Trở về trang Mục Lục
LƯU DẤU NGÀY XƯA
Thơ chuyển từ truyện ngắn LƯU DẤU NGÀY XƯA
Của tác giả: HẠO NHIÊN NGUYỄN TẤN ÍCH
Người chuyển thơ Nguyễn Sáu
***
Đã sáu năm trong tù cải tạo,
Vượng bị sốt rét, từ dạo vào đây.
Giờ còn thêm chứng loét dạ dày,
Làm anh kiệt sức với hai căn bịnh.
Thức ăn thì, bo bo, sắn, là chính,
Đã mười ngày nay, không dính tới cơm.
Làm cho bao tử lại trầm trọng hơn,
Nhưng không được nghỉ, lại còn lao động.
Nơi lao tù, đã hủy dần sức sống,
Đợi ngày về, chỉ hy vọng mong manh.
Rồi bỗng dưng, cơn đau đến rất nhanh,
Bụng quặn thắt, và làm anh mệt lả.
Toát mồ hôi, hoa mắt, đành quỵ ngã,
Ngay trong hàng, khi chuẩn bị điểm danh.
Đồng đội hốt hoảng, vội vã khiêng anh,
Vào bệnh xá, để được dành săn sóc.
Trưởng bệnh xá là y sĩ từ Bắc,
Về bệnh lý, anh chưa chắc đã rành.
Nhờ có Bác sĩ Tân phụ giúp anh,
Tù vượt biên, và nay thành phụ tá.
Xuất huyết bao tử, Bác sĩ Tân tả,
Và đề nghị xin bệnh xá chuyển đi.
Về thành phố, để lo chữa kịp thì,
Y tá trưởng không thuận, vì viện cớ.
Tù cải tạo không được vô thành phố,
Bác sĩ Tân ra sức cố giải bày.
Nhưng vẫn không được ông ta đoái hoài,
Rồi tình cờ, một cơ may hay quá.
Đoàn cán bộ đến thanh tra bệnh xá,
Bác sĩ Tân lại hối hả trình bày.
Được phái đoàn chấp thuận cho chuyển ngay,
Về trung tâm toàn khoa tại Đà Nẵng.
Xe đến lúc trời về đêm thanh vắng,
Và bệnh nhân thì cũng chẳng khả quan.
Nhịp tim thấp, trong tình trạng mê man,
Được truyền nước biển, thuốc thang cần thiết…
Bác sĩ trực, xem hồ sơ mới biết,
Về lý lịch, và chi tiết bệnh nhân.
Hoàng Đình Vượng, tù cải tạo, độc thân,
Sinh quán Lộc Sơn, quân nhân Đại Uý.
Bà bác sĩ vẻ trầm ngâm suy nghĩ,
Bà đo tim, và xem kỹ mắt anh.
Rồi đột nhiên, Bà quyết định thật nhanh,
Chích thuốc trợ tim, cho anh truyền máu.
Chuyện hiếm xảy ra, do nơi cơ cấu,
“Bệnh nhân muốn truyền máu, phải trả tiền”
Trường hợp này, Bà lại quyết định liền,
Tại sao lại quá ưu tiên như thế?
Suốt cả đêm, Bà lo lắng đáng kể,
Thường xuyên ghé qua phòng để kiểm tra.
Vẻ bối rối, lộ ra trên mặt Bà,
Nhìn bệnh nhân đầy xót xa, lưu luyến…
Bệnh xuất huyết, đã qua cơn nguy biến,
Và bệnh nhân sẽ được chuyển đổi phòng.
Công an canh tù, thường xuyên lòng vòng,
Bác sĩ trực đêm rồi không có mặt.
Mọi chuyện hình như đều được sắp đặt,
Mà bệnh nhân thì chưa chắc đã hay.
Một gói quà, được y tá trao tay,
Mà người gởi, là của ai không rõ.
Quà gồm sữa, trứng gà, và thuốc bổ,
Để thêm sức, và hỗ trợ cho anh.
Giúp cho bệnh tình sớm bình phục nhanh,
Quả người gởi, đã biết rành phương cách.
Phòng Vượng nằm là thuộc quyền phụ trách,
Vị bác sĩ trực đêm trước gặp anh.
Theo thông lệ, mỗi sáng được luôn dành,
Cho bác sĩ phải thân hành thăm bịnh.
Mở mắt nhìn,Vượng không còn bình tĩnh,
Tim rộn ràng, với ý định hỏi ngay.
Nhưng kịp ngưng, vì không phải lúc này,
Với ánh mắt, khuôn mặt, gây nỗi nhớ.
Đến người bạn xa xưa nơi xóm nhỏ,
Từng thương yêu, và che chở lẫn nhau.
Những ký ức đã hiện về rất mau,
Nhắm mắt lại, Vượng bắt đầu suy nghĩ.
***
Lê Thị Ngọc Thu, người bạn tri kỷ,
Học cùng lớp, thường để ý đến nhau.
Rồi tình cảm được có dịp tăng mau,
Khi đóng chung kịch, “Tiễn người lính chiến”.
Hai đứa luôn bên nhau, thật quyến luyến,
Tưởng không có gì lay chuyển tình yêu.
Nhưng bỗng dưng, vào đến một buổi chiều,
Thu gặp tôi, với vẻ nhiều xúc động.
Vừa cầm tay, nước mắt đã lưng tròng,
Báo tin cho tôi, với giọng nghẹn ngào.
“Ba Thu đã về, và lệnh ông trao,
Cùng Ba ra Bắc, không sao từ khước”.
Ba bảo “Thời gian chia đôi đất nước,
Chỉ hai năm, rồi sẽ được trở về”.
Đi để học, tốt hơn ở lại quê,
Nhưng riêng Thu, thì không hề hứng thú.
Vì trong thâm tâm vẫn luôn khuyên nhủ,
Khi xa anh rồi, mọi sự đổi thay…
Rồi đột nhiên, thấy Thu dí vào tay,
Một món quà kỷ niệm đầy ý nghĩa.
Quả tim bằng ngọc xanh, viền đỏ tía,
Ba lấy từ lính Tây, chết năm xưa.
Thấy em thích, Ba thương nên mới đưa,
Giờ trao anh, để làm quà kỷ niệm.
Nụ hôn má, Thu vội vàng thực hiện,
Để ghi dấu phút lưu luyến chia tay.
Và nàng liền hối hả bỏ đi ngay.
Tôi nhìn theo mà lòng ray rứt quá.
Thật bất ngờ, chưa nói lời từ giã,
Thì người yêu đã vội vã rời xa.
Tôi đứng nhìn, và nước mắt trào ra,
Tuổi mười sáu, thời ngọc ngà đã hết…
***
Khi bác sĩ đặt ống nghe lên ngực,
Tôi tưởng chừng như lực xoáy vào tim.
Không nói gì, tôi cứ mãi nằm im,
Thấy ánh mắt Bà…có niềm trìu mến…
Cô Y tá chích thuốc, vừa mới đến,
Tôi hỏi thăm bà bác sĩ tên gì?
Bà tên là Phương Ngọc…nếu vậy thì
Tôi lầm tưởng, và lại suy đoán trật.
Bà tên Thu? không phải là sự thật,
Đã làm tôi như lạc mất niềm tin.
Vì trong đầu vẫn thấy nhớ như in,
Người bạn gái đã muôn nghìn xa cách…
Nhờ tận tình của y sĩ phụ trách,
Được truyền máu, và phương cách chăm lo.
Cộng thêm thuốc bổ, của bạn đã cho,
Năm ngày sau, Vượng được cho xuất viện.
Trước khi về trại, chàng được tiếp chuyện,
Với bác sĩ đang hiện diện tại đây.
Rất ngạc nhiên, khi Vượng gặp lại ngay,
Bác sĩ Phương Ngọc, bắt tay chào hỏi.
Bà mời tôi ngồi, và bắt đầu nói,
Giọng Trung pha Bắc, thêm nỗi tò mò…
Bà bắt đầu hỏi tôi để thăm dò,
Ngoài Hoàng Đình Vượng, có tên nào khác?
Chỉ một tên thôi, tôi hơi ngơ ngác,
Bà lại tiếp, sau một lát tần ngần.
Anh có muốn báo tin cho thân nhân?
Không có ai, song thân tôi đã chết.
Còn bà chị, thì lê thê, lếch thếch,
Với cảnh nghèo, thoát được chết là may.
Ngoài chị ra, tôi không còn một ai,
Vị hôn thê, chết trong ngày pháo kích.
Vì buồn chán, tôi không còn thấy thích,
Lập gia đình, thêm bi kịch cho nhau.
Do chiến tranh, không muốn gây khổ đau,
Đời quân ngũ, luôn đối đầu cái chết…
Sau bảy lăm đi tù, thế là hết,
Nên độc thân cho đến tận bây giờ.
Bác sĩ Ngọc như có vẻ thẫn thờ,
Thông cảm cảnh anh bơ vơ trơ trọi…
Rồi Bà lại nhìn anh và khẽ nói,
Tôi đề nghị trại cho anh khỏi làm nhiều.
Tránh công việc nặng, để họ hiểu điều,
Anh đang bệnh, theo yêu cầu bác sĩ.
Nếu có điều gì anh khó suy nghĩ,
Liên lạc bạn anh, về địa chỉ tôi đây.
Tôi muốn biết người bạn đó là ai?
Cho anh biểt vào lúc này chưa tiện.
Thưa bác sĩ, tôi muốn nhờ một chuyện,
Là chuyện gì? Có thuận tiện cho tôi?
Chỉ nhờ bác sĩ tìm người giúp thôi,
Học trường thuốc Hà Nội, hồi sáu bảy.
Tên Lê Thị Ngọc Thu, người Quảng Ngãi,
Có người yêu bị chết tại quê hương.
Tên Tạ Văn Hoành, người rất dễ thương,
Đã vào Nam, và thương vong tại đấy.
Tôi còn giữ thơ Thu gởi anh ấy,
Anh giữ lại thơ đấy để làm gi?
Cả hai là bạn tôi, trước khi đi,
Vì thời cuộc, nên phân ly mãi mãi.
Tôi giữ thơ, vì nét chữ mềm mại,
Gợi cho tôi tình thân ái ấu thơ.
Tôi và Thu đều chung một ước mơ,
Nhưng chuyện đó không bao giờ hiện thực…
Bác sĩ Ngọc vội quay đi lập tức,
Tránh cái nhìn của Vượng lúc vừa nghe.
Hình như bà có điều gì dấu che,
Nên không muốn hỏi thêm về chuyện đó.
Bà kéo hộc, lấy ra một gói nhỏ,
Đây là quà của cô bạn gởi anh.
Là người nào? Xin cho biết quý danh,
Nếu không biết, tôi xin đành trả lại.
Không biết tên mà nhận, tôi rất ngại,
Gói quà trước, tôi đã phải nghĩ nhiều.
Xin cám ơn người ấy về những điều,
Lo cho tôi, nhưng bấy nhiêu tạm đủ.
Bác sĩ Ngọc giọng nghẹn ngào khuyên nhủ,
Nhưng trong đây, có những thứ anh cần.
Thuốc sốt rét và bao tử rất khan,
Bạn của anh phải khó khăn tìm nó.
Không lẽ bây giờ lại đành phải bỏ,
Có phải anh là người cố chấp không?
Không, đó là điều tôi nói thật lòng,
Biết người cho, tôi sẽ không suy nghĩ.
Và nhân đây xin cám ơn bác sĩ,
Đã hết lòng lo chữa trị cho tôi.
Là lương tâm người y sĩ thế thôi,
Tôi không dám nhận anh “lời ơn đó”.
Vượng chào từ giã, và quay về chỗ,
Mãi suy tư, vì chưa rõ chuyện này.
Thôi quên đi, để hạ hồi sẽ hay,
Nhủ lòng thế, quyết từ nay không nhớ…
Mờ sáng, tên công an canh tù đó,
Đưa anh ra xe, đang chở đầy hàng.
Toàn đồ tiếp liệu cho trại của chàng,
Đường núi gồ ghề, lỗ hang, khúc khuỷu.
Ngồi sau thùng xe, Vượng như muốn xỉu,
Xe chạy mãi tới chiều, mới đến nơi.
Người còn yếu, nên Vượng mệt rã rời,
Và bao tử thấy có hơi khó chịu…
Theo lời đề nghị bác sĩ trị liệu,
Vượng được giao phó làm điều nhẹ nhàng.
Nên tạm thời được cảm thấy bình an.
Trong thân phận của người đang tù tội.
Ba ngày sau, chàng lại thêm cơ hội,
Nhận được quà, mà người gởi là Thu.
Quà gồm có thuốc chữa bệnh và thư,
Gói mở tung, vì hình như kiểm soát.
Anh Vượng thân mến!
Tin anh xuất viện đưa ra,
Em liền nhờ gởi ít quà cho anh.
Những mong tỏ chút lòng thành,
Nhưng anh không nhận, nên đành chịu thôi.
Lòng em buồn lắm anh ơi!
Nhưng không dám trách một lời nào đâu.
Lỗi em không dám trình tâu,
Cái tên người gởi, chớ rầu làm chi.
Sáng nay, em phải mau đi,
Gởi bằng bưu điện tức thì cho anh.
Vì hai thứ thuốc riêng dành,
Cho hai căn bệnh của anh chóng lành.
Nghe Phương Ngọc nói về anh,
Kiên cường, nhân ái, chân thành đáng khen.
Và em cảm động biết rằng,
Anh còn cất giữ thư “Thu gởi Hoành”.
Và bao kỷ niệm về anh,
Với người em gái đồng hành tên Thu.
Từ ngày xa cách tịt mù,
Đến nay mới viết được thư lần đầu.
Mong sớm gặp lại anh,
Lê Thị Ngọc Thu
Và ba tháng sau, Thu lại thư cho Vượng.
Anh Vượng thân mến!
Em mong chờ thư của anh,
Mà không thấy, nên phải đành thư thêm.
Sợ lo bao tử không êm,
Bất ngờ xuất huyết, không nên coi thường.
Anh trong tình trạng thiếu lương,
Với căn bệnh ấy, khó lường được đâu.
Anh đừng ngại thư cho nhau,
Khi nào được phép, anh mau thư liền.
Về phần địa chỉ, đừng phiền,
Cứ theo đúng đó, chỉ riêng anh dùng.
Chị Phương Ngọc, chuyển về vùng,
Rất xa thành phố, tận cùng sơn khê.
Chỉ vì bị một vấn đề,
Cho anh bịch máu, khó che tội mình.
Nhưng tâm chị rất an bình,
Cứu anh khỏi chết, trọn tình lương y.
Thu đã một lần được đi,
Về thăm quê cũ, từ khi xa nhà.
Lộc Sơn, Lộc Phước, đều qua,
Thấy bao cảnh cũ, thật là nhớ anh.
Nhớ đường đi học loanh quanh,
Những khi mưa nắng, anh dành cho em.
Thu còn lại nhớ ra thêm,
Những ngày nghỉ học, êm đềm biết bao!
Thu đang tính một ngày nào,
Thời gian thuận tiện, sẽ vào thăm anh.
Giờ em xin chúc chân thành,
Cho anh sức khỏe, và nhanh trở về.
Chờ tin anh
Em Thu
Qua thư Thu, Vượng rất là ân hận,
Vì cứu mình, Ngọc lận đận công danh.
Một xã hội đố kỵ, và lưu manh,
Vì quên mất sợ, nên anh hằn học…
Viết cho Thu, và cũng như Phương Ngọc,
Cả hai người, đều săn sóc cho tôi.
Người quen lâu, người mới biết đây thôi,
Và cả hai, đều vì tôi tất tả…
Ngọc Thu và Bác sĩ Phương Ngọc
Tôi hơi ngại viết thơ này,
Nếu như không khéo, sẽ gây u hoài…
Nhưng tôi cần phải tỏ bày,
Về lòng ngưỡng mộ, những ai giúp mình.
Đã lo săn sóc tận tình,
Tạ ơn Phương Ngọc, hết mình vì tôi.
Do lương tâm bác sĩ thôi,
Không cần biết đến, trái lời nội quy.
Đã cho truyền máu cấp kỳ,
Trong khi tiêu chuẩn tôi, thì không ngay.
Nếu không có bịch máu này,
Thì tôi đã chết, xong ngay cuộc đời…
Khi nghe Thu tin cho tôi,
Chị nay ở chốn xa xôi tận cùng.
Chuyện tôi đã vô hình chung,
Làm cho bác sĩ “tiêu tùng” tương lai…
Dường như số mệnh an bài,
Khiến cho tôi gặp được ngay người hiền.
Không ngờ tôi đã gây phiền,
Ân nhân cứu mạng, để riêng tôi nhờ…
Cám ơn Thu đã tiếp lo,
Bao nhiêu viên thuốc Thu cho quá tài.
Kinh niên sốt rét hết ngay,
Còn về bao tử, đến nay bình thường.
Nghe Thu nhắc chuyện ở trường,
Làm tôi nhớ lại tận tường chuyện xưa.
Che nhau trong lúc nắng mưa,
Và màn diễn kịch, vẫn chưa phai mờ…
“Tiễn người đi” đẹp như mơ,
Nụ hôn trong kịch, đâu ngờ quá hay.
Làm cho tôi phải nhớ hoài,
Đến người diễn xuất đại tài bên tôi…
Và khi màn kịch xong rồi,
Tình thương tăng mãi, đến hồi chia tay.
Vượng còn nhớ rõ không phai,
Mắt Thu đẫm lệ, hỏi ai không buồn…
Cho nên Vượng cũng lệ tuôn,
Nhìn Thu khuất bóng, trên đường xa xăm.
Đến giờ đã ba mươi năm,
Ngày xưa yêu dấu, vẫn nằm trong tim…
Tưởng rằng nó đã ngủ im,
Nhưng khi được tin, muốn tìm gặp ngay.
Luôn trong rủi, có cái may,
Nếu tôi không bệnh, khó ngày gặp nhau…
Xin chào, và hẹn ngày tái ngộ
Hoàng Đình Vượng.
Thư gởi đi rồi, Vượng trông chờ mãi,
Bốn tháng rồi, mà chưa thấy hồi âm.
Ngày tết Nguyên Đán, giờ đã tới gần,
Thân nhân thăm nuôi, có phần tấp nập.
Vượng cũng được báo, có người muốn gặp,
Lần đầu tiên, nên đầy ắp niềm vui.
Anh miên man suy nghĩ tới lui,
Người nào lên đây thăm nuôi mình vậy?
Có phải Thu, hay Phương Ngọc không đấy?
Thì cán bộ báo, người ấy là Thu.
Vượng rất vui, và cảm giác gần như,
Lúc hẹn hò với Thu thời trung học.
Anh ngạc nhiên, sao lại là Phương Ngọc?
Liền nghe tiếng “Em đây, Ngọc Thu đây”.
Vượng chưa nói, thì nàng lại tiếp ngay,
Em nhận ra anh trong ngày nhập viện.
Em ngờ ngợ, thấy tên Hoàng Đình Vượng,
Nên khi đến bên giường khám bệnh nhân.
Vạch mắt xem, em biết chắc là anh,
Nốt ruồi đen, ở ngay gần khoé mắt.
Và từ đó, em không còn thắc mắc,
Cảm thương anh, Và bất chấp mọi điều.
Vì quanh em, người tai mắt rất nhiều,
Nên quyết định em, có phần liều lĩnh.
Làm sao cứu anh, là mục tiêu chính,
Tương lai sao, em không tính thiệt hơn.
Miễn làm sao, ước nguyện em được tròn,
Mất thẻ đảng, em vẫn còn không sợ…
Thu đã về quê, và được biết rõ,
Anh là người dựng bia mộ cho Hoành.
Thu cảm phục lòng tử tế của anh,
Khác chiến tuyến, mà không sanh thù hận.
Đời của Thu cũng rất là lận đận,
Hứa hôn xong, Hoành chết trận Miền Nam.
Thu được tin Hoành, sau đó một năm,
Thời gian đó, không còn ham gì hết.
Đến bảy ba, Thu qua tận Sô Viết,
Làm y sĩ toà đại sứ Việt ở đây.
Có vị hôn thê mới, ở nơi này,
Với hy vọng, đời sẽ đầy hứng thú…
Rồi phát hiện, Thu bị ung thư vú,
Nên buộc lòng phải cắt bỏ “nhũ hoa”.
Thì việc từ hôn cũng đã xảy ra,
Cách đối xử của người ta là thế…
Làm việc gì, cũng bày mưu tính kế,
Tính làm sao cho không để thiệt thòi.
Tình yêu cũng được tính toán hẳn hoi,
Không trái tim, chỉ biết coi quyền lợi…
Địa vị, để mánh mung và trao đổi,
Phải sống trong xã hội toàn gian manh.
Dân miền Nam, đều muốn thoát ra nhanh,
Có lệnh đi Nam, đều dành đi trước.
Thu cũng muốn đi, nhưng không thể được,
Ba khuyên nên học xong trước, đi sau.
Nên Thu và Hoành đành phải xa nhau,
Và Hoành đã chết, hai năm sau đó.
Ba Thu giờ ở đâu? Vượng không rõ,
Ông ở Nghệ Tĩnh với bà vợ sau.
Chuyện của ông, thì cũng quá thương đau,
Bị thất sủng, từ sau ngày ra Bắc.
Các bạn của ông, cũng đều không khác,
Người Miền Nam đều khó đạt công danh.
Chỉ vì hầu hết đều quá hiền lành,
Luôn thật tình, máu lưu manh không có…
Hiện nay Thu không làm ở thành Phố?
Ở một huyện, rất nghèo khó, xa xăm.
Nhưng Thu vui, vì giữ được lương tâm,
Không chữa bịnh theo phân chia giai cấp.
Cán bộ, toàn dùng thuốc ngoại nhập,
Thường dân, thì thuốc dân tộc là may.
Phản động như anh, “sống chết mặc bay”,
Phương tiện có, mà không ai dám chữa.
“Lương y như từ mẫu” không còn nữa…
Sự bất mãn đã chất chứa lâu ngày,
Nhưng đành câm, không dám tỏ cùng ai,
Nay gặp Vượng, Thu giải bày tâm sự…
Lo cho Thu, không giữ gìn ý tứ,
Sẽ gây phiền, nhưng Vượng tự trấn an.
Vì thấy nàng đang mặc đồ “đại cán”,
Và ngồi tận đầu bàn, xa quản giáo…
Đã hết giờ, cán bộ lên tiếng báo,
Thu đứng lên, đưa mắt đảo nhìn quanh.
Quà đã qua khám xét, trao cho anh,
Toàn thức ăn, và thuốc dành chữa bịnh.
Cầm tay nhau, hai người đều bịn rịn,
Như có điều gì thầm kín muốn trao.
Thu lên tiếng trước, với giọng nghẹn ngào,
“Nhớ thư cho em, đừng bao giờ ngại."
Nắm chặt tay, khiến Vượng hồi tưởng lại,
Chuyện ngày xưa, còn nhớ mãi không phai.
Có một hôm, Thu nắm chặt lấy tay,
Khi ngang qua bà ăn mày dị tật.
Ngước mắt nhìn Thu, Vượng lên tiếng nhắc,
Có nhớ lần mình nắm chặt tay nhau,
Khi nhìn thấy mặt bà Sáo lần đầu,
Thu nắm chặt tay, vì đầy kinh sợ?
Là kỷ niệm đẹp, mà Thu luôn nhớ,
Lúc bên nhau, khi còn ở quê nhà...
Nói đến đây, thì mắt đã lệ nhòa,
Buông tay nhau, và xót xa từ giã…
Tuy cuộc sống trong tù luôn vất vả,
Nghĩ đến Thu, nên Vượng đã nhớ hoài.
Về nụ cười, ánh mắt, cái nắm tay,
Đã giúp Vượng vui, và đầy nghị lực.
Thời gian đã lâu, không được tin tức,
Thì một hôm, được diễm phúc nhận thơ.
Viên quản giáo xoi mói hỏi thăm dò,
“Bác Sĩ Phương Ngọc anh do đâu biết?”
Đây là thư của anh, bà ấy viết,
Vượng nhận thơ, và rối rít cám ơn.
Rồi quay đi, không dám nói gì hơn,
Mau về láng, để tránh cơn bối rối.
Kèm theo thơ, có hình từ Hà Nội,
Nơi trường thuốc, lúc Thu mới ra trường.
Phía sau hình, có hàng chữ thân thương
“Thương mến tặng anh Hoàng Đình Vượng”
Anh Vượng thương mến!
Thăm anh về, em rất buồn,
Cho nên nước mắt cứ luôn tuôn trào.
Lúc chia tay, đã nghẹn ngào,
Nhìn hai mái tóc, đã vào điểm sương.
Nhưng tình vẫn mãi chưa suông,
Không cùng chung lối, đoạn trường khó khăn.
Bệnh em triệu chứng di căn,
Sợ không còn kịp, ngày anh trở về.
Trông chờ, ngày tháng lê thê,
Nên em cảm thấy, buồn tê tái lòng.
Một chút hạnh phúc mong manh,
Trời không thương xót, nỡ đành lấy đi.
Ba mươi năm, còn khắc ghi,
Tình đầu thắm thiết, không gì đổi thay.
Làm sao quên được cái ngày,
Em đi ra Bắc, chia tay thật buồn.
Và em tưởng mất anh luôn,
Nào ngờ còn gặp, nhưng buồn hơn vui.
Dịp may, Trời đã khiến xui,
Anh vào bệnh viện, không ưu tiên dành.
Được em nhận diện ra anh,
Trong cơn “thập tử nhất sanh” não nề.
Anh nằm đó, trong cơn mê,
Tâm em đã quyết, đứng về bên anh.
Em như đứng giữa lằn ranh,
Cứu anh, hay phải thi hành lệnh trên?
Thì em đã chọn về bên,
Cứu anh, dầu phải mất tên “đảng bài”.
Nếu không trọn vẹn kiếp này,
Thì xin mãi được sum vầy kiếp sau…
Thương anh nhiều,
Phương Ngọc-Lê thị Thu.
Vượng suy nghĩ, âu cũng là định mệnh,
Đã hai lần, tình vừa đến lại đi.
Chàng không tin vào tướng số tử vi,
Nhưng sự thật, cũng có gì đáng ngại.
Nốt ruồi đen, ngay trong khóe mắt trái,
Mà bao thầy tướng đều phải nói ngay,
Là “viên hắc lệ” số không được may,
Tình duyên lận đận, thường hay đau khổ…
Nghĩ đến Tường Vi, hôn thê quá cố,
Rất thương nhau, lại vắn số lìa đời.
Do quả pháo của Việt Cọng đã rơi,
Đúng vào lớp học, ngay nơi bục giảng.
Còn với Thu, thì tình như lãng đãng,
Tuổi thanh xuân, vì cộng sản chia tay.
Ba mươi năm sau, gặp lại mới hay,
Tình còn thắm, nhưng nàng nay…sắp chết.
Anh trong tù, không biết ngày nào hết,
Tù không án, làm sao biết ngày về.
Nhưng Thu thì ngày chết đã gần kề,
Biết có kịp để cùng “nghe nhịp thở”…
Ôi cuộc đời, quả đúng là duyên số!!
Muốn không tin, cũng phải cố mà tin…
NGUYỄN SÁU
***
Trở về đầu trang |