rồi bỗng dưng nhớ vào Anh Chị,
Nên thấy lòng nhẹ đi rất nhiều.
Giúp cho giải toả được điều,
Mà Em suy tính bao nhiêu tháng trời.
Nhớ tới em, vợ tôi lại hỏi,
Hai cậu em tụi nó thế nào?
Có gia đình? hay độc thân?
Sống cùng với Kiều, hay ở gần thôi?
Hai Cậu đều có nơi ở khác,
Cậu lớn có bạn người Na Uy.
Đã chia tay, đường ai nấy đi,
Còn Cậu nhỏ vẫn tôn vì độc thân.
Vợ chồng tôi khó phần từ chối,
Hứa cùng Kiều “chúng tôi sẽ đi”.
Phải đành huỷ bỏ tức thì,
Chuyện thăm con gái, hẹn kỳ khác thôi.
Gọi đi London để hồi con gái,
Chuyện hệ trọng, Ba Má phải làm.
Giúp Kiều vơi bớt khổ tâm,
Vì bao ngang trái nín câm đến giờ.
***
Sáng thứ bảy, của ngày hôm ấy,
Sau cơn mưa, đã thấy nắng vàng.
Mùa hè mới vừa chuyển sang,
Hoa đua sắc thắm, nhẹ nhàng gió lay.
Như hân hoan mừng ngày nắng ấm,
Xua tan đi ảm đạm giá băng.
Lìa xa bao nỗi khó khăn,
Những năm tháng cũ, vẫn hằng trong tim.
Khách sạn Royal, nơi tôi tìm đến,
Để tỏ tình thương mến cùng Kiều.
Giúp nàng bớt cảnh quạnh hiu,
Trong ngày hôn lễ con yêu của mình.
Biết hoàn cảnh gia đình đơn chiếc,
Cả nhà tôi đi hết sáu người.
Vợ chồng, con, cháu của tôi,
Giúp mang lễ vật, theo lời Kiều mong.
Nàng cũng từ Trodheim di tới,
Không bạn bè, chỉ với bốn người.
Lại còn ít ỏi hơn tôi,
Và người bạn Bách, được lôi thêm vào.
Lần đầu tiên, chúng tôi gặp Bách,
Từ khi sinh, cách mãi đến giờ.
Chắc Bách cũng đâu có ngờ,
Chúng tôi duy nhất trong giờ đầu tiên.
Trong đêm đông, miền đầy băng tuyết,
Với nỗi buồn da diết xót xa.
Làm sao tưởng tượng được ra,
Giờ đây Bách đã là người xứng danh.
Ngạc nhiên hơn, Bách nói rành tiếng Việt,
Lịch sự, lễ phép, thiệt đáng khen.
Bỗng dưng tôi liên tưởng liền,
“Con người thô bạo di truyền đi đâu?”
Khi nhớ lại những câu Kiều kể,
Đã làm tôi có thể tin là.
“thiện, ác không từ tâm ra.
Mà do cuộc sống ta bà tạo nên”.
Lễ thành hôn nói lên hạnh phúc,
Bên sui gia đạo đức có thừa.
Các con lễ phép trình thưa,
Giữ tròn lễ giáo, thấy vừa lòng ghê!
Mừng cho Bách, được về làm rể,
Là cơ may, đâu dễ mấy ai.
Vui cho Kiều, Bách, lắm thay,
Dâu con hiếu đễ, từ nay hết buồn.
Bên sui gia vẫn luôn mến mộ,
Về việc Kiếu gắn bó nuôi con.
Trung kiên, đức hạnh, vẹn toàn,
Nên Ông khuyên bảo hai con vâng lời.
Kính cẩn dâng rượu, lạy mời Mẫu thân,
Hai lạy, Ông ân cần giải thích:
Một lạy cho thủ tiết nuôi con,
Mất chồng từ thuở còn son,
Đành lòng ở vậy, nuôi con thành tài.
Lạy hai, Má nhận thay Cha mất
Lúc con chưa cất tiếng chào đời.
Tình Cha Mẹ thật tuyệt vời,
Giữ gìn cho Mẹ một đời kiên trinh.
Khi hai con thưa trình tạ lễ,
Thì mắt Kiều lệ đã trào tuôn.
Nhìn con âu yếm cười buồn,
Tôi mong nước mắt từ nguồn an vui.
Không phải do ngậm ngùi bộc phát,
Nhớ về thời tàn ác trước đây.
Mọi người cũng xúc động lây,
Tôi quay đi, tránh nhìn ngay vào Kiều.
Tâm trạng tôi, cũng nhiều tương phản,
Chuyện xưa, cứ lảng vảng trong đầu.
Cũng như Kiều, có khác gì đâu,
Nằm trong tiềm thức, bao lâu cũng còn…
Sunnyvale 10/12/2017
NGUYỄN SÁU