Trở về trang Mục Lục
GIỌT LỆ ĐÊM GIAO THỪA
(Dựa theo ý truyện ngắn cùng tên
của NGUYỄN THANH DŨNG trên blog Người Phương Nam
(nguoiphuongnam52.blogspot.com/2019/giot-le-dem-giao-thua)
***
Xa quê từ lúc ấu thơ,
Đến nay mới có thì giờ về thăm.
Thời gian hơn hai mươi năm,
Bảo xong đại học, việc làm tương lai.
Nhân vào dịp tết năm nay,
Muốn mừng xuân mới, ở ngay quê nhà.
Sài Gòn, nơi Bảo sinh ra,
Việt Nam vẫn mãi thiết tha trong lòng.
Bạn bè đều một ước mong,
Hẹn nhau cùng sẽ đi trong dịp này.
Để xem cái Tết ở đây,
Còn trong ký ức, những ngày ấu thơ.
Dịp này ba Bảo có nhờ,
Ghé thăm người bạn, hiện giờ ra sao.
Có một ít quà cần trao,
Cho bạn tri kỷ, nhân vào Tết ta.
Để Bảo có dịp biết qua,
Cô con gái bạn, mới là mục tiêu.
Nếu hai đứa có tình yêu,
Thì nên tác hợp, là điều ước ao…
Và luôn tiện, nhờ Bảo trao,
Số tiền đóng góp của bao nhiêu người.
Giúp cho một Viện Mồ Côi,
Bạn ông bảo trợ, từ hồi lập ra.
Để cho Bảo biết sơ qua,
Việc làm đáng kính, của bà con ta.
Những người đầy lòng vị tha,
Sống trong xã hội quá là nhiễu nhương.
Biết bao nhiêu cảnh thê lương,
Sinh con bỏ lại nhà thương, chuồn liền.
Vì nghèo không có đủ tiền,
Hay vì nhỏ dại, chẳng kiêng giữ mình…
Sau đây là những tường trình,
Chuyến đi của Bảo, cảm tình đến đâu?
Xin mời đọc tiếp phần sau,
Để nghe đương sự kể hầu chúng ta.
*
* * *
Ngủ khách sạn, qua một đêm lấy sức,
Sau một chuyến bay liên tục khá dài.
Từ Bắc Mỹ lạnh lẽo bay về đây,
Sài Gòn trong ánh nắng mai rực rỡ.
Nhìn ngoài đường, thì đông nghẹt xe cộ,
Tiếng còi xe inh ỏi, thiệt ngộ ghê.
Sau khi điểm tâm bánh ngọt cà phê,
Tôi đi lo những vấn đề cần thiết.
Nơi tôi muốn đến thăm trước hết,
Là chú Tường, trao quà Tết cho Ba.
Tôi đến nhà, bằng xe ôm Hon-đa,
Chung cư Nguyễn Kim, thật là náo nhiệt.
Nhà nhà bận rộn, mỗi người một việc,
Chùi lư, lau cửa, trần thiết bàn thờ…
Hình ảnh ấy, tôi chưa thấy bao giờ,
Nơi tôi ở, chỉ lơ thơ người Việt.
Vào mùa này, nhìn đâu cũng thấy tuyết,
Chưa bao giờ biết đến Tết Việt Nam.
Không được nghỉ, ai cũng phải đi làm,
Nên đón Tết trong âm thầm lặng lẽ…
Qua cửa sổ, thấy nhà sao vắng vẻ,
Bèn đưa tay, tôi gõ nhẹ vào song.
Một cô gái bước ra từ bên trong,
Cười duyên dáng, tôi thấy lòng xao xuyến.
Cô nhìn tôi, và nhẹ nhàng lên tiếng,
Anh tìm ai? giọng thánh thiện dễ thương.
Xin lỗi cô, có phải nhà chú Tường?
Không nói gì, như cô đương suy nghĩ.
Rồi cửa mở, mời anh ngồi chờ tí,
Nhìn quanh phòng, đồ đạc chỉ đơn sơ.
Ngoài bàn ghể, còn có mỗi tủ thờ,
Nghĩ gia cảnh, chắc là cơ cực lắm…
Cô dìu chú Tường bước ra chậm chậm,
Tôi đứng lên, và cẩn thận cúi chào.
Rồi kéo ghế, để cho chú ngồi vào,
Nhìn người chú, tôi thấy bao mệt mỏi.
Đợi chú ngồi vào, tôi lên tiếng nói,
Cháu con ông M. từ Mỹ mới về.
Chú tỏ vẻ mừng vui, khi vừa nghe,
Rồi chậm rãi, hỏi thăm về sức khoẻ.
Và đề cập thời hai người còn trẻ,
Được chú Tường tuần tự kể cho nghe.
Cùng là binh chủng Quân Cụ chuyên nghề,
Có trách nhiệm chuyên lo về vũ khí.
Ba cháu là cấp chỉ huy của chú,
Nhưng ông ấy luôn cư xử ngang hàng.
Ở ngoài đời, cũng như tại cơ quan,
Nên cả hai đều rất thân từ đó…
Thấy chú mệt, và có hơi khó thở,
Cô lại vuốt ngực, hỗ trợ cho ông.
Chú bịnh gì vậy? có nặng lắm không?
Cô không trả lời, mà trông vào chú.
Và chú Tường mới kể hết tự sự,
Năm năm trước, khi vợ chú qua đời,
Vì tai nạn lưu thông gây chết người,
Chú phải làm vất vả nuôi tụi nhỏ.
Và năm ngoái, chú ngất xỉu tại chợ,
Khi chạy xe ba-gác, chở hàng giao.
Nhờ bạn hàng giúp đưa vào nhà thương,
Từ đó đến giờ, chú thường hay mệt.
Hai trai lớn, đã lập gia đình hết,
Lại sống ở xa, tận miệt Hậu Giang.
Nên con Loan, phải chịu cảnh gian nan,
Làm ca đêm, và đảm đang cơm nước.
Lo cho đứa em được tròn mộng ước,
Cố gắng học, để vào được chuyên môn.
Đại học sư phạm, là trường nó mong,
Chú thì lúc khoẻ, lúc không bất chợt…
Chú ngừng kể, để lắng niềm chua xót,
Những bất hạnh, gia đình trót phải mang.
Loan vẫn đứng cạnh, nước mắt dâng tràn,
Lời chú kể, làm cho nàng xúc động…
Để xoá tan bầu không khí lắng đọng.
Tôi móc phong bì, và trịnh trọng thưa:
“Thưa chú, đây là quà của Ba đưa,
Xin gởi chú, để dùng mua thêm thuốc”.
Chú Tường đã quyết liệt từ khước,
Nài nỉ mãi, mới được chú thuận lời.
Cám ơn Ba, và chú đưa lời mời,
Chiều ba mươi đến nhà chơi, ăn Tết…
***
Tối hai tám, tôi muốn đi cho biết,
Cảnh ăn chơi, ở nơi chốn vũ trường.
Qua báo chí, tôi đã biết đại cương,
Sài Gòn bây giờ “vui cuồng sống vội”.
Đến hôm nay, tôi mới có cơ hội,
Để chứng kiến về những lối ăn chơi.
Đi lang thang, tôi ghé vào một nơi,
Người gác cửa thấy tôi, hơi lưỡng lự.
Rồi cửa mở cho tôi vào tham dự,
Mới bước vào, chưa thấy đủ bên trong.
Vì ánh sáng mờ áo ở trong phòng,
Cô tiếp viên, đưa tôi vòng qua lại.
Nơi có ghế trống, ở gần sàn nhảy,
Bàn cạnh, ba cặp trai gái đang “phê”.
Các dĩa thức ăn còn lại ê hề,
Hai vỏ rượu đắt tiền kề bên đó.
Chắc là con của “bọn tư bản đỏ”,
Ăn chơi trác táng, không có ngại ngùng.
Rồi một đứa trong bọn, khoát tay “ngưng”,
Cả bọn đứng lên, như chừng lảo đảo…
Một cô tóc màu vàng khè độc đáo,
Đặt lên bàn, năm tờ bạc trăm đô.
Chúng đi ra, cô tiếp viên chạy vô,
Gom hết tiền, rồi nghe cô hẹn với…
Tiếng nhạc xập xình, âm thanh inh ỏi,
Sàn nhảy chật cứng, tôi dõi mắt trông.
Thấy toàn là bọn trẻ gì đâu không,
Ăn mặc diêm dúa, dìu trong tiếng nhạc.
Thỉnh thoảng, chúng rú lên như ma nhát,
Tôi cũng lấy làm kinh ngạc chuyện này.
Cô tiếp viên tiến đến hỏi tôi ngay,
Anh dùng gì? Cho em hay để lấy.
Một Heineken, mồi gì? khoan, chờ nóng máy,
Cho em một chai luôn đấy nghe anh.
Đem bia ra, cô vội vàng uống nhanh,
Chỉ một hơi, chai bia thành trống rỗng.
Hơi khó chịu với âm thanh náo động,
Và nghĩ đến nỗi thống khổ quanh đây.
Nơi chung cư, tôi đến thăm hôm nay,
Nghĩ đến Loan, tôi bèn thay đổi ý.
Muốn ra khỏi đây, không còn thiện chí,
Gọi tính tiền, tôi lại bị trách chê.
“Cái thằng khùng, như Hai Lúa dưới quê”.
Tưởng đêm nay được “hả hê” với nó…
Bước ra đường, vẫn dày đặc xe cộ,
Sài Gòn là một thành phố về đêm.
Trời đã khuya, mà xe vẫn như nêm,
Muốn qua đường, như tôi xem rất khó…
***
Chuyện Ba giao, tôi phải lo thực hiện,
Sáng hai chín, tôi đến Viện Mồ Côi.
Để giao tiền thu góp từ Ba tôi,
Nhờ xe ôm, đưa đến nơi Phú Nhuận.
Viện được thành lập, là do thỏa thuận,
Của một người đang ở tận Ca-Li.
Nhận bảo trợ tài chánh để thực thi,
Rồi bạn bè, ai biết thì đóng góp.
Nhìn cơ sở, thì giống như trường lớp,
Nhà hình chữ U, mái lợp ngói nâu.
Hai bên nhà trệt, ở giữa có lầu,
Vách bên ngoài, sơn màu vàng nhạt.
Người quản lý, tôi gọi ông bằng bác,
Ông tên là Dương, tuổi trạc bảy mươi.
Sau khi nhận tiền, đọc thơ Ba rồi,
Bác đưa tôi thăm các nơi trong Viện.
Có khoảng hai mươi cháu đang hiện diện,
Hầu hết do Từ Dũ chuyển qua mình.
Ở bên đó cũng có một “Làng Hoà Bình”,
Chuyên nuôi những trẻ mới sinh khuyết tật.
Quá đông, làng Hoà Bình trở nên chật,
Bé khoẻ mạnh, mình giúp nhận về nuôi.
Những bé này, thường là bị bỏ rơi,
Vì hoàn cảnh, mẹ sinh rồi trốn mất.
Nếu chẳng may, thấy con mình khuyết tật,
Cũng có khi là sự thật phũ phàng,
Vì quá nghèo, mà lỡ bị có mang,
Hay là do “kiếp hồng nhan phải đọa”,
Hoặc những cô gái, trẻ người non dạ,
Tất cả đều không dám phá bào thai.
Sinh con ra, thì lập tức trốn ngay,
Luân lý, đạo đức, ngày nay mất lối…
Các cháu ở đây đến lúc sáu tuổi,
Để có điều kiện theo đuổi học hành.
Nên được chuyển đến những nơi riêng dành,
Cho việc học tập sớm nhanh thành đạt.
Ngang qua nhà bếp, đến khu máy giặt,
Thấy hai cô gái xếp đặt áo quần.
Bác Dương lên tiếng ủng hộ tinh thần,
Rồi quay sang tôi, ân cần tiếp chuyện.
Hai cô này vào đây làm thiện nguyện,
Mỗi ngày các cô dành riêng hai giờ,
Vào đây để giúp công việc giặt đồ,
Tôi ngạc nhiên, thấy một cô trong đó.
Là Loan con bác Tường, tôi nhớ rõ,
Đang nhìn tôi e thẹn, tỏ ngỡ ngàng.
Tôi liền lên tiếng gọi tên nàng,
Loan!...Nàng cúi chào, tôi tràn hạnh phúc.
Nhưng cũng làm tôi ngạc nhiên hết sức,
Cô làm đêm, sao giờ trực ở đây?
Việc giúp đỡ, ôi thật quý lắm thay!
Sự kiện đó, đã thêm gây quyến luyến.
Và cũng đã mở đầu cho câu chuyện.
Bác Dương hỏi: “đã quen biết lâu chưa”?
Không thưa bác, chỉ mới vừa hôm qua,
Cháu đã có dịp đến nhà mới biết.
Vì hai ông bố, là bạn thân thiết,
Trước bảy lăm, họ làm việc cùng nhau.
Thời gian hai người xa cách đã lâu,
Nhân cháu về, Ba yêu cầu ghé đến.
Trao quà giúp Ba, tỏ tình thân mến,
Nhân dịp năm hết, tết đến cận kề.
Nghe tôi kể, bác Dương đưa vấn đề,
Loan rất chịu khó, không hề than vãn.
Sau khi mãn ca đêm, vào mỗi sáng,
Loan đều ghé, và giúp khoảng hai giờ.
Để lo công việc giặt sạch hết đồ,
Xong mới về nhà, lo cho giấc ngủ.
Qua câu chuyện trên, nên tôi tự nhủ,
Cô em này quả có đủ lòng nhân.
Thương kẻ khổ, mà không nghĩ đến thân,
Dầu sức khỏe, cô rất cần tĩnh dưỡng.
Sự thật đó, cho tôi rất ấn tượng,
Về tấm lòng đầy cao thượng hiếm hoi.
Sự đóng góp, tuy khiêm nhường nhỏ nhoi,
Việc làm ấy, là điều tôi coi trọng…
Lên lầu trên, là một phòng rất rộng,
Có hai bà, phụ trách trông các em.
Mấy đứa lớn, đùa chơi trên thảm mềm,
Một hàng nôi, cho những em bé nhỏ.
Tổng cọng có hai mươi em ở đó,
Vừa chào đời, bị mẹ bỏ đi luôn.
Tuy hồn nhiên, nhưng phảng phất nét buồn,
Vì thiếu vắng sự chiều nuông cha mẹ…
Tôi đưa tay bồng lên một em bé,
Em vui mừng, và bập bẹ “ba…ba…”
Bác Dương liền giải thích cho tôi là:
Những người đến thăm, hay xưng ba với cháu.
Đó là tiếng nói đầu đời quý báu,
Lẽ tự nhiên, bé chưa thấu hiểu gì.
Đã cho tôi, lại có dịp nghĩ suy,
“Thiếu tình thương, không có gì bù đắp”…
Rời khỏi Viện, tôi phải ghé chợ gấp,
Để mua thêm đồ khẩn cấp tôi cần.
Trước khi về khách sạn để nghỉ chân,
Và sắp xếp cho cái lần gặp tới…
***
Tôi đi dạo chợ hoa lúc gần tối,
Từng đoàn người lũ lượt nối đuôi nhau,
Quanh khu bán hoa rực rỡ muôn màu,
Mai, cúc, thược dược… cùng nhau khoe sắc.
Những chậu bonsai, giò lan… bắt mắt,
Cũng được bày bán dày đặc nơi đây.
Lạ hơn hết, là thấy có một quày,
Cũng mực tàu, giấy đỏ, bày ra viết.
Không phải chữ Tàu, mà toàn chữ Việt,
Kiểu “thư pháp”, trông mới thiệt là hay.
Những nét chữ như phượng múa rồng bay,
Được phóng tác bởi những tay “Đồ trẻ”…
***
Sáng ba mươi, tôi muốn nhìn tổng thể,
Sinh hoạt cuối năm vui vẻ ra sao.
Nên dùng xe ôm, tôi đã thuê bao,
Để dễ loanh quanh đi vào các chợ.
Xe cộ vẫn đông nghẹt trên đường phố,
Nhìn mọi người, ai cũng cố thật nhanh.
Để mua được những hàng rẻ riêng dành,
Vì người bán đang cần thanh toán gấp.
Cành mai, chậu hoa, trái cây úa dập,
Cũng được người khốn khó chấp nhận mua.
Để cho được đủ lễ, chẳng sút thua,
Cũng hoa quả, cúng Giao Thừa đầy đủ…
Tục lệ Tết, mọi người đều cố giữ,
Nhà nhà chuẩn bị, bất cứ giàu nghèo.
Dầu khó khăn, khổ cực, cũng phải theo,
Có mâm cơm cúng, dù nghèo cách mấy.
Những cảnh này, tôi không bao giờ thấy,
Vì người Việt sống ở đấy không nhiều.
Phong tục Việt, chẳng giữ được bao nhiêu,
Tết Nguyên Đán, quên mất tiêu không nhớ.
Vì mọi người đều đi làm bá thở,
Không có nghỉ, nên chẳng nhớ đến ngày.
Nay có dịp để tôi trở về đây,
Và hân hạnh được dự ngày vui đó…
Là được đến chú Tường, theo lời ngỏ,
Cũng vui thôi, không thấy có lạc loài.
Các bạn tôi, tụi nó không quen ai,
Nên dự tính tối hôm nay đi nhảy…
***
Vừa bước vào nhà, thì tôi ngửi thấy,
Mùi nhang thơm, còn đâu đấy chưa phai.
Chỉ hai chị em Loan, không có ai,
Nhìn chú Tường, ngày hôm nay thấy khoẻ.
Đưa cành mai cho Loan, tôi nói khẽ,
“Em cắm vào bình, để mé bàn thờ”.
Và khệ nệ đặt bao lớn đầy đồ,
Kế bên vách phòng, đẩy vô cho sát.
Rồi lấy những món quà đã sắp đặt,
Và trịnh trọng đưa trước mặt mọi người.
Chú Tường, bộ Âu phục rất hợp thời,
Mạnh, Cà vạt cho tuổi đời còn trẻ.
Nhưng với Loan, thì tôi hơi rộng rãi,
Cho nên ngoài ba xấp vải áo dài,
Còn có thêm một cái phôn cầm tay,
Em làm đêm, cái phôn này cần lắm.
Để hộ thân, trong những lúc rối rắm,
Anh trả phí cho nguyên năm xong rồi.
Quay qua chú Tường, tôi vội tiếp lời,
Có phôn này, ba cháu thôi mong đợi.
Ba sẽ gọi chú, khi nào cần tới,
Để chuyện trò, hay để hỏi thăm nhau.
Và thỉnh thoảng, cháu cũng có nhu cầu,
Thăm mấy em, hay nói câu khuyến khích…
Tôi làm công việc này, với mục đích,
Muốn hai gia đình, được xích lại gần.
Với tôi, dù chỉ gặp mới một lần,
Nhưng tình cảm, đã có phần kính nể…
Chú Tường bảo: “thôi dùng cơm kẻo trễ”,
Và chú đưa tay chỉ ghế tôi ngồi.
Trên bàn thức ăn đã bày sẵn rồi,
Những món truyền thống Tết, ôi có đủ.
Tô khổ qua hầm, thịt kho, giò thủ,
Bánh tét, chả lụa, củ kiệu, nem chua…
Đã đưa tôi về quá khứ xa xưa,
Từ ngày qua Mỹ, tôi chưa ăn lại.
Tôi trực nhớ đến ngay, chai rượu đỏ,
Mà lúc đến đây, tôi có đem đi.
Mạnh liền vào trong, lấy bốn cái ly,
Nhưng Loan từ chối, ngại vì con gái.
Tôi khuyên Loan: “rượu nhẹ, em đừng ngại”,
Chú Tường thêm vào “nói phải đó con”.
Lời nói như ngầm chấp thuận cho Loan,
Nên nàng cùng uống, không còn do dự.
Nhận thấy Loan luôn giữ gìn ý tứ,
Không hổ danh là “thục nữ đoan trang”.
Luôn giữ mình trong tư cách đàng hoàng,
Ý nghĩ đó, khiến tôi càng thiện cảm.
Không khí trong bàn, rất là thân mật,
Lúc đang vui, tôi liền nhắc món quà,
Mà tôi đã chuẩn bị từ hôm qua,
Để ngày đầu năm, cả nhà thăm viếng.
Nhìn chú Tường, tôi vội vàng lên tiếng,
Thưa chú, cháu có ghé viện mồ côi.
Cháu đã mua theo đúng kích cỡ rồi,
Hai mươi bộ đồ coi như chú tặng.
Chú Tường vừa nghe, liền từ chối thẳng,
Đâu có được cháu, chú chẳng nhận đâu.
Chú, hai em, và cháu, đi cùng nhau,
Mình kêu taxi, xuất hành đầu năm mới.
Quà cháu đã trao hôm lần đầu tới,
Xin chú đừng ngại gì với chuyện này…
Vừa lúc đó, có ai gọi vô đây?
Tôi móc phôn nghe, đúng ngay Ba gọi.
Cả nhà im nghe những gì tôi nói,
Để đoán biết xem câu hỏi bên kia.
Nghe toàn những tiếng “dạ” lia chia…
Dạ chưa gia đình…dạ chưa có hẹn…
Nhìn mặt tôi đỏ bừng vì e thẹn,
Và giọng nói, có vẻ hơi nghẹn ngào.
Không rõ lắm, nhưng Loan hiểu phần nào,
Rồi tôi đưa điện thoại trao qua chú.
Chú Tường vui mừng chào người “xếp cũ”,
Sau một hồi, thăm hỏi đủ mọi điều.
Chú Tường bảo “cám ơn ông Thầy nhiều”,
Nhưng chuyện đó, xin để tuỳ tụi nó…
Loan đoán biết, chuyện có mình trong đó,
Nên cúi mặt, không dám ngó nhìn quanh.
Còn tôi, thì niềm vui sướng hiện nhanh,
Chuyện chưa dám tỏ, giờ thành sự thật.
Và câu chuyện, có thêm phần thân mật,
Tôi tỏ bày, ước vọng rất chân thành.
Muốn cho Loan được mọi sự an lành,
Bớt vất vả, là điều anh mong ước.
Thưa chú Tường, tuy con mới về nước,
Nhưng con cũng đã thấy được hiện tình,
Trong cuộc sống xô bồ nơi quê mình,
Thì điều quý nhất, là tình nhân loại.
Thể hiện qua lòng chân thật và bác ái,
Sự hy sinh, không quản ngại gian lao.
Chuyện Loan làm, con đánh giá rất cao,
Tình cờ con biết, khi vào thăm viện…
Thưa chú, con xin tỏ bày ý nguyện,
Cho phép con được thể hiện lòng mình.
Muốn được là thành viên của gia đình,
Tiếng xưng con, sao mà tình hết sức!
Làm cho Loan, thấy lòng mình rạo rực,
Liếc nhìn tôi, rồi lập tức quay đi.
Để che dấu, nước mắt đang tràn mi,
Vì cảm động, hay là vì hạnh phúc?
Chắc cả hai cảm xúc cùng một lúc,
Nên nước mắt đã lập tức tuôn trào.
Chuyện diễn ra, như là giấc chiêm bao,
Tình cờ quá, không làm sao ngăn được…
NGUYỄN SÁU
***
Trở về đầu trang |