Trở về trang Mục Lục
CÔ GÁI BÁN DON
Thơ chuyển từ
Truyện ngắn của nhà văn HẠO NHIÊN NGUYỄN TẤN ÍCH
(kontumquetoi.com//co-gai-ban-don
Người chuyển thơ Nguyễn Sáu
***
Định cư San Jose vừa sáu tháng,
Thì được tin người bạn từ xa.
Anh Thung ở Texas gọi qua,
Để thăm hỏi, và đưa ra lời mời.
Qua Houston thăm chơi cho biết,
Tiền nhà rẻ, công việc có nhiều.
Nghe anh nói, hợp với điều,
Tôi đang mong đợi, nên chiều ý anh.
Và được Thung riêng dành ưu ái,
Ngoài vé máy bay, lại thêm tiền.
Tuần sau, tôi nhận được liền,
Cám ơn anh đã ưu tiên chuyện này.
Thung đón tôi ở ngay cổng đến,
Thật vui mừng, thân mến trao nhau.
Thời gian xa cách quá lâu,
Hôm nay gặp lại, mái đầu điểm sương.
Tuy dáng người còn đương sức sống,
Nhìn Thung bệ vệ, giống chủ nhân.
Đúng y vậy, không phân vân,
Anh là chủ chợ, trăm phần không sai.
Ngoài chợ ra, còn hai cơ sở,
Của hai con, cũng ở gần đây.
Phòng răng của đứa con trai,
Học nha khoa ra, mở ngay phòng này.
Cơ sở thứ hai của con gái,
Bán bảo hiểm, thuộc loại thành công.
Cô đang có riêng văn phòng,
Rất khang trang, và đông người làm.
Sau một vòng đi thăm cơ sở,
Thung đưa tôi ăn ở nhà hàng.
Trong khu phố thị thật sang,
Có tên Cổ Lũy, ngỡ ngàng trong tôi.
Chủ nhà hàng chắc người Quảng Ngãi?
Tôi hỏi Thung có phải thế không?
Cái tên của một cửa sông,
Địa danh tuyệt đẹp, rất đông ghe thuyền…
Đã quá trưa, nên thưa bớt khách,
Tôi chọn bàn không cách xa quày.
Cô tiếp viên chào đón ngay,
Với tờ thực đơn trao tay tôi liền.
Thung để tôi ưu tiên chọn món,
Thấy thực đơn có cả món nghêu.
Không nhìn kỹ tôi liền kêu,
Một tô “don”, món tôi yêu lâu rồi.
Cô hầu bàn nhìn tôi ngơ ngác,
Nghe tiếng don sao khác quá đi.
Cô liền đáp lại tức thì,
“Thưa trong thực đơn không ghi món này.”
Xin ông tìm giúp thay món đó.
Vậy thì cho tôi số mười hai.
Để cho tôi nhớ lại ngày,
Thời còn đi học, thơ ngây hiền hoà…
Bà ở quày, bước ra chào hỏi,
Làm cho tôi không khỏi ngạc nhiên.
Trạc vào lứa tuổi trung niên,
Làn da trắng, mang vẻ riêng hiền hòa.
Thung lên tiếng, xin chào bà chủ,
Anh nào vừa muốn thử món don?
Lỗi tôi không nhìn thực đơn,
Mà lên tiếng đại, thấy còn ngại ghê!
Xin lỗi, Ông phải quê Quảng Ngãi?
Vâng, Bà đoán đúng, tại vì sao?
Vì người Quảng mới ước ao,
Được ăn don, có nơi nào biết đâu?
Thế Bà cũng là dân Quảng Ngãi?
Tôi đoán vậy, có phải thế không?
Làm sao biết được? thưa Ông,
Cái tên Cổ Lũy, cửa sông quê nhà…
Vậy Ông và tôi cùng là Quảng Ngãi,
Xin được hỏi, Ông sống tại đâu?
Ở ngay thị xã, không lâu,
Lúc còn trung học, về sau Sài Gòn.
Ở thị xã, Ông còn có nhớ,
Chính xác nhà là ở đường nào?
Đường Quang Trung, rất ồn ào,
Gần ngã tư chính, tôi nào có quên.
Bà nhìn tôi, gợi lên trong trí,
Muốn nói gì, suy nghĩ lại thôi.
Thức ăn đã mang ra rồi,
Nên Bà từ giã, vào ngồi bên trong.
Tôi ngồi ăn, mà lòng suy nghĩ,
Nghêu xào không phải vị ngày xưa.
Hến là món tôi rất ưa,
Vì mùi vừa ngọt, lại vừa rất thơm.
Nói tới Huế, thì nhớ cơm hến,
Về Quảng Ngãi, nhớ đến tô don.
Món bình dân, nhưng lại ngon,
Xa quê rồi, mãi vẫn còn vấn vương…
Vì don, hay tình thương tiềm ẩn?
Tôi ăn, mà cứ thẫn thờ hoài.
Cứ như là nhớ đến ai
Thời niên thiếu, mãi nhớ hoài chẳng phai…
Cô bồi bàn mang hai cam vắt,
Bảo là bà chủ đặc biệt mời.
Đồng thời cũng trao cho tôi,
Một danh thiếp, có mấy lời viết tay.
Mời riêng tôi đến nhà thứ bảy,
Bà sẽ đặc biệt đãi món don.
Có ghi địa chỉ, số phôn,
Không quên nhấn mạnh “đúng don quê nhà”.
Và sẽ do chính Bà nấu lấy,
Nhìn vào quày, không thấy Bà đâu.
Nên đành chấp nhận yêu cầu,
Nhưng lòng tự hỏi: gặp nhau làm gì?
Trên đường về, tôi suy nghĩ mãi,
Không biết sao, nên phải hỏi Thung.
Tại sao có chuyện lạ lùng,
Chỉ mình tôi, bạn không chung lời mời?
Bạn Thung trả lời tôi: có thể,
Bà muốn nghe anh kể quê nhà.
Nhìn cơ ngơi tôi chắc rằng là,
Bà là người đã xa nhà từ lâu.
Hay là biết chừng đâu có thể,
Bà chọn anh, là để giúp Bà.
Vì Bà biết anh mới qua,
Giúp anh việc, biết đâu là chuyện hay…
Theo tôi, thì việc này không thể,
Phải bình tâm, không để bồn chồn.
Thà như thế vẫn còn hơn,
Nhiều hy vọng quá, lại còn khổ thôi.
*
* *
Món don kỷ niệm thời tuổi trẻ,
Sinh ra nơi tỉnh lẻ miền Trung.
Quê hương nghèo khó vô cùng,
Dân quê tôi lam lũ, nhưng hiền hoà.
Tôi từ quê, được ra tỉnh học,
Ở nhà chị, đỡ nhọc công mình.
Chị lo săn sóc tận tình
Ở trên gác lửng, một mình tôi thôi.
Căn gác có phần lồi ra trước,
Làm mái hiên, che nước dưới nhà.
Nên từ căn gác nhìn ra,
Thấy bao sinh hoạt diễn ra dưới đường…
Vì lo học, tôi thường dậy sớm,
Khi ngoài trời còn đốm sương mai.
Đọng trên lá các cành cây,
Dọc theo đại lộ, ở hai bên đường.
Khi mặt trời vừa vương đỏ ửng,
Là bắt đầu có những tiếng rao.
Hàng rong buổi sáng lao xao,
Bún bò, xôi, cháo, bánh bao, bánh mì…
Giọng Trung, Nam, Bắc, gì đủ cả,
Âm thanh trầm, bổng, khá vui tai.
Bừng lên sức sống ban mai,
Ai cần ăn sáng, có ngay tức thì…
Một tiếng rao, tôi ghi nhớ mãi,
Ăn don ho..o..ông, sao lại khác thường.
Tiếng “ho..o..ông” đứt đoạn thấy thương,
Giọng nghe lảnh lót, như dường trẻ thơ.
Tiếng rao thật đúng giờ buổi sáng,
Rồi nhỏ dần, vào khoảng trời xa.
Cho tôi cảm giác rằng là,
Hình như người bán bôn ba trên đường?
Tôi ngồi học, mà thường nghĩ đến,
Tiếng rao nghe thương mến làm sao!
Nhủ lòng muốn có dịp nào,
Nhìn xem người có tiếng rao khác thường.
Một sáng kia, tôi đương thể dục,
Ăn don ho..o..ông, kịp lúc vang lên.
Hé mành nhìn xuống từ trên,
Một cô bé gái, ngay bên hiên nhà.
Với gánh don, áo bà ba trắng,
“Ê don”, tôi gọi ngắn thế thôi.
Cô nàng đặt gánh chờ tôi,
Tôi liền mở cửa, cô cười xả giao.
Anh ăn don? ngọt ngào cô hỏi,
Không ăn don, sao gọi cô chi.
Cô hơi bẽn lẽn là vì,
Nghe tôi chỉ trích, hay vì nhìn cô?
Trạc mười lăm, mặc đồ đơn giản,
Không áo ngực như bạn học tôi.
Quần đen, áo trắng mà thôi,
Mắt tròn đen láy, đôi môi ửng hồng.
Đẹp tự nhiên, dù không son phấn,
Mặt trái xoan, tóc chấm ngang vai.
Nhìn vào vóc dáng bên ngoài,
Chân quê, mộc mạc, không sai tí nào…
Cô bắt đầu lo vào công việc,
Múc tô don, và liếc nhìn tôi.
Tôi đang tâm trạng bồi hồi,
Đưa tay đón nhận, và ngồi xuống ngay.
Ăn don chẳng cần bàn hay ghế,
Đặt tô don xuống kế bên thềm.
Rồi đưa tay ra nhận thêm,
Ớt và bánh tráng, ăn kèm với don.
Bẻ bánh tráng nghe dòn rôm rốp,
Bỏ vô tô, giằm ớt thêm vào.
Mùi don thơm ngát ngọt ngào,
Cùng mùi bánh tráng, thêm vào vị cay.
Người ăn cảm nhận đầy hương vị,
Làm cho tôi đã bị cuốn lôi.
Múc thêm tô nữa giùm tôi,
Để ăn cho đã, và rồi tô ba…
Thấy nhiều quá, cô ta hớt hải,
Sợ hại tôi, nên phải nói ngay:
“Coi chừng bể bụng anh Hai”
Lần đầu nghe tiếng “anh Hai” thật thà…
Trong gia đình, tôi là con út,
Nên thường hay có chút ngang tàng.
Các bà chị thường hay than,
“Mẹ chiều nó quá, sẽ mang khổ đời”.
Nhưng Mẹ chẳng nghe lời Chị nói,
Để cho tôi quen thói tật hư.
Vì luôn muốn giữ khư khư,
Những gì mình muốn, không như người thường.
Đã bốn tuổi, còn thương vú Mẹ,
Vì không còn em bé tiếp theo.
Mẹ thương, cũng chẳng làm reo,
“Giàu sang út hưởng, đói nghèo út cam”
Quen với tính tham lam ngày trước,
Hết ba tô, muốn được ăn thêm.
Cho tô nữa đi cô em,
Ngạc nhiên quá, cô chỉ xem như đùa.
Nên nhỏ nhẹ, xin đưa ý kiến,
Anh à…ăn nhiều khiến mất ngon.
Để ngày mai đi nghe anh?
Tiếng “anh” rất ngọt, tôi đành nghe theo.
Nên không dám làm reo chi cả,
Móc tiền ra để trả cho mau.
Tình cờ bốn mắt nhìn nhau,
Như thầm muốn nói một câu chân tình.
Muốn hỏi tên, nhưng mình còn ngại,
Cô đi rồi, tôi mãi trông theo.
Tiếng rao lại cất trong veo,
Xa dần, rồi mất hút theo với người…
Sáng hôm sau, đúng thời điểm đó,
Cô bán don đã có trước nhà.
Vội vàng, tôi mở cửa ra,
Không cần hỏi nữa, cô ta làm liền.
Tôi thấy cô có riêng tô lớn,
Dành cho tôi, khác hơn tô thường.
Biết là cô có chủ trương,
Cho tôi được thỏa, vì đương lúc thèm…
Và tự cô làm thêm việc phước,
Bẻ bánh tráng cho trước vào tô.
Và rồi múc don đổ vô,
Vì làm như thế để cho bánh mềm.
Sẽ cho don tăng thêm hương vị,
Còn nóng nhiều, không bị nhạt mùi.
Hai tay nhanh nhẹn tới lui,
Tôi thầm thán phục, và vui vẻ chờ…
Cô tên gì? để cho tiện gọi,
Em tên Thuyền, và hỏi lại liền.
Còn tên anh? nếu không phiền.
Tôi tên Hạo, trả lời Thuyền được chưa?
Ngẩng đầu lên, Thuyền vừa đáp trả,
Hạo, tên nghe lạ quá hả anh?
Nụ cười thân thiện trao nhanh,
Bưng tô don, Thuyền chân thành mến trao.
Tôi đón nhận, với bao trìu mến,
Bàn tay tôi chạm đến tay Thuyền.
Thấy cô e thẹn trước tiên,
Và rồi nhỏ nhẹ báo liền tôi hay.
Mỗi sáng, ăn tô này là đủ,
Nên từ đó tôi cứ ăn hoài.
Món don vào mỗi sớm mai,
Gặp Thuyền nói chuyện lai rai đỡ buồn…
Chị thấy tôi ăn luôn món đó,
Chị làm don, thịt bỏ thêm vào.
Để cho thêm vị ngọt ngào,
Nhìn tôi ăn, chị thấy sao lơ là…
Chị tức giận, và la ơi ới,
Thằng Út đâu hợp với món don.
Chỉ là mê con bán don,
Làm tôi thấy thẹn, nhưng còn tiếp ăn.
Tôi không ngại lời răn của Chị,
Vì thương tôi, Chị chỉ nói đùa.
Với tôi, chả có ăn thua,
Hiểu tôi nhiều lắm, khó mua chuộc lòng.
Chuyện ăn don là không thể bỏ,
Nên sáng nào cũng ngó chừng xem.
Để nhìn bóng dáng cô em,
Riết rồi tôi cũng thấy thèm don luôn.
Nếu vắng, tôi thấy buồn ghê lắm,
Có lần tôi cố nắm tay Thuyền.
Cô cười, và cứ để nguyên,
Hồi lâu sau, cô mới truyền lời ngăn.
Người ta thấy kìa, ăn kẻo nguội,
Rút tay về, tôi vội vàng ăn.
Nhìn Thuyền có chút băn khoăn,
Tình thơ dại, được nhúm nhen từng ngày…
Suốt mùa don, luôn hoài gặp mặt,
Nếu vắng Thuyền, tôi khắc khoải mong.
Biết là tôi đã nặng lòng,
Với don, hay má ửng hồng thương ghê?
Và tôi không về quê năm đó,
Viện lý do còn có học hè.
Hầu mong theo kịp bạn bè,
Đâu ngờ tôi đã dấu Me chuyện Thuyền.
Chị thấy tôi thường xuyên ăn vặt,
Muốn chọc tôi, Chị đặt vần thơ:
“Em tôi có tính mộng mơ,
Thương người ta, mà cứ vờ thèm don.”
Năm đó tôi đậu bằng Trung học,
Mẹ cho tôi vào học Sài Gòn.
Theo cùng người anh bà con,
Phải xa Quảng Ngãi, lòng còn vấn vương.
Nhớ gia đình, quê hương yêu dấu,
Người thân ơi, có thấu nỗi niềm!
Tôi đang buồn nát con tim,
Sợ người yêu dấu, biết tìm nơi đâu?
Vì Thuyền đã từ lâu ngưng bán,
Hết mùa don khi tháng tám về.
Lòng tôi thấy buồn tái tê,
Trông Thuyền đến, để biết về chuyện tôi.
Đến ngày đi, chưa thôi hy vọng,
Lên xe rồi, vẫn ngóng chờ hoài.
Tôi nhìn mắt Mẹ đỏ gay,
Khi vừa nói lời chia tay xong rồi.
Làm tôi cũng bồi hồi xúc động,
Nghĩ đến ngày mình sống cô đơn.
Không gần Chị, Mẹ, để hờn,
Nhưng Thuyền thì chắc nhớ hơn mọi người.
Tôi thương Thuyền vì đời vất vả,
Mới lên ba, cha đã mất rồi.
Vì cơn bão dữ cuốn trôi,
Khi ghe đánh cá ngoài khơi mịt mù.
Một mình Mẹ, cho dù cố gắng,
Cũng không sao nuôi nấng được con.
Mới vừa mười hai tuổi tròn,
Vừa xong tiểu học, phải toan đi làm.
Mẹ nấu don, Thuyền mang đi bán,
Trải qua bao ngày tháng khó khăn.
Chỉ mong lo đủ thức ăn,
Suốt ngày đi bộ, tay chân rã rời…
*
* *
Ở Sài Gòn trong những ngày mới,
Tôi vẫn luôn nghĩ tới món don,
Và người con gái cô thôn,
Nụ cười rạng rỡ, tâm hồn trắng trong.
Nhớ những lúc tôi mong cô tới,
Trước ngày đi để nói em hay.
Chúng mình hãy tạm chia tay,
Đừng lo lắng lắm, đợi ngày hè sang.
Nhưng dự tính không mang kết quả,
Chưa gặp em, anh đã đi rồi.
Làm anh tiếc mãi không thôi,
Sợ em không biết, cho tôi vô tình…
Vì không muốn thấy mình thua sút,
Tôi lo học, không chút thì giờ.
Ít còn suy nghĩ vẩn vơ,
Quên dần về chuyện mong chờ gặp nhau.
Rồi một hôm, vào đầu xuân mới,
Chị biên thư nhắc tới chuyện này.
Làm tôi cứ thấy thương hoài,
Như con chim nhỏ, lạc loài trong đêm…
Vào đầu mùa don năm nay,
Ngày nào cô cũng đến đây đợi chờ.
Mọi người không biết lý do,
Chị thì biết rõ, nó chờ đợi ai?
Tiếng rao nhiều lúc ngân dài,
Như ngầm chất chứa, u hoài, nhớ mong.
Làm cho Chị cũng cảm thông,
Có nhiều buổi sáng ăn don cả nhà.
Mỗi lần Chị mở cửa ra,
Nó luôn đưa mắt nhìn xa trong nhà.
Tìm ai mà chẳng nói ra,
Mắt trông xa vắng, như là ngóng trông.
Làm cho Chị thấy động lòng,
Nên đành tiết lộ, em trong Sài Gòn.
Kể từ đó thấy không còn,
Nó quay trở lại, trên con đường này.
Vài lời Chị báo em hay,
Chị làm nhiệm vụ nói thay em rồi.
Chắc là sẽ chóng quên thôi,
Em lo gắng học, cho đời lên hương…
Đọc thơ xong, thấy thương Thuyền quá,
Và đêm về, tôi đã nằm mơ.
Tiếng rao don quá bất ngờ,
Nghe buồn thảm quá, lờ mờ bên tai.
Như tiếng kêu của loài chim cuốc,
Lạc mất nhau, kêu suốt đêm thâu.
Giựt mình, tôi thức giấc mau,
Thì ra là mộng, tôi đâu thấy gì?
Nhưng đã làm tôi suy nghĩ mãi.
Về chuyện Thuyền đã phải khổ tâm.
Một mình suy nghĩ âm thầm,
Khi tôi vắng bóng, đã làm em đau…
Lạc mất nhau, tìm đâu thấy nữa,
Những sớm mai, trước cửa nhà anh.
Nụ cười, ánh mắt trao nhanh,
Biết bao rạo rực, ta dành cho nhau!!
*
* *
Sau ba năm miệt mài đèn sách,
Tôi đã quên hết sạch chuyện xưa.
Không còn suy nghĩ dây dưa,
Về người con gái, tôi ưa năm nào.
Xong tú tài, lòng sao nôn quá,
Về thăm quê, cho thỏa nhớ mong.
Đợi cho Chị thu xếp xong,
Đi cùng với Chị, về thăm Mẹ già.
Chợt tiếng rao từ xa vọng lại,
Ăn don ho..o..ông, có phải người xưa?
Tôi ra cửa, đón chờ mua,
Thoáng nhìn tôi tưởng như chưa quen nàng.
Như thiếu phụ còn đang con nhỏ,
Vết sữa loang, chứng tỏ điều này.
Người thì cũng dáng cao gầy,
Nhưng già hơn quá, tôi quay giật mình.
Tiếng rao thì quả tình không khác,
Cũng khuôn mặt, vóc dáng như nhau.
Tôi đành phải thốt nên câu,
“Phải Thuyền đó không? Anh đâu có ngờ”.
Thuyền nhìn tôi, sững sờ một lúc,
Đôi dòng lệ, lập tức lăn dài.
Nhẹ nhàng đặt tay lên vai,
Như thầm an ủi, cho khuây nỗi sầu.
Tôi lên tiếng, ngõ hầu khuây lãng,
Em múc don để bán cho anh.
Thuyền liền đáp trả rất nhanh,
Don không ngon nữa, em đành cất luôn.
Hư hết rồi, vì luồng nước bạc,
Sớm về đây, làm lạc mùi rồi.
Không còn ngon nữa anh ơi,
Nên em nhất quyết không mời anh ăn.
Cô đưa tay lau phăng nước mắt,
Kê vai vào, phăng phắc gánh đi.
Tôi không nói được lời gì,
Nghe hồn trĩu nặng, trong khi cô rời.
Cố lắng nghe lại lời rao đó,
Nhưng tuyệt nhiên không có tiếng nào.
Hết rồi tâm trạng ước ao,
Mùi don sót lại, bay vào hư không…
*
* *
Chiều thứ bảy, đúng giờ đã hứa,
Thung đưa tôi tận cửa căn nhà.
Thật là đồ sộ, nguy nga,
Ở khu sang trọng, toàn nhà mới xây.
Tôi tần ngần, vì đầy bỡ ngỡ,
Trước khi bấm chuông ngỏ người nhà.
Một người phụ nữ kiêu sa,
Đúng là bà chủ, bước ra đón chào.
Niềm nở đưa tôi vào phòng khách,
Được trang hoàng phong cách thật sang.
Phòng thì rộng rãi thênh thang,
Cho tôi đoán được giàu sang cỡ nào…
Rót nước mời, bà vào câu chuyện,
Tôi tên Mary cùng huyện với anh.
Cái tên Tư Nghĩa hiền lành,
Có chồng người Mỹ, nên đành qua đây.
Từ năm bảy mươi hai lận đó,
Ba bảy năm, không có dịp về.
Nay gặp anh, thật vui ghê,
Và còn đặc biệt mê về món don…
Tôi thấy Bà muốn còn nói tiếp,
Nhưng tạm ngưng, cho kịp thì giờ.
Vì don đã xong, đang chờ,
Ăn liền cho nóng, ước mơ anh này.
Vừa nói, bà chỉ tay qua đó,
Trên bàn ăn đã có sẵn sàng.
Dĩa hành, ớt, xắt kỹ càng,
Cùng hai bánh tráng, nướng vàng dòn tan.
Bà liền bưng ra bàn sau đó,
Hai tô don bốc khói ngạt ngào.
Tự tay Bà bẻ bánh vào,
Cùng hành và ớt, rồi trao tôi liền.
Xin mời anh, Bà liền lên tiếng,
Đây là don nổi tiếng quê nhà.
Tôi nhờ người bạn gởi qua,
Cũng may gặp khách, thật là vui ghê!
Bà giải thích tôi về khác biệt,
Don và hến, nhìn thiệt giống nhau.
Người ngoài không biết gì đâu,
Nhưng don khác hến, ngọt ngào và thơm.
Don chỉ có quê hương Quảng Ngãi,
Một số vùng, không phải mọi nơi.
Nước pha ngọt mặn vừa thôi,
Con don mới sống, sinh sôi rất nhiều…
Tôi ăn don có nhiều xúc cảm,
Ngọt, thơm, nồng, cay, bám chặt môi.
Làm cho mũi chảy liên hồi,
Bà đưa khăn giấy, và rồi mời thêm.
Hết hai tô, Bà đem ra nữa,
Tôi lắc đầu, Bà sửa lại là.
Anh lo bể bụng đấy à?
Hai từ “bể bụng” sao mà giống nhau!
Gợi cho tôi nhớ câu chuyện cũ,
Cô bán don khuyên nhủ câu này.
“Coi chừng bể bụng anh Hai”
Cho tôi nhớ lại những ngày trước đây…
Tôi liền đem chuyện này ra kể,
Cho Bà nghe, cốt để vui thôi.
Chuyện tôi nhớ mãi suốt đời,
Về người con gái, trong thời học sinh:
Ăn don này, tôi hình dung lại,
Về một người con gái tên Thuyền.
Bán don cho tôi thường xuyên,
Tôi ăn mỗi sáng, thành ghiền không hay.
Hoàn cảnh của cô này thật tội,
Cha chết, không cơ hội học hành.
Có nhan sắc, rất hiền lành,
Cảm tình đặc biệt, được dành cho nhau.
Sau một thời gian lâu xa cách,
Vì công việc đèn sách của tôi.
Ngày tôi gặp lại, than ôi!
Thuyền là thiếu phụ, làm tôi bất ngờ.
Cũng gánh don trong giờ buổi sáng,
Nhưng nhất định không bán cho tôi.
Bà Mary liền tiếp thêm lời,
“Bị con nước bạc, không mời anh ăn.”
Bà đã tiếp nguyên văn câu nói,
Làm cho tôi không khỏi ngạc nhiên.
Thốt lên một tiếng: “Thuyền”,
Phải Bà chính là cô Thuyền đây không?
Bà không nói, nhưng trong khoé mắt,
Đôi dòng lệ đã bắt đầu rơi.
Hồi lâu, Bà mới trả lời,
Vâng, em là Thuyền, nghe hơi nghẹn ngào.
Cám ơn tình anh trao tha thiết,
Làm vơi đi oan nghiệt đời em.
Thời gian đó, thật êm đềm,
Cho em sức sống, và thêm yêu đời…
Nhận ra anh tức thời hôm đó,
Nhưng bình tâm, không có vội vàng.
Và em đã đến cạnh bàn,
Hỏi nơi anh ở, rõ ràng không sai.
Đường Quang Trung, luôn hoài trong trí,
Đã cho em những kỷ niệm vui.
Lâu rồi, mà vẫn không nguôi,
Dù bao bất hạnh, dập vùi thân em.
Đó là đường đã đem hạnh phúc,
Cùng nhớ nhung trong lúc anh xa.
Ngày nào em cũng ghé qua,
Nhưng em không dám nói ra điều gi…
Ôm lấy tôi, Thuyền thì thào nói,
Cám ơn tình anh đối với em.
Rất chân thật, và êm đềm,
Cho em niềm vui, để quên nhọc nhằn.
Một cô gái nghèo hèn, lam lũ,
Được anh ưu ái nhủ lòng thương.
Tình anh như đuốc soi đường,
Giúp em qua những đoạn trường khổ đau.
Hạo ơi! Cái tên sao lạ quá,
Lần đầu nghe, em đã hiểu sai.
Nhưng khi gặp anh nhiều ngày,
Nghĩ về Hạo, em luôn khuây nỗi sầu...
Đáp lời, tôi nói câu triết lý,
Đời người thường ví như dòng sông.
Có khi đục, có khi trong,
Thuyền xưa kia, bán don rong cơ hàn.
Giờ Mary chủ nhà hàng sang trọng,
Có nhà cao cửa rộng nguy nga.
Mừng em sự nghiệp thăng hoa,
Biết nhằm cơ hội, đúng là người khôn.
Rất cám ơn món don em đãi,
Người tình xưa, có phải thế không?
Biết là nàng hỏi thật lòng,
Tôi cười đáp trả, như thông hiểu rồi…
Cuộc hàn huyên tới hồi kết thúc,
Vì xe Thung kịp lúc đến rồi.
Chia tay, nàng tạ ơn Trời,
Đã cho em gặp lại người tình xưa…
NGUYỄN SÁU
***
Trở về đầu trang |