Trở về trang Mục Lục
THỬ LÒNG NGƯỜI HIỀN LƯƠNG
Bài chuyển thơ từ truyện ngắn cùng tên của NGUYỄN NGỌC HOA
Người chuyển thơ Nguyễn Sáu
***
Ở trại Pendleton đã hơn sáu tuần lễ,
Nay tôi mới có dịp để đến đây.
Trại số 8, nằm xa tuốt bên ngoài,
Nhà đầu tiên, ở sát ngay với cổng.
Nơi gia đình Lục, bạn tôi đang sống,
Khi ở quê, không giờ trống để thăm.
Lục là thằng bạn học đã lâu năm,
Hồi lớp mười một, trường Ban Mê Thuột.
Lục đích thị là dân miền sơn cước,
Thích hoạt động, và rất được người thương.
Là cầu thủ đá banh, đội của trường,
Và còn là một huynh trưởng Phật tử.
Xong tú tài một, Lục lìa xa xứ,
Về Sài Gòn, còn tôi “tử thủ” đây.
Trong năm cuối trung học, lớp mười hai,
Hai đứa không gặp lại, ngay từ đó.
Mười năm rồi, mà tật xưa không bỏ,
Gọi tên nhau, luôn thường có thêm Y.
“Y Ba Hoa”, thấy không thay đổi gì,
Vẫn ngu ngơ, khờ khạo, Y mọt sách”…
Không chịu thua, tôi trả đũa bằng cách:
“Y Lục, mặt học trò…giò ăn trộm”
À mà quên…giò đá banh.
Mày có con “Hờ” nào tranh không vậy?”
Y và H, họ người Ra-đê thường thấy,
Y họ con trai, còn gái đọc “Hờ”.
Chúng tôi thường hay ghép Y thêm vô,
Tên bạn mình, để nghe cho ra Thượng…
Lục kể tôi nghe, những chuyện không tưởng,
Từ lúc rời khỏi trường, đến giờ này.
Công việc làm, cùng với những chua cay…
Xong Tú tài, tao về ngay Phú Bổn.
Làm trong lực lượng đặc biệt của Mỹ,
Gặp Thanh Luyến, bị tiếng sét ái tình.
Đã buộc tao, quyết định lập gia đình,
Và kết quả là sản sinh hai gái.
Bốn và năm tuổi, đang chơi ở cuối trại,
Kế mẹ nó, đang ngồi bên máy may.
Thanh Luyến ngẩng đầu chào, rồi lo may,
Lục kể tiếp cho tôi từng giai đoạn…
Được hai năm, nhóm đặc biệt giải tán,
Tao qua Cảnh Sát, học khoá sĩ quan.
Về lại Phú Bổn, đến ngày tan hàng,
Và cuộc di tản, gian nan, thảm hại.
Quốc lộ 7 là đường mình triệt thoái,
Tỉnh lỵ Hậu Bổn, nằm ngay đường này.
Tao thu áo quần, và đầu máy may,
Dùng xe Cảnh Sát, theo ngay mở đường.
Cùng đoàn xe từ Pleiku chạy xuống,
Ngày 16 tháng 3, được hưởng bình an
Việt Cộng không có hành động can ngăn,
Qua hôm sau, chúng dã man truy cản.
Cả nguyên Sư đoàn 320 hung hãn,
Bên ta lập phòng tuyến kháng cự mau.
Cuộc triệt thoái hiểm nguy, đã bắt đầu,
Tao lái xe chạy thoát, dầu nguy hiểm.
Khoảng hai mươi cây số, thì gặp chuyện,
Xe hết xăng, đành phải liệng nó luôn.
Gởi vợ con theo xe V-100 Commando,
Của Quân cảnh, dùng để lo hộ tống.
Tao chạy bộ, rồi theo xe nào trống,
Bám theo sau, trong sự sống mong manh.
Khi đến cầu Cà Lúi gần giáp ranh,
Với Phú Yên, thì Quân cảnh được lịnh.
Phải dừng lại canh phòng, như dự tính,
Thanh Luyến và con, quyết định xuống xe.
Chuyện ngẫu nhiên trùng hợp, đâu có dè,
Mười phút sau, chiếc xe bị bắn cháy…
Vợ chồng tao ôm con, và cố chạy,
Cùng với một số người thấy cả trăm.
Cố lê lết cho đến đập Đồng Cam,
Địa phận Phú Yên, thì đâm kiệt sức.
Đang tuyệt vọng, chiếc Chinook đến đúng lúc,
Cả đám người lo lập tức ùa lên.
Vợ chồng tao bồng hai bé, chúng thét lên,
Không phải con mình, cho nên chúng khóc…
Con mình đâu? Cả hai đều ngơ ngác,
Nhìn tứ tung, để quan sát con đâu?
Quá lo lắng, phải miễn cưỡng lên tàu,
Thì thấy hai con, ngồi sâu trong đó.
Mới hoàn hồn, và vui mừng lộ rõ,
Vì quá chen lấn, bị xô đẩy lên.
Không thương tích, cũng quả thật là hên,
Lần đến con, để yên lòng hai đứa…
Đông Tác, Tuy Hoà, nơi trực thăng đáp,
Có trại tạm cư ở sát một bên.
Lục trình diện ty Cảnh Sát Phú Yên,
Nhưng chỉ còn có mấy tên ngơ ngáo.
Nên quyết định, vào Nha Trang trình báo,
Ty Cảnh Sát Khánh Hoà, còn bạo nhiều hơn.
Việt Cộng còn xa, đã chuồn hết trơn,
Thôi lo chạy về Sài Gòn cho gấp…
Nhưng đã mất hết ba ngày chen lấn,
Mà việc mua vé cũng vẫn chưa xong.
Chuyện đi xe đò, thật là khó lòng!
Cảnh hỗn loạn, tao không còn nhẫn nại.
Nhân người quen có Honda, xin mua lại,
Ráng đèo nhau, để mình chạy được liền.
Tôi nghe nó nói, mà thấy ngạc nhiên,
Nên vội lên tiếng hỏi liền với nó:
Nha Trang - Sài Gòn, xa xôi thế đó,
Hơn bốn trăm cây số, đâu có dễ dàng?
Tao lái, hai con, rồi vợ vai mang,
Giữa hai chân là máy may, thùng đạn.
Chạy giặc mà sao phải đem theo đạn?
Thùng không phải để chứa đạn mà xăng.
Phải dự trữ đủ, thì mới chắc ăn,
Gặp nơi nào bán, là châm đầy tức khắc.
Nhờ Trời thương, xe không có trục trặc,
Nếu bể bánh, hư lặt vặt cũng phiền.
Và tao đã về đến Sài Gòn bình yên,
Giờ nghĩ lại, thấy mình hên thật đấy…
Nói đến đây, Lục hãi hùng trông thấy,
Ngưng một lúc, để lấy lại hăng say.
Rồi lại tiếp, vì chuyện vẫn còn dài,
Tao ở tạm nhà chú, ngay Chợ Lớn.
Đợi sức khoẻ, và tinh thần tạm ổn,
Trình diện Tổng Nha, tròn bổn phận mình.
Sáng ba mươi tháng tư, thấy tình hình,
Việt Cộng đã động binh gần xa cảng.
Vừa nghe tin tao vội vàng nghĩ đến,
Chở vợ con, ra thẳng bến Bạch Đằng.
Thấy tàu Đông Hải đang còn trên sông,
Liền đưa vợ con lên, không suy nghĩ.
Có khoảng năm trăm người, khi nhìn kỹ,
Hiện diện trên tàu, chuẩn bị sẵn sàng.
Đến 10 giờ 24 phút, nghe lệnh đầu hàng,
Thấy tàu vẫn im, nên vội vàng tìm hiểu.
Thì ra, tàu không có người điều khiển,
Nhưng may thay, trong số hiện diện đây,
Có thuyền trưởng, cơ khí, đã không may,
Bị tàu họ bỏ lại, thay vì đợi.
Đã tạo cho Đông Hải có cơ hội,
Được rời bến, vì đã tới giờ hàng.
Lại phát hiện, chỉ một máy sẵn sàng,
Tàu chạy “cà rịch cà tang”ra biển.
Bị Việt Cộng đã mấy lần xuất hiện,
Nhưng cuối cùng, ra đến biển bình an.
Dụng cụ hải hành, tất cả tiêu tan,
Chỉ nhắm hướng, để biết đàng mà chạy.
Và cuối cùng, thì cũng đâu vào đấy,
Sau mấy ngày, đã thấy đảo Pulau Redang.
Mọi người được xuống, và bị tạm giam,
Nhưng được cấp cho thức ăn thừa thãi.
Bốn ngày sau, có tàu Đại Dương ghé lại,
Đón một số người ở tại đó đi.
Tao liền theo lên tàu này tức thì,
Vì nghe nói, tàu sẽ đi đến Mỹ…
Hơn hai tuần, tàu lênh đênh không nghỉ,
Cuối cùng cũng đích thị đảo Guam.
Đúng vào ngày hai mươi ba tháng năm,
Đến Guam trễ, nên sang Pendleton cũng trễ.
Gặp mày đây, tao vui mừng khôn kể,
Người bạn đầu tiên, trong thế xa quê.
Cùng xuất thân từ vùng đất “Ba Mê”,
Mới thông cảm, khi nghe về miền núi…
Tao thấy vợ mày ngồi may suốt buổi,
May đồ nhà, hay của tụi nào nhờ?
Nhờ cõng máy theo, mà từ đó đến giờ,
Bả kiếm được tiền, lo cho tụi nhỏ.
Công việc của bả, thường thì chỉ có,
Sửa lại đồ, khi từ thiện họ cho.
Chỉ trẻ con, thì mới nhờ may đo,
Từ vải tháo của những đồ đã thải…
Vừa lúc đó, có một đôi trai gái,
Đi vào trại, có cầm vải trên tay.
“Khách của vợ tao”, Lục cho tôi hay,
Rồi kéo tôi ra bên ngoài nói chuyện.
Vợ, là khách thường trực của Thanh Luyến,
Chồng, phi công phụ, vận chuyển cơ C-130.
Tên là Khang, kể chuyện mãi không thôi,
Tao nghe đã thuộc hết rồi, chán lắm!
Chuyện gì vậy? Vui hay là sầu thảm?
Chuyện tẩu thoát, bảo đảm rất ly kỳ.
Cướp máy bay, táo bạo không ai bì,
Làm cho tôi, thêm hiếu kỳ muốn biết…
Rồi Lục kể tôi nghe, từng chi tiết,
Từ gia đình, đến công việc họ làm.
Khang, con thứ bảy của Mục Sư Nam,
Người đứng đầu một cơ quan truyền đạo.
Văn phòng ở Sài Gòn, Trần Hưng Đạo,
Có tám con, đều thích “dạo” không gian.
Người con trưởng, là thiếu tá không quân,
Ở Nha Trang, đã bất tuân thượng cấp.
Về Sài Gòn, khi Cao Nguyên vừa mất,
Con thứ tư, lái A-37 sát Biên Hoà.
Còn đứa út, lính không quân mới ra,
Ở Phan Rang, nơi quê nhà ông Thiệu.
Khi mặt trận Cao Nguyên vừa kết liễu,
Khang lén lấy C-130, liều bay mau,
Ra Phan Rang đón em, nhưng lạc nhau.
Đoàn tụ Sài Gòn, kẻ sau người trước…
Mấy cha con, bàn chuyện ra khỏi nước,
Cho bốn gia đình, đều được tham gia.
Gồm Mục Sư Nam, và ba thông gia,
Họ cũng đều là Mục Sư tất cả.
Để kế hoạch được thi hành kết quả,
Cần phải móc nối thiếu tá Kiểm ngay.
Ông là phi công chính C-130 này,
Vì Khang chỉ phụ, rất gay đánh cắp.
Địa điểm mà họ hẹn nhau để gặp,
Là phi trường bỏ hoang, gần Long Thành.
Chiều ngày ba, tháng tư, cùng đồng hành,
Bảy chiếc xe chở 53 người, nhanh đến chỗ.
Kiểm cũng đã đáp C-130 xuống đó,
Phi hành đoàn, còn có thêm hai người.
Tất cả đều cùng đến nơi kịp thời,
Mọi người lên máy bay, rời lập tức…
Cũng giờ này, bạn của tôi tên Lục,
Đang cố gắng đem hết sức mình ra.
Chở hai con, một vợ, trên chiếc Honda,
Đang gò lưng, để vượt qua rừng Lá.
Hai hình ảnh, thấy sao tương phản quá,
Cứ như là, “Bề trên đã thử lòng”.
Tôi thầm nghĩ, và chỉ biết cầu mong,
Cho bạn tôi, sớm thoát vòng bất trắc…
Để tránh ra-đa, Kiểm đã cân nhắc,
Bay sà sát mặt biển, ắt an toàn.
Và năm mươi sáu người trong phái đoàn,
Đã đến Tân Gia Ba an toàn trót lọt.
Hay tin, chính phủ Việt Nam rất “sốc”,
Bèn ra lịnh, cho người bốc hết về.
Chưa xong thủ tục, thì đã cận kề,
Ngày Sài Gòn đã thuộc về phương Bắc.
Họ đã được đón tiếp như thượng khách,
Lại thêm tiền trợ cấp hai chục ngàn,
Của hội Tin Lành ở Mỹ gởi sang.
Và thuê phi cơ riêng, mang đi gấp.
Đến đảo Guam, nhưng các trại chưa lập,
Nên họ phải bay đến đảo Saipan.
Rất tiện nghi cho chốn ở nơi ăn.
Khách sạn năm sao, khó ngăn cảm động…
Sau hơn một tuần đợi chờ, trông ngóng,
Máy bay quân sự chở vòng về Guam.
Và sau đó, được sắp xếp đưa sang,
Các trại tạm trú, nhiều tiểu bang ở Mỹ.
Mọi người đều khác nhau trong suy nghĩ,
Chọn đi trại Pendleton chỉ bốn người.
Vợ chồng Khang, ông Nam, và con gái Sophie,
Tôi tò mò hỏi, ông Nam trại số mấy?
Ông ở trại bốn, nổi tiếng lắm đấy,
Lập nhóm “thờ phượng Chúa” lấy danh chơi.
Hàng đêm, ông rao giảng cho mọi người,
Nhưng từ khi, nghe những lời bào chữa.
“Vì bổn phận phải tuân theo ý Chúa,
Nên mới vượt thoát qua cửa Tân Gia Ba”
Thì bà con đã từ từ lánh xa…
Sophie, trại bảy, cũng là khách của vợ.
Hội thánh gì mà sao không bảo trợ?
Ai mà biết…chuyện của họ làm gì.
Tao hơi có chút bực bội là vì ,
Khang luôn kiêu hãnh chuyến đi của họ…
Nếu công tâm, thì vào thời điểm đó,
Với Miền Nam, còn chưa rõ trắng đen.
Họ trốn đi, có lẽ là đầu tiên,
Còn đánh cắp C-130, tất nhiên có tội…
Sao ma mãnh, mà có nhiều thuận lợi?
Tôi tự hỏi, khi nghĩ tới bạn mình.
Gia đình Lục, phải chịu nhiều khổ hình,
Trời bất công, hay thực tình muốn thử???
Lòng người hiền lương, mới gây nên sự…
Bắt mình vượt qua, với bất cứ giá nào.
Mọi hy sinh, đều được trả giá cao,
Hai mươi lăm năm sau, nào ai biết…
Con gái bạn tôi, giờ nên danh hết,
Đứa bác sĩ chuyên khoa, rất biệt tài.
Đó là đứa lớn, còn đứa thứ hai,
Phóng viên chính, của một đài truyền hình.
Ở Dallas, thuộc tiểu bang Texas…
NGUYỄN SÁU
***
Trở về đầu trang |