Trở về trang Mục lục

ĐI CHƠI CHÙA HƯƠNG

Truyện của NGUYỄN GIỤ HÙNG

CHƯƠNG III
PHỤ LỤC

BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM DIỆU THIỆN
hay PHẬT BÀ CHÚA BA(1)

***

Hương Tích là chỗ đức Quán Thế Âm Diệu Thiện tu hành.

Động Hương Tích có một lịch sử còn được ghi rõ ràng trong cuốn thơ cổ “Quán Thế Âm Diệu Thiện.” Ngài Quán Thế Âm Diệu Thiện là người đắc đạo tại Hương Tích.

Lược kể rằng:

Ở Tây Trúc, một vị vua có ba người con gái, không có con trai cho nên nhà vua muốn chọn phò mã. Bà công chúa thứ nhất và thứ hai thuận chọn phò mã. Nhưng công chúa thứ ba, gọi là bà chúa Ba lớn lên thì không muốn lập gia đình, không chịu kén phò mã. Nhà vua tức giận rầy la nhưng bà khẳng định nhất định không lấy chồng mà đòi đi tu. Bao nhiêu lần nhà vua khuyên răn nhưng bà không nghe. Cuối cùng nhà vua tức giận liền đem gửi bà đến ngôi chùa và dặn vị Hòa thượng trụ trì chùa này phải đầy đọa khắt khe để bà nản lòng. Hòa thượng là người tu hành nhưng phải tuân lệnh nhà vua không dám cãi. Nhà chùa đã bắt bà làm những việc nặng nhọc mà bà chưa từng làm. Tưởng rằng đầy đọa bà một thời gian sẽ làm bà nản. Nhưng không, dầu khổ bà vẫn một lòng tu. Hoàng hậu nhiều lần tới thăm bà, thấy bà khổ sở, gầy ốm nên khuyên bà về nhưng bà vẫn cương quyết từ chối.

Sau ba năm, bà vẫn không sờn lòng, nhà vua tức giận ra lệnh phóng hỏa đốt chùa. Bỗng có một con hổ xuất hiện cõng bà chúa Ba sang tới tận Việt Nam. Tới động Hương Tích cọp để bà ở đó. Bà tu ở đây cho tới khi bà đắc đạo.

Vua cha già bệnh trầm trọng, khổ sở vô kể, không thuốc nào trị nổi vì nghiệp đốt chùa. Vì quá đau đớn, lở lói và lòng ân hận nên nhà vua truyền lệnh cho triều thần tìm ai chữa được bệnh cho nhà vua thì vua sẽ truyền ngôi cho. Tin ấy được đồn sang tới Việt Nam. Bà chúa Ba nay đã tu thành đạo, ngài có thần thông nên khi được tin đó ngài liền vận thần thông trở về Thiên Trúc. Về tới quê nhà thấy vua cha đương tìm người trị bệnh, bà xin vào chữa bệnh cho vua. Không ai biết bà là ai. Sau khi trị bệnh cho vua, bệnh của vua dần dần thuyên giảm rồi hết. Khi vua cha hết bệnh rồi, bà mới nói thật bà là công chúa Ba tu ở Việt Nam nay đã thành chánh quả và bà về đây để độ cho cha mẹ. Bà dậy cho cha mẹ Quy y Tam bảo, giữ gìn 5 giới và làm lễ sám hối để tiêu trừ nghiệp chướng. Độ xong bà lại quay trở về Việt Nam tu tiếp. Tu thời gian sau bà hóa ở động Hương Tích.

Đó là sự tích của Bồ tát Quán Thế Âm tức bà chúa Ba được ghi rõ ràng trong tập thơ cổ Quán Âm Diệu Thiện. Động Hương Tích là nơi hóa thân của ngài nên hàng năm luôn có ngày trảy hội chùa Hương để lễ ngài.

Dựa vào câu chuyện trên, Bồ tát Quán Thế Âm luôn được sùng kính ở Việt Nam vì hợp với tính chất đạo lý của người Việt , dù bị cha mẹ hắt hủi, hành hạ thế nào người con cũng vẫn một lòng hiếu thảo.

Ngoài chuyện Bồ tát Quán Thế Âm Diệu Thiện, ta còn có chuyện Bồ tát Quán Âm Thị Kính cũng với tính chất đạo lý một lòng thương người, thương chúng sinh và đức nhẫn nhục.

Cái hạnh của Bồ tát Quán Thế Âm là ĐẠI TỪ, ĐẠI BI là đem lòng thương yêu, giúp đỡ, giải cứu mọi ách nạn đến cho mọi loài chúng sinh không phân biệt là ai trong xã hội hay trong hoàn cảnh nào.

Bồ tát Quán Thế Âm, không là nam, không là nữ. Tuy nhiên, có khi ngài hóa thân thành nam, có khi ngài hóa thân thành nữ hay hóa thân dưới nhiều dạng hình tướng khác nhau cho phù hợp với hoàn cảnh để cứu độ chúng sinh.

Với tinh thần Phật Giáo Việt Nam, Bồ tát Quán Thế Âm thường được thờ dưới hình thức tượng mang thân nữ và thờ ngoài trời.

- Dưới hình thức người NỮ: Người MẸ trong gia đình luôn thể hiện đức tính thương yêu của người mẹ hết lòng che chở, an ủi, vỗ về, hy sinh kể cả than xác cho những đứa con của mình, nó phù hợp với hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm. Do đó biểu tượng Bồ tát Quán Thế Âm, đối với người Việt Nam luôn là hình tượng của người nữ như một “từ mẫu” trong gia đình.

- Bồ tát Quán Thế Âm thường được thờ đứng ngoài trời với tay trái cầm bình “thanh tịnh” đựng nước “cam lồ” và tay phải cầm “cành dương liễu”.

* Bình “thanh tịnh” tượng trưng cho thân xác này. Sau khi quy y Tam giới, giữ được “ngũ giới” (không sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói dối và không uống rượu) thì được gọi là người thanh tịnh. Bình có thanh tịnh thì mới chứa được nước cam lồ.

* Nước “cam lồ” tượng trưng cho lòng từ bi. “Cam lồ” đúng nghĩa là “cam lộ” tức là nước sương hứng ngoài giữa trời, trong mát, ngọt ngào.

* “Cành dương” mềm nhưng không gãy khi gặp gió mạnh hay phong ba bão táp. Nó tượng trưng cho đức nhẫn nhục. Có nhẫn nhục mới trải lòng từ bi cho mọi người.

Cầu lạy Bồ tát Quán Thế Âm là cầu lạy gì?

Lậy ngài là ta nguyện theo cái hạnh TỪ BI, cái đức NHẪN NHỤC và cố gắng GIỮ GÌN NĂM GIỚI THANH TỊNH. Giữ giới thanh tịnh là bước khởi đầu để phát tâm từ bi, thực hành hạnh nhẫn nhục. Nếu ta chỉ biết lạy đề cầu xin thì thờ ngài cũng chỉ như thần và thờ ma quỷ vậy thôi.

  

***

Ghi chú

(1) Nguồn: Bài thuyết giảng của Hòa Thượng THÍCH THANH TỪ.


Trở về đầu trang